Họa sĩ Phan Kế An (1923-2018) quê ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, còn được nhiều người biết đến với bút danh Phan Kích. Ông từng học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa cuối cùng – 18, dở dang do trường giải thể vì Nhật đảo chính Pháp. Sau tiếp tục học một thời gian tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội, 1946) và thực tập về hội họa hoành tráng tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin (Leningrad, 1960-1962). Ông được đánh giá là một họa sĩ đa tài và là một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20. Họa sĩ Phan Kế An đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001.
Các tác phẩm chưa từng được công bố của cố họa sĩ Phan Kế An được giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật tại triển lãm “Kho tàng ẩn dấu” từ ngày 11/03/2022 đến 16/04/2022 tại Viện Pháp tại Hà Nội- L’Éspace (24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đến với triển lãm, công chúng yêu hội họa sẽ có cơ hội thưởng thức những tác phẩm có giá trị cả về nghệ thuật và lịch sử, ngoài ra còn được tham gia một số sự kiện song hành đặc sắc khác.
“Kho tàng ẩn giấu” là một chuỗi di sản nghệ thuật của họa sĩ Phan Kế An, bao gồm các tác phẩm hội họa đa chất liệu, các tác phẩm học tập và nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin và những ký họa văn nghệ sĩ, danh nhân nửa cuối thế kỷ 20. Triển lãm trưng bày ba bức sơn mài, một bức tranh sơn dầu, một bức tranh lụa và rất nhiều những bức ký họa chân dung đặc sắc của các nghệ sĩ được gia đình họa sĩ bảo quản và gìn giữ cẩn thận cho đến ngày nay.
Những tác phẩm được công bố lần này tuy vẫn còn dang dở, chưa hoàn thiện, nhưng không bởi thế mà mất đi giá trị. Mỗi một bức tranh là một câu chuyện, một kỷ niệm và cả sự trăn trở, suy tư của họa sĩ Phan Kế An trong hành trình sáng tạo nghệ thuật đầy gian khó. Chúng hé lộ nhiều điều bất ngờ về hành trình sáng tác và đời sống nghệ thuật những năm 1945-1960.
Hàng trên: Hiền điện ảnh miền Nam (1950), Tố Hữu (1947), Minh Tranh (1947)
Hàng giữa: Trần Văn Cẩn, Trường Chinh (1947), Chu Bá Phượng (Bắc Kạn 1947)
Hàng dưới: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Trung (1947), Hoàng Trung Thông, Nguyễn Công Hoan (1947)
Tranh của ông tập trung nhiều đề tài gắn bó với hình ảnh lãnh tụ, kháng chiến, sinh hoạt của dân tộc miền núi, các tác phẩm chứa phong cách hiện thực, cảm xúc sâu lắng và chân thực. Theo nhà phê bình Mỹ thuật Quang Việt: “Nghệ thuật Phan Kế An, về căn bản, dựa trên hệ thống cổ điển, chú trọng hiệu quả xa gần và tương phản sáng tối qua thuật diễn hình có không gian, được làm vững bởi năng lực tạo thể chất và biệt tài vẽ những đường nét gân cốt mạnh mẽ, rất thành công khi thể hiện những cảnh tượng hùng vĩ.
Sử dụng các chất liệu sơn dầu, lụa, khắc gỗ, chì than nhưng ông được biết đến nhiều nhất ở sơn mài và là một trong những họa sĩ đã đem lại cho hội họa sơn mài những sắc thái xanh “hiện thực” mới lạ.”
Tác phẩm: “Trời giông trên thành cổ Thanh Hóa (1946, sơn dầu), “Nhớ một chiều Tây Bắc” (1955, sơn mài, giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1955, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), “Gặt ở Việt Bắc” (1955, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), “Gác chuông chùa Trăm Gian” (1958, sơn mài, Bảo tàng Ermitage, Saint Pétersbourg), “Chân dung Hồ Chủ tịch” (1970, khắc gỗ đen trắng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), “Lưới trên sông Hàn” (1981, lụa, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)…
Theo chia sẻ của bà Phan Mai Thanh Thúy – con gái họa sĩ Phan Kế An: “Từ xưa đến nay, bố tôi hầu như không có triển lãm riêng, trừ hồi đi kháng chiến. Thực tế bởi vì hầu hết tranh của ông đều được bán hết ngay, có bức chưa ráo mực đã có người mua rồi. Một vài lần triển lãm chung ở 16 Ngô Quyền, bố tôi phải đi mượn lại tranh đã bán để trưng bày. Đó là lý do tôi ao ước thực hiện một buổi triển lãm riêng cho ông, nhưng chưa làm được vì điều kiện chưa cho phép. Dịp này là cơ hội để đưa các tác phẩm của bố tôi đến với công chúng”.
Với những tác phẩm còn sót lại như một “kho tàng ẩn giấu” được gia đình họa sĩ nâng niu, trân quý giữ gìn đủ để gây ấn tượng mạnh mẽ và mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt cho người xem triển lãm. Hy vọng trong tương lai sẽ còn có thêm các triển lãm của họa sĩ Phan Kế An nữa để bạn yêu nghệ thuật có thêm nhiều góc nhìn, hiểu hơn về hội họa và con người họa sĩ Phan Kế An.
Song hành với triển lãm là tọa đàm cùng tên được tổ chức vào sáng ngày 13/03, với mong muốn giới thiệu cho công chúng một góc nhìn mới về bảo tồn và kế thừa di sản nghệ thuật.
Trần Khánh Huyền