BỨC TRANH “CHỢ GẠO BÊN HỮU NGẠN SÔNG HỒNG” CỦA NAM SƠN ĐANG Ở ĐÂU ?

 

“Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” là một tác phẩm kinh điển  của họa sĩ Nam Sơn. Tranh được thực hiện vào khoảng năm 1928, với chất liệu mực nho, kích thước 100x140cm, tả cảnh bên bờ sông Hồng, nơi mua bán gạo.

Về bố cục của “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” vào thời điểm đó, và cả bây giờ, rất mới lạ, thật đáng ngạc nhiên.

Tiền cảnh diễn tả một người đàn ông nhìn từ phía sau, đầu đội khăn, mặc quần trắng, tấm lưng trần rắn rỏi sạm nắng được chú trọng theo hình thể học. Người đàn ông có dáng ngồi hoàn toàn Á châu, người Âu châu không thể ngồi như thế, vì họ sẽ bật ngửa ra phía sau. Phân cảnh tiếp theo trình bày một người đàn bà mặc áo dài tứ thân, đội nón thúng, đang uyển chuyển gánh gạo từ dưới sông Hồng đi lên, dáng thật linh động. Người xem cảm giác có sự chuyển động theo thân người gần như chữ S của thiếu phụ. Dáng vấp của cô gợi nhớ đến hình ảnh phụ nữ trong tranh Inguimberty, một đồng nghiệp của Nam Sơn. Hậu cảnh nhấp nhô những người mua bán, đứng ngồi chen chúc. Xa xa thuyền bè tấp nập, thấp thoáng mờ sương, rất Á đông.

NAM SƠN – Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng. Khoảng 1928. Mực nho. 100x140cm thuộc bộ sưu tập của Quỹ Nghệ thuật Cận đại Quốc gia Pháp (F.N.A.C)

“Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” được sáng tác từ phong cảnh thiên nhiên có thực và nghiên cứu giải phẫu các nhân vật bằng các bản phác thảo rất chi tiết. Chúng ta có thể cảm nhận được kỹ thuật phương Tây qua độ chính xác của khối lượng và phối cảnh xa gần, nhưng tâm hồn Đông phương vẫn hài hoà thể hiện, đặc biệt là ở phong cảnh sương mù và hơi nước sâu thẳm ẩn hiện xa xa…

Bên phải tranh, chính giữa, chúng ta đọc được lạc khoản:  –“Nhĩ hà hữu ngạn phát mại mễ xứ”, có nghĩa là nơi buôn bán gạo bên bờ phải của sông Nhĩ (sông Hồng)(1).

Câu sau   ,“Nguyễn Nam Sơn bút ý”, tranh của Nguyễn Nam Sơn. Dưới là triện vuông  ,“Nguyễn Nam Sơn ấn”.

Hàng thứ ba, một triện rất đẹp hình chiếc lá, trên lá viết    “Kiếm hồ”, nghĩa là “Hà Nội” (nơi có hồ Hoàn Kiếm danh tiếng). Phía dưới nữa là triện tròn  , Tuyết trung lâu ấn”, chỉ tranh hoàn tất vào mùa Đông.

Triển lãm Mỹ thuật Paris lần thứ 143 được Hội Nghệ sĩ Pháp (Société des Artistes français) tổ chức năm 1930, diễn ra tại Đại Cung diện Champs-Élysées (Grand Palais des Champs-Élysées), đại lộ Alexandre III(2). “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” đã được tuyển chọn tham dự cuộc triển lãm này dưới tên “Sur la rive droite du Fleuve Rouge où se vend et s’achète le riz”.

Phải chăng không phải thừa thãi khi xác nhận một cách chính thức rằng đây là bức tranh Việt Nam đầu tiên được trưng bày trong một cuộc triển lãm lớn tại Pháp, là niềm tự hào của Trường Mỹ thuật Đông Dương nói riêng và người dân Đông Dương nói chung?

Chi tiết phác thảo lưng người đàn ông trong tranh “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng”, thuộc bộ sưu tập tư nhân

“Sur la rive droite du Fleuve Rouge où se vend et s’achète le riz” của Nam Sơn được phân loại theo phần “tranh” (peinture), dưới số hiệu 2849 trong lưu trữ của Hội Nghệ sĩ Pháp, và in trong vựng tập “Salon 1930”, trang 140.

Thật ra, “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” đã được diện kiến lần đầu tiên với công chúng Hà Nội trong triển lãm tổ chức tại trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1929. Ngay sau đó, bức tranh này được in trong Minh họa tạp chí (l’Illustration, số 4522, ra ngày 02/11/1929, trang 512). Tiếp theo, xuất hiện trong quyển “Ba trường mỹ thuật Đông Dương” (Trois écoles d’Art de l’Indochine, nha Học chính, Hà Nội 1931, toàn quyền Đông Dương xuất bản, phụ bản); và trên Nam Phong tạp chí, (số 177, tháng 10/1932, phụ bản), với lời chú thích “bức vẽ của họa sĩ Nam Sơn, 1929, vẽ bằng mực tàu, đã đem đấu xảo tại Hội ‘sa-lông’ Mỹ thuật Pháp năm 1930. Hiện nhà nước Pháp mua rồi”.

Mực nho là một chất liệu được Nam Sơn sử dụng một cách rất có hiệu quả, và liên kết với nhiều chất liệu khác trong sáng tác của mình.

Ảnh hưởng quan trọng của mực nho trong thế giới mỹ thuật đã được Nam Sơn trình bày trong quyển sách “Hội họa Trung Quốc” do chính ông là tác giả:

“Trong ngàn hướng hội họa, mực nho là tột đỉnh. Nó gợi lên sự tinh tuý của thiên nhiên, và tính hoàn thiện của sáng tác. Mực nho có thể diễn tả một phong cảnh thăm thẳm ngàn vạn lí trên một bức vẽ nhỏ vài phân. Đông Tây Nam Bắc trải rộng ra trước mắt trong nét kiều diễm hoàn mỹ. Xuân Hạ Thu Đông dưới ngọn bút khai hoa(3).

(Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ, “La peinture chinoise”, Đông Kinh ấn quán, Lê Văn Phúc, Hà Nội 31/01/1930, in 200 bản, trang 05).

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đã nói về bức tranh này như sau:

“Đó là tác phẩm “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng”, mực nho, là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền hội họa Việt Nam cận đại. Bức tranh mô tả sông Hồng Hà quen thuộc đỏ nặng phù sa, đoàn thuyền đánh cá thuyền buồm lô xô phía xa. Gần bờ, một phụ nữ nón thúng quai thao, áo dài tứ thân đang gánh gạo lên bờ. Trên bờ, một người đàn ông lưng để trần rám nắng ngồi đợi hàng về. Với một bố cục chặt, lối vẽ cổ điển mẫu mực, với những nét vờn tỉa đậm nhạt điểm tô trong không gian cổ kính êm ả. Hàng chữ Hán đề địa danh vẽ tranh và tên tác giả càng tôn vẻ sang trọng đượm hương sắc Á đông trong một không gian yên bình của một dòng sông quen thuộc”.

(Nguyễn Hải Yến, “Họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ”, Tạp chí Mỹ Thuật, N° 4, Hà-nội 1988, trang 32)

Chi tiết phác thảo tranh “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” thuộc bộ sưu tập tư nhân

Theo cuốn “Ba trường mỹ thuật Đông Dương”, (op.cit., trang14), “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” đã được bộ Mỹ thuật Pháp mua tại triển lãm Paris, để trưng bày trong một bảo tàng. Đây là lần đầu tiên một bức tranh Việt bước chân vào bộ sưu tập của chính quyền Pháp.

Vào thời điểm ấy, tin mừng này là một chấn động, nhanh chóng lan truyền như những chiếc nấm tươi mát hớn hở khai nở sau cơn mưa rào…

Trên “Hà Thành ngọ báo” số 899, ra ngày 06/8/1930, trang 2, trong một bài báo dưới tựa đề “Nét bút nhà danh họa Nam Sơn đã gây một mối dư luận trong mỹ thuật giới nước Pháp”, chúng ta đọc được:

“Vừa rồi có tin Chánh phủ Pháp đã gửi thư mua một bức tranh vẽ của một nhà họa sĩ An Nam ta ở Hà Nội là ông Nam Sơn. Ông Nam Sơn hiện làm giáo học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Ông tuy còn trẻ tuổi, mà nét bút đan thanh của ông ngay đến nhiều tay thầy vẽ người Pháp cũng phải công nhận là tài tình.

Trước đây ông có vẽ một bức tranh tả cái quang cảnh mua bán lúa gạo ở bờ sông Nhĩ Hà. Bức tranh đem chưng ở bên Pháp, ai xem cũng phải chịu rằng khéo. Vì vậy nên quan Tổng trưởng bộ Mỹ thuật của nước Pháp đã gửi thư qua Hà Nội cho ông Nam Sơn đòi mua bức tranh ấy, vì chính phủ muốn đem bày vào trong một viện bảo tàng cổ ở Paris”.

Trên “Trung Bắc tân văn” số ra ngày 08/8/1930, bài báo khác “Một bức họa của người Việt Nam được cái danh dự bày tại một viện bảo tàng của nước Pháp là lần thứ nhất”:

“Bức họa ấy là bức của ông Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ, giáo sư trường mỹ thuật Đông Dương, tả cái quang cảnh bán gạo ở hữu ngạn sông Hồng Hà. Bức họa ấy nay được bộ Mỹ thuật hỏi mua cho nhà nước để bày tại một viện bảo tàng ở Pháp. Thật là một sự vẻ vang cho ông Nam Sơn cùng vị giáo sư đã luyện tập cho ông là ông Tardieu, đốc học trường Mỹ thuật Đông Dương bây giờ”.

Báo “L’Écho Annamite”, số ra ngày 26/7/1930, trang 01, đưa tin với tựa “Chánh phủ mua một bức tranh của một nghệ sĩ người an-nam” với nội dung tương tự như hai tờ báo trên.

Trong quá trình săn tìm vết tích của “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng”, chúng tôi đã liên lạc với rất nhiều bảo tàng cũng như trung tâm lưu trữ tại Pháp. Cuối cùng, vào ngày 24/11/1999, qua Quỹ Nghệ thuật Cận đại Quốc gia Pháp (Fonds National d’Art Contemporain – F.N.A.C.) chúng tôi đã có câu trả lời.

Theo tài liệu còn lưu lại, sau khi triển lãm tại Đại Cung điện Champs-Élysées, bức “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” được chính quyền Pháp mua vào ngày 25/10/1930, với giá thời điểm đó là 1.200frs, chính thức thuộc bộ sưu tập của Quỹ Nghệ thuật Cận đại Quốc gia Pháp (F.N.A.C.), dưới số hiệu 11699.

Ngay sau đó, cùng ngày, một công văn đã ký, “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” được lệnh gửi đi Nouvelle-Calédonie, treo trên tường trang trí cho tòa Thị Chính thủ đô Nouméa (Hôtel du Governement).

Chúng tôi đã nhiều lần gửi thư cho F.N.A.C., yêu cầu truy tìm bức họa “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” của Nguyễn Nam Sơn tại Nouméa.

Vậy mà, đã gần 20 năm qua, chúng tôi chưa có câu trả lời chính xác!

Paris-Saigon, 1999-11/12/2018

                        NGÔ Kim-Khôi

Chú thích:

  1. Nhĩ  là cái tai, sông Hồng chảy qua Hà Nội vòng cong như cái vành tai. Nhĩ Hà, dòng sông như cái khuyên đeo tai.
  2. Học viện Hoàng gia quyết định rằng hàng năm, trong khuôn viên điện Louvre, một triển lãm các tác phẩm của thành viên sẽ được trình diễn. “Hội nghệ sĩ Pháp” do Jean-Baptiste Colbert (1619-1683) thành lập năm 1663, dưới triều đại của Thái Dương Hoàng Đế Louis XIV
  3. Dans les voies de la peinture, l’encre de Chine est suprême. Elle révèle l’essence de la nature et elle en finit la création. Elle peut exprimer un passage de plusieurs centaines de “lí” sur un dessin de quelques pouces ; l’ouest et l’est, le sud et le nord s’étalent devant les yeux dans toute leur beauté ; le printemps, l’été, l’automne et l’hiver naissent sous le pinceau.
  4. Nouvelles du Tonkin. L’État achète une toile d’un artiste annamite.

Nous apprenons avec plaisir le succès remporté, au Salon de la Société des Artistes Français, à Paris, par Monsieur Nguyen Nam Son, professeur à l’École des Beaux-Arts de l’Indochine, Hanoi.

Ce jeune artiste, qui exposait une toile intitulée “Sur la rive droite du Fleuve Rouge ou se vend et s’achète le riz”, vient d’après l’Avenir du Tonkin, de recevoir, du ministère des Beaux-Arts une demande d’acquisition, par l’État, de ce tableau.

C’est œuvre remarquable, qui a, d’ailleurs, était reproduite dans l’Illustration, exécutée dans la technique des anciennes peintures chinoises, va figurer, désormais, dans un Musée de France. Elle montrera, dans la Métropole, que l’Annam, qui a produit jadis des grands artistes, continue sa tradition.

  1. Thư trả lời cho yêu cầu của chúng tôi,ngày 27/8/1999, của bà Gaita Leboissetier, quản thủ F.N.A.C.(70 voie des Sculpteurs, 92800 Puteaux), tài liệu tham khảo FNAC/EM 4256.

 

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Có thể bạn quan tâm

TRANH VẼ THIẾU NỮ CỦA TRẦN ĐÔNG LƯƠNG

  Jean Carzou, một họa sĩ Pháp nổi tiếng, đã từng nói: Những quả táo của Cézanne, cho dù có kỳ lạ đến đâu thì cũng không thể sánh nổi với mấy người “đi tuần đêm” của Rembrandt –...

Lượm lặt #2

• Di sản nghệ thuật ở I-ta-li-a lâm nguy. Giữa năm 197, báo chí nước ngoài đưa tin Viện Bảo tàng La Bơ-rét-xa – Viện Bảo tàng hội họa lớn nhất của thành phố Mi-lan ở I-ta-li-a – bị dột to;...

ĐÁM CƯỚI CHUỘT NHÌN TỪ PHE NƯỚC MẮT

    Tôi từng nhiều lần được nghe rằng tranh “Đám cưới chuột” (Việt Nam) hoàn toàn giống với tranh “Lão thử thú thân” (Trung Quốc). Quả là nếu nhìn qua thì những bức tranh này rất...

NGHỆ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN TRONG THIẾT KẾ NỘI THẤT SHOWROOM BMW WELT

Đầu thế kỷ 21, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã mang lại cho lĩnh vực thiết kế nội thất showroom những biểu hiện nghệ thuật mới. Thông qua khoa học và công nghệ hiện đại,...

Tin mỹ thuật thế giới tháng 7-8 năm 2020

“ONE”- PHIÊN ĐẤU GIÁ TRỰC TUYẾN TOÀN CẦU LỊCH SỬ CỦA CHRISTIE’S Vào ngày 10/7, nhà đấu giá Christie’s vừa tổ chức một sự kiện đấu giá toàn cầu lịch sử: “ONE”. Phiên đấu giá trực...