Lê Văn Xương – Sự thanh thản cả về cảm xúc lẫn thẩm mỹ
Dọc hành trình nghệ thuật có những người tìm đường riêng độc đáo của mình, họ là những người mở đường.
Có con đường chính/chủ đạo tấp nập “quần áo chen chân”, những kẻ hăng hái gấp gáp tiến về phía trước. Cũng có những người nhẩn nha bên lề đường râm mát, khiêm tốn, yên tâm và thích thú tản bộ theo dòng thời đại. Trên con lộ chủ đạo của mỹ thuật từ Đông Dương cho tới sát cột mốc Đổi mới, Lê Văn Xương là một người như thế.
Nhưng! Một chứng nhân thời đại ít quan trọng hơn những nhân vật thời đại ở mức nào còn tùy vào cách nhìn của mỗi người thích sử, và thích sưu tầm!
Họa sĩ Lê Văn Xương vẽ không thay đổi từ đầu đến cuối, cùng lúc, như một ông thầy mô phạm chỉn chu và như một học trò nghiêm cẩn, cầu thị. Ông ở giữa thị hiếu thẩm mỹ bình dân dễ mến và thị hiếu thượng lưu, tân kỳ, duy mỹ.
Phong cảnh trong tranh cân đối hài hòa, các nhân vật, hoạt cảnh đều thanh thản như “vẫn bình thường thế thôi”. Nét, màu và sắc đều ở trung dung/trung tính, không quá gắt gao, nồng nàn, cũng không âm u, sầu não. Tranh của ông có sự lạc quan cố hữu của nghệ thuật dân gian/dân quê và cái cảnh vẻ, duyên dáng thị thành.
Có thể sự thanh thản cả về cảm xúc lẫn thẩm mỹ của họa sĩ hấp dẫn người xem hôm nay về một thời đã mất.
Nguyễn Quân
Phố phường Hà Nội Lê Văn Xương
Họa sĩ Lê Văn Xương đã vẽ phố Hà Nội rất nhiều từ đầu những năm 1950. Cuộc triển lãm năm 1953 của ông mang tên Hà Nội ba sáu phố phường, với 29 tác phẩm, trong loạt tranh bột màu còn lại có đề rõ nhiều bức năm 1952 – 1953, chắc là các bức trực họa kỹ để chuẩn bị chuyển chất liệu sơn dầu cho triển lãm kể trên. Hàng Đồng, Hàng Da, Gầm Cầu, Hàng Muối, Hàng Buồm, chùa Láng, chùa Trấn Quốc, Hàng Đậu nhìn ra cầu Long Biên, Ô Quan Chưởng… những mảnh không gian phố ông ghi lại với hòa sắc sáng sủa, trung thực, nhìn rõ con người và phương tiện đi lại, cho ta cảm nhận về phố xá Hà thành những năm 1950 đơn sơ mà thanh thoát như thế nào. Ông duy trì việc vẽ phong cảnh phố xá như vậy mãi về sau, cho đến tận bức vẽ đề năm 1987 (một năm trước khi ông mất), nhưng qua hình, có lẽ họa phẩm đó là một góc phố Sài Gòn, chứ không phải Hà Nội.
Có thể nói lại điều trực cảm đầu tiên khi tôi mới mở những bức tranh ra xem: Đó, xuyên suốt một ánh nhìn tôn trọng giá trị hiện thực, với tâm hồn trong trẻo, trang nhã, phóng khoáng, yêu tự do và thiên nhiên, tự tại với con người. Dưới các bức tranh, chưa hẳn biết cuộc đời người vẽ ra nó đã không trầm luân. Bởi họa sĩ sinh ra và sống trọn những năm giông bão nhất của xứ sở này trong thế kỷ 20. Ai mà hay được người cao sang hay nghèo hèn nào mà không chịu nỗi khổ chung cùng đất nước. Có điều mỗi người mỗi khác, có người cất đi, có người đưa ra, có người dồn nén nó vào nghệ thuật hoặc ghi chép, có người tìm cách hóa tán những nỗi niềm chung – riêng ấy vào nhiều việc khác, mỗi ngày.
Vũ Lâm