CÔNG VĂN TRUNG (1907 – 2003)
Tác phẩm: Cổ đồ và cành lựu
Năm sáng tác: 1965
Chất liệu: Màu nước
Kích thước: 50x62cm
Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Công Văn Trung vẽ không nhiều, nhưng tình cảm dân tộc hơi hoài cổ và sự kiên định của ông đối với các mô-típ, đề tài và chất liệu Á Đông lại tạo ra một phong cách nghệ thuật khá độc đáo. Trên thực tế, ông hầu như chỉ vẽ tranh lụa và tranh sơn khắc.
Từng có nhiều năm làm công tác vẽ ghi, vẽ nghiên cứu cho Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, trước sự vật, Công Văn Trung vừa có cái nhìn cẩn trọng của một họa sĩ bác học, vừa có cái nhìn trực giác tinh lược của người xưa, đi sâu vào từng chi tiết nhưng bao giờ cũng quán triệt tất cả chúng bằng một tinh thần của đại thể.
Bức tranh “Cổ đồ và cành lựu” ở đây rất tiêu biểu cho phong cách của Công Văn Trung. Nó có thể là sự chuẩn bị cho một bức tranh lụa, hoặc đơn giản chỉ là một bức vẽ độc lập lưu giữ lại một tâm trạng, một ý niệm của người họa sĩ trước một vẻ đẹp bất chợt tìm được trong thường nhật cuộc sống.
F.A.M.