Trong các họa sĩ tôi may mắn được biết, mà thường là được thân thiết, thì họa sĩ Hoàng Công Luận là một trong những người tôi đã được biết và thân thiết sớm nhất, ngay từ những năm 1975-1976, khi chú vừa chuyển từ Quảng Ninh về Hà Nội, và công tác cùng họa sĩ Quang Phòng, bố tôi, ở Nhà xuất bản Văn hóa trên phố Lò Đúc.
Năm ấy tôi mới 16-17 tuổi.
Tôi vẫn còn nhớ chú Hoàng Công Luận ngày ấy cao lênh khênh và rất gầy. Chú cứ gầy như thế dễ đến mười mấy năm nữa. Vào mùa đông, trông chú càng gầy hơn trong chiếc áo bông mỏng rộng thùng thình màu tím than của thời bao cấp. Một người bạn tôi bảo trông chú giống như pho tượng “Tuyết Sơn”!
Cũng trong một thời gian dài, chú Hoàng Công Luận không có xe đạp. Đi đâu với chú, bố tôi đều phải dắt xe đạp cùng đi, vì bố tôi và chú đều cao, nếu đèo nhau thì chắc chiếc xe “Phượng hoàng” nữ cũ kỹ của bố tôi không chịu nổi… Vậy là, cả bố tôi và chú lại càng có thêm nhiều thời gian để trao đổi về công tác, về nghệ thuật, về thời cuộc. Sau, mỗi lần nhớ lại những cuộc “đi bộ” ấy, chú Luận lại tỏ ra bùi ngùi, lưu luyến, chú bảo cũng nhờ thế mà chú đã học được ở bố tôi rất nhiều.
Thời gian đầu về Hà Nội, gia đình chú Hoàng Công Luận ở cùng bên nhà nội ở phố Phù Đổng Thiên Vương, diện tích riêng của cô chú chỉ đủ kê một cái giường. Một lần tôi đến thì được gặp cả bố chú và em Cương (con trai đầu của chú). Ồ! Bố chú, chú và em Cương giống nhau làm sao! Về tôi nói vui với bố tôi: “Hôm nay con được gặp đến ba chú Hoàng Công Luận”. Bố tôi cười khoái trá.
Tháng ba năm 1979, bố tôi và chú Hoàng Công Luận cùng đi vẽ ở Huế, được ông Phạm Đăng Trí, bạn cũ của bố tôi, tiếp đãi rất ghê.
Năm 1980, bố tôi lại cùng chú Hoàng Công Luận đi vẽ ở Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả (chỗ họa sĩ Phạm Phi Châu). Hôm tiễn bố tôi đi cũng là hôm đầu tiên tôi được gặp vợ chú, cô Vũ Thị Cầm. Riêng em Phương (con trai thứ hai và cũng là con út của chú Luận), tôi chỉ biết khi em đã sắp lấy vợ.
Đấy là những chuyến đi vẽ xa, còn vẽ gần, thì bố tôi và chú Luận vẫn còn tiếp tục đi với nhau cho mãi đến đầu những năm 1990. Lần cuối cùng là vẽ ở Láng.
Bố tôi thương chú Luận lắm, xem chú như một người em. Mỗi khi chú vui hay được thưởng thức một chén rượu ngon, một bữa cơm ngon, bố tôi cũng rất vui. Gặp cái gì hay hay, bố tôi thường nhắc: “Cái này Hoàng Công Luận thích đây”.
Mẹ tôi là cựu nữ sinh Đồng Khánh (Huế), có môn kho cá tuyệt chiêu. Hôm nào có cá kho, bố tôi lại rủ chú Luận về nhà ăn cơm. Chú luôn luôn dặn mẹ tôi: “Chị nhớ nấu cơm nhiều nhiều vào nhé.”
Công tác ở Nhà xuất bản Văn hóa cùng bố tôi mới được năm, bảy năm thì chú Hoàng Công Luận lại chuyển sang công tác tại Tạp chí Mỹ thuật. Hình như đây là con đường phát triển tiếp theo của chú. Cuộc sống của chú cũng dần dần ổn định hơn, được phân nhà ở Khu tập thể Thanh Xuân, có xe đạp, dẫu vẫn chưa có gì gọi là dư dả.
… Năm ông Huỳnh Văn Gấm mất (1987), chú Hoàng Công Luận có đặt bố tôi viết bài để khóc ông. Bài “Cái còn là… nghệ thuật” ấy bố tôi đã coi như một “bức chân dung” hay nhất mà bố tôi đã từng viết về một họa sĩ trong suốt cuộc đời.
Năm 1990, chú Hoàng Công Luận trở thành Tổng Biên tập.
Năm 1991, chú có triển lãm cá nhân (chú đã có bốn lần triển lãm cá nhân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 1993, chú cùng với chú Lưu Yên ra sách “Hội họa cổ Trung Hoa và Nhật Bản” (trước đó, năm 1989, chú ra sách “Picasso”). Hoạt động tích cực về báo chí của chú Hoàng Công Luận cũng đã góp phần vận động thành công U.B.N.D. Thành phố Hồ Chí Minh quyết định mua bức tranh sơn mài vĩ đại “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí.
* * *
Năm 1992, sau hơn một năm viết báo tự do, tôi được về nhận công tác tại Tạp chí Mỹ thuật, làm phóng viên, biên tập viên. Người nhận tôi chính là chú Hoàng Công Luận, và cả anh Nguyễn Hùng nữa. Vì tôi không có bằng cấp, chú Luận tuyên bố: “Việc nhận đây là một cử chỉ văn hóa, chứ không phải một cử chỉ hành chính”. Rồi chú vỗ vai tôi, bảo: “Mày phải cố gắng nhé, kẻo làm xấu mặt tao”. Hì hì.
Vậy mà đã suýt soát 30 năm trôi qua! Chú Hoàng Công Luận đã nghỉ hưu được đúng 25 năm, còn tôi nay đã “già” và cũng chỉ còn công tác trên dưới một năm nữa…
Rốt cuộc thì tôi cũng chỉ được làm việc với chú Luận có hơn một năm.
* * *
Ít lâu sau ngày chú Hoàng Công Luận nghỉ hưu, một hôm, anh Nguyễn Hùng, Trưởng ban Biên tập, có rủ tôi đi uống rượu. Lúc đã ngà ngà, anh bỗng bảo tôi: “Cậu chẳng biết gì về ông Hoàng Công Luận đâu”. Tôi hỏi lại anh: “Sao anh lại nói thế?”
Thế là anh Nguyễn Hùng bắt đầu kể cho tôi nghe về chú Hoàng Công Luận, tất nhiên chỉ là những câu chuyện mà anh được biết, không nhiều lắm, vì tôi cũng đã được biết rất nhiều rồi.
Đối với tôi, câu chuyện đáng ngạc nhiên nhất do anh Nguyễn Hùng kể lại là một câu chuyện “khá buồn”, nó khiến lòng tôi xót xa không nguôi, cùng biết bao liên tưởng đến dồn dập trong tâm trí. Tôi bỗng nhớ tới bố tôi và muôn vàn người khác, những người cùng thời với chú Hoàng Công Luận, thời của những xáo động.
Chuyện là, ngày xưa, mỗi khi “say”, chú Hoàng Công Luận lại hát vang bài… “Quốc tế ca”!!!
Chao ôi! Một câu chuyện đầy sức ám ảnh, và lại càng ám ảnh hơn – vì nó tỏ ra rất phù hợp với con người và tính cách của chú Hoàng Công Luận như tôi vốn biết: Đau khổ – Lạc quan – Rủi ro – Hoài bão – Tranh đấu – Không đầu hàng số phận…
Một phương thức tự biểu hiện mình bằng cách hát Quốc tế ca ư? Thật đáng thương và cũng thật đáng yêu. Một phương thức tràn của khát vọng? Một phương thức hướng tới chân trời ta muốn đến?
* * *
Cách đây chừng một tháng, tôi có được trò chuyện với chú Phạm Phi Châu, một người “đàn em” chí thiết của chú Hoàng Công Luận ngay từ ngày chú mới “bị” cử ra Quảng Ninh để lao động như một người thợ mỏ thực thụ, vào năm 1958.
Theo lời kể của chú Phạm Phi Châu, ngày ấy, công nhân mỏ gian khổ lắm. Ngày làm việc nặng, ăn không đủ, hầu như chỉ có cá khô, đêm về vợ con nheo nhóc, mùa đông thì rét căm căm, mùa hè thì nóng dữ, tiếng khóc của trẻ con – tất cả làm cho người thợ mỏ không ngủ được, để rồi sáng ra, cứ mệt nhoài, phờ phạc, trường kỳ bước vào một ngày làm việc mới.
Bởi vậy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phải đồng ý cho lãnh đạo mỏ cấp cho mỗi thợ mỏ 1 tháng 2 lít rượu, để… uống, và để… ngủ!!!
* * *
Chú Hoàng Công Luận học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), đúng vào thời kỳ xảy ra sự kiện “Nhân văn”. Theo ông Trần Duy và ông Phan Kế An, Nhân văn có thể chia làm ba vòng, vòng ngoài cùng là “đám” học sinh sinh viên. Chú Luận từng nằm trong danh sách “những phần tử chống đối có lý luận”, học xong cần phải cho đi thâm nhập thực tế để chấn chỉnh tư tưởng. Chú đã ở Quảng Ninh 17 năm (1958-1975), là một trong mấy người đã có công đầu xây dựng phong trào mỹ thuật Quảng Ninh trở thành một trong những phong trào lớn mạnh nhất cả nước. Những tác phẩm sáng tác về mỏ, về thợ mỏ là những sáng tác thành công nhất của họa sĩ Hoàng Công Luận.
* * *
Sinh thời, bố tôi rất hay trêu chú Hoàng Công Luận. Khi nào bố tôi quá lên, chú thường quắc mắt, nắm chặt hai tay đấm xuống hai bên hông, nhìn bố tôi, rồi nói như quát: “Đừng có đùa với thằng này!”
Có lần, bố tôi cười bảo chú: “Luận ơi, mày còn vất vả đấy, chưa hết đâu. Không khéo lại là Loạn”. Thế là chú cười ha hả, thẽ thọt đáp lại từng tiếng: “Xin thưa với ông anh, em đây nà Hoàng Công Nuận, Ný Nuận, chứ không phải nà Noạn đâu nhé”.
Ngày chú Hoàng Công Luận được kết nạp Đảng, bố tôi rất mừng. Bố tôi thừa nhận: “Riêng cái này mày hơn tao”. Tính Đảng của chú cực kỳ nghiêm túc. Về Đảng, trước mặt chú, không ai dám nói điều gì không phải.
Chú Luận cũng hay bảo tôi: Mỗi ngày chú đều đọc ít nhất 30 trang sách, hôm nào nhỡ thì hôm sau đọc bù, vị chi khoảng 1000 trang 1 tháng. Vậy là trong suốt 50-60 năm, chú đã đọc ngang ngửa đến 1 triệu trang sách. Chú rất giỏi tiếng Pháp và đọc được cả tiếng Anh.
Tháng 9-2005, chú đi vẽ ở Quảng Ninh thì không may ngã bệnh, tưởng đã hết. Hồi phục được một chút, chú đã tập viết bằng tay trái… Nhờ người vợ hiền tần tảo chăm sóc, chú vừa bước sang tuổi 89.
Gần gũi một họa sĩ-trí thức như vậy, giàu nghị lực như vậy, bao nhiêu năm như vậy – nhưng tôi chỉ bắt đầu thực sự hiểu chú Hoàng Công Luận, cảm thông với chú Hoàng Công Luận kể từ ngày tôi biết chuyện chú đã từng hay hát Quốc tế ca. Tôi cứ nghĩ: Cái “Ngày mai” chú Hoàng Công Luận đã hát, cả thế hệ của bố tôi và chú đã hát, mà ngày hôm nay chúng ta chỉ được nghe nhiều hơn là tự hát ấy – liệu có bao giờ đến không? Nhưng rõ ràng tinh thần của Quốc tế ca, sức lay động và thúc giục của Quốc tế ca vẫn chưa hề giảm sút và bị đẩy lùi vào quá khứ của lịch sử – ngược lại, nó vẫn đang là một trong những bài ca hay nhất cổ vũ con người hướng tới những mục đích, mục tiêu lớn lao, lãng mạn, nhưng đã hiện thực hơn, khăng khít hơn và cần chia sẻ và gắn với mục đích, mục tiêu của mỗi cá nhân một con người.
Quang Việt
Hà Nội ngày 1-1-2019