Năm 1920, Victor Tardieu nhận Giải thưởng Đông Dương, và theo thông lệ, ông nhận kèm theo một suất tiền lữ hành để có thể sang ở sáu tháng tại Viễn Đông.
Chuyến đi tưởng sáu tháng ấy hóa ra lại kéo dài đến 16 năm, cho đến tận khi ông qua đời ở Hà Nội vào năm 1937.
Tháng giêng 1921, Victor Tardieu xuống tàu ở cảng Marseille để đi Việt Nam. Trên đường đỗ bến và lữ hành ở Đông Dương, ông đã vẽ nhiều tranh phong cảnh và đời sống xã hội, chủ yếu là hình họa và “pochade” (phác họa màu bằng sơn dầu). Vẽ pochade chính là sở trường của ông đã được chứng minh trong thời gian ông phục vụ quân đội trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.
Nghệ thuật của Victor Tardieu nhìn chung có khuynh hướng cổ điển, “trước hết là tính xác thực”, “sử dụng các phương tiện vừa đơn giản vừa uyên bác, tinh tế và mạnh mẽ” với tính tự nhiên lôi cuốn đến những tìm tòi táo bạo như của phái dã thú.
Đây là một “pochade” đã được Victor Tardieu vẽ tại Hà Nội. Nó cho thấy một phong độ hết sức già dặn, khả năng thâu tóm nhanh cái bất chợt, cũng như kỹ năng mô tả linh hoạt của người vẽ.
Năm 1925, Victor Tardieu (cùng với Nam Sơn) sáng lập ra Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Con người và hội họa của ông, trong một thời gian dài, đã trở thành một tấm gương cho các sinh viên Việt Nam trên con đường học tập, tiếp thu nghệ thuật của phương Tây và của toàn nhân loại.
Bức tranh “Một góc phố ở Hà Nội” này (có thể là góc phố Hàng Buồm cắt với Hàng Giày) đã được lưu giữ và trưng bày tại phòng làm việc của Victor Tardieu tại Hà Nội đến năm 1937. Sau đó, được lưu giữ tại gia đình Victor Tardieu tại Pháp và Ý trước khi chuyển trực tiếp sang một bộ sưu tập tư nhân tại châu Âu. Đây là một trong số rất ít những tác phẩm còn lại của Victor Tardieu về Đông Dương sau khi kho lưu giữ tranh của ông bị cháy.
F.A.M.