Lê Hải Triều là một họa sĩ có vẻ ngoài đầy nam tính và mạnh mẽ, nhưng ẩn chứa bên trong là một tâm hồn nhạy cảm, yêu cái đẹp và yêu sự mong manh cũng như sự uyển chuyển hình thể phụ nữ.
Mượn hình nói ý
Lê Hải Triều tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, là con nhà nòi. Cha anh là họa sĩ Thanh Hồ nổi tiếng trong giới mỹ thuật miền Nam, đặc biệt là ở Nha Trang trước năm 1975. Là một cây cọ nhiều vốn sống, nhiều khám phá từ đời sống đến hội họa, sau nhiều triển lãm nhóm, 3 năm trở lại đây Lê Hải Triều âm thầm sáng tác loạt tác phẩm mà anh đã thai nghén qua những nghiền ngẫm, tìm tòi về chuyển động của múa, chuyển động của tâm thức qua vận động hình thể và sự an lạc thánh thiện trú ngụ trong tâm hồn mỗi người.
Các sáng tác của anh với chủ đề về vũ nữ ba lê trước đây qua các triển lãm nhóm đã “mượn hình nói ý” nhằm thể hiện những khao khát nội tâm, những cảm xúc yêu đương, những ý niệm tình cảm thánh thiện, thông qua ngôn ngữ hình thể của vũ điệu múa đã tạo được sự yêu mến của người yêu tranh. Trong triển lãm “Chuyển động lạc trú” lần này, chủ đề vẻ đẹp của múa đã được anh đẩy lên cao hơn, táo bạo hơn, tự do khoáng đạt hơn với hơn 20 tác phẩm, trong đó có 4 tác phẩm sơn mài cỡ lớn và các tác phẩm sơn dầu trên toan được sáng tác trong hơn 2 năm trở lại đây.
Được đào tạo bài bản, kỹ thuật hình và khối cân bằng trong thị giác sáng tạo, với bảng màu xám nhạt nhẹ nhàng, trong trẻo đầy tính bay bổng, Lê Hải Triều đã tạo cảm giác thăng hoa hơn trong cái tự do thênh thang về tâm hồn. Và từ vẻ đẹp tâm hồn, người ta sẽ thấy được cái tự do hình tướng bên ngoài qua ngôn ngữ cơ thể, từ vẻ đẹp của ngôn ngữ cơ thể sẽ soi rọi sự thánh thiện, lung linh của tâm hồn bên trong. Như Lê Hải Triều đã nói về múa, về hình thể, về tâm thức hành thiền cho chủ đề các tác phẩm trong triển lãm lần này: “Tôi vẽ những hình thể căng ra hết sức, những hình thể thả lỏng hết sức, đó là ý chính về đề tài múa… Sự chuyển động, chuyển động nhanh của nhịp, của tiết tấu lôi cuốn tôi khám phá, đó cũng là bút pháp và sở trường của tôi thể hiện vào tranh. Tôi đào sâu vào tiết tấu, vì tiết tấu bao gồm cả nhịp nhưng lại có sự bí ẩn. Nó như một trạng thái thiền, mà là thiền động, thiền cả tâm thức và động tác hình thể… tạo ra một tổng hòa chuyển động từ trong ra ngoài. Đó là cảm xúc mà tôi thể hiện vào tác phẩm của mình”.
Là một hoạ sĩ được học chuyên ngành sơn dầu, nhưng Lê Hải Triều không ngừng tìm tòi sáng tạo trên những chất liệu mới. Gần đây, anh bắt đầu khám phá và sáng tác trên chất liệu sơn mài. Sơn mài của Triều có vẻ đẹp riêng, màu sắc trầm ấm, sang trọng. Chủ đề múa đã được anh khai thác và thể hiện với một sắc thái mới đầy ma mị, nhưng cũng khá lung linh. Vẻ đẹp hình thể uyển chuyển, mềm mại trong sâu thẳm của chất liệu sơn mài chính là một khuynh hướng sáng tạo mới của anh. Để ý thấy trong loạt tác phẩm mới trình làng lần này, sự kết hợp giữa các vũ nữ đầy mê đắm trong điệu múa hoan ca là hình bóng của những con tuấn mã tung vó, tung bờm như áng mây bay bổng trong bố cục của tranh.
Hội họa và hướng thiện
Có thể nói khách quan là tranh Lê Hải Triều tuy không mới lạ, nhưng lại có sự khác biệt trong dòng chảy của tranh Việt Nam hiện nay. Nó thiên về giải phẫu, về hình thể và các tư thế, có những thế rất khó vẽ cho đẹp nếu tay nghề kém. Là dòng tranh thể thao, nhưng màu sắc lại trong veo, lấp lánh thứ ánh sáng huyền hoặc, đôi khi mát lạnh mạnh mẽ nhưng cũng rất uyển chuyển trong cách thể hiện dù là chất liệu sơn dầu, acrylic, hay sơn mài… Theo họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh, ở loạt tranh mới này Lê Hải Triều cho chúng ta xem một trạng thái mới của sự chuyển động không ngừng. Chuyển động nhưng mềm mại chứ không khô cứng theo hình thức tranh thể dục thể thao thông thường. Ở đó ta thấy sự uyển chuyển của những bước chân, những cánh tay đung đưa, nhịp nhàng như đồng hồ quả lắc, những biến chuyển trang phục, những chú ngựa bất chấp lao đi. Tất cả tạo nên một khối chuyển động nhất quán.
Đặc biệt, Lê Hải Triều như một người chơi ánh sáng. Màu sắc của anh đi xuyên qua ánh sáng ảo ảnh, có lúc mơ màng chơi vơi, có lúc lại bay bổng như trú ngụ giữa thinh không. Tạo cảm giác động mà rất tĩnh, một cái tĩnh sâu lắng chuyên trú vào ngôn ngữ đối tượng để tìm sự trống rỗng bên trong. Có lẽ nhờ thường xuyên tập yoga và thiền định nên anh có một cái nhìn nhân sinh quan khác tĩnh tại hơn, để rồi những tâm tư của anh được trải dài trên mặt toan.
Có thể nói, hội họa của Lê Hải Triều ngoài vẻ đẹp thị giác do màu sắc, hình khối, bố cục nghệ thuật mang lại, thì cảm xúc về một ý niệm liên thông giữa tâm thức và sự chuyển động cơ thể qua các động tác múa đã tạo ra “trạng thái tinh thần hoan ca trong nghệ thuật”, có giá trị như một trạng thái thiền. Từ ý nghĩa của các động tác thể chất trong múa, họa sĩ dần nhận ra thiền và múa không chỉ là những hình thức vận động, mà thông qua việc kết hợp giữa hình thể và ý nghĩ còn giúp con người có ý thức tu dưỡng giá trị, nhân cách của bản thân. Điều đó cũng giúp nâng tâm thức trong bản thể, hướng tâm thức kết hợp cùng cảm xúc hội họa để tạo ra những giá trị thẩm mỹ hướng thiện thông qua tác phẩm.
Lê Hải Triều đã có sự sáng tạo rất hay trong tác phẩm của anh. Yêu thương không phán xét đó là khi có sự tỉnh thức, chúng ta sẽ nhận ra những điều tốt đẹp vẫn sẵn có bên trong chúng ta và xung quanh. Những động tác mở ngực vươn tay và uốn dẻo trong múa sẽ giúp loại bỏ cảm xúc tiêu cực dồn nén, buông bỏ những niềm tin không có ý nghĩa và nuôi dưỡng khả năng cho đi, nhận lại… tạo ra những cảm nhận khiến tâm thức như cùng nhịp đập với cảm xúc. Điều này tạo ra những tác phẩm mà kỹ thuật và cảm xúc cùng đồng điệu với tâm thức tác giả, khiến vẻ đẹp ẩn sâu trong tác phẩm không những tạo ấn tượng thị giác mà còn liên thông cảm xúc cùng người xem…
Điều này cũng được thể hiện trong tranh Lê Hải Triều. Chấp nhận để vượt qua chính mình thông qua những động tác hình thể, bạn có thể học được cách buông bỏ và chấp nhận tình huống. Đó chính là sự khởi đầu của thiền, của định hình tâm thức. Việc nhận ra điều này và kết hợp ý tưởng đó vào hội hoạ là vô cùng quý giá để hướng người xem tranh nhận biết, vượt qua các tình huống tiêu cực có thể xảy đến với chính họ, để họ có thể bình tĩnh tìm cách dung hòa, chấp nhận lướt qua những vấn đề tiêu cực… Đó cũng là điều mà Lê Hải Triều hướng tới trong sáng tác của mình.
Ở tuổi tri thiên mệnh, trải qua hơn 20 năm sáng tạo, nghệ thuật của Lê Hải Triều đã được định hình với hội họa của ngôn ngữ cơ thể cả trong tâm thức lẫn hình tướng bên ngoài. Anh vẽ tranh cũng từ tốn như bản tính trầm và dễ mến của anh vậy. Giữa cuộc sống ồn ào, sôi động của thành phố, giữa nhiều trào lưu nghệ thuật mới xuất hiện, hội họa cũng không tránh được những con sóng đó. Nhưng Lê Hải Triều vẫn âm thầm sáng tác, kiên định với phong cách của mình, một phong cách hội họa mang vẻ đẹp nhân văn, giàu cảm xúc và đượm tính mỹ học hành thiền. Anh sống được bằng nghề và tâm hồn an trú trong chính nghệ thuật hội họa.
Quách Cường