Hồi quang của “Ấn tượng” trong tranh Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng

“Gặp Gỡ 2024” là tên của cuộc triển lãm chung của Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam từ ngày 01.08.2024 đến ngày 08.08.2024. Với 33 tác phẩm của hai tác giả lần đầu trình làng cùng nhau đã đem lại những cảm xúc thú vị cho công chúng về một hồi quang của trường phái Ấn tượng.

Trong lịch sử mỹ thuật nói chung sự gặp gỡ, ảnh hưởng giao thoa của các trường phái, trào lưu nghệ thuật, hoặc việc chối bỏ những lối sáng tạo quen thuộc để đi theo một định hướng mới đã tạo ra được những tác phẩm mới. Điển hình như, khi các hoạ sĩ trường phái Ấn tượng cuối thế kỷ XIX chối bỏ các phương thức sáng tác của chủ nghĩa cổ điển, họ đã tạo ra những nguyên tắc sáng tạo mới. Rồi, đến lượt chính trường phái Ấn tượng này đã lan toả sức ảnh hưởng của nó đến nhiều nền nghệ thuật hiện đại và đương đại trên thế giới để tạo ra những tác phẩm khác biệt vừa mang chất tố bản địa nhưng đồng thời cũng có tính phổ quát. Đó là sự vận động của những dòng chảy nghệ thuật, nhưng đồng thời nó cũng đánh dấu những sự tiếp nhận của mỗi cá nhân trong dòng chảy nghệ thuật ấy.

Cuộc gặp gỡ của Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Mạnh trong triển lãm đầu tiên này có thể xem là một cuộc gặp gỡ trở lại của hội hoạ Ấn tượng bằng những thể nghiệm của cảm xúc và tâm hồn. Mặc dầu họ không nhằm đến việc tạo lập ra một ngôn ngữ mới, một dấu ấn mới, nhưng việc họ học tập sáng tạo theo phương pháp của trường phái này dường như đã giúp họ tự kể ra những câu chuyện của cá nhân mình qua những bức tranh.

 Phạm Văn Trọng – Phong cảnh Bến Tắm. 2024. Sơn dầu. 100x160cm

Đỗ Hữu Khôi là một nhà báo và là một hoạ sĩ tự học. Anh bắt đầu theo đuổi sự nghiệp hội hoạ của mình khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Tranh của Khôi thiên về những hoà sắc mà anh học được từ chủ nghĩa Ấn tượng. Ta có thể thấy trên tranh của anh những sắc vàng của nắng, vàng của lúa, vàng của tường, vàng của đất cùng những sắc xanh của cây, thi thoảng điểm thêm những hoà sắc rực rỡ tương phản khiến cho những bức tranh của anh khá cuốn hút. Không quá chú trọng đến kỹ thuật, bố cục lẫn hình hoạ nhân vật, mọi thứ trên tranh của Khôi dường như vụng về một cách tự nhiên không gò ép. Đặc biệt là những tranh anh tự hoạ chính mình, khi già, khi trẻ, khi suy tư, khi yêu đời. Những bức tranh anh vẽ nhân vật đơn hay đôi cũng vậy, giữa họ và không gian là một cuộc đối thoại tự thân khá thú vị. Hình và nét đôi khi được nhấn, được buông hay bị anh cố tình xoá nhoà trên gương mặt chỉ để giữ lại một dáng nét nào đó trong một tổng thể chung nhằm bộc lộ ra một trạng thái. Học tập nhiều từ các bậc thầy hội hoạ Ấn Tượng, Đỗ Hữu Khôi đã tự rút ra cho mình những cách thức biểu cảm riêng. Dẫu người ta có thể nhận ra đâu đó, hình như có một Matisse rực rỡ trong các nhân vật phụ nữ; một Vangogh cùng những nét cọ mạch lạc ở một vài bức phong cảnh hay tĩnh vật. Tuy nhiên xuyên suốt trong những tác phẩm này có lẽ vẫn là một tâm hồn và tình yêu của riêng anh, chúng đủ tư chất cho một nhân cách hội hoạ. Điều mà không phải người nghệ sĩ cầm bút nào cũng có thể có được. Dẫu tự học, dẫu không có “cơ bản” nhưng rõ ràng tình yêu đó đã được anh nâng niu chắt chiu để có được thứ “nước cất” của riêng mình. Nó có phần giản dị nhưng cũng sóng sánh, dạt dào.

Đỗ Hữu Khôi – Hoa tím. 2023. Sơn dầu. 60x50cm

Nếu ở Khôi ta có thể nhận ra những ảnh hưởng từ Matisse đầy mẫn cảm trên những sắc màu thiên về vàng thì với Phạm Văn Trọng ta lại có thể thấy một ảnh hưởng khác đến từ Cezanne. Đó là giai đoạn đầu khi chủ nghĩa Hậu Ấn Tượng được thành hình và bắt đầu chuyển dần sang Lập thể. Ta có thể nhìn thấy ẩn dấu đâu đây trong những nét vẽ về núi, cây và những ngôi nhà. Những lớp màu tương phản, ẩn hiện, đan xen tạo nên những cảm xúc về nắng, về gió về sương hay cái se se, lạnh lạnh của ánh trăng tĩnh tại. Có thể nói, chính những nhát màu kiểu Ấn Tượng và có phần tạo khối như Cezanne ở một số tranh đã khiến không gian của Trọng trở nên xao động hơn. Đồng thời, bên cạnh Ấn tượng thì xu hướng tranh của anh còn có phần thiên nhiều hơn về việc mô tả hiện thực. Tính bài bản trong kỹ thuật vẽ tranh cũng được anh chú trọng như việc tạo nền, tạo chất hay diễn tả không gian xa gần. Dẫu vậy, trên hết tất cả sự thuần thục đó thì cảm xúc mới là điều quan trọng để dẫn dụ hội hoạ của anh cũng như của Khôi đạt đến đích mà nó cần đến.

Đỗ Hữu Khôi – Tiếng sóng. 2023. Sơn dầu. 135x165cm

Xem tranh của các anh mới thấy rằng, nếu không có cảm xúc thì kỹ thuật hay chất liệu không thể tạo ra được những bức tranh đầy rung cảm. Cảm xúc trong tranh của Khôi và Trọng dường như trong veo thuần khiết giữa một xã hội xô bồ, lý trí. Và, cũng có thể nói rằng dẫu hội hoạ Ấn Tượng là một trường phái “đã cũ” từ cuối thế kỷ 19, nhưng cảm xúc và bút pháp của nó dường như vẫn luôn đem lại những giá trị tươi mới cho những tình yêu hội hoạ. Trong tranh của cả Đỗ Hữu Khôi lẫn Phạm Văn Trọng trường phái này như được gặp gỡ trở lại để kết giao trong một mối thâm tình mới. Cuộc gặp gỡ của những tâm hồn và tình yêu đích thực dành cho hội hoạ./.

Đỗ Hữu Khôi (sinh năm 1975) là một họa sĩ tự học và nhà báo, hiện đang làm việc tại Báo VietNamNet. Tác phẩm của anh có trong bộ sưu tập của một số cá nhân trong và ngoài nước.

Phạm Văn Trọng (sinh năm 1978) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương vào năm 2000. Anh đã đạt giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Hải Dương năm 2003. Họa sĩ cũng đã có nhiều triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm nhóm trong nước, bao gồm Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2005, triển lãm “TRIO” (2017) và “Mộng mị” (2019) tại Vicas Art Studio (Hà Nội), triển lãm “Tụ” (2023) tại Nhà Triển Lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) v.v…

Giám tuyển của triển lãm GẶP GỠ 2024: Họa sĩ Phạm Bình Chương, Trợ lý giám tuyển: Võ Tường Minh

Trang Thanh Hiền        

Tin cùng chuyên mục

Nghệ sĩ Trà Giang đấu giá tranh gây quỹ giúp người vùng lũ

Nghệ sĩ Trà Giang đấu giá bức “Hồn quê” do bà vẽ, quyên góp cho quỹ hỗ trợ miền Bắc chịu thiệt hại do bão Yagi. Diễn viên gạo cội cho biết: “Đọc tin tức thiệt hại ở các địa...

5 họa sĩ mở triển lãm tại Hà Nội, trích tiền bán tranh ủng hộ đồng bào vùng lũ

VOV.VN – Tại buổi khai mạc triển lãm, 5 họa sĩ cho biết sẽ trích một phần tiền thu được từ việc bán các tác phẩm trong triển lãm “Chạm vào ký ức” để ủng hộ đồng bào vùng lũ bị...

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Đi tìm “Hiện thực song song” qua tranh Vũ Tuấn Việt

Từ ngày 14 đến 29/9, triển lãm cá nhân Hiện thực song song của họa sĩ trẻ Vũ Tuấn Việt sẽ được diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, Thành phố Hồ Chí Minh.                        ...

Triển lãm tranh màu nước “Hà Nội trong tôi”

Kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhóm họa sĩ Màu nước Hà Nội ra mắt triển lãm tranh với chủ đề “Hà Nội...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

GHI CHÉP DỌC ĐƯỜNG

Nghệ sĩ Nhân dân Đào Đức, một họa sĩ đặc biệt của một khóa học đặc biệt – Khóa Kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc. Bức tranh “chân dung sự nghiệp” của ông có nhiều diện, từ hội...

Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật từ Đông Dương đến đương đại mang tên “Sắc màu thời gian”

NDO – Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Câu lạc bộ Sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà, thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức triển lãm các tác phẩm...

MẤY SUY NGHĨ VỀ HỘI HỌA HIỆN ĐẠI TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

  Tôi có mấy nhận xét về hội họa hiện đại kể cả một phần trước Cách mạng. Hiện giờ có nhiều người còn cho rằng nghệ thuật hội hoạ dưới thời thuộc Pháp là hoàn toàn vứt đi cả,...

Lễ ra mắt sách Trần Văn Cẩn và Tiếp nhận bản nhạc “Little Thuy’s Minuet”

Sáng ngày 8 tháng 8 năm 2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Lễ ra mắt sách “Trần Văn Cẩn – Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” và Lễ...

Phát động cuộc thi vẽ tranh ‘Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa’

(Chinhphu.vn) – Được sự nhất trí của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Việt Nam (Bộ VHTT&DL), Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Trịnh Gia tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Di...