Tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh đến mọi tầng lớp xã hội, trên quy mô toàn cầu. Tính đến ngày 21 tháng 10 năm 2020, hơn 40,5 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 đã được xác nhận, với hơn 1,12 triệu trường hợp tử vong. Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CNVHST) cũng không hề “miễn nhiễm”: các bảo tàng, nhà hát, phòng trưng bày nghệ thuật và các địa điểm sinh hoạt văn hoá nghệ thuật của các cộng đồng xã hội đã buộc phải đóng cửa. Theo thông báo của UNESCO mới đây, tính đến tháng 5 năm 2020, gần 90% các bảo tàng trên thế giới đã tạm ngưng đón khách, trong đó gần 13% đang bị đe dọa nghiêm trọng và có thể sẽ không bao giờ mở cửa lại. Hệ quả là nhiều nỗ lực sáng tạo và cảm hứng sáng tác đã đột ngột bị triệt tiêu.
Các phương tiện truyền thông trong suốt thời gian qua luôn chú trọng vào những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, song cũng đã nảy sinh những cơ hội tích cực: đóng góp và hợp cộng tác có thể dẫn đến những đổi mới mới về cách thức tiến hành những cuộc đối thoại giữa các cá nhân với nhau và/hoặc giữa các cộng đồng với cá nhân hay với các tập thể.
Câu hỏi đặt ra là các ngành CNVHST có thể có những đóng góp tích cực nào trong cuộc đại khủng hoảng này?
Hậu quả của đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến cho toàn thế giới buộc phải thay đổi nhiều bối cảnh sinh hoạt, và xuất hiện các hành vi mới – liên lạc từ xa đã trở thành tiêu chuẩn đối thoại, trao đổi tại các cộng đồng, các nơi làm việc, và cũng hình thành các nhóm làm việc và hợp tác tại nhà. Sự thay đổi bối cảnh tình huống bắt buộc này cũng dẫn đến các hành vi sáng tạo và sự hợp tác mới nhằm tìm kiếm các giải pháp mới.
Một khía cạnh thú vị của vấn đề này là hình thức hợp tác xuyên ngành (cross-sector) trên quy mô rộng đang nổi lên để đối phó với các vấn đề cách ly xã hội. Sự hợp tác của cộng đồng toàn cầu, bao gồm các nghệ sĩ, các nhà khoa học, các quan chức chính phủ, nhà báo, lập trình viên và mọi công dân có liên quan trong các hệ thống công việc, sáng tạo – tất cả được tập hợp lại với một sự đồng tâm nhất trí cao cùng với các cơ sở hạ tầng công nghệ và truyền thông phá vỡ các biên giới không gian và thời gian. Ví dụ như đã có sự hợp tác toàn cầu của nhiều chính phủ, tổ chức y tế và các công ty dược trong chương trình “COVID-19 Therapeutics Accelerator” – một chương trình do các quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, Wellcome Foundation và Mastercard điều phối nhằm tập trung nguồn lực để tìm ra vắc-xin điều trị COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Hay như các công ty General Motors và Ford đã đóng cửa hoạt động sản xuất ở Bắc Mỹ vào tháng 3 năm 2020 và công bố kế hoạch đột xuất tập trung sản xuất máy thở cực kỳ cần thiết trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Vì vậy, CNVHST dựa trên nền tảng của những giá trị văn hóa sẽ thực sự có thể đóng góp rất đáng kể trong thời khủng hoảng do COVID-19 này. Nghệ thuật và văn hóa có thể trợ giúp về mặt tinh thần rất nhiều cho những cá nhân hay cộng đồng bị cách ly và cô lập do yêu cầu y tế trong đại dịch. Chúng ta sẽ làm gì nếu không có những sản phẩm văn hoá nghệ thuật do các nghệ sĩ sáng tạo – những bài hát mà chúng ta nghe hàng ngày, những bộ phim để xem và những bức tranh mà chúng ta chiêm ngưỡng và thích thú?
Sự xa cách và cô lập xã hội đã tạo ra một loạt các không gian cá nhân, nhưng chính trong những không gian này, chúng ta nghe những bản nhạc tuyệt vời đó hoặc xem những bộ phim đó và có được niềm vui sống từ các tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta thưởng thức. Trong những bối cảnh cụ thể hơn, các ca sĩ và nhạc sĩ đã biểu diễn ngoài cửa sổ và trên ban công để giúp mọi người giải trí, vui vẻ và mang lại niềm vui cho họ trong thời gian cách ly. Bạn có thể tưởng tượng thế giới câm lặng và cằn cỗi biết bao nếu không có nghệ thuật trong những hoàn cảnh con người bị buộc phải sống cách biệt nhau như những ngày qua?
Mặt khác, đã có nhiều hoạt động thiện nguyện do các tổ chức văn hoá nghệ thuật và các nghệ sĩ khởi xướng nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp bách đối với những người có nhu cầu được chăm sóc trong thời gian cách ly và điều trị dịch bệnh. Các nghệ sĩ cũng áp dụng sự sáng tạo của mình trong các chiến dịch hỗ trợ các tổ chức hoặc quốc gia điều phối hoạt động quyên góp và hỗ trợ hậu cần trong cuộc khủng hoảng. Nhiều bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật có những hoạt động nhằm giáo dục công chúng về ảnh hưởng của đại dịch đến con người và môi trường. Nhiều nhóm nghệ sĩ và sinh viên nghệ thuật đã có những dự án cụ thể chế tác khẩu trang cho các bệnh viện và các mái ấm cho người vô gia cư.
Liên Hợp Quốc, phối hợp với Talent House, đã phát động chiến dịch kêu gọi các nghệ sĩ và người sáng tạo ngăn chặn sự lan truyền của COVID-19, kêu gọi mọi người đóng góp tác phẩm nghệ thuật nhằm hỗ trợ sự giao tiếp hiệu quả giữa các nền văn hóa, ngôn ngữ và cộng đồng. Chiến dịch này cũng phổ biến các thông điệp chính của Liên Hợp Quốc về vệ sinh, cách ly thể chất, hiểu biết các triệu chứng dịch bệnh, sự lây lan và tác hại; kêu gọi các quốc gia và tổ chức tăng cường hoạt động và hiệu quả hơn cùng những quyên góp thiện nguyện hỗ trợ các cộng đồng xã hội chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch.
UNESCO cũng có những sáng kiến ứng phó với cuộc khủng hoảng, ví dụ như thu hút các chuyên gia sáng tạo trợ giúp sự tiếp cận của các nền văn hoá. Cũng cần nhắc lại vào năm 2017, Liên Hợp Quốc đã đề xuất lấy ngày 21 tháng 4 là “Ngày Đổi mới và Sáng tạo Thế giới”, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và phát triển bền vững. Khi đối mặt với đại dịch COVID-19 vào năm 2020, chúng ta càng nhận thấy ý nghĩa quan trọng của mục tiêu và thông điệp mà Liên Hợp Quốc đưa ra ba năm về trước.
Bên cạnh những giá trị nội tại, văn hóa nghệ thuật còn có khả năng đóng góp tích cực về mặt xã hội, mang lại hạnh phúc cho con người trong thời kỳ khủng hoảng này. Các lĩnh vực sáng tạo và văn hóa có thể góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Có lẽ đây cũng là một giai đoạn mà con người phải thay đổi tư duy về các lĩnh vực sáng tạo và văn hóa – vượt ra ngoài khuôn khổ các giá trị nội tại của chúng và thừa nhận vai trò không thể thiếu đối với các quan hệ đối tác và hợp tác mới, mang lại những cải tiến và giải pháp mới. Với các cuộc đối thoại cởi mở đa ngành, xuyên ngành, các chuyên gia sáng tạo có thể đóng góp hay bổ sung những quan điểm độc đáo và có giá trị cho nhiều ngành khác nhau để giải quyết các vấn đề nghiêm trọng trong nhiều bối cảnh dân sự, xã hội và công nghiệp. Trong các công cuộc đổi mới lấy giá trị sáng tạo và con người làm trung tâm, các nghệ sĩ – với tư cách là chuyên gia của sự sáng tạo, có nhiều kỹ năng, quan điểm và kinh nghiệm, có thể có những đóng góp thực sự có giá trị cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Đổi mới và trao đổi kỹ năng là một quá trình chung, nơi tất cả các bên liên quan đều có lợi tạo nên giá trị của sự hợp tác xuyên ngành. Các nghệ sĩ và chuyên gia sáng tạo, với kinh nghiệm và nhận thức đúng đắn, có thể tạo ra sự khác biệt thực sự, mang đến sự đa dạng phong phú về tư duy, quan điểm và thực hành. Sự sáng tạo đưa yếu tố độc đáo và năng động vào tư duy kinh doanh, sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự tương tác và kết quả.
Tóm lại, không chỉ trong các thời kỳ đại khủng hoảng của xã hội loài người như đại dịch COVID-19, mà trong tương lai, vai trò của CNVHST vẫn sẽ ngày càng gia tăng và mở rộng khi con người nhận thức rõ tầm quan trọng và tiềm năng to lớn của chúng trong việc kích thích và thúc đẩy đổi mới và phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau. CNVHST cũng sẽ ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong các quy trình đổi mới và thiết lập các hệ sinh thái của các thế hệ tương lai.
Andrea Trần