Có lẽ, đầu tiên để cảm nhận về những tác phẩm điêu khắc của Đàm Đăng Lại chính là sự kích ứng từ các sắc màu. Chúng đậm âm hưởng thổ dân hoang dã, cảm giác không thấy nhiều sự đục đẽo, lắp ghép hay đường hướng của các khối hình.
Các khối hình của Lại đều bắt nguồn từ một khối hoặc tròn, hoặc bầu dục với những kéo dài biến thể…sau đó là những tia bắn ra như những cành cây, như những cái chân con nhện khổng lồ. Chúng có thể kéo dài, thu ngắn, uốn vặn, theo các hướng. Chính những chi tiết này đã làm cho tác phẩm trở nên hoạt, giàu nhịp điệu, thiên biến tương tác với cảnh quan và không gian xung quanh.
Với những năm tháng sống tại Tây Nguyên, rõ ràng những sắc màu nguyên bản của anh xuất phát từ bản sắc của Tây Nguyên đại ngàn. Các khối chính được tạo hình lúc như con voi với cái vòi dài; thay đổi cấu trúc một chút nó có thể biến thành con nhím, thành con nhện; có thể thành thân cây, cành cây…gần đây nhất nó lại trở thành những cành lau, cành sậy phất phơ trên cánh đồng đầy nắng ở Đức.
Nếu nói về sự tương tác với không gian và các loại địa hình thì những khối tạo hình của Đàm Đăng Lại là rất dễ tích hợp.
Điêu khắc của Đàm Đăng Lại như trò chơi của các khối dài và mảnh. Có thể, một số ý kiến sẽ băn khoăn bởi điêu khắc là sự gọt đẽo nên những khối hình với các chất liệu. Nghĩ tới điêu khắc là nghĩ tới đá, gỗ, đồng, đất… rồi composit giả các chất liệu. Hiện nay, tiếng nói mạnh mẽ của kim loại đang là một trong những chất liệu tiêu điểm của điêu khắc hiện đại. Vậy, chất điêu khắc của Đàm Đăng Lại ở đâu trong khi chúng không thấy nhiều sự hiện diện của gọt, của đẽo… những khối hình mảnh mai như những nhánh thân cây nhiều màu có thể kéo dài mãi, có thể vặn vẹo dáng hình cùng tương ứng với ngần ấy màu sắc.
Khi nói đến sự tương ứng, dịch chuyển, lắp ghép và điều hướng các khối hình điêu khắc phải nhắc tới Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920 -2002). Bà sinh tại Việt Nam, sống và làm việc ở Pháp. Các khối modul trong tạo hình của bà đã thành một khái niệm riêng biệt. Quan niệm nghệ thuật đơn giản nhưng ẩn chứa một nội lực thâm hậu như một thứ tôn giáo. Sau rất nhiều sáng tạo và điều chỉnh, cuối cùng tất cả chỉ là một tập hợp của bảy khối hình (modul). Chỉ vậy thôi mà các tác phẩm của và không bao giờ nhàm chán bởi sự xoay vần của các khối hình lắp ghép. Không những thế chúng có thể thu phóng ra rất nhiều kích cỡ khác nhau; có lẽ khó có giới hạn về kích thước. Bảy khối hình của bà được coi như một thứ tâm linh sâu thẳm trong cõi lòng. Bao giờ cũng là “Thân, Khẩu và Ý” tạo thành chủ thể trong tất cả các tác phẩm. Chúng đa dạng và linh hoạt phù hợp với hầu hết các không gian: trong phòng khách, trên bàn làm việc, trong vườn nhà tới công viên, đường phố và thậm chí sử dụng cả trong các khu lưu niệm, lăng mộ…
Đàm Đăng Lại cũng có những những khám phá lắp ghép về hình có tính chất tương đối giống Điềm Phùng Thị. Vật thể và khối hình của anh có thể đặt ở các vị trí khác nhau. Có thể là trên một khoảng đất trống, một khu đồi thoai thoải, bên một hồ nước, thậm chí trên mặt hồ, trên tuyết trắng, trên cánh đồng mà chỉ cần biến đổi về hình chứ không phải biến đổi nhiều về cấu trúc tạo hình của chủ thể. Các hướng đều có thể biến và chuyển cho phù hợp với cảnh quan của không gian xung quanh. Có thể thấy tính khả dụng, linh hoạt rất rõ trong nhiều không gian.
Chất Tây Nguyên hoang dã là dấu ấn đậm nét trong sắc màu của Lại. Đặc biệt là màu đỏ son. Nó vừa gợi lên những lễ nghi tôn giáo, những huyền bí u hoặc trong các khu tượng nhà mồ nhưng lại tươi vui rộn ràng như lễ hội…
Điêu khắc vốn ít màu, thường không có màu, chỉ đơn giản là màu tự thân của vật liệu. Nhưng Đàm Đăng Lại đã dùng màu sặc sỡ để biến những khối hình trở nên vui tươi và phấn khích. Chúng đem lại sự kích thích về thị giác. Và với điêu khắc sự kích thích thị giác của màu trên các khối hình là điều ít thấy.
Những màu sắc sặc sỡ đi ngược lại với bản chất kiệm màu của điêu khắc truyền thống xuất phát từ Nhật Bản, nơi anh sinh sống sau khi kết hôn với một cô gái Nhật Bản. Thời gian tuyết trắng trong năm rất dài, trải dài một màu trắng. Vì thế anh nghĩ ra những thứ sắc màu tươi vui trên các khối hình để giảm bớt sự đơn điệu của khối. Sau khi được người yêu nghệ thuật đón nhận và yêu thích, anh tiếp tục sáng tạo theo chuỗi ý tưởng “nhiều sắc trên khối hình” khiến chúng trở nên sinh động và bắt mắt về thị giác.
Đàm Đăng Lại sinh năm 1973 tại Phú Thọ, một thời gian dài sống ở Tây Nguyên, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, hiện làm việc và hoạt động nghệ thuật chủ yếu tại Nhật Bản nhưng luôn mong muốn hoạt động nghệ thuật ở cả quê nhà.
Năm 2017, trong dự án “Art in the Forest” của tập đoàn Flamingo Đại Lải, cụm tác phẩm “Sức mạnh vùng đất” của anh là một tập hợp “những thân cây nhiều màu” đã đem lại những hiệu ứng cực tốt về thị giác và sự hòa hợp đến lạ lùng với cảnh quan.
Giữa năm 2018, Đàm Đăng Lại lại trình bày tác phẩm mới tại Thành phố Zierenbeg (Đức). Ngay lập tức chúng lại trở thành tiêu điểm và được nhiều người yêu thích.
Những tác phẩm của Lại là một tổ hợp sắp đặt được liên kết thành từng cụm. Hoặc một cụm lớn hoặc hai ba cụm nhỏ. Nó như bố cục trong tranh chứ không đơn thuần là những tác phẩm với khối hình đơn lẻ. Chính sự tương tứng đã tương tác chặt chẽ để làm nên một không gian điêu khắc sắp đặt giàu tính trang trí. Ngôn ngữ của hình khối đã được chắt lọc, trở về một vài thể thống nhất để từ đó xoay chuyển tạo nên tiếng nói tự thân.
Và ngôn ngữ ấy hiện đang phù hợp với những quan niệm về điêu khắc hiện đại, trong đó mọi vật thể đều phải sắp xếp để phù hợp với cảnh quan.
Với chất liệu thông dụng là gỗ và kim loại anh có thể thoải mái gọt đẽo và sáng tác. Nhỏ thì đục mà to thì lắp ghép.
Chính vì tạo ra được những khối hình riêng biệt, tao ra dư vị sắc màu đặc biệt và linh hoạt trong các không gian nên tác phẩm của anh dễ thích ứng với không gian. Đây là điều quan trọng của điêu khắc hiện đại khi vấn đề cảnh quan được đặt ra đầu tiên…
Với quá trình hoạt động nghệ thuật có nhiều dấu ấn có bản sắc riêng và mong muốn được hoạt động nghệ thuật nhiều hơn ở Việt Nam, chúng ta chờ đợi những tác phẩm mới của Đàm Đăng Lại trong tương lai…
Thiên Minh