BỨC CHÂN DUNG BÁC HỒ NGÀY ĐỘC LẬP ĐÃ ĐƯỢC VẼ NHƯ THẾ NÀO ?

 

Một ngày nóng nực mùa hè năm 1993, ông Hoàng Công Luận – Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, bảo tôi (khi ấy là phóng viên của Tạp chí):

– Có việc này rất hay. Năm 1945, ông Trần Đình Thọ có vẽ một bức chân dung Bác Hồ trên báo Cờ giải phóng, “vẽ bịa”. Cậu thử vào thư viện tìm lại xem.

Thế là tôi vào Thư viện Quốc gia tìm, cũng rất nhanh thôi, tôi đã tìm ra. Bức chân dung vẽ Bác Hồ ấy đúng là có thật, in trên trang nhất báo Cờ giải phóng, số 16, ra ngày 12/9/1945. Chỉ tiếc ngày ấy phương tiện sao chụp còn rất khó khăn nên tôi không lấy được hình ảnh.

Tôi phấn khởi về báo tin vui cho ông Hoàng Công Luận. Ông Luận cũng phấn khởi lắm, đập tay lên bàn, hô lên: Có thế chứ!

Rồi ông Luận hỏi tôi: Thế vẽ có giống Bác Hồ không?

Tôi đã trả lời: Dạ, nếu nói đấy là vẽ Bác Hồ thì đúng là Bác Hồ rồi, rất có đặc điểm.

“Thừa thắng xốc tới”, ông Hoàng Công Luận lên lịch:

– Tính đến hôm nay đã là hai ngày. Cậu đến phỏng vấn ông Trần Đình Thọ về bức tranh. Cho thêm ba ngày nữa nhé. Năm ngày – phải nộp bài!

Nghe xong, tôi không hiểu tại sao lại gấp thế. Nhưng biết tính ông Hoàng Công Luận, “muốn gì phải có ngay”, tôi vẫn phải thưa vâng.

Bác Hồ đến thăm và xem triển lãm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Người đứng sau Bác, mặc áo sáng là họa sĩ – hiệu trưởng Trần Đình Thọ. Khoảng 1964 – 1967

* * *

Sáng hôm sau, tôi đến nhà ông Trần Đình Thọ ở trong Trường Mỹ thuật. Cả đời làm quan văn nghệ, ông Thọ có tiếng là rất “nghiêm”, nhiều người ngại gặp ông, nhưng tôi không ngại, vì ông vốn quý tôi. Ông Trần Đình Thọ cũng đã từng là Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật. (Nay tôi vẫn còn giữ được một lá thư ông Thọ viết cho tôi, rất thân tình. Ông hay gọi tôi là “đồng chí”).

Rất may hôm ấy ông Trần Đình Thọ có nhà. Ông mời tôi uống nước, rồi hỏi: Có việc gì không đồng chí? Tôi vừa trình bày công việc vừa kín đáo nhìn nét mặt ông xem có “thuận lợi” cho công việc hay không?

Hóa ra ông Trần Đình Thọ tiếp nhận cuộc phỏng vấn rất vui vẻ và hào hứng.

Tôi hỏi chuyện ông Thọ chừng một giờ đồng hồ rồi xin phép ra về. Tiễn tôi ra cửa, ông còn bảo: Nếu cứ viết đúng như ông đã trả lời thì ông không cần xem lại.

… Hôm sau nữa, tức là ngày thứ tư theo lịch kế hoạch của ông Hoàng Công Luận, tôi đem bài nộp cho ban biên tập, sớm hơn một hôm. Khi ấy anh Nguyễn Hùng là trưởng ban, anh bảo tôi:

– Bài phỏng vấn của cậu đọc rất thú vị. Nhưng đấy là bài ông Hoàng Công Luận đặt hộ cho báo Văn nghệ Quân đội. Cậu đưa cho ông Luận nhé.

* * *

Đầu tháng 9 (1993), chỉ sau khi tôi hoàn thành bài phỏng vấn ông Trần Đình Thọ khoảng một hai tuần, bài báo ấy đã được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chính anh Quách Đại Hải (khi ấy là họa sĩ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đem báo tới tặng tôi, kèm theo một phong bì đựng nhuận bút 30 ngàn đồng. Và hình như anh Quách Đại Hải còn “chửi thề”: Cha mày! như để tỏ ý khen bài báo.

Đấy cũng là bài phỏng vấn đầu tiên tôi đã thực hiện trong đời làm báo của mình, nó rất xinh xắn, có nhiều ý nghĩa và cũng là một kỷ niệm đẹp của tôi với họa sĩ lão thành Trần Đình Thọ và họa sĩ Hoàng Công Luận. Nguyên văn bài báo như sau:

Bức chân dung Bác Hồ Ngày Độc lập

Báo Cờ giải phóng – Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, số 16 ra ngày 12/9/1945, có đăng toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là bức chân dung đầu tiên vẽ Bác Hồ trên cương vị là Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/1993), chúng tôi tiến hành phỏng vấn tác giả bức chân dung này – giáo sư họa sĩ Trần Đình Thọ.

Quang Việt: Xin họa sĩ cho biết tình huống xuất hiện bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cờ giải phóng số 16 ra ngày 12/9/1945?

Trần Đình Thọ: Đó là số đầu tiên phát hành công khai sau giai đoạn bí mật. Vì thế tòa soạn thấy cần thiết phải có một bức chân dung Hồ Chủ tịch.

Quang Việt: Hình như công việc này đã được thực hiện một cách khá đặc biệt?

Trần Đình Thọ: Đúng là như thế. Tôi tham gia Hội Văn nghệ cứu quốc, làm phụ trách mỹ thuật báo Tiên phong. Khi nhận vẽ bức chân dung này để chuẩn bị cho số báo Cờ giải phóng đầu tiên sau cách mạng, quả thực tôi chưa một lần nhìn thấy Bác.

Một đồng chí tên là Nguyễn Hữu Đang đã giúp tôi trong công việc khó khăn này. Anh Đang là người từng được gặp Bác. Hai chúng tôi ngồi bên nhau. Anh ấy nhớ lại khuôn mặt Bác: xương xương, vầng trán rất rộng, đôi mắt sáng quắc, râu dài, tai to. Tôi cứ phác họa theo lời anh Đang tả, sửa đi chữa lại đến lần thứ tư, thứ năm thì anh Đang nhận ra Bác. Công việc làm trong khoảng hơn một giờ đồng hồ.

Quang Việt: Thời gian và địa điểm vẽ bức chân dung, chắc họa sĩ vẫn còn nhớ?

Trần Đình Thọ: Tôi nhớ là vẽ trước ngày 2/9 một chút, vì sau Ngày Độc lập đã có nhiều ảnh Bác rồi. Lúc đó tôi cùng một số anh em sống và làm việc tại ngôi nhà bây giờ là Trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam (58 phố Quán Sứ, Hà Nội). Bức chân dung được hoàn thành tại đấy.

Quang Việt: Nhắc lại câu chuyện cách đây gần nửa thế kỷ, họa sĩ cho biết một chút cảm nghĩ?

Trần Đình Thọ: Tôi được nghe nói thời kỳ Nam Bộ kháng chiến, đồng bào ta có gìn giữ tấm hình này của Bác, nhiều người còn thêu hình Bác vào khăn.

Quang Việt: Xin cảm ơn họa sĩ.

QUANG VIỆT

 

Tin cùng chuyên mục

Hoạ sĩ Thái Tĩnh trong sắc thu vĩnh cửu

Lắng đọng trong tâm khảm mỗi người nghệ sĩ, khi nắm bắt được ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật với sự chuyển hóa của mùa luôn mang sắc thái rất riêng và rất đẹp. Ý niệm đã sẵn có...

Hội Mỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028

Sáng 10/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Mỹ thuật Hải Phòng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tham dự và chúc mừng Đại hội có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ...

Khai mạc triển lãm tranh “Sắc màu Non nước Cao Bằng”

NDO – Sáng 6/9, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Thông tin Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu Non...

Tình cảm của Lãnh đạo và nhân dân các nước trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các Di tích tưởng niệm Người  

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đi bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại những dấu ấn sâu đậm về tình hữu nghị, tình đoàn...

Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật từ Đông Dương đến đương đại mang tên “Sắc màu thời gian”

NDO – Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Câu lạc bộ Sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà, thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức triển lãm các tác phẩm...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VI (TP. Hồ Chí Minh) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 5-6 năm 2020

  Linh Chi (1921 – 2016) Tác phẩm: Thiếu nữ vùng cao Năm sáng tác: Khoảng 1990 Chất liệu: Lụa Kích thước: 55x37cm Bộ Sưu tập Nghệ thuật Quang San, TP. Hồ Chí Minh     Trần Đông Lương...

TÌM VỀ MỘT LÀNG TRANH XƯA

LTS: Tên của dòng tranh Kim Hoàng được công bố trên báo Văn nghệ (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam) số Tết Bính Thìn 1976 và trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1975 đến nay, đã...

THÔNG BÁO SỐ 1 VỀ VIỆC TỔ CHỨC FESTIVAL MỸ THUẬT TRẺ 2020

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM CỤC MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH VÀ TRIỂN LÃM   Số: 40/TB-MTNATL Độc lập – Tự do – Hạnh phúc   Hà Nội, ngày 10  tháng...

KỶ LỤC GIÁ TRANH MỚI CỦA MONET

  Tối ngày 14 tháng 5 (theo giờ New York)  đã diễn ra phiên đấu giá nghệ thuật hoành tráng đầy bất ngờ tại Sotheby’s New York. Phiên đấu giá Nghệ thuật Ấn tượng và Hiện đại đã đạt...