KỶ NIỆM KHI ĐƯỢC TRANH TẾT NGÀY XUÂN

 

Thế là một Xuân nữa lại đến.

Xuân làm nở những nụ cười trẻ thơ khi được tiền mừng tuổi, nhưng người già lại buông tiếng thở dài bởi quỹ thời gian lại hao đi một chút.

Cứ đến Xuân là tôi lại nghĩ đến những câu thơ tả cảnh thoang thoảng mà đẹp như tranh vẽ: “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng” hoặc “Những cánh bướm chập chờn trôi trước gió/ Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa” (Anh Thơ). Những cảnh đó mất dần, nay chỉ còn đôi chút hoài niệm.

Xưa, Tết đến, làng Đông Hồ nhộn nhịp in tranh gà lợn. Phố Hàng Trống hửng màu với các tranh thờ.

Thiên nhiên thì vẫn thế. Núi vẫn nhấp nhô. Sông vẫn uốn lượn. Nhưng cảnh đời thay đổi đến chóng mặt.

Trai gái không bay bổng trên những cây đu tự tạo ven làng mà chễm chệ trên ghế của những chiếc đu quay hiện đại. Các bạn trẻ không thèm bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành mà tìm mua Pizza, KFC, Hambuger… vừa có chất Tây lại vừa bổ, béo.

Những công nhân cả năm nỗ lực làm việc chỉ mong chóng đến Tết để được thưởng Tết và mong sao sớm mua được vé tàu xe để về quê sum họp.

Ngày xưa thì “tối như đêm ba mươi”. Nay tối 30 lại sáng hơn bao giờ hết. Mọi người ngồi bên chiếc ti-vi sáng trắng nghe Chủ tịch Nước chúc Tết; sau đó được dịp hả hê cười thỏa thích khi được gặp “Ngọc Hoàng” (Quốc Khánh), “Nam Tào” (Xuân Bắc), “Bắc Đẩu” (Công Lý) và được nghe các báo cáo của các Táo đầu ngành mà không nhịn được cười.

Cả năm tất bật công kia, việc nọ. Cười vài tiếng đồng hồ đêm cuối năm cho bõ công chờ và theo “nguyên lý” dân gian: “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”.

Tranh “Con Gà” do họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tặng nhà điêu khắc Trần Tuy năm Giáp Tý 1984

 

Tranh ký họa Nguyễn Tư Nghiêm vẽ Tr.T sau Tết Canh Ngọ 1990

*

Mặc cho thế sự xoay vần, các họa sĩ đón Xuân theo cách của mình. Họ “khai bút” để tặng đời, tặng người, giống như các ông đồ già trên phố ngày xưa, nằm bò ra cho chữ thiên hạ!

Qua báo chí thấy đồng nghiệp vẽ tranh Tết quá đẹp. Riêng tôi, năm nào cũng vậy, vẽ cái gì cũng được nhưng thường khai bút vào khoảng khắc thiêng liêng lúc giao thời giữa hai năm cũ, mới.

Vẽ rồi lại nghĩ đến những kỷ niệm để đời qua những lần được hai đại thụ Nghiêm – Phái cho tranh ngày Tết. Tranh nhỏ thôi nhưng niềm vui có được thì lớn lao từ lúc nhận cho đến tận bây giờ.

Ai cũng biết, hình như ông Phái không mấy chú trọng đến năm mới là năm gì, vẽ con gì. Và gặp cái gì ông cũng vẽ thành họa phẩm, cũng đụng đến con mắt và trái tim mọi người.

Ai vẽ tranh trước hết cũng muốn tạo ra được cái đẹp để “trình làng” và ai mua thì bán. Nhưng thời đóng cửa, Tây mấy khi vào, ta thì năm, sáu người sống trong độ chục mét vuông, làm gì có chỗ để treo tranh, càng không có tiền để mua. Nên ông cho, tặng cũng nhiều.

TRẦN TUY – Hạ mãn, thu lai. 1993. Giấy dó. 37x47cm (Vẽ trước khi Tr.T bị tai biến năm 2006). Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Có năm tôi đến thăm ông và biếu ông chai rượu. Ông cảm ơn và cao hứng thế nào, ông chỉ vào một chồng bìa, bảo “Tặng Trần Tuy (Tr.T) một cái. Tùy chọn”. Tôi xin nhận một bức trong vài ba chục bức.

Khách ngồi bên cạnh ông Phái là họa sĩ Nguyễn Trọng Niết đến chơi trước đó cũng nói: “Lúc nãy, tôi cũng thích bức này”.

Cũng một dịp Tết năm khác (1981), gặp ông trên phố, tôi rụt rè hỏi ông năm nay ông vẽ gì. Ông lục tìm trong ví một tờ “các” đưa cho tôi và bảo “may còn một cái cho Tr.T nốt”. Mặt sau tấm “các” in tên Bùi Xuân Phái và địa chỉ. Mặt trước vẽ một gà trống như con tò he ngoài chợ cùng vài mảng màu xanh đỏ ở đuôi và cánh. Phía trên có dòng chữ Chúc mừng năm mới, bên dưới là ba chữ Xuân Tân Dậu.

“Cho nốt” có nghĩa là ông vẽ nhiều tấm các như thế này để làm quà tặng. Không biết những tấm khác ông vẽ cái gì hay may mắn thay nếu con gà này chỉ có một?

Gần Tết năm 1983 vì Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật đi Nga làm luận án, tôi tạm thay quyền, tổ chức buổi liên hoan gặp cộng tác viên trong đó có ông Phái.

Ăn uống xong, khách ra về, mọi người cố giữ ông Phái lại để xin ông vẽ chân dung.

Tranh Con gà trên tấm “các” do Bùi Xuân Phái vẽ tặng Tr.T trên tấm “các” năm Tân Dậu 1981

 

Tranh ký họa Bùi Xuân Phái vẽ Tr.T gần Tết Nguyên đán Quý Hợi 1983. Mọi người lại bảo Trần Tuy trông giống họa sĩ Văn Dương Thành.

 

Tranh ký họa Bùi Xuân Phái vẽ Tr.T năm Giáp Tý 1984 tại nhà họa sĩ Vũ Dân Tân

Bụng đã no, rượu đã ngấm, hưng phấn lên cao ông vung bút vẽ liền bốn chân dung. Không có giấy vẽ, tôi đành “tham ô”. Lấy năm tờ bìa khổ to (55cm x75 cm) của cơ quan để vẽ cho bốn người mà có thể ông chả biết ai vào ai (đó là các bạn trẻ Minh Tâm, Lê Đình Chuyện, Tạ Thanh Hằng, Lê Cường). Biết tôi là người cuối cùng ông sẽ không bị hạn chế thời gian vì thế nên ông cầm bút dạ to “xỉa” vào giấy chậm rãi từng nét, từng nét như đục gỗ. Động tác thì như người lên đồng, thần thái như người quá chén còn hiệu quả bức vẽ thì trông mặt tôi mọi người bảo giống một nữ họa sĩ xinh đẹp (Văn Dương Thành).

Có lần ông cho tôi một bức vẽ nhỏ bằng bàn tay, vẽ một cô gái khỏa thân nằm quay lưng ra ngoài. Màu đơn giản, tấm lưng vuông chằn chặn không eo ót, không mông, ngực, nhưng bức tranh lại hấp dẫn ông bạn cao niên của tôi lắm lắm. Ông mấy lần đến nhà, năn nỉ tôi nhượng lại. Tính cả nể, tôi xiêu lòng (nay có người bảo tôi, ông cũng bị “xiêu lòng” để cô gái đến…nằm ở nhà một ông bạn khác).

Một lần gặp Bùi Xuân Phái tại nhà họa sĩ Vũ Dân Tân, ông lấy cuốn sổ tay vẽ tôi. Vẽ xong ông xé bức vẽ đưa cho tôi và nói “Tặng cậu”. Quá bất ngờ và sung sướng trước bức hình ngẫu hứng vẽ, nhanh mà bắt đúng nhân vật, tôi chỉ còn biết chắp tay “em vái cụ”! Tôi đã in bức này trong mấy lần ra sách riêng.

Thế đấy. Ông Phái cho đi rất nhiều và nhận lại một cái kết cũng đầy hãnh diện: đó là lòng yêu mến, sự khâm phục tài danh của Người công dân số 1 đất Hà Thành, được đặt tên một con phố đẹp và một giải thưởng lớn của Hà Nội mang tên ông: Giải thưởng Bùi Xuân Phái!

*

Ông Nguyễn Tư Nghiêm thì lại khác. Ông sống nội tâm và khép mình. Ông không vẽ sơn dầu và nhiều tranh nhỏ như ông Phái nhưng ông lại có những bức sơn mài to như: “Phá kho thóc, Con nghé, Đêm giao thừa ở Hồ Gươm, Thánh Gióng, Điệu múa cổ” và vẽ nhiều tranh con giống bằng bột màu trên giấy dó. Có đến hai lần ông nói với tôi là ông thích vẽ trên giấy dó vì nó dai, hút màu và nếu nó nhăn, nhàu lại tạo nên cái duyên đặc trưng của chất liệu giấy dó (có lẽ vì ưu thế đó mà lớp con cháu sau ông như Đỗ Đức, Nguyễn Xuân Tiệp, Đào Thành Dzuy…đều đi theo con đường ông đã chọn, có được những tác phẩm giấy dó rất đẹp với tay nghề khá điêu luyện).

Hồi tôi ở Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật có mấy lần nhờ ông vẽ phụ bản cho tạp chí. Ông thường đưa phác thảo, bảo tôi can tách màu hộ, thuê thợ làm bản khắc gỗ và theo dõi in. In xong, tôi đem trả bản mẫu, may quá, ông bảo “Cho Tr.T làm kỷ niệm” nên tôi mới có mấy bức phác thảo Thánh Gióng, Gà…quý giá của ông.

TRẦN TUY – Tắm tiên. 2018. Acrylic. 40x43cm (Vẽ lúc 0h ngày mùng 1 tháng 1 năm 2018 dương lịch)

Sau Tết Canh Ngọ (1990) mấy ngày, đến thăm ông. Tôi vẽ ông và ông vẽ lại. Vừa vẽ ông vừa nói “Tưởng vẽ Tr.T dễ mà hoá ra lại khó”. Tôi thưa “Vâng. Nhiều người cũng nói thế. Họ còn nói mặt em không có đặc điểm!”. Ông tỏ vẻ chần chừ như muốn thay giấy vẽ, tôi vội bảo “Thế nào cũng được ạ, em chỉ cần mấy nét kỷ niệm của bác”. Nghe vậy, ông đề tặng và ký tên: Nge 90 (Theo tôi phán đoán: Nge là viết tắt ba chữ Người yêu em giống như họa sĩ Trần Quang Trân trước đây ký tắt là Ngym – Người yêu mình. Về việc này phải hỏi Quang Việt và Hoàng Anh – những người gần gũi và viết bài về ông Nghiêm xem có đúng thế không).

Một Tết năm con rắn, tôi nhờ ông vẽ rắn và nghĩ: vẽ rắn khó đẹp vì rắn không có ưu thế về hình thể. Và hồi hộp xem ông vẽ thế nào. Không ngờ ông vẽ cả một đôi trên thân có nhiều hoa văn đẹp như….vẽ, chúng quấn quít lồng xoắn vào nhau, tạo một hiệu quả sống động và bố cục thì chặt chẽ vô cùng.

Năm 1984, ông vẽ cho chúng tôi một con gà trống với một bố cục thật “thông minh”. Màu sắc chủ yếu là da cam, đỏ nhạt và xanh lợt ấm áp, sâu đậm, đường nét chặt chẽ đầy chất trang hoàng với nhiều vạch thẳng, đường cong, nét xoắn tương phản hoặc đưa đẩy nhau rất vui mắt.

Tôi nhớ hồi năm 1959, trường Mỹ nghệ được thành lập, ông có dạy chúng tôi một thời gian ngắn. Chúng tôi thường rỉ tai nhau: làm bài nộp thầy Nghiêm chấm phải vẽ các màu xỉn, tối, mới mong có điểm tốt (?).

Quả vậy, bức Con gà vừa nói, màu cũng “xỉn”. Nó là gout màu của thày Nghiêm: không rực rỡ mà sâu lắng và có duyên ngầm.

Năm xưa, hồi ông Nghiêm còn ở trong một căn phòng nhỏ (độ 15m2) phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, tôi có mấy lần đến thăm ông.

Phòng chật nên dù ngăn nắp thì trông vẫn thấy bề bộn: tranh để từng cặp, những chai lọ cổ, một xâu chó đá cùng những chiếc thớt gỗ…

Ông ngồi thanh thản như một đạo nhân, nhấp chén trà trên chiếc bàn gỗ nhỏ (độ vài chục phân vuông) kê bên cạnh cửa sổ, ngay phía trên ông treo bức tranh “Điệu múa cổ”. Đây là đề tài (như một mô-típ của riêng ông) ông vẽ nhiều bức khác nhau.

Trong tranh, độ chục các bà, các cô đang nhảy múa. Những vạt áo tứ thân, những chiếc thắt lưng bay tõe ra như hòa cùng với những cánh tay cong dẻo. Hậu cảnh là các hình mây trời, cây trái được cách điệu, sắp xếp như một mảng phù điêu ở đình làng.

Trong hàng trăm (?) bức vẽ múa cổ mà ông chỉ treo bức này bên cạnh nơi ông ngồi thì chắc ông thích nó lắm.

Đến bây giờ, tôi vẫn còn tiếc. Sao hồi đó mình không dám hỏi mua bức tranh đó nhỉ. Nếu có thì nay đã là một vật phẩm vô giá (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) trong nhà mình rồi.

Kể tiếp vài chuyện vui nhưng xin bạn đọc đừng cho tôi là “thấy người sang bắt quàng làm họ” nhé. Là mấy vụ “so” giống như thế này: Hồi mới vào trường, (khoảng 1960) hoạ sĩ Ngô Tôn Đệ dẫn chúng tôi đi nông thôn vẽ ký hoạ.  Nhìn tôi đứng dạng chân, tay trái cầm chiếc bảng vẽ tỳ vào bụng, tay phải cầm bút, chăm chú vẽ. Thày Đệ cười nói: “Trông Tr.T mình lại nhớ đến ông Nghiêm thời còn vẽ ở kháng chiến” (họa sĩ Ngô Tôn Đệ – nguyên Hiệu phó Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, năm nay 90 tuổi vẫn vui vẻ khoẻ mạnh).

Còn họa sĩ Quang Phòng khi viết một bài báo (năm 1997) cũng có đoạn so: “Ngày mới gặp Trần Tuy, tôi như được thấy lại Nguyễn Tư Nghiêm hơn 20 năm về trước… Không những họ giống nhau về hình thức dáng người, về tính tình mà cả về sở thích nghệ thuật nữa. Cũng như Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Tuy rất mê nghiên cứu vốn cổ. Khi mới về làm Tổng Biên tập Tạp chí, việc đầu tiên của anh là mở mục “chuyên đề nghiên cứu vốn cổ dân tộc Việt Nam”.

Có lần, họa sĩ Huy Oánh – nguyên Hiệu phó trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội hỏi tôi: “Ở Hà Tĩnh, cậu ở huyện nào?” “Sao anh lại hỏi thế?” “Vì tôi thấy cậu giông giống Lê Huy Hoà”.

Tôi biết anh Hoà người Hà Tĩnh. Và theo “quy luật” đơn giản, vui vui này thì ai giống người nào (mà người ấy ở vùng nào) thì họ cũng ở  vùng ấy à?!.

Họa sĩ – Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương lại bảo “Tr.T giống Lê Văn Lan”. Có vẻ nhận xét này có lý một chút vì hơn chục năm trước, tôi lên Thái Nguyên, nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài đưa tôi đi thăm chợ. Từ xa, một bà vẫy tay “Nhà sử học… Lê Văn Lan lại đây mua chè cho em đi” “Không. Tôi không phải Lê….” “Thầy không mua thì thôi. Việc gì thầy phải chối. Em thấy thầy trên ti – vi “nuôn”!”

(Ơ hay nhỉ! Chân dung giống thì tính cách và cuộc đời cũng thường na ná. Thế mà những người vừa nói đều là những người anh tài, đức cao vọng trọng thì làm sao lại bảo tôi giống họ được. Ngượng chết. Thảo nào ông Nghiêm tưởng vẽ tôi dễ lắm).

Tôi rút tiền mua vội hai cân chè!

*

Nay thì hai họa sĩ cuối cùng của bộ tứ tài danh Sáng – Nghiêm – Liên – Phái không còn trên dương thế. Nhưng kỷ niệm về mấy lần gặp gỡ với hai ông thì tôi nhớ như in.

Mưa bụi vẫn rơi. Những cánh bướm vẫn chập chờn. Hàng ngàn bức vẽ của hai ông vẫn được những người yêu tranh trong và ngoài nước lùng tìm, săn đuổi, bởi mỗi bức tranh đều mang lại cho họ – nhất là trong mùa Xuân này, một hoạ phẩm để ngắm, để hãnh diện, để dội lên một nỗi nhớ bồi hồi và một liên hệ buồn buồn về cái hữu hạn và cái vô hạn của cuộc đời nghệ sĩ !

Trần Tuy (1.2018)

(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 301 & 302 tháng 1-2 năm 2018

Tin cùng chuyên mục

Một kỷ niệm với Trần Duy

Một kỷ niệm Huế, những ngày tháng Tám… Tôi quen Trần Duy từ thuở ấy. Hai đứa gặp nhau ở Sở Tuyên truyền Trung bộ mới thành lập. Bấy giờ, anh Nguyễn Duy Trinh là Ủy trưởng Tuyên truyền Trung...

Chuyện ông Ba Đông

Với chiếc xe đạp mini mua từ năm nảo năm nào, thoắt cái ông ở chỗ này chỗ nọ. Trong nhà ông, tranh lụa, tranh sơn dầu, sơn mài… chật cả phòng khách. Còn ở phòng vẽ thì ngổn ngang những tranh...

Con trâu là đầu cơ nghiệp… nay đâu?

Năm 2004, tôi được mời sang Bordeaux tham gia một dự án Nghệ thuật. Một ngày cuối tuần đi dạo ven dòng sông Ga-Rôn cùng giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Dominik Lobera, tôi bắt gặp 17 cụm tượng thép...

35 năm chặng đường thăng trầm của Nhà xuất bản Mỹ thuật

  Đầu năm 2009 tôi về công tác ở Tạp chí Mỹ thuật (TCMT ), khi đó TCMT đã hơn 30 tuổi và Nhà xuất bản Mỹ thuật (NXBMT) hơn 20 tuổi. Ban đầu tôi nhận nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập TCMT,...

BÁN TRANH

  Cô Minh, con gái họa sĩ Trần Lưu Hậu, từng đứng bán tranh ở gallery số 7 Hàng Khay năm xưa…trong một lần trò chuyện với tôi, cô bảo: “Không có tranh đẹp hay tranh xấu chú ạ, chỉ có...

Tin cùng chuyên mục

Họa sĩ Trần Tuấn đạt Giải Nhất cuộc thi Nghệ thuật Quốc tế ITSLIQUID lần thứ 12

Trần Tuấn là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam với nhiều tác phẩm được trưng bày rộng rãi trong nước và quốc tế. Lấy cảm hứng từ Tâm linh phương Đông, các tác phẩm trừu tượng của ông...

Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện “Cuộc thi và Triển lãm Mỹ...

Phát động cuộc thi vẽ tranh ‘Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa’

(Chinhphu.vn) – Được sự nhất trí của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Việt Nam (Bộ VHTT&DL), Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Trịnh Gia tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Di...

Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành khoá IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024)

Sáng ngày 30/05/2024, tại tầng 3 Nhà triển lãm Mỹ Thuật 16 Ngô Quyền, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành khoá IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024) kỳ thứ 7...

Khai mạc triển lãm tranh sơn mài của hoạ sĩ Đinh Quân

Ngày 27 tháng 5, triển lãm tranh sơn mài chủ đề Thiên Khải (Genesis) của hoạ sĩ Đinh Quân do Bến Thành Art tổ chức đã chính thức được khai mạc tại An Gallery, 159 Đồng Khởi, TP. HCM. Trong triển lãm...

Có thể bạn quan tâm

Hành trình của họa sĩ Pháp đầu tiên ở Đông Dương Gaston Roullet HÀNH TRÌNH CỦA HỌA SĨ PHÁP ĐẦU TIÊN Ở ĐÔNG DƯƠNG GASTON ROULLET

    Cuối thế kỉ 19, những chuyến du hành và viễn chinh của Pháp ngày càng mở rộng địa lí về phía Đông, đồng thời đã mở rộng khái niệm “phương Đông” mà trước đó thường...

TRANH LỤA TRẦN DUY

    Vào khoảng giữa những năm 1960, Trần Duy, nhờ những điều kiện khách quan, thực sự bắt đầu chuyên tâm hẳn vào hội họa. Ông vẽ sơn dầu, bột màu, thuốc nước, sơn mài, và chú trọng...

“TIẾNG GỌI” HUYỀN DIỆU CỦA TRẦN HÀ

    Năm sáng tác: Khoảng 1938-1940 Chất liệu: Sơn mài Khuôn khổ: 200×100 cm (không tính khung gốc do tác giả thiết kế kèm theo) Sưu tập tư nhân, Hà Nội Ước đoán bức tranh được sáng tác...

ĐÔI NÉT VỀ KHÓA MỸ THUẬT KHÁNG CHIẾN

 (Bài viết riêng cho số chuyên đề của Tạp chí Mỹ thuật) Năm nay, 2020, vừa tròn 70 năm ngày khai giảng Khóa” Mỹ thuật Kháng chiến” ở chiến khu Việt Bắc… Mấy chục năm đã trôi qua, từ lúc...

TẾT NÀY CÓ CHUYỆN VẼ SEN

  Ai cũng biết, 2020 là một năm đặc biệt kỳ lạ, không phải chỉ ở ta, mà cả thế giới đảo lộn vì đại dịch Covid, liên miên thiên tai và đủ chuyện khó khăn khác. Mà chắc ai cũng thấy rất...