Nghệ sĩ phải thấy chính mình chứ không đi tìm

Lần đầu tiên, Lê Huy Tiếp – hoạ sĩ, nhà giáo, người từng nhiều năm giữ vai trò quan trọng trong hội đồng nghệ thuật quốc gia, chia sẻ về quan điểm trong sáng tạo nghệ thuật và kiểm duyệt.
1. Xin ông chia sẻ về các tác phẩm hoặc dự án ông đang thực hiện?
Tôi đam mê nhiều thứ nên có nhiều công việc, dự án cùng một lúc. Đôi khi không vẽ liên tục, vì muốn dành thời gian để lấy tư liệu chính xác hơn, hoặc tìm câu chuyện, tư tưởng sâu sắc hơn để gửi gắm vào tác phẩm. Đôi khi lại có ý tưởng bất chợt cần phác ra ngay lập tức để tạo ra những điều thú vị.
Dự án 30 bức tranh in đồ hoạ tôi đang thực hiện, ca ngợi sự hy sinh của người phụ nữ đối với cuộc đời qua hình ảnh bầu ngực. Kỹ thuật in độc bản, in litho, in lưới, in gelatin được kết hợp với vẽ bằng tay, đồng thời sử dụng 30 ảnh chụp đen trắng. Tôi hạnh phúc khi được nhiều phụ nữ trên khắp vùng miền cả nước hưởng ứng, có rất nhiều câu chuyện khác nhau, từ cô 24 tuổi chưa có người yêu, tới người phụ nữ 77 tuổi.
Ngoài ra, 5 đến 6 tác phẩm sơn dầu còn dang dở. Sơn dầu đòi hỏi người nghệ sĩ phải tập trung hết sức lực và tinh thần tỉnh táo, để nét bút căng năng lượng và không mệt mỏi. Vì vậy, tôi chỉ thực hiện khi có đủ sức khoẻ và cảm hứng.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp (1951) và bức tranh “Trời và Đất” (2003), tháng 12/2022
2. Theo ông, thế nào là một nghệ sĩ thị giác tốt?
Đó là một nghệ sĩ biết sáng tạo, có cách truyền tải mới và tư tưởng mới, thúc đẩy sự phát triển tư duy sáng tạo, tìm ra một hình thức mới, vật chất mới có mục đích, có giá trị lịch sử. Nghệ sĩ cần hiểu chính mình, tôi thấy tôi trong cuộc sống, chứ không phải tôi đi tìm chính tôi. Khó hơn nữa là có một đời sống hay, chứ vẽ giỏi về kỹ thuật thì không khó.
Hiểu và chân thành với đời sống của mình. Con người ta không bao giờ thoát được khỏi nguồn gốc của mình. Để có tầm nhìn như vậy, cần đi nhiều, xem nhiều, học nhiều và hiểu các vấn đề khác nhau trong mỗi xã hội trong bối cảnh văn học nghệ thuật, triết học, kinh tế và chính trị. Nếu thế giới đau khổ gì thì đau khổ theo, thì sinh ra dằn vặt giả dối, tưởng là gây sốc nhưng thực ra không có gì.
Giảng dạy tạo hình không chỉ là vẽ thế nào, lạc hậu về xu hướng không, hàn lâm không. Chuyện đấy cũ rích. Quan trọng hơn, làm sao chỉ ra các hướng đi tích cực cho sinh viên. Bên cạnh đó, phải có hiểu biết đầy đủ về tiến trình lịch sử nghệ thuật thế giới, đâu là tác phẩm có thẩm mỹ tốt, đâu là tác phẩm có vai trò trong lịch sử về quan niệm thẩm mỹ. Sách vở giới thiệu, nhìn nhận nhiều tác phẩm là các bước ngoặt lịch sử, không phải những tác phẩm xuất sắc nhất về mỹ học. Ví dụ cái bình tiểu của Marcel Duchamp là dấu mốc thay đổi cách nhìn và quan điểm mỹ học.
LÊ HUY TIẾP – Miền Trung. 1981. Sơn dầu. 100x120cm. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
3. Nghệ sĩ thị giác có vai trò như thế nào trong xã hội?
Hoạ sĩ đóng góp rất nhiều cho xã hội thông qua các tác phẩm, truyền đạt tư tưởng, tình cảm đến khán giả. Khi nhìn cái đẹp, tại sao chúng ta thấy xúc động? Vì được học qua thẩm mỹ của thiên nhiên, sáng tạo của các nghệ sĩ mang tới thông qua văn học nghệ thuật. Nhân cách con người từ đó mà hình thành nên.
Có người thích tác phẩm của mình, nghĩa là cái đẹp trong tranh mình đã chuyển tải cho người biết cái đẹp ấy. Cũng như xem tranh phong cảnh, đến khi gặp cảnh thực, thì niềm yêu thích đó đôi khi đã được dẫn bởi hình ảnh chúng ta đã gặp trong tiềm thức, khi hình ảnh ấy đã đi vào đầu chúng ta bằng con đường vô thức. Nó như một quan điểm mỹ học về cách nhìn vật chất, cách nhìn nỗi ám ảnh bên trong mỗi con người, mỗi họa sĩ đối với đối tượng bên ngoài.
4. Nguồn cảm hứng của ông cho đời sống và công việc sáng tạo hiện nay?
Mỗi nghệ sĩ đều có nhân sinh quan khác nhau, tôi đặt tinh thần lạc quan lên trước hết.
Trong cuộc sống, mỗi con người đều có khó khăn bi kịch riêng, chỉ có người lạc quan mới tồn tại được. Họ biết hài hước, mỉm cười trước những niềm vui nhỏ nhất, cũng như cười trước những vô lý của cuộc đời. Nguồn cảm hứng trong cuộc sống của tôi là vô tận, là ngọn cỏ lá cây, là con người. Tôi chăm cây, cắm hoa tươi mỗi ngày; nuôi dưỡng bản thân bằng cách gặp người hay, người tốt, người đẹp và thông minh, những câu chuyện thú vị. Tôi thích nấu ăn, nghĩ ra các món ăn mới để chiêu đãi bạn bè, con cháu trong ngày nghỉ. Tôi phải có những niềm vui để chiến thắng hàng chục thứ bệnh trong người, mỗi ngày một vốc thuốc, mỗi tuần có ba ngày khoẻ mạnh thì đấy là ngày hạnh phúc nhất.
Tôi thường xuyên học tập trên Internet và thử nghiệm liên tục các kỹ thuật mới. Đến khi hoàn thiện thì chia sẻ lại với đồng nghiệp, học sinh ở Việt Nam và nước ngoài. Đối với tôi, hạnh phúc là làm nhiều việc có ích cho mọi người, với sự thích thú và tự do.
LÊ HUY TIẾP – Gió tháng 7. 2019. Acrylic và sơn dầu. 80x100cm
LÊ HUY TIẾP – Cô gái và con chó trắng. 1976. Sơn dầu. 100x120cm
5. Hai năm đại dịch đã thay đổi cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật của ông như thế nào?
Tôi làm tốt nhiều việc vì yên tâm ở nhà, không đi chơi, không đi du lịch nước ngoài. Chính vì thế, triển lãm 70 năm cuộc đời và 50 năm sáng tác đã được tổ chức, một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Đối lập với vẻ ngoài từ tốn, trầm tĩnh và yêu sự cô đơn trong sáng tạo nghệ thuật, tôi là người phiêu lưu, lãng mạn và nhiều bạn bè. Hai năm đại dịch tôi vẫn giao lưu, giữ mối quan hệ bạn bè qua mạng xã hội và điện thoại.
Còn sức khoẻ thì kém đi. Bốn mũi vacxin phòng Covid đều khiến cho tôi mệt mỏi, từ vài ngày tới tháng rưỡi. Năm lần phẫu thuật trong hai năm nay.
6. Ông có bao giờ bế tắc trong sáng tạo nghệ thuật?
Có giai đoạn khi chuẩn bị từ Liên Xô về Việt Nam, tôi còn trẻ nên bối rối. Lúc đó, các tác phẩm của nghệ sĩ trong nước chỉ khen ngợi, trong khi tôi muốn nói đến cái bi kịch của chiến tranh, muốn vẽ ước vọng trong con người, văn hoá đời sống cá nhân. Có thể lúc đó tôi có cơ hội quen biết và gặp gỡ nhiều lần với thủ lĩnh của chủ nghĩa Neo-Realism của Ý nên có mong muốn như vậy.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp tại Trại sáng tác Quốc tế Đại học Văn Lang TP. Hồ Chí Minh năm 2019
Họa sĩ Lê Huy Tiếp tại Trại sáng tác Lithography trên đá, tháng 1 năm 2022 tại Thanh Uy Gallery, Hà Nội
Họa sĩ Lê Huy Tiếp tại Trại sáng tác Quốc tế Hanoi Connecting, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2019
7. Ai là người có ảnh hưởng đến ông trong nghệ thuật và đời sống?
Ảnh hưởng lớn nhất về nhân sinh quan, thế giới quan và tư tưởng nghệ thuật của tôi là nhà văn người Nga, K.G.Paustovsky. Các tác phẩm Bông hồng vàng, Bình minh mưa đã tác động và nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Có lẽ vì được sống trong môi trường gia đình có điều kiện thuận lợi nên tôi dễ tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn.
8. Ông có nghĩ tới một cuộc triển lãm chung với các nghệ sĩ khác?
Tôi đối thoại với bản thân là đủ rồi.
9. Ông đã về nước 50 năm, và nhiều năm có mặt trong hội đồng nghệ thuật các cấp. Ông nhận định về vấn đề triển lãm ở nước ta như thế nào?
Đầu năm 1976, trong ngày khai mạc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất, nguyên Tổng bí thư Trường Chinh đã đứng khá lâu trước bức tranh Cô gái và con chó trắng của tôi. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ – họa sĩ Trần Văn Cẩn đã giới thiệu với ông rằng, đây là tranh của hoạ sĩ miền Nam vẽ cô gái chờ đợi ngày giải phóng. Bức tranh đó ngày ấy là khác lạ trong triển lãm và dễ bị suy luận. Tôi thích cách trả lời của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn. Việc ứng xử đứng về phía người làm sáng tạo nghệ thuật là điều rất quan trọng đối với các thành viên hội đồng.
Buồn nhất khi hội đồng chỉ có những chức danh hành chính, trong khi lại luôn cần người có chuyên môn sâu. Gu thẩm mỹ tốt, hiểu biết rộng rãi để nhận ra giá trị thật của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, hiểu sự hoàn thiện của tác phẩm và là một cá nhân có tâm tốt, là những yếu tố cần phải có của hội đồng giám khảo và kiểm duyệt triển lãm nghệ thuật.
ĐẶNG MINH THƯ

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Có thể bạn quan tâm

Hơn 200 bức tranh về “Sắc màu văn hóa” các quốc gia sẽ được trưng bày tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Từ ngày 16-26/3/2024, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ diễn ra Triển lãm tranh màu nước quốc tế “Sắc màu Văn hóa”. Đây được xem là triển lãm tranh màu nước lớn nhất tại Việt Nam...

MỘT ĐÓNG GÓP TRONG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ MỸ THUẬT SÂN KHẤU

  Nhân đọc “Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam” của PGS. TS. Họa sĩ Đoàn Thị Tình, Nhà xuất bản Mỹ thuật Hà Nội, 2020. Nghệ thuật sân khấu, ngay từ khi mới ra đời, đã có sự tham gia của mỹ...

MẤY DÒNG CHIA TAY HỌA SĨ PHAN KẾ AN

  Từ ngày ông Phan Kế An chuyển từ phố Thợ Nhuộm về sống ở một khu chung cư trên phố Lò Đúc, tôi đã nhiều lần hạ quyết tâm phải đến thăm ông và căn nhà mới của ông. Nhưng phần vì...

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA – MỸ THUẬT TẠI CHÙA PHƯỚC TƯỜNG, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

  Chùa là một trong những loại công trình kiến trúc sớm nhất ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng và hình thành từ thuở vùng đất Sài Gòn mới được khai khẩn do nhu cầu...