Điêu khắc đương đại Việt Nam: Đang ở đâu và đang cần gì ?

 

Đây có lẽ là câu hỏi vừa vĩ mô vừa vi mô, mà tùy hệ quy chiếu sẽ thấy khó hoặc dễ trả lời. Thậm chí có những ý kiến trước đây cho rằng chỉ cần tiền là xong, nhưng liệu có đơn giản như vậy. Tham dự bàn tròn kỳ này có nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn (TP.Hồ Chí Minh), nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền (Hà Nội), và họa sĩ Vũ Hồng Nguyên (đồng sáng lập không gian điêu khắc Flamingo Đại Lải).

“Một chút tự ti, một chút tự tôn thái quá khi đối diện với sự phát triển “ngàn dặm” của điêu khắc thế giới khiến cho một vài thế hệ bản lề không có được sự tiếp cận, đổi thay cần thiết… Điêu khắc Việt Nam tự hào về truyền thống nhưng không thể sống mãi bằng những hoài niệm, nó cần một lớp người biết nhìn ra thế giới, hướng về phía trước với sự dấn thân hơn nữa cho nghề nghiệp” – Bùi Hải Sơn nhắc lại một quan điểm của mình.

* Xin đi thẳng vào vấn đề, điêu khắc đương đại Việt Nam “đang hiện hữu”, “đang sống” ra sao?

Bùi Hải Sơn: Nó đang hiện hữu đúng với nghĩa như “đang có mặt”. Sự “sống” của nó còn khá nhiều hạn chế, bất cập, nên không “động” được!

Khổng Đỗ Tuyền: Nghệ thuật đương đại phát triển và mở rộng được, thì ngoài nỗ lực của nghệ sĩ, rất cần có sự đồng hành từ nhiều phía, bởi nghệ sĩ không thể làm tất cả. Nếu họ có thể sáng tác ra một tác phẩm điêu khắc tốt, tác phẩm đó cần có một không gian sống và được chăm sóc theo thời gian. Và như vậy, có thể trả lời một cách chua chát rằng: điêu khắc đương đại Việt Nam đang hiện hữu chính yếu… là ở trong trái tim nghệ sĩ.

Vũ Hồng Nguyên: Điêu khắc vẫn đang trên con đường tìm chỗ đứng cho mình trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, hay cụ thể hơn là tìm vị trí trong đời sống kiến trúc và tư tưởng của người Việt – nơi dành cho điêu khắc sự quan tâm còn rất hạn hẹp.

Hiện nay điêu khắc đương đại phát triển một cách cầm chừng và nhỏ lẻ. Các hoạt động chính phụ thuộc vào cá nhân tác giả, những sự kiện nghệ thuật liên quan đến các tổ chức không nhiều, vì vậy đây cũng là cái khó để điêu khắc có thể phát triển mạnh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên kỳ vọng vào thế hệ những nhà điêu khắc trẻ đang nỗ lực khẳng định bản thân qua từng ngày; kỳ vọng vào định hướng, hay sự ủng hộ của những thế hệ đi trước để mang lại những bứt phá thật sự cho điêu khắc đương đại Việt Nam.

MUKAI KATSUMI (Nhật Bản) – Rừng tia nắng. 2016. Gỗ. Tác phẩm nằm trong dự án Art in the Forest của Flamingo Đại Lải

* Những trại điêu khắc, những bộ sưu tập tư nhân có tác động, giúp ích gì nhiều không?

Khổng Đỗ Tuyền: Có thể nói Trại Điêu khắc Quốc tế đầu tiên năm 1997 tại Hà Nội và sau ở Huế… là  bước thay đổi lớn cho điêu khắc Việt Nam, khi các tác phẩm được ra với không gian và tiếp cận với đời sống một cách trực tiếp hơn. Nhưng thật đáng tiếc, về sau này các trại sáng tác nghệ thuật nói chung (trong đó có điêu khắc) đã “biến thể” thành nơi hội họp của lãnh đạo hội địa phương này mời lãnh đạo hội địa nơi kia, nên không còn tác động nhiều đến sự phát triển của nghệ thuật.

Những nhà sưu tập và các bộ sưu tập tư nhân cũng có tác động, nhưng không lớn đến đời sống mỹ thuật đương đại, bởi họ sưu tập theo quan điểm riêng, đúng nghĩa dành cho cá nhân, nên mọi người cũng ít được biết đến họ. Ở ta chưa có những cuộc triển lãm, trưng bày, hoặc in sách về các tác phẩm điêu khắc đương đại từ các sưu tập tư nhân này.

Bùi Hải Sơn: Các trại điêu khắc cách đây hai thập kỷ tạo cơ hội cho điêu khắc Việt Nam tiếp cận cách nhìn mới về không gian điêu khắc và nhiều vấn đề chuyên môn. Tuy nhiên sự yếu kém trong tổ chức đang làm cho các trại điêu khắc hiện nay kéo lùi sự phát triển của điêu khắc đương đại Việt Nam.

* Vậy những mô hình như khu trưng bày điêu khắc ở Flamingo Đại Lải có ý nghĩa gì không?

Bùi Hải Sơn: Mô hình Đại Lải mang lại một không gian sống thực sự cho các tác phẩm điêu khắc. Hình thức lưu trú nghệ sĩ cũng hiệu quả hơn một trại điêu khắc như đã nói ở trên.

Khổng Đỗ Tuyền: Đây là mô hình mang tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức, chọn tác giả và thực hiện tác phẩm. Nhà điêu khắc có sự đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình sáng tác, tác phẩm có không gian lý tưởng để trưng bày, không gian và cây cỏ được chăm sóc mỗi ngày. Vì vậy mà những đóng góp cho hành trình phát triển của điêu khắc ở đây là rất rõ, có những tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, như văn hóa, nghệ thuật, du lịch.

* Ở đây xin hỏi riêng anh Vũ Hồng Nguyên, ý tưởng và tầm nhìn của Flamingo Đại Lải được hình thành thế nào? Vì sao nó ưu tiên nhiều cho điêu khắc?

Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền

 

KHỔNG ĐỖ TUYỀN – Kết nối. 2016. Đá, thép không gỉ. Tác phẩm nằm trong dự án Art in the Forest của Flamingo Đại Lải

Vũ Hồng Nguyên: Với ý tưởng tạo ra một bảo tàng nghệ thuật trong phối cảnh với thiên nhiên, rừng, hồ tươi đẹp. Dự án ưu tiên hơn cho điêu khắc vì Flamingo Đại Lải có nhiều không gian ngoài trời rộng lớn, hội tụ đủ những yếu tố khách quan có thể trưng bày, gắn kết tác phẩm điêu khắc với kiến trúc, thiên nhiên và con người.

Theo dự định ban đầu, dự án sẽ hoạt động trong khoảng mười năm để hình thành một bảo tàng nghệ thuật. Chúng tôi vẫn tổ chức sự kiện hàng năm với những hình thức hoạt động khác nhau để góp phần thúc đẩy sáng tác của các nghệ sĩ.

* Từ ý tưởng vừa nói, theo anh khu trưng bày điêu khắc ở Đại Lải sẽ bổ khuyết những điều gì?

Vũ Hồng Nguyên: Tại Flamingo Đại Lải, doanh nghiệp đã ý thức được điêu khắc là sự gắn kết trong không gian kiến trúc. Ở đó, chúng ta không thể phủ nhận việc không gian cảnh quan và tác phẩm điêu khắc đang bổ trợ giá trị tốt đẹp cho nhau. Tác phẩm có được một không gian “sống” đúng nghĩa và được tiếp cận với công chúng thường xuyên hơn, nhờ sự va chạm thị giác hàng ngày mà chúng ta có quyền hy vọng lâu dần vị trí của điêu khắc sẽ tồn tại tự nhiên trong đời sống của nhiều người dân.

Những tác phẩm đang hiện hữu tại Flamingo Đại Lải có được từ hình thức tổ chức trại sáng tác. Chúng tôi không thành lập hội đồng thẩm định, mà chỉ có duy nhất một người chịu trách nhiệm về mặt lựa chọn tác giả tác phẩm, điều hành tổ chức tổng thể chương trình với sự hỗ trợ từ những cộng sự. Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện hết mức có thể và cùng thảo luận với tác giả để đưa ra phương án tốt nhất cho việc thực hiện tác phẩm.

Những mô hình xã hội hóa như thế này rất hy vọng được nhân rộng, để các nhà điêu khắc có cơ hội phát huy tài năng, mạnh dạn thực hiện những ý tưởng lớn hơn. Với ba lần tổ chức, dự án đều nhận được sự đánh giá cao từ các nhà chuyên môn và công chúng. Như vậy, chúng ta không thể đổ lỗi cho hình thức trại sáng tác không mang lại hiệu quả, mà cần xem lại khâu tổ chức, hội đồng thẩm định và quy cách thực hiện ra sao để các trại sáng tác kém hiệu quả như hiện nay.

Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn

* Điêu khắc đương đại Việt Nam còn đang thiếu đang cần những gì nữa ?

Bùi Hải Sơn: Các trường mỹ thuật tiếp cận điêu khắc đương đại không được bao quát, cập nhật chậm, còn nhiều e dè! Giảng đường còn thiếu người hướng dẫn đủ tầm, đủ tri thức… Mất cân đối giữa việc dạy nghề và hướng dẫn tư duy tạo hình. Các nhà quản lý về chuyên môn cũng chưa thích hợp. Cho nên, điêu khắc đương đại Việt Nam cần: 1) Môi trường đào tạo cập nhật, đi kịp với sự phát triển chung của quốc tế; 2) Nền tảng tri thức cá nhân trong sáng tạo cũng như một môi trường cảm thụ nghệ thuật cởi mở hơn; 3) Phát triển không gian cho điêu khắc đương đại từ trong các bảo tàng đến ngoài không gian sống.

Giới thưởng lãm, phê bình điêu khắc đương đại có, nhưng khá ít. Họ hoạt động bao quát chứ không chuyên biệt về điêu khắc đương đại. Sưu tập tư nhân còn đơn lẻ, chưa đủ kích thích sự phát triển chung.

Khổng Đỗ Tuyền: Trước khi trả lời tôi tạm đưa ra ba yếu tố cần cho đời sống điêu khắc đương đại: 1) tác giả; 2) tác phẩm; 3) nhà sưu tập, không gian trưng bày và sự chăm sóc theo thời gian. Từ đây có thể thấy chúng ta thiếu sự đồng hành của ba yếu tố này, nên khó đồng bộ trong công việc. Đây là chưa nói đến lý luận, phê bình, truyền thông dẫn dắt và định hướng tới công chúng.

Chăm sóc và đưa ra trưng bày là khâu quan trọng sau khi tác giả đã thực tác phẩm, nó quyết định cho sự sống và tồn tại của tác phẩm. Thực tế ở ta rất thiếu tính chuyên nghiệp là ở khâu chăm sóc, bảo quản, rồi đến trưng bày, có thể thấy cả ở các bảo tàng và các sưu tập tư nhân. Những tác phẩm ở đó dần bị hư hại hoặc như bị nhốt kho, chết lâm sàng khi không được trưng bày, còn các tác phẩm ngoài trời tại các trại sáng tác khi đưa ra trưng bày cũng được không quan tâm đến không gian, cây cỏ, theo năm tháng không gian đó lại bị chiếm dụng, hoặc cây cỏ đã mọc trùm hết cả tác phẩm, đôi khi tác phẩm còn bị đổ vỡ, bị trưng dụng làm như nhưng vật kê, đỡ cho những người bán hàng.

Còn về chương trình đang dạy ở các trường mỹ thuật của ta, nó gần với mỹ thuật hiện đại hơn, còn nếu có về điêu khắc đương đại thì đó là những buổi thảo luận ngoài lề, những dự án, triển lãm giao lưu với các nghệ sĩ bên ngoài với trường. Về lý do tôi không thể cắt nghĩa cụ thể được, nó nằm ở sự quản lý, ở bối cảnh xã hội.

Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên

Vũ Hồng Nguyên: Ở bất kỳ lĩnh vực nào, điều kiện tiên quyết dẫn đến thành bại chính là yếu tố con người. Tôi nghĩ để điêu khắc đương đại Việt Nam khởi sắc rất cần: 1) Một môi trường đào tạo nghệ thuật phát triển để tìm ra những nhân tố tài năng; 2) Môi trường làm việc chuyên nghiệp với những vật liệu có chất lượng cùng công cụ và thiết bị hỗ trợ triển khai tác phẩm tốt nhất; 3) Làm sao cho các nhà điêu khắc bớt được gánh nặng cuộc sống để chuyên tâm sáng tác và nâng cao kỹ thuật thực hiện tác phẩm; 4) Các cơ quan nhà nước nên tổ chức trại sáng tác trên tinh thần trách nhiệm cao trong việc tuyển chọn và đầu tư thực sự vào tác phẩm, chứ không chỉ tổ chức cho có thành tích, hay để các nghệ sĩ đến ăn nghỉ, giao lưu cho vui. Tác phẩm sau khi hoàn thành rất cần định sẵn không gian trưng bày, nên hạn chế tối đa việc cứ làm rồi sẽ có chỗ để; 5) Các nhà quy hoạch cùng Ủy ban Nhân dân các thành phố lớn cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về vai trò của điêu khắc đối với không gian kiến trúc và đời sống xã hội; 6) Cần hơn nữa sự chung tay của nhiều nhà sưu tập, doanh nghiệp tham gia vào thị trường điêu khắc, xã hội hóa nhiều chương trình, sự kiện nhằm thúc đẩy điêu khắc phát triển.

Thật ra sự thiếu và yếu này nhiều người đều biết, quan trọng là các bên được kể trên cùng chung tay đến mức nào.

NGUYỄN HUY TÍNH – Sen. 2015. Thép không gỉ. Tác phẩm tại Flamingo Đại Lải

* Các Bảo tàng Mỹ thuật nói chung tại Việt Nam có “đủ rộng cửa” với điêu khắc đương đại không?

Bùi Hải Sơn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ dành một khe cửa hẹp. Lý do: Điêu khắc đương đại chưa phải là lĩnh vực ưu tiên để sưu tập. Thiếu đội ngũ giám tuyển, sưu tập chuyên nghiệp. Không gian trưng bày cho điêu khắc đương đại ở các bảo tàng vẫn là thứ quá hạn chế!

Một bảo tàng chung cho mỹ thuật đương đại là rất cần thiết lúc này để giữ gìn và phát triển. Không cần thiết phải có một bảo tàng riêng cho điêu khắc đương đại, mà cần sự kết hợp không gian bên trong lẫn bên ngoài như các nước phát triển đã làm.

Khổng Đỗ Tuyền: Có thể nói các bảo tàng ở ta hiện nay chỉ phù hợp với bày hiện vật, chứ không phù hợp với điêu khắc đương đại. Đơn giản là những không gian đó đã không phù hợp và chúng đã đi vào lịch sử, đã hoàn thành sứ mệnh của một giai đoạn, một thời kỳ.

Nhìn vào bối cảnh thực tế tôi chỉ mong chúng ta có một bảo tàng nghệ thuật đúng nghĩa từ mỹ thuật hiện đại cho đến đương đại đã là tốt lắm rồi, nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa có. Không phải là đã đến lúc cần, mà chúng ta rất cần một bảo tàng nghệ thuật đúng nghĩa từ lâu rồi.

Vũ Hồng Nguyên: Những năm gần đây tôi thấy điêu khắc có nhiều khởi sắc nhất định. Triển lãm cá nhân được tổ chức nhiều hơn, các nhà sưu tập cũng quan tâm nhiều hơn đến điêu khắc, bên cạnh hội họa. Về các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, nếu có nhiều những mô hình trưng bày điêu khắc phù hợp thì điêu khắc đương đại Việt Nam thực sự có cơ hội phát triển. Nghệ sĩ có cơ hội thực hiện những tác phẩm kích thước lớn, với sự đầu tư sâu sắc, cộng đồng sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên tìm người có thẩm mỹ, chuyên môn tốt để có thể gánh vác được bộ mặt của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đừng để những chuyện như mười hai con giáp đầu vật mình người ở Khu du lịch Hòn Dấu, trở thành một thứ “rác văn hóa”, thì không hay.

* Trân trọng cảm ơn các anh đã tham gia bàn tròn này.

Lý Đợi (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm “Bản diện kim cương II”

Vào lúc 16h30 thứ Ba ngày 1 tháng 10 năm 2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Bản diện kim cương II” của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Nghệ danh: Ba Tỉnh)....

Khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII (Đồng bằng Sông Cửu Long) lần thứ 29 tại Kiên Giang

Sáng 27/9, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức khai mạc Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII (Đồng bằng Sông Cửu Long) lần thứ 29 năm 2024. Đây là sự kiện...

Khai mạc Triển lãm Mỹ thuật chào mừng 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk

NDO – Sáng 27/9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ II năm 2024      ...

“Dấu thiêng” – triển lãm tranh sơn mài ấn tượng của họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang

NDO – Ngày 25/9, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp Công ty cổ phần Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam Toàn cầu (Vietcom) tổ chức họp báo giới thiệu sự kiện...

Hoạ sĩ Thái Tĩnh trong sắc thu vĩnh cửu

Lắng đọng trong tâm khảm mỗi người nghệ sĩ, khi nắm bắt được ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật với sự chuyển hóa của mùa luôn mang sắc thái rất riêng và rất đẹp. Ý niệm đã sẵn có...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Ra mắt sách và triển lãm tác phẩm của cố họa sĩ Linh Chi

(ĐCSVN) – Cuốn sách “Họa sĩ Linh Chi – Sống trong nghệ thuật” chọn lọc gần 100 tác phẩm trên nhiều chất liệu như bột màu, màu nước, tổng hợp, lụa, các ký họa trên giấy, được sáng...

TRƯỜNG MỸ THUẬT KHÁNG CHIẾN QUA MỘT SỐ TRANG NHẬT KÝ CỦA LINH CHI

25/10/1951: Anh Vân (Tô Ngọc Vân-TCMT) đang vẽ bức tranh lụa “Bộ đội hành quân qua suối” và tranh cổ động tố cáo tội ác của giặc Pháp “Giặc giết”… bằng chì than. Anh để hết tâm trí làm...

Tranh vẽ chuột của Nguyễn Tư Nghiêm

  Đề tài “con giống” thực ra xuất phát từ một ghi chép của Nguyễn Tư Nghiêm trước bức chạm gỗ cổ “Mèo ngoạm cá” ở đình Bình Lục, Đông Triều, Quảng Ninh, những năm 1955 – 1956....

TRANH NÀY KHÔNG PHẢI CỦA BÁC…

  Bức tranh này vốn thuộc về một người bạn tôi. Bạn mua tại nhà một cựu đại sứ bên nước ngoài. Mua 5, 6 bức liền. Giá mua không tiết lộ nhưng chắc cũng nhỏ xinh. Người bạn bảo đây là...

Nữ hoạ sĩ Nhật Bản vẽ “Trăng” bằng sơn mài Việt Nam

NDO – Từ ngày 10/9 đến 1/10, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) giới thiệu tới công chúng yêu hội họa những tác phẩm mới của hoạ sĩ Ando...