VỀ BỘ SƯU TẬP TRANH CÔNG GIÁO CỦA CỐ LINH MỤC ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP

 

Có thể nói về một nền Nghệ thuật Công giáo Việt Nam, và một trong những người có công hàng đầu trong việc thúc đẩy cho sự ra đời và phát triển của nền nghệ thuật này, chính là cố Linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp…
Tôi biết Linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp từ những năm 1980. Chính nhờ qua ông, mà tôi có cơ hội tìm hiểu thấu đáo hơn về nghệ thuật Công giáo Việt Nam. Và, cũng nhờ qua ông, mà tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều họa sĩ danh tiếng ở miền Nam còn ở trong nước sau 1975… Sau này, cũng viết về Nghệ thuật Công giáo, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ, dường như, đó là cơ duyên…!

Người ta hay nói mỹ thuật Việt Nam nghèo nàn; mỹ thuật miền Nam trong thời kỳ 1954-75 lại càng nghèo nàn hơn nữa; trong mỹ thuật miền Nam, bộ phận mỹ thuật Công giáo thì gần như không có gì đáng kể.

Với những nhà nghiên cứu có công tâm, những nhận định vừa nêu hoàn toàn sai. Nhưng tuy sai, chúng lại có cơ sở từ hiện thực. Thứ nhất, đó là những mảng đề tài ít được chú ý; nhất là đề tài mỹ thuật miền Nam và mỹ thuật Công giáo. Có thể nói, bao nhiêu năm qua, mảng mỹ thuật miền Nam gần như đã bị bỏ quên. Ít nhất là trong sử sách. Với hầu hết công chúng mỹ thuật Việt Nam hiện tại, mỹ thuật miền Nam chỉ còn là mảng “mỹ thuật kháng chiến” và mảng “mỹ thuật phản chiến”. Những tên tuổi như Lê Văn Đệ, Tạ Tỵ, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Nguyễn Siên, Văn Đen, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Anh, Nguyễn Thương, Lê Văn Bình, Tố Phượng, Tố Oanh… hiếm khi được nhắc đến.

NGUYỄN SIÊN (1916-2014) – Giáng sinh. 1971. Sơn dầu. 100x80cm. Thuộc bộ sưu tập của cố linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp

Thường, chỉ được nhắc đến trong câu chuyện “trà dư tửu hậu” của các họa sĩ trưởng thành ở miền Nam trước 1975 còn lại. Mà số người này thì, do tuổi tác, càng ngày càng thưa thớt. Thứ hai, ngay cả khi chú ý thì người ta cũng không có tác phẩm để thưởng thức và để đánh giá. Nói đến nghệ thuật là nói đến tác phẩm. Tác phẩm mỹ thuật khác tác phẩm của các loại hình nghệ thuật khác ở tính chất độc bản. Một tập thơ hay một cuốn tiểu thuyết có thể được in cả hàng ngàn bản; mất bản này thì còn bản khác. Nhạc cũng vậy. Chỉ có tác phẩm mỹ thuật là độc nhất và bất khả thay thế. Các ảnh chụp chỉ có ý nghĩa rất tương đối. Huống gì, riêng ở Việt Nam, không phải tác phẩm mỹ thuật đặc sắc nào cũng có ảnh chụp. Còn các viện bảo tàng thì, do nhiều lý do từ kinh tế đến lịch sử, hiếm khi lưu giữ và trưng bày các tác phẩm mỹ thuật ở miền Nam cũng như liên quan đến tôn giáo, đặc biệt Công giáo.

Trong tình hình ấy, muốn tìm hiểu và thưởng thức mỹ thuật miền Nam cũng như mỹ thuật Công giáo, người ta chỉ có thể tìm đến một địa điểm duy nhất: các bộ sưu tập cá nhân. Bộ sưu tập của cố Linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp (1926 – 1992) chính là một trong một sưu tập quý báu ấy.

NGUYỄN PHƯỚC (1943) – Truyền tin. 1990. Sơn mài. 69x80cm Thuộc bộ sưu tập của cố linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp

 

NGUYỄN ANH (1914-2000) – Giáng sinh. 1971. Sơn dầu. 92x67cm Thuộc bộ sưu tập của cố linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp

Xin thú nhận là tôi biết đến bộ sưu tập nghệ thuật của cố linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp một cách hoàn toàn tình cờ. Đó là những năm đầu thập niên 1980. Qua trung gian của giáo sư Nguyễn Đăng Trúc. Với tôi, đó là một phát hiện bất ngờ và đầy thú vị. Bao nhiêu năm sau, tôi vẫn còn nhớ như in từng tác phẩm trong bộ sưu tập ấy.

Thật ra, bộ sưu tập của cố linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp không lớn lắm. Tổng cộng chỉ gần một trăm tranh, tượng. Tuy vậy, phần lớn là những tác phẩm chọn lọc và tiêu biểu, có thể mang lại một hình dung tương đối về phần diện mạo bị bỏ quên của mỹ thuật miền Nam, đặc biệt là mỹ thuật Công giáo. Hơn nữa, chúng là duy nhất, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.

Ví dụ, trước đây, lúc bắt đầu tìm hiểu mỹ thuật miền Nam, tôi loáng thoáng nghe đến cái tên họa sĩ Nguyễn Anh. Được biết, ông tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1935; tu nghiệp tại trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris (Atelier Jean Dupas) trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1950; là giáo sư trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn từ 1962 đến 1967, và đảm nhiệm chức vụ giám đốc trường này năm 1967-1968; đã có nhiều triển lãm trong nước và quốc tế v.v… Nhưng, tìm kiếm khắp nơi, tôi vẫn không thấy một tài liệu nào về ông, không thấy một hình ảnh nào về tác phẩm của ông.

NGUYỄN PHƯỚC (1943) – Hiển linh. 1988. Sơn dầu. 150x120cm. Thuộc bộ sưu tập của cố linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp

 

NGUYỄN PHƯỚC (1943) – Đức mẹ và chúa hài đồng. 1990. Sơn mài. 42x35cm Thuộc bộ sưu tập của cố linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp

Chỉ khi xem lại bộ sưu tập của cố linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp mới đây, tôi mới giật mình nhận ra, bốn bức tranh chủ đề “Giáng Sinh” mà lúc trước tôi rất thích, còn nhớ đến bây giờ, lại chính là tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Anh.
Không phải riêng tôi mà cả những họa sĩ từng trải ở miền Nam cũng có nhận xét tương tự. Cách đây mấy tháng, tôi mời họa sĩ Nguyễn Lâm cùng đến tham quan bộ sưu tập. Họa sĩ Nguyễn Lâm là một trong vài học trò cũ của họa sĩ Nguyễn Anh còn lại. Chính ông cũng bất ngờ, bởi đây là lần đầu tiên được nhìn thấy tranh của thầy mình. Ông giải thích: “Thầy Nguyễn Anh tuy dạy rất giỏi, nhưng sinh viên lúc đó, rất ít người được xem tác phẩm của ông. Một phần, do ông toàn triển lãm ở nước ngoài, phần khác, cũng như thầy Lê Văn Đệ, tranh ông lúc đó cũng đã thuộc hàng quí hiếm… Qua mấy bức tranh này, nếu so với tranh của Lê Phổ, tôi thích tranh của họa sĩ Nguyễn Anh hơn…!”…

NGUYỄN THI – Đức mẹ đồng trinh và chúa hài đồng. Thuộc bộ sưu tập của cố linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp

   

LÊ VĂN BÌNH – Đức mẹ bồng con. 1990. Lụa. 65x42cm. Thuộc bộ sưu tập của cố linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp

Hôm đó, họa sĩ Nguyễn Lâm cũng săm soi rất kỹ hai bức tranh sơn mài-một, chủ đề “Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng”, một, chủ đề “Truyền tin”-của họa sĩ Nguyễn Phước, một họa sĩ cùng thời với ông, nổi tiếng với bút pháp tài hoa và bảng màu lạ, lung linh, huyền ảo. Ông nói, đây cũng là lần đầu tiên ông được nhìn thấy mảng tranh Công giáo của bạn mình. “Hai bức tranh sơn mài và cả ba bức sơn dầu của Nguyễn Phước ở đây đều rất đẹp!”-ông nhận định.

Tất cả những điều vừa kể cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của bộ sưu tập nghệ thuật của cố linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp. Đó thực sự là một kho tàng hiếm và quý. Hiếm vì, khác với truyền thống Tây phương, người Việt không có thói quen xây dựng các bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân, nhất là trước năm 1975, khi Việt Nam đang có chiến tranh và khi việc sưu tập nghệ thuật không hứa hẹn mang lại nguồn lợi nào về kinh tế. Quý vì, so với các bộ sưu tập nghệ thuật khác từng hiện hữu ở Việt Nam, đây là một bộ sưu tập có nhiều tác phẩm mỹ thuật về đề tài Công giáo. Bởi vậy, việc khai thác bộ sưu tập này là một công việc lâu dài đối với các nhà phê bình cũng như lịch sử mỹ thuật. Trước mắt, chúng tôi xin tạm thời tự giới hạn ở một mục tiêu khiêm tốn: giới thiệu một số tác phẩm chủ đề Công giáo trong bộ sưu tập nghệ thuật quý hiếm này.

DI CHÚC CỦA LINH MỤC ĐA MINH TRẦN THÁI HIỆP (1926-1992).  Linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp sinh năm 1926 tại Giáo Phận Bùi Chu, du học ở Roma, chịu chức linh mục năm 1952, Về nước ngài làm giáo sư, phó Giám Đốc Đại Chủng Viện 1961 – 1975, sau đó làm Giám đốc cho đến khi nghỉ hưu, ngài mất ngày 12 tháng 6 năm 1992. Bên cạnh công việc giảng dạy tại Đại Chủng viện, ngài đảm nhận nhiệm vụ Tổng Thư ký Ủy Ban Mỹ Thuật Tôn giáo thuộc Hội Đồng Giám Mục VN. Ngài có nhiều hoạt động đóng góp cho nên mỹ thuật tôn giáo, một trong những công trình giá trị bậc nhất hiện nay tại VN là bộ sưu tập mỹ thuật của ngài.

 

(Trích từ sách “Nghệ thuật Công giáo”)
Nguyên Hưng

 

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

Dấu ấn hội họa trong di sản của Văn Cao

NDO – “Đơn giản nhưng uyên sâu”, “lối phối màu độc đáo” và “ sáng tạo mang tính khai phá”… là đánh giá chung của các nhà chuyên môn khi thưởng thức bộ sưu tập 200 tác phẩm minh họa...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV (Bắc miền Trung) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...

NGHỆ THUẬT HOÀNG SÙNG ĐA DẠNG, TRỮ TÌNH

  Họa sĩ Hoàng Sùng chào đời trên miền đất cổ Hưng Yên ngày 1 tháng 3 năm 1926. Thuở ấu thơ, ông được học chữ Hán, được làm quen với các thư tịch cổ và được hưởng sự quan tâm giáo...

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC MỸ THUẬT ĐỀ TÀI LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG 2021-2025

  Những năm gần đây, nhiều hoạt động về văn hóa, văn nghệ, mỹ thuật và báo chí trong quân đội, trở thành quen thuộc trong đời sống nhân dân. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Bảo tàng...