Một tác phẩm sơn mài ấn tượng của họa sĩ Chu Nhật Quang. |
Ban tổ chức cho biết, sự kiện trưng bày tranh sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 15/10 tại Hoàng Thành Thăng Long, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Sự kiện cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của nghề sơn mài, một trong những di sản văn hóa đặc sắc và độc đáo của Việt Nam.
“Dấu thiêng” giới thiệu 52 tác phẩm sơn mài về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại của họa sĩ Chu Nhật Quang, được chia thành bốn chủ đề.
Quang cảnh họp báo giới thiệu triển lãm “Dấu thiêng”. |
Chủ đề “Khởi” mở đầu triển lãm với 14 bức tranh sơn mài tập trung vào thể loại tĩnh vật. Trong các tác phẩm này, họa sĩ trẻ không chỉ tìm cách tái hiện các vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như hoa quả, bình gốm và các đồ vật gia đình, mà còn mang lại một sự sống mới cho chúng thông qua sự kết hợp tinh tế giữa màu sắc và kết cấu sơn mài.
Mỗi tác phẩm phản ánh ký ức sâu sắc của họa sĩ về thời gian học làm gốm, nơi họa sĩ đã khám phá ra sự tinh tế và vẻ đẹp độc đáo trong từng hình dạng đơn giản. Từng bức tranh không chỉ là việc trưng bày mà còn là một cuộc chiêm nghiệm về những giá trị thẩm mỹ của cuộc sống giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
Một tác phẩm tranh sơn mài của họa sĩ Chu Nhật Quang. |
Chủ đề “Cội” gồm 17 bức tranh, đưa người xem vào một hành trình sâu xa để khám phá văn hóa và di sản của dân tộc Việt Nam, như: Hoàng Thành Thăng Long, Tháp Rùa, Chùa Một Cột, Chùa Thầy…. Với hình tượng mẹ Âu Cơ và nghệ thuật múa rối nước, họa sĩ gợi lên những câu chuyện về nguồn gốc thiêng liêng và sự hy sinh thầm lặng của những người nông dân – những người đã nuôi dưỡng và giữ gìn văn hóa lâu đời.
Những bức tranh dựng nên sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại, như một lời nhắc nhở về nguy cơ mai một của nghệ thuật dân gian. Hình ảnh cây đa bên hồ nước, con trâu mang ngôi đền trên lưng, hay cảnh người nông dân lao động trên ruộng bậc thang… đều mang thông điệp về sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên và những giá trị văn hóa lâu đời. Múa rối nước, biểu tượng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, cũng được khắc họa với tinh thần bảo tồn và phát triển trong bối cảnh hiện đại.
Nội dung cuộc trưng bày thu hút quan tâm của báo chí |
Chủ đề “Linh” với chín bức tranh, tiếp tục khơi gợi sự hoài niệm về văn hóa và di sản. Họa sĩ tái hiện cảnh sân khấu thủy đình xưa với những buổi diễn rối nước, ngôi chùa Thầy nổi tiếng, và những cảnh đời thường tại các ngôi làng cổ. Từ hình ảnh nhà sư tu thiền đến hoa sen biểu tượng cho sự giác ngộ, mỗi bức tranh mang đậm chất triết lý và tâm linh, phản ánh khát vọng tìm kiếm chân lý và hoàn thiện bản thân.
Hoàng Thành Thăng Long,Tháp Rùa cũng được khắc họa một cách sinh động, thể hiện sự trường tồn của văn hóa Việt Nam qua mọi thăng trầm lịch sử. Các tác phẩm này không chỉ là một lời nhắc nhở về giá trị lịch sử của dân tộc mà còn là một lời kêu gọi bảo vệ di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại.
Cuối cùng, chủ đề “Nôi” với 12 bức tranh, gợi lên ký ức về quê hương, những ngôi đình làng và nghệ thuật rối nước – những biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng nông dân Việt Nam. Các bức tranh về rối nước không chỉ tái hiện đời sống và tập quán của nền văn minh lúa nước, mà còn khắc họa rõ nét bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Qua những hình tượng, như: phượng hoàng, con cá, hay những con rối sinh động, họa sĩ truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và niềm hy vọng duy trì những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc qua nhiều thế hệ.
Đại diện Ban tổ chức chia sẻ: Buổi giới thiệu trưng bày tranh “Dấu thiêng” không chỉ đơn thuần là một cuộc trình diễn nghệ thuật mà còn là một hành trình về nguồn cội, một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nghề sơn mài và giá trị văn hóa truyền thống trong thế giới hiện đại.
Nghệ sĩ Chu Nhật Quang ra đời và lớn lên trong một bầu không khí nghệ thuật ngập tràn từ gia đình. Từ nhỏ, anh đã được nuôi dưỡng và khơi gợi sự sáng tạo từ hai thế hệ tiền bối là cha và ông nội.
Ông nội của Chu Nhật Quang là họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Chu Mạnh Chấn, với niềm đam mê sâu sắc đối với nghệ thuật, đã gắn bó với việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa của làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài. Cha của anh, Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng – nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Thăng Long – đã dành cả đời cho sự nghiệp múa rối nước truyền thống Việt Nam, cũng góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và phát triển nền nghệ thuật đặc trưng của dân tộc.
Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang đã có thời gian tu nghiệp tại nước ngoài. |
Chu Nhật Quang tiếp nối truyền thống gia đình bằng việc phát triển tranh sơn mài – một hình thức nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh xảo và tầm nhìn sáng tạo. Nguồn cảm hứng lớn nhất của anh luôn hướng về quê hương, dân tộc, mặc dù anh cũng đã có dịp tiếp xúc với văn hóa phương tây trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Những kinh nghiệm này đã mở rộng tầm nhìn và giúp anh tiếp thu những xu hướng mới nhất trong nghệ thuật và văn hóa toàn cầu, từ đó áp dụng vào sự sáng tạo của mình.
Dù sống trong môi trường đô thị hóa và nhịp sống hiện đại, họa sĩ trẻ đã luôn duy trì vững chặt liên kết với văn hóa Việt truyền thống và không ngừng khao khát mang tinh thần quê hương vào từng tác phẩm của mình.
Với sự kế thừa và phát triển nghệ thuật từ gia đình, Chu Nhật Quang đã đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật sơn mài hiện đại, thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống và đương đại. Những tác phẩm của anh mang đến cho khán giả những trải nghiệm thẩm mỹ đầy mới lạ và sâu sắc.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Có mặt tại buổi họp báo, họa sĩ Thành Chương bày tỏ sự tin tưởng về con đường Chu Nhật Quang đã lựa chọn. Ông tin họa sĩ trẻ này sẽ thành công bởi một họa sĩ cần tài năng thiên phú và quan trọng hơn hết là đam mê, khổ luyện. Chu Nhật Quang hội tụ cả hai yếu tố trên.
Ông đánh giá, họa sĩ có khởi đầu tốt; cá tính, phong cách đã hình thành rõ; tiếp thu được giá trị hiện đại; có thẩm mỹ, tư duy nổi bật và sự trăn trở, đắm đuối với các giá trị truyền thống của dân tộc. Đây là yếu tố quan trọng, cần được văn nghệ sĩ, nhất là thế hệ trẻ quan tâm đặc biệt.
Các văn nghệ sĩ nổi tiếng ủng hộ họa sĩ trẻ với đam mê sơn mài. |
Ca sĩ Phạm Thu Hà – giọng ca sẽ góp mặt tại Lễ khai mạc triển lãm “Dấu thiêng” – xúc động chia sẻ: “Cơ duyên giúp tôi biết tới Chu Nhật Quang bởi tôi là bạn của chị gái họa sĩ. Tôi đến nhà riêng, chiêm ngưỡng tranh Quang vẽ và vô cùng bất ngờ, thán phục. Là nghệ sĩ về âm nhạc, tôi cũng mê hội họa, có sưu tầm tranh nên càng bị cuốn hút trong thế giới đầy sắc màu, đường nét ấy. Các tác phẩm của Chu Nhật Quang phóng khoáng, đương đại pha trộn với tinh hoa truyền thống. Giống như dòng nhạc tôi theo đuổi…”.
Ca sĩ Phạm Thu Hà chia sẻ, cống hiến của gia đình Chu Nhật Quang mang đến niềm tự hào cho Thủ đô, cho đất nước. Thuộc thế hệ trẻ, có cơ hội được đào tạo, tiếp cận với môi trường quốc tế, Chu Nhật Quang thực sự có tâm hồn rất trong sáng, kiên định, nếu không thì khó có thể chinh phục được con đường gian nan này.
Cô mong muốn họa sĩ có bước tiến xa hơn, mang tình yêu Tổ quốc và tinh hoa dân tộc lan tỏa khắp năm châu bốn biển. Đồng thời, hội họa của Chu Nhật Quang có thể được ứng dụng rộng rãi hơn, sâu sắc hơn ở các ngành mang tính mỹ thuật như kiến trúc. Trong lễ khai mạc triển lãm, ca sĩ Phạm Thu Hà sẽ trình bày hai ca khúc: “Hà Nội mười hai mùa hoa” và “Đất nước lời ru” cùng dàn nhạc dân tộc do nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chỉ huy.