Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 1-2 năm 2021

 

 

ALIX AYMÉ (1894-1989) – Chân dung em bé.  Chất liệu: Lụa Kích thước: 19,5x13cm.   Sưu tập Mr. Cao, Hà Nội

Trong các họa sĩ Pháp từng sống, sáng tác và dạy học ở Việt Nam, có ba người cần nhắc tới trước tiên: Victor Tardieu, Joseph Inguimberty và Alix Aymé.
Alix Aymé là một phụ nữ xinh đẹp có cuộc đời giống như một huyền thoại. Bà bắt đầu vẽ từ rất sớm, và chỉ chịu buông bút vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời ở tuổi 95. Hiếm có họa sĩ Pháp nào, nếu không nói là duy nhất, vẽ bằng nhiều chất liệu như Alix. Bà vẽ bằng sơn dầu, tempera, màu nước, thậm chí vẽ cả tranh tường (bức tranh vẽ cho Hoàng cung ở Luang Prabang) như một họa sĩ phương Tây, nhưng cũng vô cùng thành thục sử dụng mực nho, lụa như một họa sĩ Trung Hoa hay Nhật Bản; và đặc biệt, bà không chỉ học về sơn mài, vẽ bằng sơn mài mà còn tham gia hướng dẫn về sơn mài tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội.
Alix Aymé trải qua hai đời chồng, “Aymé” là tên họ của người chồng thứ hai, một vị tướng (anh của nhà văn Marcel Aymé nổi tiếng, tác giả cuốn “Người đi xuyên tường”). Và Trung Quốc chính là điểm đến đầu tiên của bà tại châu Á, cùng với người chồng đầu tiên, nơi bà có điều kiện trực tiếp tìm hiểu, học tập nền hội họa lụa của “nửa bên kia thế giới” và những con người đầu tiên trên thế giới vẽ lụa.
Đối với một người phương Tây thì vẽ lụa (hay vẽ sơn mài) không phải là chuyện đơn giản, vì bất cứ chất liệu hội họa nào cũng đều ít nhiều mang tính “bản địa” xuất phát từ nền văn hóa sinh ra nó. Nhưng chỉ qua bức tranh lụa này, người ta đã có thể thấy ở Alix Aymé một năng khiếu và tài năng đặc biệt. Từ cái sắc sảo của cách nhìn, bà đã tạo ra cái sắc sảo của hình thức thể hiện, hòa nhập với tinh thần Á Đông mà vẫn không đánh mất đi bản sắc phương Tây của mình. Ở đây, rõ ràng mọi yếu tố phù phiếm đã bị lược bỏ, mục tiêu hội họa chỉ hướng tới bản chất, một sự tối giản “hiện thực” trữ tình và sống động, không sa vào khái niệm hóa.

F.A.M.

 

***

 

JOSEPH INGUIMBERTY (1896-1971) – Tĩnh vật ngoài trời, Năm sáng tác: Khoảng cuối những năm 1950 đầu 1960.  Chất liệu: Sơn dầu.  Kích thước: 60x75cm.    Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, T.p Hồ Chí Minh

 

Đây là một bức tranh tĩnh vật lạ và hiếm của Joseph Inguimberty, họa sĩ vốn chỉ được chúng ta biết đến qua các tranh sinh hoạt, phong cảnh, đặc biệt các tranh vẽ thiếu nữ. Ông được mệnh danh là “Renoir của xứ Bắc Kỳ”, một họa sĩ bậc thầy của ngoại cảnh “nguyên vẹn”, từng sống, dạy học , sáng tác tròn 20 năm ở Việt Nam. Bức tranh tĩnh vật này đã được Inguimberty vẽ vào khoảng cuối những năm 1950 đầu 1960, trong thời gian ông sống ở Menton/Garavan.
Đặc điểm hội họa và cũng là biệt tài của Inguimberty là ông hay vẽ mọi sự vật dưới ánh sáng chiếu thẳng đứng từ trên xuống (nhất là nắng chính ngọ). Điều này cũng phản ánh tính cách của ông như một họa sĩ xuất thân từ nghệ thuật trang trí, sử dụng ánh sáng đấy, nhưng lại không muốn bị vướng víu quá nhiều vào các bóng đổ, nhất là các bóng đổ nghiêng, có thể gây hại cho cấu trúc không gian trong lối vẽ mang tính sơ đồ đặc biệt của ông, một lối vẽ đã đưa ông – một họa sĩ cổ điển lãng mạn – đến khá gần với một số họa sĩ hiện đại.
Là một họa sĩ yêu ánh sáng, ánh sáng trời, Inguimberty về cơ bản làm việc như một họa sĩ ấn tượng. Ngay cả ở bức tranh này, ông cũng đưa tĩnh vật ra khỏi nội thất, hòa chúng vào phong cảnh, dưới ánh nắng, và như biến các vật trong phong cảnh thành những tĩnh vật lớn trong bức tranh của ông. Dễ dàng thấy ở đây một hai đồ vật ông đã đem về từ Việt Nam, vẽ chúng cùng với hoa lá và những đồ vật khác như để gắn thực tại vào những hoài niệm về một thời gian xưa cũ, về Việt Nam, nơi ông đến khi mới ở tuổi 29, và cũng là nơi sự nghiệp hội họa của ông nở rộ.
Ánh nắng ôn đới này, màu sắc rực rỡ, chói chang này, làm ta nhớ ánh nắng nhiệt đới ở đất nước chúng ta. Tình cảm của người họa sĩ Pháp với thiên nhiên, cuộc sống, con người Việt Nam xem ra vẫn còn thắm thiết lắm.

 

F.A.M.

 

 

JOSEPH INGUIMBERTY (1896-1971) – Gặp gỡ dưới tán cây. Năm sáng tác: Khoảng 1935.  Chất liệu: Màu nước trên giấy.  Kích thước: 32x42cm.  Sưu tập gia đình họa sĩ

 

***

 

LÊ PHỔ (1907-2001) -: Tình mẫu tử. Năm sáng tác: Khoảng 1938. Chất liệu: Lụa. Kích thước: 27x21cm.    Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, Tp. Hồ Chí Minh

Bức tranh này thuộc về thời kỳ truyền thống của Lê Phổ, trong những năm ông phát hiện hội họa Tiền Phục hưng châu Âu (Pháp, Ý, Đức, Flamande), hội họa Trung Hoa cổ, với “sự pha trộn bất thường giữa nghệ thuật Cơ đốc giáo và nghệ thuật sùng đạo Phật”. Nó có thể được ông sáng tác vào khoảng 1938, tức là trước khi ông nhập ngũ vào quân đội Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai vài năm.
Thực ra, những tranh lụa như thế này của Lê Phổ gây xúc động đặc biệt và sâu sắc hơn những tranh sơn dầu thuộc thời kỳ lãng mạn của ông về sau, vừa do cái bản chất thâm trầm, kín đáo sâu xa vốn có của tranh lụa, vừa do sự ngạc nhiên lớn của một chàng họa sĩ khi đó còn rất trẻ trước những chân trời nghệ thuật kỳ lạ đột nhiên mở ra trước mắt.
Phong cách thanh đạm có phần khắc kỷ này thực vô cùng thích hợp cho những đề tài cao cả, vĩnh hằng như tình mẫu tử. Ở đây cần sự súc tích, trau chuốt, cân bằng giữa lý tính và cảm tính, lý tính để thuyết phục và cảm tính để nhạy bén, không câu nệ, biểu lộ được cái nhìn chủ quan, riêng tư của người vẽ trước đề tài.

F.A.M.

***

 

THÀNH CHƯƠNG (sinh 1949) – Trâu vàng. Năm sáng tác: 2018. Chất liệu: Sơn mài. Kích thước: 100x100cm.    Sưu tập tư nhân

 

***

 

TÔN THẤT ĐÀO (1910-1979) – Thiếu nữ Huế. Năm sáng tác: 1957. Chất liệu: Sơn dầu. Kích thước: 100x80cm.  Bộ sưu tập nghệ thuật Phúc Lâm

Có rất nhiều họa sĩ vẽ Huế, cả họa sĩ Việt Nam lẫn họa sĩ Pháp, nhưng dường như chỉ có các họa sĩ người Huế, sinh ra và lớn lên ở Huế, như Tôn Thất Đào, mới thể hiện được hết cái thần thái ngân nga những âm vọng xa xưa của xứ Huế. Tím Huế không chỉ là một màu tím đặc biệt về mặt thị giác. Nó còn là màu của nhận thức và cảm nhận về Huế, mà vì thế nó lại càng đặc biệt hơn.
Một họa sĩ vẽ cả lụa và sơn dầu như Tôn Thất Đào thì bao giờ cũng có một cách thể hiện hội họa dễ nhận ra như ở bức tranh này. Nét bút mềm mại ve vuốt những mảng màu nhuần nhị, hơi ngà ngà, bàng bạc, âm u, làm hiện lên một thứ ánh nắng nhẹ lấp loáng, ấm áp, chỉ vừa đủ để chiếu sáng người và cảnh.
Trong hội họa xưa nay, đây là một đề tài mang tính đặc trưng giai thoại (kể về những mẫu truyện đẹp), rất phổ biến, nơi người họa sĩ bao giờ cũng phải vượt qua nhiều thử thách để tạo ra cái gì đó của riêng mình. Cảm xúc mang đầy tính giai điệu đã mang đến một bố cục hình tháp cổ điển có vẻ như chặt chẽ nhưng thực ra lại rất thanh thản, hình thực nhưng thực ra lại giàu chất trang trí , không khí tươi tắn nhưng thực ra lại trầm mặc – chính là thành công của Tôn Thất Đào trong bức tranh này.

F.A.M.

 

TÔN THẤT ĐÀO (1910-1979) – Mộng mơ xứ Huế. Năm sáng tác: 1952. Chất liệu: Sơn dầu. Kích thước: 30x40cm.  Sưu tập Vũ Vy, Hà Nội

 

***

 

HOÀNG LẬP NGÔN (1910-2006) – Điệu múa. Năm sáng tác: 1965. Chất liệu: Lụa.  Kích thước: 49x34cm.    Sưu tập của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, Hà Nội

Cuộc đời Hoàng Lập Ngôn tựa như một cuộc rong chơi bất tận. Với ông, hội họa trước hết là một nhã thú của văn nhân, luôn luôn cân bằng giữa mộng-thực. Thị hiếu của ông ngả về cổ điển, mang màu sắc trầm mặc Á Đông, nhưng vẫn có cái tươi vui, dí dỏm, tình cảm yêu đời trong sáng, thậm chí hơi ngộ nghĩnh.
Ông vẽ cái gì cũng nhè nhẹ, sương khói nhưng vẫn rất đời, rất thực, trong mọi vẻ sống động của nó. Hướng tới nghệ thuật cách điệu, lấy “tinh tướng” của nhân vật (như ông nói) nhưng cốt cách các nhân vật của ông lại hết sức tự nhiên, đem đến cái nhìn sảng khoái. Các bức tranh mực nho trên giấy xuyến chỉ hay tranh lụa có lẽ vì thế mới giúp ông thể hiện được hết tinh thần hội họa ấy.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 9, 1933-1938), Hoàng Lập Ngôn đi vẽ ở Lào hai năm (1939-1940). Bức tranh ở đây có thể đã được ông vẽ từ các tư liệu ghi được trong chuyến đi Lào năm xưa ấy của ông.

F.A.M.

 

NGUYỄN ANH (1914-2000) – Gánh hàng rong. Năm sáng tác: 1975. Chất liệu: Sơn dầu.Kích thước: 50x65cm.    Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội

 

Tranh của Nguyễn Anh được biết đến không nhiều, và những tranh của ông được biết đến cũng chủ yếu là tranh lụa.
Nguyễn Anh sinh ở Sài Gòn, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 6 (1930-1935), từng dạy học ở một số trường. Từ 1946 đến 1950, ông tu nghiệp tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia ở Paris. Năm 1970, ông là hiệu trưởng Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Và từ 1975 ông sang định cư ở Pháp.
Bức tranh sơn dầu này được Nguyễn Anh sáng tác vào năm 1975, theo một phong cách có thể gọi là “Đông Dương-Pháp-Nam Bộ”. Thật khó nghĩ khi một họa sĩ đã từng vẽ những bức tranh đề tài công giáo theo phong cách biểu tượng như ông lại có thể quay về với một đề tài sinh hoạt bình dân dân dã như thế này, và hơn nữa, quay về với một tình cảm chân thực đến nao lòng. Trong một bố cục hầu như không có bối cảnh, hay nói đúng hơn, chỉ loáng thoáng thấy có mặt đất và bức tường, người họa sĩ đã đưa hình tượng ba người phụ nữ đang bán và chọn mua chuối và đu đủ, dưới ánh sáng trong trẻo của nắng ban mai, làm hiện lên một cảnh tượng dẫu vô cùng quen thuộc nhưng mà lạ. Lạ không những ở cách “đặt vấn đề”, lạ cả ở trong cách diễn tả, giữa cái thiếu và cái đủ, giữa cái thực và cái hư, giữa cuộc đời và sân khấu. Thật là một bức tranh đơn giản, thú vị, nhẹ nhõm mà ẩn chứa ở đằng sau nhiều suy tư sâu sắc.

 

F.A.M.

 

LƯƠNG XUÂN NHỊ (1914-2006) – Tĩnh vật và hoa huệ. Năm sáng tác: Trước 1945. Chất liệu: Sơn dầu. Kích thước: 65x55cm.    Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, Tp. Hồ Chí Minh

 

Trong bộ “tam mã”: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Lương Xuân Nhị – thì tính cách của một “enjoliveur” (người tô điểm cho xã hội) ở Lương Xuân Nhị dường như rõ hơn cả. Ông thuộc loại họa sĩ mà người Pháp gọi là “peintre charmant”, họa sĩ có cái đẹp thú vị, tỏa hương thơm.
Trong hội họa của Lương Xuân Nhị, hầu như ở thể loại-đề tài nào ông cũng chọn được cách thể hiện tương ứng với chất liệu mà ông sử dụng. Cùng là vẽ hoa, khi ông chọn khắc gỗ, khi sơn dầu, khi phấn màu, và đôi khi là “thủy mặc”, nhưng người ta vẫn dễ dàng nhận ra phong cách của ông, lành mạnh, đằm thắm, thanh tao, với cách nhìn cách cảm của một trí thức thành thị.
Ở bức tranh vẽ hoa huệ này, cũng vậy, cho dù các nét bút của ông có mực thước, trịnh trọng, óng chuốt đến đâu thì ánh sáng, cảm xúc vẫn rung rinh, chan hòa, lấp lánh một vẻ đẹp có cốt cách lộng lẫy nhưng kín đáo.
Ông không bao giờ đi vào “hình thức thuần túy” mà luôn luôn lấy người xem làm đối tượng phục vụ, dùng tình cảm chân thực để thức dậy ở họ tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và niềm vui trước cái bình dị mà đôi khi vẫn bị con người lãng quên. Thị hiếu nghệ thuật cổ điển ở đây như đã tìm được tiếng nói gần gũi, khó lạc lõng, phai nhạt theo thời gian.

F.A.M.

 

NGUYỄN TƯ NGHIÊM (1918-2016) – Tết Mậu Dần.  Năm sáng tác: 1998. Chất liệu: Bột màu. Kích thước: 61x80cm.  Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội

 

  

TRẦN DUY (1920-2014) – Thôn Dương Nội, Hà Tây. Năm sáng tác: 1987.  Chất liệu: Lụa Sưu tập tư nhân, Hà Nội

 

Hà Tây-xứ Đoài cổ từ lâu đã là vùng đất nghệ thuật của rất nhiều họa sĩ Việt Nam. Là người Huế, ra Bắc từ 1943 để theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trần Duy không chỉ nhớ Huế, mà ông còn luôn luôn nhớ xứ Đoài, nơi ông đã từng theo Trường Mỹ thuật đi sơ tán để tránh những trận bom oanh tạc của quân Đồng Minh nhằm vào phát xít Nhật ở Hà Nội trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Trong hàng ngàn tranh lụa ông vẽ trong suốt hơn 30 năm, riêng mảng tranh vẽ về xứ Đoài, chùa Thầy chiếm một phần lớn.
Phong cách vẽ lụa của Trần Duy như sinh ra để diễn tả tâm tình trước cảnh. Từ những bức tranh đơn sắc đầu tiên, ông chuyển sang vẽ đa sắc, với kỹ thuật dùng màu gián tiếp (vẽ chồng các màu nguyên) hơn là dùng màu pha trực tiếp. Có thể vì vậy mà tranh ông rất có đặc tính, khó có thể trộn lẫn với tranh của bất kỳ ai. Ngay cả sự tỉ mỉ qua vô vàn những nét bút nhỏ cũng làm cho tranh ông càng thêm trở nên riêng biệt.
Dưới bàn tay ông, một luồng ánh sáng cho dù hết sức tinh nhẹ cũng đủ để chiếu rọi mọi hình thể, chất liệu (đặc biệt các chất gỗ, đá, gạch ngói rêu phong), làm thức tỉnh sự sống tiềm ẩn vô cùng thi vị của sự vật. Ở đây, tình yêu thiên nhiên, niềm hoài cổ đã khéo hóa thành một thứ “tình cảm triết học”, tự nhiên và man mác, dễ đi vào lòng người xem.

F.A.M.

 

JEAN VÕ LĂNG (1921-2005) -Hoa Chất liệu: Sơn dầu.  Kích thước: 46x33cm.    Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội

 

 

 

TRẦN PHÚC DUYÊN (1923-1993) – Cơn gió mạnh. Năm sáng tác: Khoảng 1960. Chất liệu: Sơn mài Kích thước: 40x60cm.    Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Tiến trình nghệ thuật của Trần Phúc Duyên tại Pháp và sau đó tại Thụy Sỹ có phần làm gợi nhớ đến tiến trình nghệ thuật của Zao Wou-ki, tức là đi từ cụ thể-khách quan sang chủ quan-trừu tượng bằng sự kế thừa nghệ thuật Á Đông trong môi trường nghệ thuật châu Âu hiện đại. Và bức tranh này của Trần Phúc Duyên nằm ở khoảng giữa bước chuyển ấy.
Trên thực tế, trong hội họa sơn mài, Trần Phúc Duyên có ba “phông” chính: đỏ, trắng bạc, và cuối cùng là vàng. Màu vàng của ông khá đặc biệt, không phải vàng kim, không phải phủ hoàn kim, cũng không hẳn do bột Nhật, mà là một màu vàng tươi có ánh trầm, man mát, có âm vang như một sản phẩm riêng mang tên Trần Phúc Duyên.
Về mặt phân loại, những tranh nền vàng như vậy thuộc về thể loại sơn mài sáng (laque claire), và với chủ sắc vàng này, Trần Phúc Duyên đã thể hiện rất nhiều đề tài, trong đó có phong cảnh. Ở đây ông diễn một cơn gió mạnh trên biển, ở kia ông diễn một ngọn núi mù mây hay đang ẩn hiện trong ánh trăng mờ ảo. Tất cả đều hòa trộn trong một phong cách phức hợp đến từ những ảnh hưởng của tranh lụa Trung Hoa cổ, tranh khắc gỗ Nhật Bản thế kỷ 17 và các yếu tố tiếp nhận được từ hội họa châu Âu hiện đại, trên một tinh thần và tình cảm rất Việt Nam.
Bởi vậy, hội họa của Trần Phúc Duyên chẳng những được công chúng châu Âu ưa thích, mà gần đây cũng đã nhận được sự cảm thông, yêu thích của công chúng cũng như các nhà sưu tập nghệ thuật Việt Nam.

F.A.M.

 

NGUYỄN THỤ (sinh 1930) – Miền Tây Bắc. Năm sáng tác: 1978. Chất liệu: Lụa.  Kích thước: 60x80cm

 

DOÃN TUÂN (1926-2018) – Bản làng mùa xuân. 1993. Lụa. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

 

NGUYỄN CHÍNH (sinh 1953) Tác phẩm: Hoa thủy tiên Chất liệu: Sơn dầu Sưu tập tư nhân, Hà Nội

 

Huỳnh Phương Đông (1925-2015)- Quả và hoa. Năm sáng tác: 2000.  Chất liệu: Sơn dầu.  Kích thước: 60x60cm.    Sưu tập tư nhân, Hà Nội

 

TRỊNH CÔNG SƠN (1939-2001) – Chân dung Bội Trân. Năm sáng tác: 1998 . Chất liệu: Sơn dầu.  Kích thước: 80x60cm Sưu tập Vũ Vy

 

NGUYỄN ĐÌNH TUYÊN (sinh 1968) – Vườn. Năm sáng tác: 2017. Chất liệu: Sơn mài.Kích thước: 100x240cm.    Sưu tập Vũ Tá Đạt, Hà Nội

              

Tin cùng chuyên mục

Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20 – Phiên đấu giá của Nhà đấu giá Le Auction House

  Hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Nhà Đấu giá LE AUCTION HOUSE tổ chức phiên Phiên đấu giá “Nghệ Thuật Việt Nam Thế Kỷ 20” vào ngày 10/03/2024. Quy...

“Những chân trời vô tận” – Triển lãm giao lưu quốc tế của 8 nữ họa sĩ Việt Nam và Philippines

Khai mạc ngày 28/10/2023, triển lãm “Những chân trời vô tận” là sự kết hợp của 8 nữ họa sĩ: Trang Thanh Hiền, Nguyễn Thu Thuỷ, Nguyễn Mỹ Ngọc, Ly Trần, Phạm Thị Hồng Sâm đến từ Việt Nam và...

Bài 5: Cần sự đầu tư xứng đáng cho bảo tàng

(Chinhphu.vn) – Câu chuyện bảo tàng vì sao vắng khách tuy không mới nhưng luôn nhận được sự quan tâm của các nhà chuyên môn bởi bảo tàng có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa...

Bài 3: Công nghệ – Sự thay đổi có tính cách mạng trong hoạt động bảo tàng

(Chinhphu.vn) – Công nghệ đã làm cho ngôn ngữ bảo tàng trở nên sống động, đa dạng, hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận công chúng. Có thể nói, công nghệ đã góp phần không nhỏ đem lại sự thay...

Những cuộc đấu giá sẽ định hình xu hướng nghệ thuật cũng như tên tuổi của các nghệ sĩ lớn

Các cuộc đấu giá đoán trước sự nổi lên của các ngôi sao, xác định các xu hướng trong bối cảnh đương đại thông qua lợi nhuận. Trong khi nhiều người xem đổ dồn sự chú ý của họ về cuộc...

Có thể bạn quan tâm

NHỮNG BỨC TRANH CỦA SỸ NGỌC TRONG BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

  Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc miệt mài công tác, sáng tác, giảng dạy và nghiên cứu Mỹ thuật. Dù gặp những khó khăn, cản trở, ông đều vững tâm vượt qua, đứng vững  trên con đường sáng tạo,...

ĐƯỢC VẼ VÀ NẶN TƯỢNG BÁC

  Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019) Tạp chí Mỹ thuật xin trân trọng đăng lại bài viết “Được...

DƯƠNG HƯỚNG MINH – HIỆN THỰC CUỘC ĐỜI HIỆN THỰC NGHỆ THUẬT

  Năm 1996, họa sĩ Dương Hướng Minh mở triển lãm cá nhân mang tiêu đề: “Cội nguồn, Đất nước, Tình ca” nhân kỷ niệm 60 năm tuổi nghề của ông. Trong 50 tranh trưng bày, phải kể đến...

Thực trạng một số triển lãm mỹ thuật quy mô quốc gia tại Việt Nam

Các triển lãm mỹ thuật quy mô quốc gia đã được duy trì trong nhiều năm qua, là một phần không thể thiếu trong hoạt động mỹ thuật tại Việt Nam. Mỗi cuộc triển lãm đều thu hút số lượng đông...

LÊ ANH VÂN – MỘT HÀNH TRÌNH HIỆN ĐẠI, CỔ ĐIỂN VÀ TRỮ TÌNH

  Năm 1984, Lê Anh Vân quả thực đã đi trước một bước vào hội họa thời kỳ Đổi mới (một thời kỳ sẽ chỉ chính thức bắt đầu kể từ 1986), bằng một tác phẩm hội họa sơn dầu bố...