Duy Liêm – Họa sĩ của đại chúng

 

Sài Gòn có nhiều họa sĩ tên tuổi được báo chí miền Nam nhắc đến, nhất là từ thập niên 1960 trở về sau. Tranh của họ hiện diện trong các cuộc triển lãm sang trọng, các phòng khách lộng lẫy. Nhưng trong cuộc sống đời thường, có lẽ số người biết và thích tranh của Duy Liêm, một họa sĩ vẽ theo phong cách lập thể và chủ yếu vẽ tranh để in trên bìa nhạc và tạo mẫu sơn mài, lại là con số lớn. Duy Liêm, một tài năng nghệ thuật riêng lẻ, đứng hẳn một góc đời và vẫn còn lấp lánh trong ký ức nhiều người miền Nam. Có người từng ví ông như là họa sĩ Katsushika Hokusai (Nhật Bản) của Việt Nam vì có cùng có sự nghiệp sáng tác đồ sộ, tuy là tầm cỡ khác nhau nhưng đều gắn bó với đời sống của dân tộc mình và ảnh hưởng tới nền nghệ thuật đương thời.

Họa sĩ Duy Liêm, tên thật Trần Duy Liêm, sinh năm 1916 ở xứ biển Phan Thiết. Hai đấng sinh thành của ông được nhiều người Phan Thiết biết đến là ông Trần Duy Hinh, một nhà tư sản và bà Trương Thị Hạnh, nữ hộ sinh có tiếng trong vùng. Trong gia đình ông Duy Liêm có một người em là Trần Duy Chánh từng làm diễn viên chính trong phim “Trọn với tình” là một bộ phim sớm xuất hiện ở giai đọan còn non trẻ của phim truyện Việt Nam vào thập niên 1930.

Họa sĩ Duy Liêm trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), quận 1, khoảng năm 1958.

Từ hồi còn trẻ, Duy Liêm đã bộc lộ khuynh hướng nghệ sĩ rất rõ. Ông vào Sài Gòn nhập học Trường Dạy vẽ Gia Định (Ecole de Dessin) tại khoa Hội họa trang trí và tốt nghiệp năm 1937. Không chỉ thích mỹ thuật, ông còn thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ như Violin, Accordeon, banjolin, guitar và cả đàn tranh…
Sau một thời gian sống với gia đình tại Phan Thiết, bản tính nghệ sĩ đưa ông tham gia hoạt động du ca và lang bạt khắp nơi. Ông hưởng ứng phong trào Tân Việt Nam của giới trí thức giữa thập niên 1940. Phong trào này có sự tham gia của các ông như Đào Duy Anh, Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên… Tại Hội An năm 1946, Duy Liêm gặp ca sĩ Cẩm Vân, tên thật là Phan Thị Dục, em họ giáo sư Phan Ngô và lập gia đình với bà.

Từ thời điểm 1946, chiến tranh Việt – Pháp lan rộng khắp đất nước. Đang ở Bình Định, Duy Liêm ra Quảng Ngãi lúc ở đó Việt Minh đang nắm chính quyền. Họa sĩ Duy Liêm đảm nhận việc vẽ giấy bạc tín phiếu cho cơ quan in tín phiếu Liên Khu V ở An Lão, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định trong khoảng thời gian 1947-1948 và sinh cô con gái đầu lòng đặt tên là Duy Nga vào năm 1948. Năm 1949, ông chuyển sang làm cho Sở thông tin của Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu V, ông Nguyễn Duy Trinh. Từ 1950 – 1951, ông gia nhập Trung đoàn 802 Quân Y, Liên khu V, xã Nghĩa Hành, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi và tham gia ban văn nghệ bao gồm những nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Đỗ Cung, Lê Trọng Nguyễn. Thời điểm đó, ông tá túc ở nhà ông Đoàn Nhiệm, người Công giáo.

Mẫu tranh sơn mài của họa sĩ Duy Liêm sáng tác thập niên 1950. Sưu tập Phạm Hoàng Việt, TP. Hồ Chí Minh.

Những năm đó, Quảng Ngãi tuy là tỉnh nghèo nhưng đời sống còn tương đối dễ thở. Nhờ có thể chăn nuôi gà vịt, trồng trọt, gia đình ông Duy Liêm sống ổn định. Sau một thời gian tham gia đoàn văn nghệ Liên khu V, Duy Liêm trở về đời sống dân sự. Tuy vậy, cuộc sống dần khó khăn hơn vì gia đình đã có thêm cô con gái tên là Mỹ vào năm 1951. Năm 1952 chiến tranh lan rộng ra khắp Liên khu V. Ngoài chuyện bị Tây ruồng bố, còn có người dân tộc thiểu số từ trên Tây Nguyên đòi tự trị đánh xuống với Việt Minh. Cuộc sống ở Quảng Ngãi đầy cơ cực, người chết đói nhiều, cả hai năm Quảng Ngãi không có lấy một giọt mưa. Năm đó, Duy Liêm cùng vợ và người bạn là Đinh Lân (anh của thi sĩ Đinh Hùng) đưa hai con ra Hội An sống với gia đình ông Bùi Cam là bác họ của bà Duy Liêm.

Sau 1954, ông Phan Ngô quyết định vào sống ở Sài Gòn, gia đình ông Duy Liêm cùng vào theo. Ở Sài Gòn, ông Phan Ngô mở trường học lấy tên là Tân Phương ở khu Xóm Gà, Gia Định và trường Văn Hiến ở đường Trần Quang Khải. Cũng từ khoảng thời gian này, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo được ông Tăng Duyệt là Giám đốc Nhà xuất bản Tinh Hoa – Huế phái vào Sài Gòn mở chi nhánh Nhà xuất bản Tinh Hoa, gọi là Tinh Hoa Miền Nam và mời Duy Liêm vẽ bìa nhạc cho Nhà xuất bản này. Đồng thời ông vẽ bìa nhạc và bìa sách cho các Nhà xuất bản khác như An Phú, Minh Phát, Phạm Văn Tươi, Diên Hồng, Sống Mới, báo Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, nhà xuất bản Ly Tao của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và tạp chí Sáng Dội Miền Nam… Cho đến 1956, ông Duy Liêm kéo theo “đệ tử” Phạm Cung, làm maquette cho tranh sơn mài, các vật dụng sơn mài, thảm, cho hãng Thành Lễ tư cách là họa sĩ chính. Đây là một công ty mỹ nghệ danh tiếng nhất miền Nam thời đó, có sản phẩm được giải nhất Hội chợ Paris và các nơi khác trong nhiều năm liên tục. Ở đây có thể nói Duy Liêm đã góp phần quan trọng tạo nên tên tuổi của công ty này. Sau hai năm làm ăn khấm khá, ông Duy Liêm mua một căn nhà ở khu cư xá Kiến Thiết ở đường Trần Quốc Tuấn, gần cầu Hang, Gò Vấp.

Họa sĩ Duy Liêm (trái) cùng bạn bè ở Quảng Ngãi. Ảnh tư liệu của họa sĩ Phạm Cung.

 

Họa sĩ Duy Liêm (góc phải) trong chiến khu khoảng năm 1949. Giáo sư Tôn Thất Tùng (thứ 7 từ trái qua) tay chống hông đang tươi cười.

 

Họa sĩ Duy Liêm (góc trái cửa vào) đưa khách tham quan xưởng làm tranh sơn mài ở Công ty Thành Lê.

 

Họa sĩ Duy Liêm trong một buổi họp mặt giới văn nghệ sĩ (thứ 5 từ trái sang). Ông Vương Hồng Sển là người đứng thứ 8.

Với sức sáng tạo dồi dào, họa sĩ Duy Liêm miệt mài vẽ nhiều tranh cho bìa nhạc và sáng tác mẫu cho tranh sơn mài. Tác phẩm của ông với tính chất là tranh mẫu được in hay vẽ lại trên tranh sơn mài nên được phổ biến khắp nơi, có mặt trong nhiều gia đình từ 1937 đến 1990, tạo nên thị hiếu thẩm mỹ vô cùng rõ rệt cho người thưởng ngọan. Ông không vẽ nhiều tranh sơn dầu và lụa nhưng có những bức tranh lụa được nhắc tới như các bức “Giấc Hè”, “Du Xuân”, “Hái Sen”. Và bức sơn dầu tựa đề “Nhạc Sầu” được Giải nhất Đông Nam Á năm 1954 tại Exposition ở Manila và được mua bởi ông Tổng thống nước ấy. Theo trí nhớ của bà Duy Liêm hiện đang sống tại Mỹ, lúc sinh tiền ông Duy Liêm có nhắc đến một bức tranh sơn dầu lấy tên “Chài lưới rạng đông” đã đoạt một giải thưởng cao nhất về hội họa tại Tokyo khoảng thời gian 1938 – 1939 và có nhận được một thư khen của Nhật hoàng.

Sau năm 1975, họa sĩ Duy Liêm tuy đã lớn tuổi vẫn tiếp tục vẽ tranh tạo mẫu cho Cơ sở sơn mài Vietnam Export từ năm 1976. Khi ông Quân, Giám đốc cơ sở này ra nước ngoài, ông Duy Liêm tiếp tục vẽ tranh tạo mẫu cho hãng tranh thêu Thu Hà và cho Công ty sơn mài Lam Sơn nổi tiếng một thời. Đến năm 1994, họa sĩ Duy Liêm từ trần.

Ông Phạm Cung cho biết tranh của Duy Liêm với phong cách lập thể rất được ưa chuộng những năm trước 1975. Nét vẽ của Duy Liêm độc đáo, không nhầm lẫn với bất cứ họa sĩ nào, sinh động và lột tả được tâm trạng nhân vật trong tác phẩm, tạo được cảm xúc của người xem bằng các nét vẽ gãy khúc rất riêng biệt… Tuy nổi tiếng, Duy Liêm sống lặng lẽ như người ở ẩn, không tham gia triển lãm tranh, không thích tiếp xúc với đám đông và ít la cà kết bạn với giới báo chí, nên không mấy khi được nhắc đến.

 

 

 

 

 

Mẫu phù điêu gốm do họa sĩ Duy Liêm thiết kế cho hãng Thành Lễ. Hai phù điêu góc trái và phía dưới thuộc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Hai phù điêu còn lại nằm trong bộ sưu tập của anh Nguyễn Đức Huyên. Ảnh Nguyễn Minh Anh

Trong cuốn sách “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại” (in tại Hoa Kỳ năm 2009) của nhà phê bình nghệ thuật Huỳnh Hữu Ủy, phần “Tiến vào nghệ thuật mới”, tác giả xếp họa sĩ Tạ Tỵ và Duy Liêm vào một nhóm. Theo Huỳnh Hữu Ủy, sau 1954 cho đến các năm 70, Duy Liêm đã rất thành công với “Lập thể Duy Liêm” trong đại chúng, xâm nhập mạnh mẽ vào trong cuộc sống hằng ngày của mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là các minh họa trên các bìa nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng, Nguyễn Hữu Thiết, Phạm Đình Chương… và vẽ nhiều mẫu tranh cho hãng Thành Lễ với tư cách là họa sĩ chính. Ông Huỳnh Hữu Ủy dẫn bài viết về Duy Liêm của ông Nhất Uyên trong số báo Thế kỷ 21 tháng 5.93 đã phỏng định là Duy Liêm đã để lại một số lượng rất lớn từ 40 .000 đến 50.000 tác phẩm từ sơn mài, sơn dầu, lụa, gốm, thảm và khẳng định đó là một công trình đồ sộ không mấy người đạt được. Theo ông Huỳnh Hữu Ủy, bên cạnh “tiếng nói của Tạ Tỵ có tiếng vang trong một mức độ cao thuộc các tầng lớp trí thức, các giới hoạt động văn hoá nghệ thuật” thì họa sĩ Duy Liêm “đưa được tiếng nói mới mẻ của nghệ thuật hiện đại trên bề rộng, đến với quần chúng khắp nơi”. Ông khẳng định: “Chính ở điểm này, chúng ta phải công nhận một cách rất khách quan là hoạ sĩ Duy Liêm đã có công rất lớn trong việc nâng cao và hiện đại hoá cảm quan thẩm mỹ của đại chúng Việt Nam”.

Ông bà Duy Liêm có tới một đàn con đông tới chín người. Thừa hưởng tài hoa âm nhạc và mỹ thuật của cha mẹ, các con của ông bà đều thành đạt ở nước ngoài bằng các nghề nghiệp khác nhau trong các lĩnh vực như tâm lý học, kiến trúc, vi tính, điện, tài chính và nghệ thuật hoạt họa nhưng hầu hết đều thích vẽ tranh, chơi nhạc và dạy đàn. Trong một bài viết cách nay mấy năm, họa sĩ Phạm Cung với tư cách người đệ tử gần gũi với sư phụ Duy Liêm trong nhiều năm, cho rằng Duy Liêm là một tài năng đã bị lãng quên. Điều đó có phần đúng, có thể từ bản tính khép kín của ông và những đánh giá thiển cận cho rằng tranh của ông đa số gắn liền với mục đích thương mại nên báo chí đương thời và sau này hầu như rất ít viết về ông. Tuy nhiên, ký ức về tranh Duy Liêm trên tác phẩm sơn mài, bìa nhạc và bìa sách của người sống ở Sài Gòn trước 1975 luôn âm ỉ sống, mặc dù có thể họ không biết tác giả. Họa sĩ Duy Liêm, họa sĩ tiên phong đầy tài năng của hội họa lập thể tại Việt Nam, góp phần làm nên giá trị tinh thần của đời sống tinh thần của Sài Gòn những năm tháng chưa xa lắm… không hề bị lãng quên.

Phạm Công Luận

(Trích “Sài Gòn-Chuyện đời của phố”, tập 1)

Tin cùng chuyên mục

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Hội Mỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028

Sáng 10/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Mỹ thuật Hải Phòng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tham dự và chúc mừng Đại hội có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Khai mạc triển lãm tranh “Sắc màu Non nước Cao Bằng”

NDO – Sáng 6/9, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Thông tin Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu Non...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

5 XU HƯỚNG TRONG THỊ TRƯỜNG NGHỆ THUẬT NĂM 2021

  Thế giới nghệ thuật vào năm 2021 rất khác so với thế giới nghệ thuật mà chúng ta đã biết vào thời điểm này năm ngoái. Ảnh hưởng bởi đại dịch, cảnh quan của thế giới nghệ thuật đã...

NGUYỄN KHẮC CHINH – HẠNH PHÚC KHI LÀ CHÍNH MÌNH

  Nguyễn Khắc Chinh: sinh năm 1984. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật hà nội (2006). Hiện sống và sáng tác tại Hà Nội. Tạp chí Mỹ thuật (TCMT): Nghệ thuật Việt Nam nhìn chung biến chuyển như thế...

TRIỂN LÃM NGƯỜI ĐÀN ÔNG KIỆT SỨC TẠI BẢO TÀNG QUỐC GIA ZURICH, THỤY SĨ

  Từ ngày 16.10.2020 đến ngày 10.1.2021, tại Bảo tàng Quốc gia Zurich, Thụy Sĩ, diễn ra triển lãm mang tên “Người đàn ông kiệt sức”. Triển lãm đã gây được sự chú ý của đông đảo...

MARK ROTHKO – Hiện thực của họa sĩ

  Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên cuốn sách được viết ra bởi một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông đã thiết lập nên hình thái hội họa trừu tượng màu (hay chính xác...

Triển lãm “Những người khổng lồ mong manh”

Những bức tượng động vật khổng lồ đã xuất hiện dọc đại lộ Haussmann trong cuộc triển lãm ngoài trời “Những người khổng lồ mong...