Lê Quốc Lộc (1918 – 1987), một trong những nghệ sĩ sơn mài tiêu biểu của Việt Nam, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử mỹ thuật với phong cách sáng tạo độc đáo và tình cảm. Ông với ngôn ngữ hội họa của mình, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, đã tạo nên những tác phẩm mang đậm tinh thần bình dị của làng quê Việt.
Họa sĩ Lê Quốc Lộc sinh ngày 20/10/1918, mất ngày 8/5/1987, quê ở Phùng Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên. Ông tốt nghiệp khoa sơn mài khóa 12 (1938 – 1943) tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lê Quốc Lộc là một họa sĩ từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như phụ trách ngành Họa tại Sở Tuyên truyền Liên khu III từ năm 1947 đến năm 1954, hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1959. Ngoài ra, từ năm 1966, ông còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhiệm kỳ I; từ năm 1968 – 1983 là Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I; và từ năm 1983 – 1989 là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Trang trí khóa II.
Họa sĩ Lê Quốc Lộc (1928 – 1987)
Lê Quốc Lộc được biết đến là một nghệ sĩ sáng tạo không ngừng, luôn tìm tòi và khám phá những khả năng mới của sơn mài. Phong cách vẽ của ông mang đậm tính dân tộc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Chủ đề trong các tác phẩm do ông sáng tác thường mang đậm tình cảm làng quê thôn dã, đa phần xoay quanh phong cảnh thanh bình của Việt Nam, đời sống sinh hoạt, lao động của con người và các lễ hội truyền thống,…
Tủ sơn mài “Phong cảnh làng quê” sáng tác bởi họa sĩ Lê Quốc Lộc
(Từ trái qua phải: mặt trái – mặt chính diện – mặt phải của tủ). 131,5 x 94,1 x 51,8 cm
Điển hình trong di sản đồ sộ các sáng tác sơn mài họa sĩ Lê Quốc Lộc để lại cho hậu thế, tác phẩm tủ gỗ “phong cảnh làng quê” là kết tinh của cả quá trình lao động nghệ thuật công phu và tâm huyết. Cách thức sáng tác bằng sơn mài trên tủ gỗ hai cánh hoặc bình phong nhiều tấm cũng được Lê Quốc Lộc nghiên cứu và thường xuyên thực hành trong suốt khoảng thời gian dài. Tác phẩm mô tả không khí thanh bình của ngôi làng sát bên triền núi. Một khung cảnh rộng nhìn từ trên cao, xuyên qua cành tre tới thửa ruộng bậc thang là những mái nhà lấp ló giữa những rặng cây, tựa vào thế núi trùng điệp nhấp nhô dưới khung trời vàng. Hiếm có cái tình nào vừa hùng vĩ, vừa bình dị, vừa hiện thực, vừa lãng mạn như cách ông đan cài vào trong tác phẩm. Bên cạnh đó, “phong cảnh làng quê” cũng cho thấy sự tỉ mỉ và vi tế trong cách Lê Quốc Lộc xử lý chất liệu. Ông chọn bảng màu truyền thống, vẽ lớn nhưng không bỏ qua việc tả kỹ những chi tiết nhỏ. Tổng thể tranh như có tính động, được áp dụng kỹ thuật chồng nhiều lớp vẽ để tạo chiều sâu, đẩy từ ngoại cảnh vào tâm trí.
Là người tìm hiểu sơn mài cặn kẽ, ông đã ghi tên mình vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam như một trong những nghệ sĩ tiên phong, đưa nghệ thuật sơn mài lên tầm cao mới. Trong suốt quá trình công tác, ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật vào năm 2000 cho các tác phẩm: Qua bản cũ (sơn mài, 1957), Ánh sáng đến (sơn mài, 1957), Tiêu thổ kháng chiến (sơn mài, 1958), Giữ lấy hòa bình (sơn mài, 1962) và Từ trong bóng tối (sơn mài, 1982).
Lê Quang