BA BỨC TRANH VẼ BÁC HỒ CỦA QUANG PHÒNG

 

Tôi không biết họa sĩ Quang Phòng, bố tôi, đã vẽ bao nhiêu bức tranh về Bác Hồ, nhưng cả ba bức tôi được biết thì đều rất đặc biệt đối với tôi.

Bức đầu tiên bố tôi vẽ năm 1946, khi ông cùng Dương Bích Liên làm tờ báo khổ lớn dán ở Bến xe điện Bờ Hồ, Hà Nội, ngay trước Ngày toàn quốc kháng chiến.

Bố tôi kể: Tờ báo (mà sau này tôi gọi là “bích chương”) ấy đã được hoàn thành ở ấp Thái Hà, bằng hai thứ tiếng Việt-Pháp, với chủ đề “Thủ đô chuẩn bị”. Nó rộng tới mấy chục thước vuông, riêng chân dung Bác Hồ cũng đã cao tới trên hai thước. “Vẽ không kẻ ca-rô gì cả, chỉ vẽ vo, nhanh không để đâu cho hết”.

… Thế rồi, “cuốn theo chiều gió”, tờ báo vĩ đại ấy rồi cũng bị bố tôi lãng quên.

Chỉ mãi đến đầu những năm 1990, bố tôi bất ngờ có được một bức ảnh cũ chụp Hà Nội, trong đó có cả hình ảnh tờ báo (do tổ công tác tư liệu của đoàn làm phim “Hà Nội mùa đông năm 46” tặng) – thì bố tôi mới được “sống lại” với tuổi thanh niên sôi nổi của mình (xem minh họa).

Sau khi cho tôi xem, bố tôi liền đem bức ảnh đi khoe với ông Phạm Văn Đôn. Ông Đôn cũng thích lắm. Ông còn nhớ ra và cho bố tôi thêm thông tin. Ông bảo: “Chuyện này chắc Quang Phòng vẫn còn chưa biết đâu. Ngày ấy, chính tôi là người đã báo với Tự vệ Thành bí mật bố trí lực lượng để bảo vệ Quang Phòng và Dương Bích Liên, đề phòng nhỡ đâu có bọn phản động bắn chết các ông trong khi làm nhiệm vụ”.

Nói rồi, theo đề nghị của bố tôi, ông Phạm Văn Đôn đã viết hẳn vào một tờ giấy để xác nhận sự việc đúng như thực tế đã xảy ra.

Ồ! Điều quan trọng là bức ảnh ấy rất đẹp, hình ảnh Bác Hồ do bố tôi vẽ nổi bật lên, bi hùng mà lãng mạn.

Bức ảnh sau đó đã được in trong rất nhiều cuốn sách về mỹ thuật Việt Nam – như một bằng chứng lịch sử chứng minh cho tinh thần dấn thân cứu quốc của cả một thế hệ nghệ sĩ tình nguyện đi theo cách mạng, “cứ hễ nghe thấy hai tiếng Tổ quốc là nước mắt đã rưng rưng rồi”…

Tờ báo tường khổ lớn do Quang Phòng và Dương Bích Liên thực hiện, dán tại Bến xe điện Bờ Hồ, Hà Nội, tháng 12/1946

* * *

Bức tranh vẽ Bác Hồ thứ hai, bố tôi đã vẽ ngay sau ngày Bác mất, chỉ khoảng từ mùng 5 đến mùng 10 tháng 9 năm 1969. Tên tranh: “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, vẽ Bác Hồ và một thiếu nhi, trên nền có ba bông sen trắng, bằng chất liệu bột màu trên giấy.

… Thời thơ ấu của tôi là thời của nhiều đêm ngủ dưới ánh đèn điện 200w sáng rực, là những đêm bố tôi thức trắng để vẽ. Sau, thấy tôi cũng hay thức đêm, bố tôi bảo: “Làm gì mà biết còn có thêm một đêm nữa là an tâm lắm. Nhưng cũng không nên lạm dụng, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Đấy là một bài học của Huỳnh Văn Gấm.”

Tôi không nhớ bố tôi vẽ bức tranh ấy bao nhiêu đêm, chỉ nhớ bức tranh đã được hoàn thành vào buổi tối, 22 giờ là cùng. Vì không kẻ được chữ nên bố tôi luôn luôn phải nhờ bác tôi, họa sĩ Nguyễn Mộng Goòng, kẻ hộ.

Tại cuộc triển lãm “Tưởng niệm Bác Hồ” tổ chức tại số 10 phố Hàng Đào sau đấy, bức tranh của bố tôi đã được giải A, giải cao nhất, và cũng đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua ngay.

… Quãng 1974-1975, bỗng một hôm, tôi thấy bố tôi mang bức tranh về, không rõ vì sao?

Hóa ra, Nhà xuất bản Văn hóa đang chuẩn bị in một tập “Tranh, tượng về Hồ Chủ tịch”, người trình bày là Trần Văn Cẩn, và đã chọn được 19 tác phẩm, trong đó có bức “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” của bố tôi. Chỉ có điều, riêng bức này thì phải… chữa!

Thế là nhà tôi lại sáng đèn đêm (vì ban ngày bố tôi còn phải đi làm).

Yêu cầu của cấp trên: Em bé trong bức tranh “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” của họa sĩ Quang Phòng phải… cười, chứ “không được”… bùi ngùi nhớ Bác!

Nhưng với điều kiện: Chỉ chữa để chụp in, chứ không được phép tác động vào nguyên bản.

Việc ban đầu tưởng là đơn giản, bố tôi chỉ cần can hình khuôn mặt em bé, rồi can chuyển sang một tờ giấy khác, vẽ lại, nào “bé cười lên nhé”, rồi cắt riêng hình ra… xong!

Ngờ đâu, đến khi chụp ảnh thì mới nảy sinh vấn đề nan giải, khiến bố tôi, bác Lê Vượng và chú An Chương vã mồ hôi. Bởi vì không thể dán hình “em bé mới” đè lên hình “em bé cũ” được, sẽ làm hỏng bức tranh gốc.

  

QUANG PHÒNG (1924-2013) – Đời đời nhớ ơn Bác Hồ. 1969

Bản bên trái là bản gốc hiện lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bản bên phải là phiên bản in trong tập “Tranh, tượng về Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản Văn hóa, 1974-1975

 

Bố tôi phát bẳn, nói to: “Cười với chả không cười. Không cười thì đã làm sao nào. Vẽ lúc Bác Hồ mất mà vẽ thiếu nhi cười được à? Nếu không chụp được thì thôi, tôi cũng chẳng cần có tranh in đâu.”

Thấy vậy, bác Lê Vượng vốn điềm đạm, đành phải dỗ dành bố tôi: “Cậu cứ yên tâm, sẽ có cách, cậu phải bình tĩnh chứ”…

Đoàng một cái, chú An Chương reo lên: “Em nghĩ ra rồi!” Rồi chú bảo tôi đi tìm một cái kim khâu thật nhọn. Bố tôi ngơ ngác hỏi lại chú: “Làm thế nào? Kim để làm gì?”

Có được kim, chú An Chương vừa bắt đầu làm, vừa lẩm bẩm: “Này nhé, này nhé, này nhé”.

Chú cặp chặt bức tranh lên bảng gỗ nằm ngang, cố định bốn góc, đưa hình “em bé mới” vào vị trí trùng khít với hình “em bé cũ”, rồi dùng kim châm xung quanh đường chu vi, tất nhiên phải vào bên trong một chút, giống như người khâu áo (không cần chỉ), rất kỹ và rất khéo. Châm đủ vòng, chú An Chương nín thở dựng cái bảng lên. Ôi chao! Kết quả thật mỹ mãn, hình khuôn mặt “em bé mới” đậu trên tranh ngon lành, im phăng phắc. Một sự đồng nhất không thể tốt hơn được. Bố tôi sướng quá, bảo chú Chương: “Mày thông minh lắm, chìa cái má của mày ra đây cho tao!”, rồi hôn chú đánh “chụt” một cái. Trong khi ấy, bác Lê Vượng tìm góc độ thích hợp bấm máy ảnh toạch toạch toạch liền ba phát, vô cùng khẩn trương, vì sợ có sự cố mới (xem minh họa).

Bức tranh “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” sau đấy lại trở về ngôi nhà cũ của nó – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hoàn toàn nguyên vẹn như khi nó mới ra đời.

Riêng hình “em bé cười”, bố tôi giữ lại làm kỷ niệm. Nay bố tôi mất rồi, tôi vẫn chưa có dịp nào để kiểm tra lại xem có còn không?

* * *

Bức tranh cuối cùng bố tôi vẽ về Bác Hồ là một tranh sơn dầu khổ lớn: “Bác Hồ với nông dân”, năm 1976, tức là sau bức tranh đầu tiên đúng 30 năm, và cũng đúng vào năm cực kỳ khó khăn của đất nước. Vật liệu vẽ vô cùng khan hiếm!

… Một hôm, bố tôi bảo tôi đến Hội Mỹ thuật xin thêm mấy tuýp trắng để hoàn thiện hình ảnh Bác Hồ mặc bộ quần áo màu trắng ngà. Đến nơi, tôi gặp ông Huỳnh Văn Gấm đang ngồi uy nghi sau bàn làm việc. Nghe tôi trình bày xong, ông Gấm cho người lấy ngay ra hai tuýp đưa tôi, rồi ông bắt tôi ngồi chơi với ông. Ông bảo: “Vội gì mầy”. Ngồi chơi với ông Gấm một lát, vì sợ bố tôi ở nhà sốt ruột, tôi cáo về. Không ngờ, khi tôi vừa ra tới cửa thì bị ông Gấm gọi giật lại.

Ông cười khà khà. Tưởng có việc gì, thì ra ông dặn: “Nói bố mày trát vừa thôi nhé, Hội hết màu rồi.”

Về tôi truyền đạt lại cho bố tôi “lời dặn” của ông Huỳnh Văn Gấm, bố tôi bỗng dưng nổi cáu: “Ơ hay cái ông Gấm này, tao vẽ Bác Hồ mà ông ấy vẫn còn gây khó dễ!”

Nói rồi bố tôi “sùng sục” đòi đến Hội để “xử lý ông quan Chấp hành”, tôi phải can mãi bố tôi mới chịu thôi…

Bức tranh “Bác Hồ với nông dân” bố tôi vẽ công phu lắm, mãi không xong… Nhân có Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, ông Trần Văn Cẩn khuyên bố tôi đem tranh ra bày. Bố tôi vốn tin ông Cẩn nên cũng nghe theo. Và kể từ đấy bố tôi không vẽ thêm gì vào bức tranh nữa.

Năm 1979, trước khi vào ở hẳn miền Nam, ông Huỳnh Văn Gấm có đến nhà tôi để từ biệt. Ông và bố tôi thân với nhau như hai anh em. Nhìn thấy bức tranh “Bác Hồ với nông dân” treo trên tường, ông lại gần lấy tay xoa xoa như để tìm những vết “trát”, vừa xoa ông vừa gật gù tán thưởng: “Chưa được dày lắm nhưng… tốt nè”.

Cùng năm ấy, bức tranh đã được một cơ quan nào đó, hình như ở tận Đà Nẵng, mua.

Về bức tranh “Bác Hồ với nông dân”, riêng tôi có một ý nghĩ mà không bao giờ tôi dám nói ra với bố tôi: Nếu không thiếu vật liệu, không thiếu màu, thì liệu bố tôi có vẽ được hơn không? Và liệu có hoàn thành được bức tranh ấy như mong muốn không?!

 

Q.V

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

CẢNH SẮC MÙA XUÂN TRÊN GỐM CỔ

  Mùa xuân – mùa của cây lá đâm chồi nảy lộc khoe sắc với thiên nhiên, mùa của chim muôn ríu rít chuyền cành, mùa của sự an lành thanh khiết, mùa của đất trời nắng ráo, trong xanh. Xuân...

20 NĂM NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI, CƠN SỐT TOÀN CẦU

“Trong thế kỷ 21, nghệ thuật đương đại đã trở thành nhân tố chính dẫn đến sự tăng trưởng của thị trường nghệ thuật toàn cầu.” Về tổng thể, thị trường nghệ thuật đương đại đã...

DẤU ẤN 2021 TỪ CÁC NGHỆ SĨ CAO TUỔI

  Xu hướng mong chờ mỗi khi có triển lãm tranh của câu lạc bộ các họa sĩ cao tuổi từ người yêu nghệ thuật, thích sưu tầm tranh là có thật. Bởi một số nghệ sĩ trong triển lãm đã “có...

GIỚI THIỆU SÁCH CÁC CẤU TRÚC TINH THẦN CỦA NGHỆ THUẬT CỦA VŨ HIỆP

    Lời nhà xuất bản Đây là cuốn sách của một tác giả 36 tuổi, còn quá trẻ để viết một cuốn sách lý thuyết như thế này. Một nhà nghiên cứu có thể không cần có quá nhiều thời gian...

Sải cánh ước mơ

Tôi biết đến anh, họa sĩ Dũng Trống qua một người bạn. Ðược biết anh là một người yêu nghệ thuật, một nhà sưu tập tranh, tranh của anh mua từ nhiều họa sĩ trong và ngoài nước. Ðến thăm anh...