NHỮNG NGƯỜI LÍNH MÃI BÉ THƠ

 

1. Mùa đông 1966, bên hồ Thiền Quang (Hà Nội), dưới những cây đề rụng lá, có một cậu bé 15 tuổi gầy nhẳng, cổ cao, chân dài, vai khoác túi lưới đựng một quả bóng da vá những miếng chằng chịt với nhau bằng những sợi dây thép nhọn hoắt. Cậu rảo bước cùng lũ trẻ con đen đúa, lấm lem, nhễ nhại mồ hôi sau trận đá bóng ở hồ Bảy Mẫu, trở về nhà…
Cậu bé cúi xuống lòng đường Trần Nhân Tông, nhặt lên một mảnh bom bằng gang dài chừng 15cm, rỉ sét, cạnh sắc lưa tưa. Đó là mảnh vỡ của những trái bom đầu tiên Mỹ thả xuống Hà Nội. Mảnh bom đó cậu bé giữ mãi …
Sau cái ngày cậu nhặt mảnh bom lên, hàng vạn trái bom Mỹ tiếp tục quăng xuống quê hương Việt Nam, lấy đi hàng nghìn vạn sinh mạng đồng bào cậu… Gần 50 năm sau, biết bao trái bom mìn còn chưa nổ, còn nằm im trong lòng đất…
Cũng vào những năm giữa thập kỷ 60 đó. Đầu bên kia bán cầu, ở Boston (Mỹ), phía Đại Tây Dương (cũng có thể là San Francisco phía Thái Bình Dương), một lũ nhóc tóc vàng hoe, có đứa tóc bạch kim, tuổi trạc 15, 16 đang trượt pa-tanh trên đường phố. Nhìn chúng cắp nách những bàn trượt bóng lỳ bằng gỗ tần bì có in hình ông Già Tuyết, “đi” những cú điệu nghệ mà nếu không có độ dẻo của tuổi trẻ, chắc gãy xương như chơi… không một ai có thể ngờ rằng, lũ trẻ đó, dăm bảy năm sau thôi, lớn bổng.
Trong bộ quân phục tiện dụng, đầu đội mũ sắt bọc lưới, ba-lô tiện nghi cho cả một gia đình trên lưng, áo giáp che ngực, giày đi rừng, AR15 cực nhanh, la bàn, lương khô, thịt hộp, viên lọc nước, dao đa năng…, “lũ nhóc lớn bổng” đó đổ bộ xuống một cánh rừng, một bãi biển, một mỏm đồi lúp xúp cỏ gianh… giao chiến với chiến sĩ Việt Nam, AK trên lưng, mũ tai bèo, dép cao su và bộ Tô Châu xanh lúc nào cũng đẫm mồ hôi. Trong số chiến sĩ ta có cả lũ trẻ tóc đen da nâu mồ hôi mồ kê nhễ nhại ngày nào đá bóng trên đường Hà Nội, đã kịp lớn lên, cường tráng. Rồi lính Mỹ đói, khát, nằm rừng, phục kích, tắm truồng dưới vòi phun nước từ trực thăng chở nước sạch từ Đà Nẵng ra …
Rồi tổ ba người của ta lọt sâu vào địch hậu, cơm nắm hết, lương khô hết, phải ăn lá rừng, đêm hứng giọt sương uống, vì nguồn nước đã bị nhiễm chất độc dioxin.
Rồi phi pháo đại bác rót ầm ầm, “Vua Chiến trường” khai hỏa trước. Trực thăng ào ào đội hình 10 chiếc một, ập đến như cơn lốc. Quân Mỹ đổ nhanh, chụp xuống cánh rừng lá đỏ thấp thoáng những mũ cối, mũ tai bèo lính ta, những bè bạn xưa cùng phố gọi nhau. Bộ đàm hét inh ỏi… Quân đối phương kêu pháo cấp tập, cấp tập, rồi gọi trực thăng cứu thương.

LÊ TRÍ DŨNG – Qua vùng rừng bị rải chất dioxin

Rồi B52 tới. Lính tăng ta được lệnh vào tăng… Bom rơi chệch xe thì còn, “cả cái” trúng xe thì đi luôn cả xe. Nằm ngoài xe còn nguy hiểm hơn.
Rồi quân Mỹ phản chiến. Đánh nhau chí chết. Quân ta ẩn hiện, ban đêm luồn vào căn cứ “thịt” lính Mỹ. Chúng trả đũa dã man bằng cách giết hết cả làng, toàn đàn bà trẻ con… Nhẫn tâm quá… Phản chiến! Bị chỉ huy nhốt vào công-te-nơ 2 ngày dưới cái nóng Trung phần, đỏ như tôm luộc.
Rồi lính ta vào Cổ Thành, cho địa chỉ gia đình quê quán vào lọ penicillin, bọc nylon ta ngoài, trao đổi cho nhau, thằng nào sống nhớ đem về quê thằng chết.
Rồi mưa rừng, vắt cắn, hổ vồ… Khổ quá! Quân đối phương chỉ mong hết chiến sự, về Sài Gòn xả láng…
2… Thì tôi đã nói rồi, chiến tranh mãi cũng đến ngày kết thúc. 1975 cờ hoa. Chợ quân trang quân dụng trút ra từ tổng kho Long Bình, đồng hồ Senko, máy ảnh Canon, trút ra từ các tiệm hàng kính vỡ toang hoác… May thành phố không nát vụn ra như Berlin sau đại chiến hai.
Mãi mười mấy năm sau, phía Mỹ mới tổ chức được một cuộc triển lãm hội họa “Cái nhìn từ hai phía”! Những chú bé năm xưa đá bóng và trượt pa-tanh, trở về từ chiến trường, người học hành, người lao động kiếm sống… Họ đã tham gia triển lãm này, khai mạc tại Boston, đi vòng 15 bang lớn rồi bế mạc tại Hà Nội.
Hôm bế mạc, họa sĩ lính hai nước gặp nhau tóc muối tiêu, bình lặng vẻ bên ngoài… Trong khán phòng, giới thiệu danh tính, các họa sĩ Mỹ tròn mắt ngắm người lính “Việt cộng” năm xưa giao chiến. Toàn những ông hiền khô, có phần bẽn lẽn. Những người lính hai bên lúc tâm tình y hệt lúc quẳng trái bóng hoặc bàn trượt pa-tanh ra một góc, mày tao ông ổng, dường như chưa có cuộc chiến nào giữa khoảng thời gian từ lúc họ gầy nhẳng, mặt đầy lông tơ tới khi họ biến thành những cựu chiến binh phong trần, từng trải. Nhưng cuộc chiến đã để lại “chiến tích” nặng nề cho quân cả hai bên! Có bao điều không bao giờ, không có ai có thể tính đếm được, bù đắp được.

3. Năm 1991, chính ở Boston (Mỹ), tôi nhận được một cú điện thoại của Denis Staout, cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, nay là thợ điện sống ở Hawaii. Qua xem tivi, anh biết tôi vừa đến Mỹ (ngày ấy, từ Việt Nam qua Mỹ rất khó, nhất là cựu chiến binh). Và người cựu chiến binh ấy liền bay 5000 miles (khoảng 8000km) từ Hawaii đến Boston, chỉ để ăn cùng họa sĩ Dũng một bữa tối, trao cho anh cựu chiến binh ấy một kỷ vật chiến tranh – là chiếc vòng đeo cổ có gắn đầu con sơn dương bằng bạc…
“Chiếc vòng này, mẹ tôi đã quàng vào cổ tôi ngày sang Việt Nam ở sân bay, như một lá bùa hộ mệnh. Từ cuộc chiến tranh trở về, hàng đêm tôi không thể ngủ yên khi nhớ lại. Sự khốc liệt, những gương mặt người… Bà già, con trẻ… Rồi những người ‘Việt cộng’, những du kích lọt vào tay bọn tôi, những đàn ông hàm vuông, môi dày, vai rộng, chân ngắn, da ngăm đen, trước mũi lê của bọn tôi không khai một lời… Tôi trở về, chỉ mong có ngày sẽ trở lại dải đất hình chữ S, chiến trường năm nào tôi đã nướng tuổi thanh xuân vào mưa rừng, nắng lửa xứ ấy. Tôi tính tặng lại chiếc vòng này cho người ‘Việt cộng’ đầu tiên tôi gặp…”, Denis Staout nghẹn lời với tôi.
Tôi cầm chiếc vòng kỷ vật lên. Một sợi dây da màu đen săn lại bởi thấm mồ hôi và mưa gió. Hai đầu dây, hai móc sắt, chính giữa là đầu một con sơn dương to cỡ ngón tay cái, đúc nổi rất tỉ mỉ, tinh xảo, những góc sừng cong vút ở chỗ lõm đen kịt lại, phần lộ ra sáng bóng, có chỗ mòn vẹt…
Sợi dây có đầu sơn dương bạc đi qua chiến tranh ấy gợi nhớ những hòn bi ve trong vắt, mòn vẹt, những đồng hào khắc bà đầm xòe mòn vẹt, sáng bóng của bọn tôi năm xưa, ngày ham đánh đáo đánh xèng thơ bé.

LÊ TRÍ DŨNG – Dưới gầm xe tăng, Cửa Việt. 1973. Ký họa

Denis Staout vẫn nói như chìm trong hồi ức, thỉnh thoảng khịt mũi như vừa chơi xong với bọn tôi một trận giả, chờ phân thắng bại… Cạnh Denis, William Short cũng lắng nghe, thỉnh thoảng đệm vào một câu… Trận đánh thật ở tuổi thanh xuân, “trận giả” tuổi ấu thơ, những đứa trẻ trượt pa-tanh, những đứa trẻ đá bóng, lao đầu vào nắng lửa mưa rừng… ranh giới quá rõ ràng. Mà trận thật tuổi thanh xuân tàn khốc quá, bút mực nào đếm xiết…
4. Ở bang Main (giáp Canada), tôi đã gặp Kewill, từng là thượng sĩ thám báo tham chiến tại Pleiku (Tây Nguyên). Anh ta nghe nói có một người lính Việt cộng vừa tới và muốn gặp. Tôi có thể từ chối cuộc gặp đó vì người cựu chiến binh này đang mắc bệnh tâm thần! Đó là một người cao gần 2 mét, tóc xõa chấm vai bết lại, quần áo xộc xệch, đặc biệt hai bàn tay rất to, vảy đóng cóc cáy từng lớp. Dân làng ở đó nói với tôi rằng, từ Việt Nam Kewill trở về Main, hàng đêm vẫn mơ thấy lửa cháy, thấy máu, thấy đạn nổ… Vợ anh đành bỏ đi, không một lời. Mẹ già đã mất, anh sống bằng lòng hảo tâm của dân làng, lúc nhớ lúc quên…
Tôi lấy ra một chiếc vòng xương đem theo từ Việt Nam, chiếc vòng cuối cùng có gắn một đóa hồng chạm từ xương động vật, tặng và nhìn thẳng vào mắt anh… Từ tròng mắt xanh đục, ứa ra những giọt nước mắt. Đột ngột Kewill quỳ trước tôi, run rẩy nói: “Thế là tôi thanh thản được rồi, tôi đã được một Việt cộng tha thứ, tôi đã có một đóa hồng…” Anh gào lên “Tôi thanh thản rồi!…” Tôi khóc, các cựu chiến binh Mỹ ngồi quanh đều khóc. Dường như anh ấy đã tìm được sự bình an, yêu lại được bản thân mình, đã nhìn ra được những điều đặc biệt của bản thân và của người khác. Tôi hy vọng anh ấy sẽ lại thấy sự tự tin. Biết yêu thương mình thì sẽ biết yêu thương người khác. Đức Phật mong cho tất cả nhân sinh trên cõi thế này chỉ hai chữ “thanh thản” mà thôi!
Bình an, thanh thản, giản dị là chúng ta đã tạo lập mối quan hệ tốt đẹp với nhau, với tình yêu và sự thông hiểu. Bình an trong một con người chỉ có được trong trạng thái tâm trí không có sự lo sợ, mệt mỏi, stress… Bình an đương nhiên là phải vắng bóng sự bất an. Chúng tôi đã làm cho mình mạnh mẽ, làm mạnh mình bắt đầu từ tâm trí…
5. Lại hai mươi năm nữa trôi đi.
Những đứa trẻ bây giờ đã già lắm rồi, tóc không còn hoa râm nữa, bạc nhiều rồi, bệnh tật tàn phá cơ thể, nhiều người đã ra đi.
Thế mà những đứa trẻ năm xưa, sau cuộc chiến Việt Nam vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh. Chả cứ bọn trẻ ở Mỹ, bọn trẻ ở các nước cùng tham chiến như Úc, Nam Hàn… cũng thế. Kể từ cái ngày tiếng súng cuối cùng của chiến tranh bặt tắt. Ba tư năm sau (số thời gian gấp đôi tuổi lũ trẻ trượt pa-tanh và đá bóng) ở Sydney, Úc, một trung tâm văn hóa, bảo tàng có tên là Casula Powerhouse lại tổ chức một cuộc triển lãm lớn về đề tài chiến tranh Việt Nam dưới cái tên “Nam bang” (Tiếng nổ ở Việt Nam) tháng 4 năm 2009.

Họa sĩ Lê Trí Dũng tại chiến trường

Lần này, khác triển lãm “Cái nhìn từ hai phía” ở Mỹ do William Joiner Center tổ chức, là đề tài về hậu chiến nhiều hơn và hình thức biểu diễn đa dạng hơn… Trong cuộc “hành quân” tại Úc lần này tôi đã gặp nhiều đứa trẻ như thế, và gặp cả William Short, lính chiến trong Sư đoàn Anh Cả Đỏ (Mỹ) năm xưa, người đã từng chống lệnh hành quân 1969 ở Bến Cát và bị nhốt vào công-te-nơ, người đã cùng tôi tham gia “Cái nhìn từ hai phía” ở Boston ngày ấy.
Người đầu tiên là chuẩn úy bộ binh Ray Beattie, gốc Ailen, dáng gầy nhẳng, từ cuộc chiến trở về, vợ bỏ, sống bằng trợ cấp cựu chiến binh, làm họa sĩ. Nhiều năm sau hai chữ Việt Nam không dứt khỏi đầu được, lại lấy vợ là một người phụ nữ Việt Nam, chị Bội Trân. Chị là nhà nghiên cứu nghệ thuật đã cùng anh chồng cựu chiến binh lập dự án tổ chức triển lãm “Nam bang”. Cuộc sống của vợ chồng họ ở mức vừa phải, nhà thuê, xe trả góp… Bao nhiêu tiền dành cả vào các hoạt động vì Việt Nam.
Ngày chia tay, chuẩn úy bộ binh Ray năm xưa tặng tôi một tấm ảnh đen trắng đặc biệt “Dưới rừng cao su nhiệt đới”, với AR15 trong tay và quân phục lính Úc đang xung phong… Anh hồn nhiên kể cho tôi nghe về chiến tích sau trận ấy, về những huân chương, y như bọn trẻ kể về cách đánh trận giả thuở ấu thời. Anh lái xe đưa tôi đi thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Úc ở thủ đô Canberra, một bảo tàng hiện đại mà vào đó, gió cánh quạt trực thăng, cỏ lau cháy rạp, mùi khét lẹt của thuốc súng, âm thanh gầm rú của 10 chiếc trực thăng trong chiến đoàn trực thăng vận đang đổ quân, đạn pháo nổ, bộ đàm gào thét, liên thanh cấp tập… Trên màn ảnh rộng, rừng cây rạp xuống. Tôi xem và âm thầm khóc… khi thấy lấp ló trong bóng lá rừng ngày ấy là những chiếc mũ cối của đồng đội tôi… Không biết trong số họ, ai còn ai mất tới ngày nay… Ra khỏi phòng triển lãm, thấy mắt tôi đỏ hoe. Ray tỏ ra ân hận, như ngày xưa tụi trẻ vẫn thương tôi khi chúng ra đòn nặng trong những lần “trận giả”. Nhưng cái giá chúng tôi phải trả đâu phải như trận giả ngày thơ dại!
Người thứ hai tôi gặp ở Úc là Trevor, một họa sĩ biếm họa, mang đến “Nam bang” một tác phẩm đồ sộ gồm hơn 400 bức biếm họa. Định cư tại Tây Úc, độc thân, ông họa sĩ cựu chiến binh này mới thật đúng là trẻ con, đúng hơn ông là một trong “những đứa trẻ không biết già”, “những người già còn trẻ mãi”, vô tư, hồn nhiên. Khi nghe Trevor kể về các cuộc hành quân có chó béc-giê dẫn đường săn lùng Việt cộng (anh là sĩ quan cảnh khuyển), hay khi nhìn ông cần mẫn dùng đinh ghim, găm hơn 400 bức biếm họa lên tường như ngày xưa huấn luyện chó, lòng tôi tê tái, buồn vui lẫn lộn.
Nhìn Trevor và Ray ăn, tôi thấy như gặp lại tụi trẻ trong đội bóng đá của chúng tôi năm xưa ăn bánh rán hồ Ha-le hoặc ăn kem Tiến Đạt, phố Yết Kiêu ngày nào, hì hà hì hục, suỵt sà suỵt soạt … Ăn mà hùng hục như thế thì chỉ có lũ nhóc mà thôi1
6. Sân bay Sydney
Chỉ còn vài phút nữa là tôi đã phải chia tay rồi, đứng kia là Short, lính Mỹ, và đây Ray/Trevor, lính Úc! Tôi kiên quyết nghiến chặt răng, quay gót ra sân bay… Chị Bội Trân và vợ con Short có cho tôi là người dứt tình, lạnh lùng không? Tôi không biết nữa, nhưng tôi phải kiên quyết thôi, vì biết, chắc chắn, nếu còn nán lại, tôi sẽ khóc nấc lên mất … Những người lính chúng tôi, sao lại mau nước mắt như thế? Lúc xách cái va-li lên, tôi thấy Trevor cũng khóc, cả Short nữa…
Có lẽ bởi vì thăm thẳm những lính già chúng tôi, những góc bé thơ vẹn nguyên mãi mãi?

Lê Trí Dũng 
Trích từ sách “Những hòn cuội nhặt dọc đường” của Lê Trí Dũng

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

Thẩm mỹ công nghiệp trong hội họa của Charles Sheeler

Charles Sheeler được coi là một trong những nghệ sĩ hòa hợp nhất với quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa của Mỹ. Nghệ thuật của ông cho thấy tinh thần tiên phong của Mỹ đã chuyển từ...

HỌA SĨ CHÂU Á, TÁC PHẨM QUAN TRỌNG – PEINTRES D’ASIE, ŒUVRES MAJEURES

  Phiên đấu giá thứ 29 “Những họa sĩ Châu Á, các tác phẩm quan trọng” sẽ được tổ chức vào thứ Hai, ngày 7 tháng 6 tới, với khoảng hai mươi tác phẩm được chọn bởi Charlotte...

Hơn 400 tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm Tranh thiếu nhi Toàn quốc 2023

Diễn ra từ ngày 31/5 – 10/6, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Cuộc thi và triển lãm Tranh thiếu nhi toàn quốc năm 2023 có 401 bức tranh được...

Triển lãm tranh “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”

Ngày 2/8/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra khai mạc triển lãm tranh sơn mài với chủ đề “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”. Đến với triển lãm tranh sơn mài, tại Bảo tàng...

Hành trình phủ xanh biên giới Hà Giang

  Một ngày cuối của năm 2022, tôi có nhận được cuộc gọi của anh Lại Quốc Tĩnh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Giang, anh giới thiệu với tôi về sự tìm hiểu của anh trên mạng xã hội...