Năm 1998, nhiều tờ báo, nhất là các báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã đưa tin về việc “tìm ra” một bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí. Có thể nói, đây là một bức tranh lạ, cả về đề tài lẫn cách thể hiện so với những gì trước đó người ta vốn biết về nghệ thuật ông.
Bức tranh gồm bốn tấm, tức là theo thể thức Nguyễn Gia Trí ưa dùng, mà từ xưa vẫn được gọi là “bình phong”. Ngoài nội dung chính vẽ theo chủ đề, ông có vẽ phát triển thêm đường diềm trang trí bao quanh cho tăng phần cổ kính.
Điều đáng tiếc là bức tranh đã bị mất một tấm, tấm thứ hai tính từ bên trái sang, khiến bố cục toàn bộ bị gián đoạn.
Song không vì thế mà tranh bị mất đi tinh thần chủ đạo, vì những hình tượng lớn, chủ yếu, may mắn thay, được tác giả đặt ở tấm ngoài cùng bên trái, kề với tấm bị mất. Về căn bản, tính đối lập – điều quan trọng nhất của một bức tranh lịch sử chiến trận vẫn được bảo tồn.
* * *
NGUYỄN GIA TRÍ – Trận Bạch Đằng. Khoảng cuối những năm 1950 đầu 1960. Sơn mài. (220x75cm) x3. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Từ các nghiên cứu về tiểu sử và quá trình nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí, ta có thể ước định bức tranh “Trận Bạch Đằng” đã được ông sáng tác vào khoảng cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Đây là một thời kỳ lịch sử đặc biệt, đầy xáo động, không chỉ đối với cá nhân ông, mà còn đối với cả đất nước, khi chiến tranh, tình trạng chia cắt, ly tán đang có những tác động rất mạnh và nhiều mặt đến đời sống chính trị, xã hội, tư tưởng và số phận riêng của từng con người, làm nảy sinh sự phân hóa tinh thần của các nghệ sĩ thành hai hướng. Một, ở miền Bắc, diễn biến và phát triển theo ảnh hưởng đến từ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hai, ở miền Nam, là theo các ảnh hưởng đến từ các trường phái nghệ thuật tư bản phương Tây. Tất nhiên, mọi ảnh hưởng ấy đều nằm trong thế khả năng, nó cần phải được tái sinh một lần nữa trong quá trình sáng tạo của mỗi nghệ sĩ.
Vào thời kỳ ấy, việc tìm về các đề tài lịch sử xa xưa, như ở trường hợp này của Nguyễn Gia Trí (thể hiện khí phách hào hùng của nhân dân ta chống giặc ngoại xâm Nguyên-Mông), thực ra có phần ít được chú ý hơn ở miền Bắc, bởi vì ở miền Bắc các đề tài lịch sử hiện đại, lịch sử cách mạng dường như mới thuộc diện ưu tiên hàng đầu. Sự khác nhau này cũng phản ánh sâu sắc thực trạng chính trị khi ấy ở hai miền Nam Bắc là khác nhau.
* * *
Vẽ về một đề tài lịch sử xa xưa bao giờ cũng là một thử thách lớn đối với người họa sĩ, thậm chí khó hơn rất nhiều so với vẽ về đề tài thần thoại. Lịch sử là hiện thực đã qua, và phần lớn đã qua từ rất lâu, nhưng người xem vẫn có kiến thức, kinh nghiệm và linh cảm để kiểm chứng niềm tin của mình về lịch sử trước những sáng tạo trong lĩnh vực này của các họa sĩ.
Bởi vậy, cho dù nhằm tới hiệu quả tinh thần là chính thì người vẽ vẫn không thể bỏ qua những yếu tố lịch sử đặc trưng và xác thực, từ cốt truyện, bối cảnh, nhân vật đến trang phục hay đạo cụ…
* * *
Giá trị đáng kể nhất của bức tranh “Trận Bạch Đằng”, hay còn có tên là “Sát Thát”, là ngoài việc đáp ứng được về cơ bản những đòi hỏi đối với một bức tranh lịch sử, tác giả Nguyễn Gia Trí còn ghi lại được dấu ấn đặc biệt của nghệ thuật ông. Vốn là một họa sĩ vẽ tranh in báo và minh họa báo cự phách, đặc biệt trong thời kỳ ông cộng tác với báo “Ngày nay” những năm 1936-1940, ở đây, Nguyễn Gia Trí đã lại tiếp tục phát huy vận dụng lối cấu trúc tranh, đi nét, diễn hình, tô màu đặc sắc của dòng tranh dân gian Hàng Trống, biến cái phức tạp thành đơn giản, bằng cách đưa tất cả vào một hệ thống sơ đồ, và làm sinh động các chi tiết bằng các thủ pháp cách điệu sắc sảo. Khác với các tranh vẽ thiếu nữ, kỹ thuật thể hiện sơn mài ở đây mang tính đồng nhất hơn, rất gần với kỹ thuật thường thấy ở các tranh sơn cổ, màu hết sức giản dị, hơi nguyên sơ, lấy màu sơn cánh gián làm màu ẩn chủ đạo, phủ trong màu, để tạo ra vô vàn sắc thái cho đỏ, đen và một màu xanh “ve chai” quý giá, đưa cảnh tượng vào sau một lớp màn sương khói mà từ đó vẫn phát ra những âm thanh vang động.
Tài năng hội họa của Nguyễn Gia Trí, qua bức tranh lịch sử này, thêm một lần nữa đã được chứng minh.
Trần Văn Cẩn tìm cái thú thầm lặng trong hội hoạ như người đãi cát tìm vàng, mò trai dưới biển. Và ngọc trai của ông là màu sắc, là hiệu quả ánh sáng của hai màu đặt bên nhau. Một xe ngựa...
Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh,...
Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất...
Khi những ngày đông tháng giá đã lùi vào phía sau nhường những tia nắng chan hòa khắp phố phường Hà Nội thì 16 Ngô Quyền có lịch triển lãm của hai nữ tác giả mang tên “Tháng Ba”. Trần Thị...
Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên cuốn sách được viết ra bởi một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông đã thiết lập nên hình thái hội họa trừu tượng màu (hay chính xác...
“Nghệ thuật Đương đại Việt Nam” (Vietnamese Contemporary Art) đã thực sự là khái niệm hiện hữu trên hệ thống truyền thông quốc gia và quốc tế. Nhưng thực tế ở Việt Nam, nghệ thuật đương...
Trâu là động vật sinh sống phổ biến ở châu Phi, châu Á, nhưng hiếm gặp ở châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ. Chính vì vậy, hình tượng trâu trong mỹ thuật và văn hóa chủ yếu xuất hiện ở Ai...
Bài viết này nằm trong tư liệu gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ lưu giữ, có tiêu đề :“Sơn mài và tranh lụa – hai dòng nghệ thuật truyền thống Việt Nam”. Bài bao gồm hai phần. Một phần...
Lê Thánh Thư đột ngột qua đời lúc 2h sáng 16/7/2021, khi còn đang khá mạnh khỏe. Gia đình cho biết anh tự xét nghiệm và phát hiện ra dương tính Covid-19 chiều 15/7, hơn 10 tiếng sau thì qua đời....
Rất khó, nếu không muốn nói-là không có một họa sĩ bậc thầy nào lại không có một kỹ thuật riêng nào đó, bởi vì kỹ thuật là yếu tố hàng đầu tạo nên phong cách. Kỹ thuật đã...