SẢN PHẨM ĐẸP MỘT THỜI CỦA CÔNG TY TRẦN HÀ

 

Từ hồi còn trẻ, tôi đã nghe tiếng Công ty Mỹ nghệ Thành Lễ. Đồ mỹ nghệ của công ty này được xuất ngày càng nhiều, có cửa hàng sang trọng trên đường Tự do… Sau này, kiến thức sách vở và thực tế giúp tôi biết Thành Lễ nằm trong bộ ba công ty mỹ nghệ được đánh giá cao nhất, có nhiều sản phẩm chất lượng nhất miền Nam là Thành Lễ, Trần Hà và Mê Linh. Trong bộ ba này, Công ty Mê Linh non trẻ nhất, chỉ nổi lên trong mười năm trước năm 1975, đã làm bức tranh sơn mài lớn “Bình Ngô đại cáo” trong Dinh Độc lập. Công ty Thành Lễ tồn tại đến năm 1975 là 27 năm mới ngưng. Riêng tung tích Công ty Trần Hà còn mù mịt, hầu như không có tài liệu nào nhắc đến.

Gần đây, tranh của Công ty Trần Hà được bán đấu giá khá nhiều ở nước ngoài. Trong bài “Chân dung họa sĩ Trần Hà – một phương trình nhiều ẩn số”, tác giả Quang Việt đã xác định họa sĩ Trần Hà tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa VI (1930-1935), dựa vào các tài liệu ông có. Căn cứ vào thông tin này, trong bộ ba sáng lập viên các công ty trên, họa sĩ Trần Hà có xuất thân danh giá nhất, từ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nền tảng này giúp ông xây dựng được công ty mỹ nghệ danh tiếng Trần Hà ở Bình Dương.

 

Cách nay hơn mười năm, tôi có đến thăm một căn hộ trong một chung cư ở quận 11 của một người thích sưu tầm toàn đồ Biên Hòa. Ở vách tường giữa phòng khách và phòng ăn đang trưng bày nhiều đồ Biên Hòa xưa, đồ gốm Bạch Định, anh đặt một tủ sơn mài cao khoảng một mét, tuyệt đẹp, với màu sơn nâu thẫm của sơn Nam Vang, vẽ hoa lá chim muông. Ban đầu tôi nghĩ ngay đó là tủ sơn mài Thành Lễ, loại hàng mỹ nghệ lúc đó đã rất khan hiếm, giá trị tính bằng số lượng vàng. Nhưng tôi nhầm, đó là tủ sơn mài của Công ty Trần Hà, một cái tên thỉnh thoảng được nghe nhưng sản phẩm hầu như không thấy ở đâu.
Đó là ấn tượng đầu tiên về đồ sơn mài Trần Hà. Từ đó đến nay, tôi vẫn chưa có dịp nhìn thấy món đồ thứ hai của Công ty Trần Hà, trừ vài bức hình in trên báo trước 1975 và trong bộ sưu tập của một bạn ở quận Tân Bình.

 

Gần đây tôi được xem một album ảnh chứa hàng trăm tấm ảnh chụp sản phẩm sơn mài của Công ty Trần Hà. Ngoài điều đáng tiếc là tất cả ảnh đều chụp đen trắng, hình dáng và họa tiết cẩn ốc, vẽ trên các sản phẩm tủ, bàn, hộp đựng nữ trang của công ty này đều quá thu hút. Kiểu dáng tủ, bàn tạo hình đẹp, phong cách đồ gỗ phương Đông có cải tiến… Các tranh cẩn ốc trên các tủ sơn mài vẽ theo các tuồng tích cổ Trung Hoa hay vẽ cảnh sinh hoạt người Việt xưa rất chi tiết và phủ các mặt tủ nơi được phô ra. Các miếng đồng đúc ốp góc tủ, góc hộp trang điểm được khắc sâu với đường nét tỉ mỉ… Thấp thoáng nơi trưng bày tủ bàn ghế sơn mài có những bức tranh, chỉ nhìn trong ảnh đen trắng thôi đã thấy mẫu mã được thực hiện từ bàn tay chuyên nghiệp, vẽ và mài có chiều sâu…Bộ ảnh còn nhiều bức khác, nhưng chỉ riêng số ảnh chụp sản phẩm đưa lên đã cuốn hút người xem.  Miền Nam đã có một thời làm ra những sản phẩm đẹp từ các công ty mỹ nghệ hàng đầu, rồi bị mai một, không phục hồi được chuẩn mực chất lượng như xưa. Thật là đáng tiếc!

Năm 2006, tôi viết bài về Công ty Thành Lễ khi hầu như không mấy ai quan tâm về sản phẩm của công ty này trừ một số ít người sành điệu còn sót lại của Sài Gòn xưa. Đến nay, nhiều người sống ở nước ngoài chơi tranh, gốm Thành Lễ và có nhiều tác phẩm đẹp của công ty này đã đưa một số tác phẩm ấy về quê hương bán cho người ưa chuộng. Mong là các sản phẩm đẹp của Công ty Trần Hà hay Mê Linh cũng sẽ có dịp quay về cố quán, như tranh và gốm Thành Lễ.

Phạm Công Luận 

Ảnh trong bài: Các sản phẩm của Công ty Trần Hà. Ảnh tư liệu: Hoàng Việt

 

Tin cùng chuyên mục

Họa sĩ Trần Văn Cẩn – Một thời Hà Nội

Trần Văn Cẩn tìm cái thú thầm lặng trong hội hoạ như người đãi cát tìm vàng, mò trai dưới biển. Và ngọc trai của ông là màu sắc, là hiệu quả ánh sáng của hai màu đặt bên nhau. Một xe ngựa...

Bùi Trang Chước – Một bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc và đồ họa ứng dụng

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh,...

Họa sĩ Hoàng Công Luận sự nghiệp sáng tác và đào tạo

Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất...

Tháng ba của Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân

Khi những ngày đông tháng giá đã lùi vào phía sau nhường những tia nắng chan hòa khắp phố phường Hà Nội thì 16 Ngô Quyền có lịch triển lãm của hai nữ tác giả mang tên “Tháng Ba”. Trần Thị...

MARK ROTHKO – Hiện thực của họa sĩ

  Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên cuốn sách được viết ra bởi một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông đã thiết lập nên hình thái hội họa trừu tượng màu (hay chính xác...

Có thể bạn quan tâm

BỐN CHIẾC LỌ VÀ NHỮNG SỐ PHẬN

  Một buổi chiều, tôi đến chơi thăm ông bạn làm điêu khắc. Ông ngồi bần thần nhìn mấy chiếc lọ gốm trước mặt, chung quanh là những bức tranh cùng mấy giá sách. – “Lâu mới lại...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 293&294 tháng 5-6/2017

...

Phiên đấu "20 Century Contemporary Art 2019" tại Hongkong: Thời của tranh lụa với những bức tranh quý hiếm

     TÔ NGỌC VÂN (1906- 1954) Người vỡ mộng Lụa. 92,5 x 57cm Giá ước đấu: 256,072 – 384,108 USD Giá bán: 1.162. 525 USD Thoạt tiên, bức tranh này của Tô Ngọc Vân đã được đấu giá vào ngày...

NHỮNG BỨC TRANH CỦA SỸ NGỌC TRONG BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

  Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc miệt mài công tác, sáng tác, giảng dạy và nghiên cứu Mỹ thuật. Dù gặp những khó khăn, cản trở, ông đều vững tâm vượt qua, đứng vững  trên con đường sáng tạo,...

25 NĂM TẠP CHÍ MỸ THUẬT

    Ngày 1/6/1992, tôi về nhận công tác ở Tạp chí Mỹ thuật (TCMT), làm biên tập viên kiêm phóng viên. Năm ấy, thời tiết rất giống năm nay, vào hè ít nóng, có mưa sớm. Mấy cái cây trước...