HAI TRIỂN LÃM CỦA MANZI: CÔ ĐƠN, LẠC LÕNG, ĐI VỀ ĐÂU ?

 

Cùng xem hai triển lãm đương đại “Rơi vào đường chân trời” (từ ngày 16/08 đến này 15/09/2019) và “In situ [1]” (từ ngày 31/08 đến ngày 15/10/2019) do Manzi tổ chức ở Hà Nội để cảm nhận sâu sắc hơn sự cô đơn, lạc lõng của con người qua chất liệu chủ đạo là hội họa.

Các tác phẩm của Quách Bắc trong triển lãm “Rơi vào đường chân trời” được trưng bày trong biệt thự Pháp cổ ở Phan Huy Ích, không gian thân thuộc của Manzi. Loạt tranh sơn dầu cỡ nhỏ ở tầng một kết nối với nhau bởi sự chuyển đổi màu sắc từ tông sặc sỡ sang tông nhạt hơn, tạo một trải nghiệm thị giác thi vị từ xa. Lại gần hơn, ta nhận ra phần lớn các nhân vật vô danh đang trong tư thế chống chếnh, đôi khi phải giữ thăng bằng và thậm chí là rơi lơ lửng. Tất cả dường như không biết sẽ đi đâu về đâu và đặc biệt khi phần thân trên không hiện hữu thì càng lộ rõ vẻ bất lực thậm chí là bất cần đời của các nhân vật. Việc sử dụng các mảng màu đơn sắc tươi sáng cùng một số câu chữ (ví dụ như đi đâu mà vội mà vàng mà vấp phải đá, mà quàng phải dây) làm nổi bậtnhững tình cảnh trớ trêu và tạo cảm giác hài hước, châm biếm nhẹ nhàng.

Triển lãm “Rơi vào đường chân trời” của Quách Bắc. Ảnh: Trần Đan Vy

Từ phía lò sưởi cho đến cầu thang dẫn lên tầng hai, bắt đầu có sự xuất hiện lác đác của tác phẩm sắp đặt “Điệu Valse” (2019) gồm nhiều bản sao tượng một người đàn ông mặc sơ mi đóng thùng. Các bức tượng nhỏ, trắng toát giống hệt nhau, tập trung nhiều nhất ở quanh các bộ bàn ghế ở gian trong của tầng hai. Cái tên tiếng Pháp “Valse” gợi nhớ đến điệu nhảy nhịp nhàng và thanh lịch, hoàn toàn đối nghịch với những cử động cứng nhắc, lặp đi lặp lại của các bức tượng vô hồn. Việc nhân bản các bức tượng có thể ám chỉ nhịp sống đơn điệu của đám đông trong lối sống hiện đại, hay bắt chước lẫn nhau để bắt kịp các xu hướng và theo đuổi những chuẩn mực tưởng tượng. Một đề tài không có gì mới lạ được thể hiện bằng một hình thức tẻ nhạt nhưng lại mang đến cho không gian cổ kính của Manzi một hình ảnh đối lập ngộ nghĩnh giữa cổ điển và hiện đại, nhấn mạnh cái sự chơ vơ, lạc loài trong cuộc sống.

Sắp đặt “Điệu Valse” (2019) của Quách Bắc. Ảnh: Trần Đan Vy

Khác với Manzi ở Phan Huy Ích, không gian mới của Manzi ở ngõ Hàng Bún là một phòng trưng bày chuyên nghiệp với các mặt tường trắng và sàn nhà màu xám kiểu đương đại. Không gian mới, tác phẩm mới, thử nghiệm mới trên 17 tác phẩm sơn mài và lụa của sáu nghệ sĩ. Mới lạ nhất là những tác phẩm sơn mài cỡ nhỏ đặt trên bàn thuộc Pro Se [2] series (2019 – chưa hoàn thành) của Nguyễn Oanh Phi Phi có thể nhấc lên như nhấc iPad trong cửa hàng Apple. Series này mời gọi khám phá kĩ hơn cách mà chất liệu sơn mài tái hiện các hình ảnh kỹ thuật số của máy tính bảng. Sức nặng của những tác phẩm bằng sắt khi cầm trên tay để lại ấn tượng rõ rệt hơn cả. Thay vì vẽ lên vóc thì Nguyễn Oanh Phi Phi đã có những thử nghiệm mới mẻ và phức tạp với sơn mài trên sắt và trên kính nhưng sự trưng bày rời rạc của 5 tác phẩm nhỏ ở “In situ” mới chỉ là một gợi ý nho nhỏ.

Triển lãm “In situ” của sáu nghệ sĩ. Ảnh: Trần Đan Vy

“In Situ” thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các tác phẩm về mặt nội dung nhưng về mặt thẩm mỹ, nét mờ ảo và bố cục tối giản trong các bức tranh treo trên tường cùng đem lại một cảm giác tĩnh lặng, khuyến khích người xem sống chậm lại và tịnh tâm. Tông màu nâu đen trầm tối trong các tác phẩm của Nguyễn Huy An, Lê Hoàng Bích Phượng, Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Trần Nam góp phần làm nổi bật tâm trạng buồn bã của ba nhân vật trong tranh màu nước trên lụa của Nguyễn Minh Thành. Ba bức “Chân dung Quỳnh Anh” (2019), “Em bé ra chợ” (2019) và “Người đàn ông H’Mong” (2019) thể hiện hình ảnh những con người cô độc với ánh mắt lẩn tránh, có tâm sự nhưng không biết giãi bày cùng ai. Những con người bí ẩn trên nền lụa gần như trống rỗng này có phần tinh tế và sâu lắng hơn những bức tự họa nhắm mắt trên nền hoa lá đã từng gắn liền với tên tuổi Nguyễn Minh Thành. Đáng chú ý là bức chân dung người đàn ông H’Mong tóc bạc mặc áo đen quay lưng lại với thế giới, không biết đang đi về đâu nhưng một lần nữa khiến người ta nghĩ đến sự trốn tránh thực tại của các nhân vật trong loạt tranh của Quách Bắc.

Pro Se series của Nguyễn Oanh Phi Phi và chân dung trên lụa của Nguyễn Minh Thành. Ảnh: Trần Đan Vy

 

“Người đàn ông H’Mong” (2019) của Nguyễn Minh Thành. Ảnh: Trần Đan Vy

Hai triển lãm “Rơi vào đường chân trời” và “In Situ” hẳn còn nhiều tầng ý nghĩa khác nhưng nổi bật là tâm trạng cô độc có chiều hướng bi quan. Đối với tôi, điểm nhấn sau khi xem hai triển lãm này, chính là hình ảnh một người nhân viên của Manzi ở buổi khai mạc triển lãm “In Situ” vào tối 31/08. Người nhân viên cao gầy, khuôn mặt bình thản, mặc áo sơ mi dài tay với một phần in chữ ở ngực trái, trông như bảng tên nhân viên. Khi tôi nhận ra bảng tên đề “Jesus” thì tôi bắt đầu chú ý đến anh ta. Với đôi mắt luôn nhìn về khoảng không trước mặt, anh bước đi nhẹ nhàng chậm rãi một cách ngẫu nhiên trong không gian trưng bày, đôi lúc cầm khay đồ ăn, đôi lúc không, cho ta cảm giác những sự sôi nổi xung quanh chẳng hề tác động đến anh. Dường như anh là hóa thân sống của những bức tượng trong “Điệu Valse” nhưng thay vì vô danh thì áo anh mặc chỉ đích danh “Jesus”. Giả như có một trình diễn nghệ thuật “tại chỗ” như vậy có phải sẽ thêm phần mới mẻ hay không? Hai triển lãm của Manzi có khả năng gợi mở những suy tư, chiêm nghiệm về nội tâm và số phận con người trong xã hội hiện đại nhưng những gì đọng lại không phải bất cứ tác phẩm chuyên nghiệp nào mà lại là hình ảnh tình cờ của “Jesus”, bước đi thản nhiên vô định trong sự lạc lõng cam chịu. Sức hút của nghệ thuật đương đại là ở chỗ đó, khiến ta liên hệ đến thực tế ngay “tại chỗ”.

Thông tin các triển lãm:

“Rơi vào đường chân trời”, triển lãm cá nhân của Quách Bắc, 16/08 – 15/09/2019 tại Manzi Art Space, số 14 Phan Huy Ích, Hà Nội.

“In Situ”, triển lãm nhóm của Nguyễn Oanh Phi Phi, Lê Hoàng Bích Phượng, Nguyễn Huy An, Nguyễn Trần Nam, Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Minh Thành, 31/08 – 15/10/2019 tại Manzi Exhibition Space, số 2 ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội.

[1] “In situ” có nghĩa là “ở vị trí ban đầu của nó”. Trong nghệ thuật, “in situ” dùng để chỉ những tác phẩm sáng tác riêng cho một địa điểm nhất định hoặc được làm ngay tại chỗ trưng bày thay vì làm ở xưởng.

[2] Pro se” có nghĩa là “tự đại diện cho chính mình”.

Trần Đan Vy

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Dám – Trong “Khoảng lặng II” của họa sĩ Dũng trống

Những bức tranh này hay quá, cả nội dung và màu, xem rất thích. Vị khách ngắm tranh thốt lên khi gặp các tác phẩm mới của hoạ sĩ Dũng Trống, thành quả anh vẽ gần hai năm nay, anh âm thầm sáng tác...

Mạn đàm về sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”, đánh giá và giải pháp

Có thể khẳng định rằng tranh – tượng về đề tài Lực lượng vũ trang & Chiến tranh Cách mạng (LLVT & CTCM) đã hiện diện trong đời sống và lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam trước...

Mỹ thuật ứng dụng: Tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng, đã và đang chạm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc phát triển mỹ thuật ứng dụng, với các sản phẩm, thiết...

Vẻ đẹp ký ức qua “Thiên đường hoàn hảo” của họa sĩ Lưu Tuyền

NDO – Thuộc thế hệ họa sĩ đương đại lứa 8x, sáng tác của họa sĩ Lưu Tuyền chứa đựng trong đó các giá trị văn hóa truyền thống dưới những góc nhìn khác nhau về đời sống xã hội. Anh...

Nét đẹp dân gian trong triển lãm tranh “Biến Tượng”

Trong hội họa Việt Nam đương đại, nhiều họa sĩ sử dụng trực tiếp hình ảnh của những sản phẩm nghệ thuật dân gian để xây dựng tác phẩm. Một điều khác ở nghệ thuật của Vũ Hiệp, tranh...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

Nguyễn Gia Trí – Với sáng tác tranh trừu tượng

Tác phẩm của Nguyễn Gia Trí về hình tượng thiếu nữ trên tranh sơn mài nổi tiếng ngay từ khi ra đời vào những năm 30 – 40. Thời hoa niên, trên những nẻo đường thực địa, ông tìm về làng quê...

NGUYỄN CAO THƯƠNG – NGƯỜI ĐẶT TÊN TRƯỜNG MỸ THUẬT TRANG TRÍ

    Thầy Nguyễn Cao Thương sinh ngày 22/3/1918 tại xã Long Kiến, Chợ Mới, An Giang. Do thân sinh của thầy là thư ký Kho bạc Sài Gòn nên gia đình thầy chuyển lên Sài Gòn cư ngụ khi thầy còn nhỏ....

NGHỆ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN TRONG THIẾT KẾ NỘI THẤT SHOWROOM BMW WELT

Đầu thế kỷ 21, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã mang lại cho lĩnh vực thiết kế nội thất showroom những biểu hiện nghệ thuật mới. Thông qua khoa học và công nghệ hiện đại,...

Tư duy mới cho nghệ thuật

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Joseph Beuys (1921-2021), hãy xem nghệ sĩ tạo hình lớn này của nước Đức để lại cho giới nghệ thuật thế giới nói riêng, và kho tàng văn hóa hậu thế nói chung, những gì....

TRIẾT LÝ NHÂN SINH CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG HÌNH TƯỢNG CON LỢN

  Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp Câu thơ của Hoàng Cầm như reo một nốt nhạc vào lòng Tết nét hoài cổ về những bức tranh dân gian xưa. Những tranh...