SÁNG TẠO

Dưới đây là nội dung hai tiêu mục rút trong bài viết mang tiêu đề “Sáng tạo” của giáo sư, nhà bác học Tạ Quang Bửu (1910-1986). Bài đã được xuất bản trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1983, nhưng vì Tạp chí Mỹ thuật chỉ có tư liệu ở dạng bản photocopy rời nên chưa xác định được chính xác xuất xứ. Ban Biên tập Tạp chí Mỹ thuật xin trân trọng giới thiệu và hy vọng bạn đọc sẽ quan tâm và chia sẻ về bài viết rất hay này.

 

Các “test” về thông minh và sáng tạo ở Mỹ từ 1950 đến 1970
Tôi xin phép không dịch từ test sang tiếng Việt, để giữ ý nghĩa chuyên môn của nó. Các nhà tâm lý học của ta có cách đánh giá theo tôi là chính xác về phương pháp test nên tôi không sợ bị hiểu nhầm.
Theo Guilforl, Chủ tịch Hội các nhà tâm lý học Mỹ, thì trước 1950 các nhà tâm lý học ít nghiên cứu về sự sáng tạo và có khuynh hướng đồng nhất thông minh với sáng tạo. Căn cứ theo số bài đăng ký trong Psychological Abstracts (P.A.) thì tỷ lệ số bài nói về sáng tạo so với tổng số bài ghi trong P.A. là 0,13% hằng năm. Năm 1950, một số viện về sáng tạo đã được thành lập và một số bộ môn ở các trường đại học đã chuyên về nghiên cứu sự sáng tạo. Năm 1960, tỷ lệ đó đã lên 0,43% và 1965 đã lên 0,72%.
Người ta không phân biệt thông minh với sáng tạo, vì cả hai khái niệm đều là điều kiện cần của nhau, nhưng không cái nào là đủ. Trong một thời gian dài, trong tâm lý học thực nghiệm, người ta chỉ có những test về Q.I. (thông minh) như các test của Binet, của Wechsler và của Hennon Wilson. Việc áp dụng các test này đã gây ra nhiều tranh luận đến mức mà một nhà tâm lý học đã thốt ra: “Thông minh là cái ta đo bằng Q.I.”.
Từ những năm 1950, ở Mỹ đã ra một số bộ (battery) test bao gồm năm test kinh điển về thông minh và năm test về sáng tạo. Họ đã thử các bộ đó trên một số khá đông học sinh cấp hai (nam và nữ). Sau một số lần thử, họ phát hiện hai điều:
1. Trong các bộ test, thì giữa các test về thông minh và các test về sáng tạo, hệ số tương quan lớn hơn là giữa các test sáng tạo với nhau.
2. Cách thử rất quan trọng. Các cô thử viên phải được huấn luyện sao cho những em bị thử không có cảm giác là mình đang bị thử, mà mình đang chơi một trò chơi rất thú vị, không có ai theo dõi.
Sau khi điều chỉnh các test sao cho các hệ số tương quan thu được hợp lý hơn và huấn luyện một cách phù hợp các cô thử viên, năm 1965 Wallach và Kogan công bố bộ test của mình. Tôi không có những tài liệu từ 1970 về sau. Kết quả thử các test W.K. này, ta có thể phân các cháu thành bốn loại:
a) Loại mạnh về thông minh và mạnh về sáng tạo;
b) Loại mạnh về thông minh nhưng yếu về sáng tạo;
c) Loại yếu về thông minh nhưng mạnh về sáng tạo;
d) Loại yếu về thông minh và yếu về sáng tạo.
Đồng thời người ta cũng điều tra và ghi chép về:
1. Một số nét về tính tình, sở thích, nguyện vọng của từng loại;
2. Thái độ trước việc bị thử của từng loại;
3. Thái độ của cha mẹ, thầy bạn đối với từng loại.

Giáo sư, nhà bác học Tạ Quang Bửu (1910-1986)

Tuy đây mới là những kết quả sơ bộ và chỉ vì một loại hoạt động là các thành tích học tập ở trường phổ thông, nhưng có thể nêu lên một số điểm chung như sau:
Các cháu sáng tạo thường tò mò, tinh nghịch, hay thấy mặt khôi hài (humour) của sự vật,v.v. Các cháu không quan tâm lắm đến thành tích thi cử, thử test và tương lai hơi xa.
Việc lo lắng “vừa phải” trước khi bị thử là “tốt” đối với các cháu sáng tạo.
Thầy cô, cha mẹ thường thích loại A vì các cháu này đạt được những thành tích học tập xuất sắc.
Giữa loại B và C, thầy thường thích loại B hơn loại C. Giữa loại C và D, thầy thường thích loại D hơn.
Loại C cần một không khí thoải mái, không gò bó, làm cho các em ít bị mặc cảm, ít có cảm tưởng bị lép vế và được phát huy tài năng của mình, không sợ thành kiến này nọ.
Một kết quả nữa là, mỗi một lần thử test thì trình độ sáng tạo có được nâng lên, và nếu thử lại sau đó vài tháng thì trình độ này vẫn giữ được, tức là sáng tạo có thể luyện tập chứ không phải là do “trời cho”.
Tuy thời gian nghiên cứu chưa lâu (hai mươi năm), tuy đối tượng cũng như nội dung lao động bị hạn chế vào các trường phổ thông cấp hai ở Mỹ, nhưng cũng đủ để cho ta thấy rằng nhà trường kinh điển không phát huy mà còn ức chế sức sáng tạo. Trong công tác giáo dục, ta cần nghiên cứu cách giải phóng những loại tiềm lực quý báu đó.

Bốn giai đoạn của quá trình sáng tạo Kubie, 1958
Tôi đề nghị đọc đoạn này một cách có phê phán, vì có nhiều điều chưa thật rõ. Tài liệu của Kubie dựa trên trạng thái mà ông gọi là tiền ý thức (préconscient), nên tôi sẽ dừng lại một ít để nói rõ hơn về tiền ý thức như tôi đã tiếp thu được. Tôi lấy hai ví dụ rất thông thường nhưng ít được phân tích, là việc ta tập đi xe đạp và việc ta tập đánh máy chữ.
Trong việc tập đi xe đạp, lúc đầu ta cần có người cầm yên đẩy một lúc và ta phải chú ý hai tay trên tay lái, hai chân trên hai bàn đạp, các chướng ngại dọc đường ta muốn đi, và các mốc dễ thấy nhất dọc đường đó. Sau một thời gian được đẩy nhanh và lâu, ta tự cảm rằng càng đạp nhanh thì con người càng vững trên xe đạp và tay không cần ấn mạnh lắm lên tay lái. Từ khi đó, việc đạp đã dần dần ra khỏi ý thức và việc lái cũng dần dần kết hợp với cách nghiêng người trên xe, và dần dần cả hai tay, hai chân đều ra khỏi ý thức. Khi đã thạo hơn thì cả việc nhìn cho rõ vật chướng ngại cũng không cần thiết lắm nữa và ra dần khỏi ý thức. Nhưng, nếu bất chợt một vật chướng ngại xuất hiện, hoặc đường sá bỗng nhiên gồ ghề và trơn thì ý thức trở lại ngay, và việc chú ý được tập trung hơn sẽ kéo ta khỏi nguy hiểm. Trạng thái này không phải là ý thức mà cũng không phải là tiềm thức (subconscient) của Freud mà là cái mà Kubie gọi là tiền ý thức.
Theo tôi hiểu, và tôi không phải là một nhà phân tâm học, cái gì đã bị đẩy lui (refoulé) vào tiềm thức thì chỉ xuất hiện lại trong ba trường hợp: 1.lapsus (lỗi do lầm lẫn-TCMT); 2. giấc mơ; 3. bệnh tâm thần. Những hành động này (thường vô ý thức) không tham gia gì vào sáng tạo.

Hai bức chân dung tự họa của Nguyễn Sáng vẽ vào các năm 1956 (tranh trái) và 1962 có thể minh họa cho sáng tạo hội họa bằng tiền ý thức và ý thức.
Minh họa của Tạp chí Mỹ thuật

Ví dụ thứ hai là ta tập đánh máy chữ với mười ngón tay, theo một giáo trình tập đánh máy nghiêm chỉnh. Lúc đầu, ta phải chú ý đến cả mười ngón, cả từng chữ trong bài tập, cả các chữ lần lượt hiện lên trên giấy đánh máy. Một thời gian sau, cả mười ngón đã cử động mạnh, nhẹ, trên chữ này hay trên chữ kia theo ý muốn, thì ta chỉ còn phải chú ý đến các chữ của bài tập, không cần chú ý đến chữ hiện lên tờ giấy đánh máy. Rồi ý thức của ta nới dần, trừ những lúc chấm câu, xuống dòng, sang trang, chữ hoa… Một số động tác ra dần khỏi ý thức và đi dần vào tiền ý thức. Sau một thời gian, ta đã thành thạo thì ta bắt đầu nghe nhịp gõ của ngón tay ta và thấy nhịp đó như là một bản nhạc. Mỗi người có bản nhạc riêng của mình, và chỉ cần nghe từ xa đã biết ai đang đánh máy. Ta hãy tiến lên một bước nữa là đọc một bản tiếng Anh, nhẩm dịch sang tiếng Pháp rồi đánh máy bằng tiếng Pháp. Mới nghe tưởng khó lắm, nhưng thực tế sau một thời gian vài tháng, việc đọc tiếng Anh, đánh máy tiếng Pháp gần như là hoàn toàn ở trong tiền ý thức, ngay cả việc dịch nhẩm cũng không cần chú ý nữa. Tôi tập đánh máy năm 1936, hồi tôi đang dạy ở một trường phổ thông cấp hai. Sang năm 1938, tôi đã đọc được một trong bốn thứ tiếng Anh, Pháp, Việt, Đức và đánh máy sang một thứ tiếng khác trong bốn thứ tiếng đó. Năm 1939, tuy còn dốt về ngôn ngữ cổ Hy Lạp, tôi đã dịch một tập của Platon (tiếng cổ Hy) và đánh máy sang tiếng Pháp, rồi đọc bản dịch đó một cách tương đối thoải mái. Như vậy, [không chỉ] những động tác tay chân khi đã làm quen sẽ đi vào tiền ý thức, mà cả những lao động trí óc như việc dịch từ tiếng này (ngoại ngữ) sang tiếng khác (cũng ngoại ngữ) đều có thể đưa vào tiền ý thức.
Sau sự phân tích này, Kubie chia quá trình sáng tác ra thành bốn giai đoạn:
1. Giai đoạn chuẩn bị (préparation) nằm trong ý thức.
2. Giai đoạn ủ (incubation) nằm trong tiền ý thức.
3. Giai đoạn lóe (illumination) nằm trong tiền ý thức.
4. Giai đoạn thực hiện (réalisation) nằm trong ý thức.
Giai đoạn 1 là cả một quá trình đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa hy vọng và thất vọng; ở giai đoạn đó, người sáng tạo có cảm giác mình càng dấn sâu vào con đường tội lỗi, vì đã dám không tin vào những điều mà nhiều người, có thể mọi người, cho là chân lý, là kinh điển, một thứ Kinh thánh. Nhưng mục tiêu đấu tranh ngày càng rõ dần, chân lý ngày càng trong tầm tay, và càng ngày ta càng thấy chân lý.

Rồi tình cờ ta làm một việc gì khác, nhưng ta có cảm tưởng chân lý vẫn chưa rời bỏ chúng ta. Sự việc (fait) cũng như lô-gíc là rất ngoan cố, cứng cổ. Giữa cái ngoan cố của cái cũ, có cái ngoan cố của chân lý. Trong tiền ý thức của ta, sự đấu tranh đó diễn ra một cách lặng lẽ nhưng quyết liệt. Có lúc ta như nửa tỉnh, nửa mê. Một ví dụ thông thường nữa là các anh chị em làm việc dịch đuổi trong các hội nghị quốc tế. Lúc dịch thì họ chú ý đến tất cả những gì diễn giả đã phát biểu, dù nói rất nhỏ, hay rất tinh tế và họ phản ánh rất trung thành. Song, đến lúc họ hoàn thành nhiệm vụ, hội nghị tạm nghỉ thì những người đó đều nói họ không còn nhớ họ đã dịch những câu gì, và họ đã quên tất cả, kể cả những ý rất quan trọng. Tôi nêu điều này để nhấn mạnh quan hệ giữa mục tiêu, ý thức, tiền ý thức và trí nhớ.
Giai đoạn 3 có thể không là một giai đoạn, mà chỉ là một khoảnh khắc, ví dụ như trường hợp của Poincaré đặt chân lên bậc cửa một chiếc xe ca ở Coutances mà thấy ra rằng cách mình suy nghĩ về hàm têta Fúcxian là đúng. Dù sao thì việc lóe ra tuy ngắn cũng đủ để làm một lập luận tương đối chặt chẽ và cũng đòi hỏi một thời gian, dù là ngắn.
Giai đoạn 4 là giai đoạn thực hiện. Nó diễn ra trong ý thức của người sáng tạo. Nó bắt đầu bằng một yêu cầu bức thiết là yêu cầu công bố (communication). Theo Kubie thì nếu trong các giai đoạn trước đây, nhất là cuối giai đoạn 1 và cả trong giai đoạn 2, người sáng tạo có cảm tưởng ngày càng dấn sâu vào tội lỗi, thì sau khi ánh sáng đã lóe ra, mình cần làm cho mọi người biết rằng mình không có lỗi, mình đã thành công. Kubie gọi cái này là giải oan (déculpabilisation). Tôi không suy nghĩ hoàn toàn như Kubie, nhưng tôi cho rằng người quản lý phải thấy đây là một yêu cầu tự nhiên, bức thiết, chứ không phải chỉ vì hiếu thắng, ham tiếng tăm, địa vị,v.v. Ta phải tạo điều kiện cho các nhà sáng tạo công bố, cho việc tìm tòi của họ được các đồng nghiệp kiểm tra, thảo luận và công nhận. Điều này theo tôi là đúng cho nhiều loại sáng tạo: phát hiện quy luật trong khoa học cơ bản, phát minh ra máy móc trong kỹ thuật, thiết kế thi công và triển khai.
Ta để cho họ (cá nhân hay tập thể), trong quá trình thực hiện, kiểm tra sự đúng đắn của các giả thuyết của họ. Một thầy thuốc có quyền được mổ một tử thi để xem họ chuẩn đoán có đúng không,v.v. Nếu cần, họ có thể mổ nhiều tử thi và so sánh,v.v.
Nếu chấp nhận thuyết của Kubie chăng nữa thì ta cũng không làm sao cắt nghĩa được có những người sáng tạo liên tục, như Lênin hay Chủ tịch Hồ Chí Minh, như một số nhà lãnh đạo khác, và một số nhà khoa học mà chúng ta quen biết. Theo tôi, ở những người này, tiền ý thức có thể song song tồn tại với ý thức. Khi họ đang chuẩn bị (có ý thức) một vấn đề A thì họ đang ủ một vấn đề B, và khi họ thực hiện một vấn đề C thì họ đang ủ một vấn đề D,v.v.
Tôi viết đoạn này với một sự lo lắng dễ hiểu. Trong xã hội còn có khó khăn như hiện nay, trong khi chúng ta rất cần những con người sáng tạo thực sự, nhưng có không ít người làm công việc sáng tạo khoa học mà lại không sáng tạo, không khoa học. Họ cũng làm ra vẻ đang “ủ”, đang “lóe”, nhưng chỉ với hy vọng tránh được sự kiểm tra của người quản lý và gợi được sự tôn trọng không đúng của xung quanh mà thôi.

Tạ Quang Bửu

Kỳ sau: Sáng tạo – các tự sự của những nhà bác học lớn

 

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Có thể bạn quan tâm

NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM VẪN LÀ MỘT DẤU HỎI

“Nghệ thuật Đương đại Việt Nam” (Vietnamese Contemporary Art) đã thực sự là khái niệm hiện hữu trên hệ thống truyền thông quốc gia và quốc tế. Nhưng thực tế ở Việt Nam, nghệ thuật đương...

“Sắc màu” trong mắt trẻ

NDO – Với nét vẽ hồn nhiên, trong trẻo, các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Sắc màu” thể hiện suy nghĩ và ước mơ của các em thiếu nhi về cuộc sống tươi đẹp. “Sắc màu”...

TÚ DUYÊN – HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN

  Thế hệ của Tú Duyên, và đặc biệt các họa sĩ sống trong bối cảnh lịch sử đặc biệt như Tú Duyên, thường hay lấy cảm hứng từ lịch sử, các nhân vật lịch sử và những đề tài lịch...

Khắc phục bất cập trong hoạt động mỹ thuật

Từ nay đến hết ngày 30/1/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công khai lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/NĐ-CP (ngày...

ĐÁM CƯỚI CHUỘT NHÌN TỪ PHE NƯỚC MẮT

    Tôi từng nhiều lần được nghe rằng tranh “Đám cưới chuột” (Việt Nam) hoàn toàn giống với tranh “Lão thử thú thân” (Trung Quốc). Quả là nếu nhìn qua thì những bức tranh này rất...