LTS: Từ ngày 4 đến 10/12/2020, tại Trung tâm phát triển và sáng tạo nghệ thuật (Art Space) thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, đã diễn ra cuộc triển lãm “Những Ký ức Tĩnh lặng” – một triển lãm cá nhân của hoạ sư Trịnh Tuân, bao gồm hơn 40 tác phẩm sơn mài. Triển lãm đã gây tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật thủ đô cũng như để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho công chúng yêu mến nghệ thuật sơn mài. Bài viết dưới đây là nhận định của Nhà Nghiên cứu Mỹ thuật độc lập Phạm Long về nghệ thuật sơn mài Trịnh Tuân.
Vào cuối thế kỷ 19, do vị trí địa chính trị đặc thù, Việt Nam đã trở thành một nút giao thoa của những đợt sóng văn hoá toàn cầu lan toả từ tây sang đông, từ bắc xuống nam và ngược lại, vì thế, hình thành một nền nghệ thuật hiện đại đa sắc màu và cũng nhiều cá tính. Là hệ quả từ những cuộc hôn phối thiên định và nhân định ấy, nghệ thuật sơn mài Việt Nam ngay từ lúc ra đời đã là một minh chứng điển hình cho sự tích hợp thành tựu của mỹ thuật trang trí Pháp cùng truyền thống đồ sơn Nhật vào những biến đổi phá cách của những nghệ sĩ nghệ nhân người Việt khao khát hấp thụ tinh hoa quốc tế để bồi đắp cho những sáng tạo bản địa.
Hoạ sư sơn mài Ishiko Suehiko, tốt nghiệp ban sơn mài Trường Mỹ thuật Tokyo năm 1889 có lẽ là người có công đầu truyền dạy các bí quyết của nghề sơn mài Nhật Bản cho nhiều thế hệ học sinh của Trường nghề Hà Nội và/hoặc cho các nghệ nhân hay thợ vẽ ở Bắc Kỳ trong giai đoạn bản lề từ cuối thế kỷ 19 vắt sang đầu thế kỷ 20. Những ánh xạ của Jean Dunand, nghệ sĩ sơn mài vĩ đại nhất của thời kỳ Art – Deco vào thập niên 1920-1930, người tiên phong sử dụng nhựa cây sơn Đông Dương trên đất Pháp, đã gieo mầm và nuôi dưỡng niềm tin tương lai cho hội hoạ sơn mài của các hoạ sĩ thuộc địa. Nữ hoạ sĩ Alix Aymé người Pháp từng thụ giáo một hoạ sư sơn mài Nhật tại Hà Nội vào đầu thập niên 1920 cũng có công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ hoạ sĩ Đông Dương vào những năm 1930-1940. Nhiều bậc thầy Việt Nam từng sang Pháp, Nhật ngay từ nửa đầu thế kỷ 20 như Lê Phổ, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Minh…đã tiếp nhận nhiều ảnh hưởng quốc tế không thể phủ nhận.
Trong tiến trình phát triển của nghệ thuật sơn mài trên đất Việt, từ Lê Phổ, Trần Quang Trân, Nguyễn Gia Trí… cho tới những thế hệ hoạ sĩ hiện đại rồi đương đại, Trịnh Tuân nổi lên như một hoạ sư sở đắc những bí quyết sơn mài cốt lõi ngõ hầu tạo dựng nhiều tác phẩm đỉnh cao. Ngay từ năm 2006, trong cuốn chuyên luận “Ấn tượng và Biểu hiện – Hội hoạ đương đại Việt”, các nhà phê bình nghệ thuật Shireen Naziree và Phan Cẩm Thượng đã xếp Trịnh Tuân vào hàng những “họa sĩ sơn mài bậc thầy…” và nhận định rằng “…những thử nghiệm với các kỹ thuật [sơn mài] của ông đã đạt tới độ tự tin đến mức có thể tự do biểu đạt vượt thoát khỏi những quy trình chế tác tranh [sơn mài] thông thường.” *
Từ đó đến nay đã thêm một chặng đường dài trong sự nghiệp nghệ thuật phong phú của Trịnh Tuân, cũng là một bước tiến lớn trong hội hoạ sơn mài của ông. Có thể nói, tại thời điểm này, một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tranh sơn mài của Trịnh Tuân là nhạc tính. Ngoài ra, đường ranh giữa mỹ nghệ trang trí và hội hoạ tạo hình đã bị xoá nhoà, hay nói cách khác, tranh sơn mài của ông vừa phát huy được ưu thế “vàng son lộng lẫy” của thứ chất liệu sơn thếp cổ kính, lại có khả năng bộc bạch những cung bậc cảm xúc tinh tế, lắng sâu nhờ một ngôn ngữ biểu đạt hiện đại rất riêng.
Yếu tố quan trọng tạo nên nhạc tính trong tranh sơn mài của Trịnh Tuân là nhịp điệu. Trong các tác phẩm của ông, nhịp điệu hình thành nhờ sự lặp lại có trật tự hoặc thường xuyên của một hoặc nhiều yếu tố: những chân dung nhìn nghiêng, những mái tóc bồng bềnh, những ngó sen vâm váp, những phố phường xô nghiêng, những vòm cây xao xác … Sự tái hiện hợp lý các hình tượng và hoạ tiết cô đọng, biểu trưng làm ngân lên trong tranh sơn mài Trịnh Tuân nhiều giai thức đa thanh.
Với sự gia giảm tinh tế các yếu tố bất ngờ, phá cách và/hoặc một vài biến thể trong các bố cục hay các điểm nhấn, sự nhịp nhàng của tổng thể trong tranh ông không đơn điệu, tính đa dạng trong sự thống nhất mang lại nhiều ngạc nhiên thích thú cho người xem.
Bên cạnh nhịp điệu, với biệt tài làm chủ chất liệu và màu sắc, đặc biệt là những gam sáng lạnh, hoà sắc trong tranh ông luôn khiến người xem nhận diện được ngay cảm thức của một nghệ sĩ Hà Nội phóng túng trong thanh lịch. Những xao xuyến mơ hồ ở những bức phong cảnh hay chân dung nhuốm màu ưu tư, tự sự bởi giọng thứ se lạnh đã là khó tả, thì cái rạo rực nơi những gam trưởng của các bộ tranh đôi, tranh ba hoành tráng ấm áp, óng ả, vang vọng những âm hưởng miền nhiệt đới nồng say lại là tâm trạng khó bề kìm nén nơi người xem. Bảng màu của ông không bị bó gọn trong phổ sơn ta truyền thống như son, then, vàng hay trắng trứng mà trải rất rộng với nhiều sắc tố hiếm, lạ, và ngày càng có xu hướng ngả sang tông lục sáng, thanh nhã – một gam màu sang quý, độc đáo và hiện đại của sơn mài Việt. Nền và hình trong tranh ông được phối trí như thể những khuông nhạc của bản tổng phổ lưu dấu những hợp âm/hoạ tiết giàu tính biểu tượng. Hơn nữa, nhờ các thủ pháp tạo mầu ‘lấp lánh’ trên hình và nền cùng lối bố cục có nhiều điểm nhất thu hút thị giác, tranh sơn mài Trịnh Tuân có độ rung cảm và tính biểu hiện đặc biệt quyến rũ.
Trong nghệ thuật sơn mài, ranh giới giữa tác phẩm mỹ thuật và tác phẩm trang trí khá mong manh. Cả hai đều là vật trang trí và đều bao hàm các yếu tố nghệ thuật trong chúng. Nhưng hai loại hình nghệ thuật này khác nhau về bản chất. Có thể nói tính độc đáo hay độc bản của các tác phẩm sơn mài của Trịnh Tuân là một trong những phẩm chất quý giá nhất. Vượt lên khỏi xu hướng nhân bản hàng loạt hoặc khai thác các ưu thế về chất liệu sơn mài nhằm trang trí hay tô điểm cho không gian của đồ sơn Đông Dương thời kỳ đầu – và vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày hôm nay, những tác phẩm được chế tác công phu của ông thường có hàm ý sâu xa hay ngầm biểu hiện điều gì đó ẩn sau những chủ đề mới nhìn thoáng qua có vẻ rất giản dị; chúng truyền tải những ý tưởng và khơi gợi cảm xúc hoặc tạo ra nhu cầu tự nhận thức.
Hai phẩm tính lớn nhất nói trên của hội hoạ sơn mài Trịnh Tuân hình thành và phát triển nhờ những tố chất thiên bẩm cũng như cuộc sống sôi động với nhiều trải nghiệm của ông, mà các nhân tố sau có ý nghĩa quyết định: (1) Năng khiếu hội hoạ và sở thích âm nhạc từ nhỏ; (2) Chuyên môn design được đào tạo vào đầu thập niên 1980; (3) Hoạt động giáo dục nghệ thuật gần 40 năm qua với cương vị nhà giáo ở trong nước hay giáo sư thỉnh giảng tại các chuyên đề / workshop ở nước ngoài; (4) Vốn ngoại ngữ và hoạt động giao lưu quốc tế, nhất là với chức trách sáng lập và đồng chủ tịch Asia Art Link – một tổ chức hội đoàn nghề nghiệp châu Á thường xuyên có những hoạt động giao lưu triển lãm và sáng tác quốc tế trong hơn một thập kỷ nay.
Là nhà sư phạm nghệ thuật giàu kinh nghiệm, nhà hoạt động và giám tuyển không biết mệt mỏi ở tầm quốc gia và quốc tế, hoạ sư sơn mài Trịnh Tuân đã lan toả và truyền cảm hứng cho nhiều hoạ sĩ trẻ trong nước nay đã thành danh và cả những nghệ sĩ quốc tế đến từ Anh, Nhật, Đan Mạch, Thái Lan, Hàn Quốc. Gần đây, nhạc kịch lại là bộ môn chiếm dụng thêm quỹ thời gian của ông, nhưng âu cũng là một đam mê từ thủa thiếu thời nay mới có cơ thoả nguyện. Đa tài và đa mang, năng lượng sáng tạo của ông đã khuếch tán cho nhiều phạm vi, lĩnh vực. Với tài năng và tâm thức của một nghệ sĩ chính trực, nếu ông căn chỉnh tổng phổ đam mê để dần hội tụ về biệt khúc chính âm hội hoạ, chắc chắn những cung bậc sơn mài Trịnh Tuân sẽ còn vang xa, thâu thái thêm nhiều thành tựu lớn lao hơn nữa, xứng đáng điểm một dấu son vào lịch sử nghệ thuật sơn mài hiện đại nước nhà.
Phạm Long
————-
* Nguyên văn: “Trinh Tuan is classified amongst the master lacquer painters. […] Trinh Tuan’s experiments with techniques have resulted in a confidence that has endowed him with a freedom of expression that transcends the usual progress of a painting”, Shireen Naziree, Phan Cam Thuong. Impressions and Expressions – Vietnamese Contemporary Paintings, Thavibu Gallery, Thailand, 2006.
Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...
NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...
Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...
Nhiều thập kỷ phiêu lưu trong hội họa, Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) thuộc lớp người xưa mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền mỹ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Gia Trí...
Họa sĩ Sophie Trịnh vừa trình làng triển lãm đầu tay mang tên “Lớp lang cảm xúc” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nữ họa sĩ đã dành hơn 6 năm để...
Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...
Từ ngày 23/08 đến 30/08/2018, tại Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật Thành phố Hải Phòng đã diễn ra triển lãm Mỹ thuật Khu vực II – Đồng bằng Sông Hồng lần thứ 23 năm 2018. Triển lãm giới...
“Trong thế kỷ 21, nghệ thuật đương đại đã trở thành nhân tố chính dẫn đến sự tăng trưởng của thị trường nghệ thuật toàn cầu.” Về tổng thể, thị trường nghệ thuật đương đại đã...
Bảo tàng điêu khắc Hirshhorn ở Washington, DC (Mỹ) sẽ kéo dài triển lãm “One with Eternity: Yayoi Kusama in the Hirshhorn Collection” của Yayoi Kusama cho đến ngày 16 tháng 7 năm 2023 thay vì dự kiến kết thúc...
Nguyễn Sỹ Tốt sinh năm 1920 tại làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Tây cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tình nguyện vào Vệ quốc quân, có mặt đầu tiên tại Sư...
Tia-Thủy Nguyễn: sinh năm 1981, lớn lên ở Hà Nội, hiện ở TP. Hồ Chí minh. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. học bổng du học tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc...