Trần Hà học khóa 6 (1930-1935) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đúng vào thời kỳ Nguyễn Phan Chánh mở đầu cho tranh lụa Việt Nam và Trần Quang Trân “khai sinh” cho tranh sơn mài Việt Nam, trên cơ sở học tập, tiếp thu nền tảng và tinh hoa của hội họa phương Tây qua cái cầu là hội họa Pháp.
Thay vì sơn mài như thường thấy ở Trần Hà, ở đây ta gặp ông qua hai tranh: một lụa, một bột màu.
Trên thực tế, Trần Hà vẽ khá nhiều tranh lụa (hình như bài thi tốt nghiệp của ông cũng là một tranh lụa), và bức tranh bột màu cùng thấy ở đây cũng có thể là một bản mẫu cho tranh lụa. Cách nhìn Á Đông thường đưa đến một khuôn hình “panorama” kiểu như thế này, nơi người họa sĩ kết hợp cả hai lối viễn cận Đông-Tây, kể ra một “câu chuyện” dài, vừa như đang thấy trước mắt mà cũng vừa như đã đọng sâu trong ký ức, thực tại mà cũng là vang bóng.
Tranh có nhiều chi tiết nhưng thực ra không phải để phô diễn lối vẽ công bút. Nét vẽ rất hoạt, giản dị, nhẹ nhõm. Ở đây, chất tâm tình, tình cảm đằm thắm nằm cả ở những chi tiết ấy, làm hiện lên một giấc mộng đẹp, một giai thoại, một điển tích có vẻ quen thuộc, nhưng không sáo cũ, viển vông. Phong cách vẽ lụa của một họa sĩ Nam Bộ như Trần Hà có thể nói rất khác so với các họa sĩ Bắc Bộ.
F.A.M.
Trong các bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân ở trong và ngoài nước lâu nay, đôi khi người ta gặp một số tranh của một tác giả ký tên là “Mai Thu”. Câu hỏi về thân thế của người họa sĩ này đến nay vẫn chưa có lời giải đáp, nhưng có thể nhận định rằng, phong cách hội họa này rất gần gũi với phong cách của một số họa sĩ Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, chứ khó có thể là của một họa sĩ Pháp, đặc biệt ở sự cảm nhận về không gian, ánh sáng và màu sắc. Tâm tính của người vẽ ở đây ngả về tâm tính của “người bản địa”, một người sống hoặc đã từng sống và lớn lên trong môi trường này. Người vẽ như đi sâu vào hơi thở, nhiệt độ, độ sáng, độ ẩm của từng sự vật, với những nét bút khoan hòa, trịnh trọng, khi nổi, khi chìm, chỉ mong diễn tả đúng tình cảm của mình trước cảnh, tái hiện nên một thứ ánh nắng nhiệt đới đặc trưng gần giữa trưa ở một vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, cổ kính, êm đềm, có phần trù phú, ấm áp, dẫu hầu như không có hoạt động của con người.
F.A.M.
Cách đây vài năm, cái tên Trần Phúc Duyên quả thật còn khá mờ giữa nhiều ngôi sao sáng của thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương. Đến nay, Trần Phúc Duyên trở nên quen thuộc, chiếm được nhiều cảm tình của người yêu mến hội họa.
Những bức tranh sơn mài nhiều chất thơ, tinh tế về phong cảnh quê hương đất nước Việt Nam được ông sáng tác với một niềm yêu nhớ quê hương vô bờ. Từ thời kỳ “Sơn mài đồng nhất” (1945-1954) đến 1954 đến cuối những năm 1970; thời kỳ “Sơn mài sáng” cuối những năm 1970 đến năm 1993; thời kỳ “Sơn mài thủy mặc” những năm cuối đời đều mang đậm dấu ấn riêng biệt Trần Phúc Duyên mà nếu ai yêu mến tranh ông đều hiểu. Sau này, tranh sơn mài Trần Phúc Duyên nghiêng hẳn về thủy mặc, rất trừu tượng, gần như không còn hình cụ thể.
Bức tranh “Đền Ngọc Sơn – cầu Thê Húc” này thuộc thời kỳ “Sơn mài sáng” của Trần Phúc Duyên. Tranh đẹp, tình cảm, tinh tế và lộng lẫy. Với Trần Phúc Duyên, đề tài chỉ là cái cớ để thể hiện lòng mình. Dù sống ở Việt Nam, Pháp hay Thụy Sỹ đều là tình yêu quê hương tha thiết, nặng sâu được thể hiện trên một nền hội họa sơn mài căn bản và thuần hai từ “Việt Nam”.
HOÀNG ANH
Câu nói chất liệu chỉ là phương tiện thực ra cũng chỉ là một cách nói. Vì khi đi sâu vào bất cứ một chất liệu nào, để thể hiện được đầy đủ đặc tính, tính năng và phẩm chất của nó, lại là một câu chuyện khác hẳn. Phương tiện-chất liệu-kỹ thuật đôi khi đồng nhất với nội dung căn bản của hội họa.
Cũng như nhiều họa sĩ Việt Nam khác, Ngô Minh Cầu sử dụng khá nhiều chất liệu. Ông nổi tiếng trước hết ở tranh lụa. Các tranh màu nước của ông cũng rất đặc sắc. Ngoài một số lượng lớn tranh sơn mài sáng tác trong khoảng trên dưới 40 năm, ông cũng vẽ cả tranh sơn dầu, vừa để thỏa cái chí “tang bồng”, vừa để suy nghiệm về lụa và sơn mài- hai chất liệu Á Đông- trong hệ thống tham chiếu phổ quát của nghệ thuật phương Tây cũng như nghệ thuật toàn thế giới.
Bức tranh ở đây thực sự là một trải nghiệm trong lĩnh vực cảm xúc và nghề nghiệp của một họa sĩ đang đi tìm hướng đi mới từ tận những yếu tố cơ sở. Nó vừa là hình nghiên cứu mà cũng vừa mang tính sáng tác, với độ tới để có thể gọi là tranh. Ánh sáng trên khuôn mặt người thiếu nữ được thể hiện rất già dặn, chắc chắn, đã vượt khỏi cái ranh giới mong manh giữa hình họa và hội họa.
F.A.M.