Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên cuốn sách được viết ra bởi một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông đã thiết lập nên hình thái hội họa trừu tượng màu (hay chính xác hơn: Hội họa Trường Màu/ Color Field Painting) và là một trong những đại diện quan trọng nhất của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Gần đây, tranh của ông thuộc hàng đắt giá nhất trên thế giới.
“Tôi trở thành họa sĩ vì tôi muốn đề cao hội họa sánh ngang với âm nhạc và thi ca về sức lôi cuốn”, ông từng nói.
Những triết lý vô cùng sâu sắc và sinh động kết tinh từ quá trình quan sát cuộc sống cũng như quan sát toàn bộ lịch sử nghệ thuật được ông trình bày trong cuốn sách này, “Hiện thực của họa sĩ”, có thể cho thấy hầu như tất cả những gì đã nuôi dưỡng và thúc đẩy các nghệ sĩ để họ có thể có được lý tưởng và đạt được những mục đích lớn lao trong nghệ thuật.
Hội họa của ông, cực kỳ dễ nhận ra, luôn luôn ở bậc cao nhất và chỉ có một. Nhiều họa sĩ học theo ông nhưng chưa có ai bằng được ông.
Ông, chứ-không-thể-là-ai-khác, chính là, Mark Rothko.
Mark Rothko sinh ngày 25 tháng 9 năm 1903 ở Dvinsk, nay là Daugavpils, thuộc Lithuania, trong một gia đình gốc Do Thái. Người ta thường gọi ông là họa sĩ Mỹ gốc Nga thay vì gốc Lithuania, có thể vì quê hương ông đã từng thuộc Nga suốt hơn 200 năm kể từ đầu thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20.
Và xin được tạ lỗi trước khi ghi chú mốc cuối cùng trong tiểu sử của Rothko: ở tuổi 67, sau một thời gian phải đấu tranh với chứng trầm cảm và nghiện rượu, ông đã tự kết thúc cuộc đời của mình tại New York, vào ngày 25 (có tài liệu ghi ngày 24) tháng 2 năm 1970.
Năm ông 10 tuổi, khoảng 1913, Rothko cùng gia đình di cư đến bang Oregon, Mỹ, hầu như không mang theo tài sản gì có giá trị ngoài một vốn liếng văn hóa đáng nể. Sau một thời gian học dở dang tại Đại học Yale (Yale College), từ năm 1925 (có tài liệu ghi 1923 hoặc 1924), ông đến ở hẳn New York. Tại đây, lần đầu tiên ông được tiếp xúc với quang cảnh nghệ thuật, và ghi tên theo học tại các lớp học của Liên đoàn Sinh viên Nghệ thuật, và tiếp theo, tại The New School for Design (trường tân tạo hình dành cho thiết kế).
Đầu những năm 1940, bằng những bức tranh “hữu cơ”, bán trừu tượng, chứng thực cho những nghiên cứu khoa học ở Yale, thể hiện một đời sống thủy sinh ở cấp vi mô, Rothko cũng chia sẻ niềm tin vào khả năng biểu lộ một cái nhìn nguyên sơ qua sự trở về với các hình thái chủ yếu mang tính thần thoại.
Là tín đồ của học thuyết “sự biểu hiện đơn giản của tư tưởng phức tạp” mà ông đã bộc bạch trong một bức thư gửi tờ The New York Times vào năm 1943, và tin chắc vào sự tác động của hình thể có quy mô lớn, từ 1947, ông loại trừ mọi sự tương đồng về mặt sinh học, để không chỉ giữ lại các vùng màu “đa dạng”, dẫu rằng chúng mỏng mịn trên vải như được nhuộm hơn là bôi lên (như trên bức Số 18, 1949, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York).
Trong những năm tiếp theo, ông vây chính xác hơn hình tượng, mà thực ra không có gì ngoài ý đồ cấu thành nên hai hình chữ nhật lớn đặt ra ở phía trước, được coi như biểu thị “những sự hiện diện có khả năng bao gồm toàn bộ”. Ở các bức tranh này, ông làm mờ những đường viền, đưa đến một sự sáng thanh khiết và sục sôi, sự êm ái của cảm hứng trữ tình và chất thơ, và cho dù đã áp sát hoàn toàn trừu tượng, nhưng người xem vẫn như có thể hình dung ra những sự thật ở bên dưới tấm màn trùm bí ẩn của nghệ thuật vẽ. Sự lấp lánh của chúng làm gợi nhớ tới ánh sáng siêu nhiên trong các bức tranh phong cảnh xuất thần nhất của Turner, thậm chí xa hơn, tới ánh sáng thần thánh trong một số tranh nổi tiếng vẽ nhân vật của Rembrandt.
Về cuối đời, một thời kỳ trầm uất (sẽ dẫn ông đến tự tử, như đã nói ở trên) đã khiến Rothko chọn một bảng màu tối: đen, nâu sẫm, các sắc khác nhau của đỏ tím. Thành tựu đáng chú ý nhất của ông lúc này là trang trí cho một nhà thờ ở Houston cho gia đình Menil. Mười bốn bức sơn dầu bao quanh người xem trong một không gian tám cạnh, đem đến một sự mặc tưởng siêu hình, bằng lối vẽ màu nhạt dần vô cùng tinh tế.
Một số nhà nghiên cứu gần đây đã thử tìm cầu nối giữa hội họa của Mark Rothko và âm nhạc của Mozart, họ đã nhận ra rằng, giữa nghệ thuật của hai bậc thầy có khá nhiều đặc tính tương đồng: thuần khiết, đơn giản, duyên dáng, và được sáng tạo ra như một thứ ân huệ cao quý dành cho tâm hồn con người.*
* * *
Về cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” (Artist’s Reality) của Mark Rothko (và những khó khăn trong việc dịch cuốn sách) có mấy điểm đáng lưu ý dưới đây:
Điểm thứ nhất: Bản thảo cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” của Rothko chỉ thực sự được biết đến sau khi ông đã mất. Có lý do để cho rằng ông đã viết nó vào đầu những năm 1940 và hoàn thành trước năm 1947-1948… Và phải đến năm 2004, bản thảo này mới được xuất bản thành sách tại Nhà xuất bản Đại học Yale dưới tiêu đề “Hiện thực của họa sĩ | Những triết lý nghệ thuật của Mark Rothko” (The Artist’s Reality | Philosophies of Art by Mark Rothko), với sự cộng tác và trợ giúp của một số người, đặc biệt của hai người con của Mark Rothko là con gái lớn Kate Rothko Prizel và con trai Christopher Rothko. Riêng người con trai Christopher đã viết một lời giới thiệu chiếm đến 21 trang đầu của cuốn sách trong lần xuất bản đầu tiên này.
Điểm thứ hai (đặc biệt đáng để ngạc nhiên mà lẽ ra nên đặt ở vị trí của điểm thứ nhất): Trên nhiều phương diện, cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” của Mark Rothko có thể đem so sánh với cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” của Kandinsky (xuất bản lần đầu tiên năm 1911), vốn được coi như “một văn bản then chốt trong lịch sử nghệ thuật hiện đại”. Và cũng cần nhấn mạnh ở đây, cả hai tác giả của hai cuốn sách đều là những người con ưu tú được sinh ra ở nước Nga, là người gốc Nga, xuất thân từ nền văn hóa Nga; và qua hai cuốn sách này, cả hai ông đều xứng đáng là những người đi tiên phong khai sáng về mặt lý luận cho hội họa nói chung, đặc biệt cho hội họa trừu tượng nói riêng.
Nếu gọi họ, theo cách gọi gần đây, là các “art writer” (người viết về nghệ thuật) – thì có thể nói, Kandinsky là người viết về nghệ thuật chủ yếu ở tư cách của người sáng tác, ngả về chủ quan; còn Mark Rothko là người viết về nghệ thuật chủ yếu ở tư cách của người quan sát, ngả về khách quan – mà có thể vì thế, hai cuốn sách của hai ông, vô hình trung, đã tương hỗ và bổ trợ cho nhau.
Điểm thứ ba: Một sự khác nhau khác tạo ra sức hút cho cả hai cuốn sách của Kandinsky và Mark Rothko đó là, Kandinsky viết cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” gần như đồng thời với việc bản thân ông đã bắt đầu vẽ những bức tranh thuần túy trừu tượng đầu tiên trên trái đất; trong khi bản thân Rothko chỉ tiến tới vẽ hoàn toàn trừu tượng sau khi ông đã viết xong cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” của ông. (Vậy tức là điểm thứ ba này có thể nằm trong mối quan hệ nhân quả với điểm thứ hai vừa nêu trên và là một trong những điều kiện để xác định thiên hướng chủ quan và thiên hướng khách quan giữa hai tác giả).
Điểm thứ tư: Cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” được Kandinsky viết ở châu Âu trong bối cảnh tư tưởng “lấy châu Âu làm trung tâm” (Euro-centrism) vẫn còn đang bao trùm; trong khi cuốn “Hiện thực của họa sĩ” được Rothko viết ở New York trong bối cảnh đã dần hình thành tư tưởng mới “lấy New York làm trung tâm” (New York-centrism) mà chính ông đang ở giữa trung tâm ấy. Và khoảng cách thời gian giữa hai “sự kiện viết sách” này là khoảng trên 30 năm.
Lịch sử đã có nhiều thay đổi, luôn luôn là như thế, và luôn luôn ở vô vàn khía cạnh, và cách tiếp cận của triết học đối với nghệ thuật đương nhiên cũng vì thế mà thay đổi theo.
Biểu hiện mạnh nhất cho tinh thần “thoát ly” châu Âu có lẽ là đây: Mặc dù Mark Rothko mượn lịch sử nghệ thuật châu Âu làm đối tượng chính trong nghiên cứu của mình, nhưng khác hẳn với hầu hết các cuốn sách khác, kể cả cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” của Kandinsky – trong cuốn “Hiện thực của họa sĩ” – Rothko tuyệt nhiên không hề nhắc đến Picasso.
Thái độ “cực đoan” này của Rothko cũng dễ hiểu và dễ được cảm thông, vì thực ra khi ấy bản thân ông đang nỗ lực góp phần củng cố một vị trí độc lập cho nền nghệ thuật Mỹ nói chung, và đặc biệt cho Trường phái New York nói riêng. Về mặt lịch sử, đây cũng có thể là “điểm cộng” quan trọng khiến ông được công nhận rộng rãi như một nhân vật quan trọng bậc nhất của Trường phái New York, đồng thời cũng ít nhiều bộc lộ tính “thực dụng” của người Mỹ.
Điểm thứ năm: Cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” của Mark Rothko về thực chất và cũng đúng như số phận của nó đã diễn ra trên thực tế – là một bản ghi cho một cuộc độc thoại, trong đó có một số chương hoặc đã bị mất hoặc đã được lên ý đồ nhưng không thực hiện. Ông viết nó hình như chỉ cho riêng bản thân mình và không có ý định xuất bản. Có thể vì thế, trong bản thảo gốc của ông, có một số, rất rất ít thôi, những câu rất khó hiểu, hoặc chỉ có mình ông hiểu, thậm chí có khi chúng như chỉ được lóe lên, bật ra trong trạng thái chơi vơi, “bất chấp” sự chính xác, chặt chẽ về ngữ nghĩa hoặc văn phạm, kiểu như đang ở “chế độ chờ” mà ông chưa có dịp chỉnh lý hoặc thấy không cần hoặc không muốn chỉnh lý (?)**
Không chắc chắn lắm, nhưng có thể nghĩ rằng, trong lần xuất bản đầu tiên, có thể nhà xuất bản và nhất là những người con của ông đã có chủ trương tuyệt đối giữ nguyên tất cả những gì do chính ông đã viết ra, ngoại trừ việc sắp xếp lại chút ít về bố cục. Và nếu quả thực là như vậy thì cũng có nghĩa là, cho đến khi đến tay bạn đọc, cuốn sách của ông gần như chưa hề trải qua bất cứ một quy trình “biên tập thực sự” nào. Điều này cũng rất khác so với trường hợp cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” của Kandinsky, bởi ngay sau khi bản thảo của nó được viết xong, tác giả đã gửi đến nhà xuất bản, và việc xuất bản cuốn sách cũng đã được thực hiện nhiều lần khi Kandinsky vẫn còn sống, bằng cả nguyên bản tiếng Đức lẫn bản dịch sang tiếng Anh, trên cơ sở ngày càng được hoàn thiện thông qua các cuộc trao đổi trực tiếp giữa tác giả với nhà xuất bản hoặc với người dịch.
Điểm thứ sáu (điểm sau cùng, có liên quan đến người dịch): Có một số tư liệu cho hay Mark Rothko biết tới bốn thứ tiếng, mà qua cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” của ông, có thể đoán đó là tiếng Anh (hẳn rồi), tiếng Nga, tiếng Ý và tiếng Hy Lạp cổ (?). Ngoài triết học, văn học, hội họa, điêu khắc, trang trí và design, ông còn tỏ ra am tường âm nhạc, sân khấu cũng như nhiều môn khoa học như chính trị học, sử học, xã hội học, ngôn ngữ học, thần học, tôn giáo học, giáo dục học, hoặc thậm chí là tâm sinh lý học, toán học, vật lý học, hóa học…
Sự thuần thục, biến hóa, linh hoạt, đôi khi hơi hài hước trong diễn đạt bằng ngôn ngữ của ông thực đáng kính nể và đáng để chiêm ngưỡng. Ông đã từng viết đi viết lại chỉ một trang thư đến hơn mười lần.
Bởi vậy, việc dịch cuốn sách này của Rothko từ nguyên bản tiếng Anh sang tiếng Việt thực sự là một thử thách lớn đối với người dịch. Ở đây không chỉ cần khả năng về cả hai ngôn ngữ Anh-Việt, vì khả năng này hầu như là chưa đủ để thâm nhập vào thế giới tư tưởng và tri thức vô cùng rộng lớn của ông, chưa kể còn cần đến một kiến thức chuyên môn sâu về hội họa. Có thể còn một khó khăn nữa, tức là ngoài nguyên bản tiếng Anh, người dịch lại không hề có một bản dịch nào khác bằng ngôn ngữ khác để tham chiếu. Cái này thường rất cần thiết và hữu ích cho việc dịch một cuốn sách tầm cỡ như thế này của Mark Rothko. Hay nói chính xác hơn, có một bản dịch bằng tiếng Ý, “L’Artista e la sua realtà”, do Skira xuất bản, có thể tìm được, nhưng tiếc thay, số người thông thạo tiếng Ý ở nước ta là rất hiếm.
Việc dịch cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” của Kandinsky từ nguyên bản tiếng Đức sang tiếng Việt lần đầu tiên cách đây gần 10 năm xem ra có phần thuận lợi hơn, vì trên thế giới đã có sẵn rất nhiều bản dịch khác nhau bằng tiếng Anh, đặc biệt là bản tiếng Pháp, vì tiếng Pháp vốn là ngôn ngữ có truyền thống thể hiện chính xác bậc nhất trong lĩnh vực nghiên cứu hội họa. Riêng bản dịch sang tiếng Anh cuốn sách của Kandinsky do Solomon R. Guggenheim Foundation xuất bản đã có sự tham gia dịch và hiệu đính của các học giả Mỹ, Anh, Nga và Đức.
Cầu toàn thì tự làm khó mình, không cầu toàn cũng chẳng phải hay. Liệu sức mình trước, làm hết mình sau, đi được tới cùng đã là đáng kể.
Hai người dịch cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” của Mark Rothko: Châu Hoàng và Hà Thu – còn rất trẻ, đều chưa đến tuổi “tam thập”. Sự mạo hiểm và nỗ lực, sự hy sinh thời gian và công sức của hai bạn rất đáng để khen ngợi, cổ vũ. Hy vọng rằng, cho dù đạt đến mức độ nào, bản dịch này của hai bạn vẫn sẽ là một sản phẩm đẹp chứng thực cho tình yêu nghệ thuật và tri thức của hai bạn, và sẽ là một quà tặng bất ngờ cho tủ sách học thuật nghệ thuật hiện đang còn rất nhiều khoảng trống ở nước ta.
* * *
Cuối cùng, xin trân trọng giới thiệu bản dịch đầu tiên bằng tiếng Việt cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” của Mark Rothko với đông đảo bạn đọc. Rất mong cuốn sách được đông đảo bạn đọc quan tâm, đón nhận và đóng góp ý kiến để lần xuất bản sau được hoàn chỉnh hơn.
Hà Nội, ngày 5 tháng 12 năm 2021
Quang Việt
* Tài liệu tham khảo cho phần tiểu sử: Từ điển Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại. Nhà xuất bản Hazan, Paris, 1992. Mục từ Mark Rothko do Ellen G. Landau biên soạn.
** Trong một vài trường hợp thực sự cần thiết những người dịch đã có đôi chút hiệu chỉnh để phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt trên tinh thần tôn trọng nội dung của nguyên bản tiếng Anh.