KỲ I
Trên tờ L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ, số ra ngày 25 tháng 2 năm 1932) đã viết về thành tựu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sau năm năm hoạt động đầu tiên, tại Triển lãm Thuộc địa Quốc tế Paris 1931: “… Những người tham dự triển lãm đã đạt kết quả đáng kể vì số tiền thu được từ bán tranh lên tới khoảng 60.000 francs, trong khi chỉ riêng một học sinh, ông Nguyễn Phan Chánh, đã thu được 20.000 francs từ các bức tranh lụa. Cần lưu ý rằng thời điểm hiện giờ đặc biệt khó khăn và ở những thời điểm khó khăn như hiện nay, bán được 60.000 francs tiền tranh là kết quả khá… Người Anh đã lấy làm hứng thú trước những kết quả Trường Mỹ thuật Đông Dương đạt được, và đã quyết định tổ chức một cuộc triển lãm của trường này tại Luân Đôn. Cuộc triển lãm hiện đang mở, nếu không có gì trở ngại… Ở Paris, mọi người đều nhắc đến Trường Mỹ thuật Đông Dương, và các nhân vật tinh thông nghệ thuật rất hào hứng tranh luận về tài năng riêng biệt của những Nguyễn Phan Chánh, những Nam Sơn, những Lê Phổ. Đó quả là điều cần ghi nhớ.”
1. Niên đại khởi đầu
Kỹ thuật hội họa sơn dầu châu Âu, mà Van Eyck được xem như người phát minh- về thực chất, là sự kế thừa một kỹ thuật chuyển tiếp đã từng được biết đến từ thế kỷ 11, nhưng đến thế kỷ 14 vẫn còn ít thông dụng.
Phát minh của Van Eyck, bởi vậy, nếu nói một cách sâu xa- thì đúng hơn- đó là một “sự hoàn thiện”, để dẫn tới một định nghĩa lịch sử tối hậu cho cái gọi là “tranh sơn dầu” – như một thể loại, kèm theo cả một hệ thống quan niệm gắn liền với nó.
Theo các nhà sử học nghệ thuật phương Tây, thời điểm phát minh của Van Eyck là vào khoảng năm 1410.
… Ở nước ta, nếu thời điểm ra đời của tranh sơn mài có thể xác định chính xác là vào năm 1932 (năm xuất hiện “phát minh” của Trần Quang Trân)- thì thời điểm ra đời của tranh lụa có thể xác định được một cách chính xác hay không?
* * *
Ai cũng biết, người Trung Hoa là những người đầu tiên trên trái đất vẽ trên lụa, thậm chí họ còn vẽ trên lụa trước cả khi tìm ra giấy. Tranh lụa Trung Hoa đã đạt đến thời kỳ đỉnh cao chói lọi vào các thời Đường, Tống, tức là cách ngày nay trên dưới đến cả ngàn năm.
Là một nước nằm trong vùng văn hóa Đông Á, về hội họa, chúng ta đã có cả một thời kỳ dài dằng dặc hầu như chưa có gì để đối chiếu với người Trung Hoa, ngoại trừ một vài dòng “hội họa dân gian” (nếu khái niệm này được chấp nhận), đặc biệt là tranh Đông Hồ, thì cũng chỉ tính được từ thế kỷ 17. Sự “chậm trễ” này cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Lý do ra đời cũng như cái đặc sắc của tranh lụa Việt Nam trong thời kỳ mở đầu, dường như đã được học giả người Pháp Claude Mahoudot “gián tiếp” làm rõ bằng một lý giải kép về các ảnh hưởng ngoại lai: “Điều thú vị và quan trọng đáng ghi là chính nhờ người Pháp và sau khi có sự tiếp xúc với hội họa châu Âu, người Việt Nam mới biết và hiểu được nền hội họa lớn của người Trung Quốc” (“Indochine”, số 171, ngày 9/12/1943).
Theo đánh giá của Nguyễn Tư Nghiêm, một trong những cái công lớn nhất đáng để thừa nhận của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đặc biệt của ông Victor Tardieu, người sáng lập ra Trường năm 1925- chính là đã hướng Nguyễn Phan Chánh vào nghệ thuật vẽ tranh lụa.
Trong tiểu luận “Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại” (đăng trên tập san “Xuân Thu nhã tập” năm 1942), Tô Ngọc Vân đã hồi tưởng lại:
“… Sự đụng chạm của trường Mỹ thuật với công chúng bắt đầu ở cuộc triển lãm thứ nhất vào khoảng 1928-1929 (chính xác là vào tháng 11 năm 1929- H.T.H), tại ngay trường Mỹ thuật. Có tranh ‘thiếu nữ rũ tóc’ mặt buồn của Lê Phổ, tranh ‘thiếu nữ ngồi trên sập’ hai mắt ươn ướt như sắp khóc của Mai Trung Thứ. Có tranh ‘ông già’ nhẹ nhàng của cô Lê Thị Lựu, những tranh nặng nề nâu tối cảnh nhà quê của Nguyễn Phan Chánh (tất cả đều là tranh sơn dầu- H.T.H). Tranh lụa chưa ra đời (gạch dưới của H.T.H)”.
Năm 1931, tại Đấu xảo Paris, một số bức tranh lụa “đầu tay” của Nguyễn Phan Chánh đạt thành công lớn. Và lịch sử cũng xem đó là một trong những thành công sớm nhất, quan trọng bậc nhất của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Nguyễn Phan Chánh cũng vì thế hiển nhiên đã được công nhận như là họa sĩ bậc thầy mở đầu cho hội họa lụa Việt Nam. “Đát” của các bức tranh nổi danh ấy của ông, cũng chưa rõ vì sao, đã được quy tất vào hai năm: “1930-1931”, mà vô hình trung, nó cũng đã trở thành niên đại chính thức cho sự khởi đầu của tranh lụa.
Điều này cũng “có vẻ” rất thuận với niên biểu nghệ thuật của Nguyễn Phan Chánh, vì trong đó có ghi: ông chỉ mới bắt đầu “tập vẽ trên lụa Vân Nam” từ 1928…
Tuy nhiên, gần đây, có một số chứng cứ mới tìm lại được sẽ cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ hơn, toàn diện và sát với thực tế hơn về sự mở đầu của hội họa lụa.
Thứ nhất, theo tư liệu của anh Ngô Kim Khôi, nhà nghiên cứu độc lập, cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn- thì cụ Nam Sơn đã có vẽ một bức tranh lụa nhan đề “Về chợ” vào năm 1927, nhưng cũng chưa khẳng định được đó có phải là bức tranh lụa có niên đại sớm nhất của cụ hay không?
Vậy là, nếu cụ Nam Sơn không (hoặc chưa) được công nhận là người khởi đầu cho nghệ thuật vẽ tranh lụa Việt Nam (như Nguyễn Phan Chánh) – thì ít nhất ở nước ta, cụ vẫn có thể là “người đầu tiên” đã đặt ra tiền đề cho lịch sử hình thành và phát triển ấy của nghệ thuật vẽ tranh lụa. Ngay từ 1930, cụ đã cho xuất bản một cuốn sách do cụ viết bằng tiếng Pháp nhan đề “La peinture chinoise” (Hội họa Trung Hoa), với tư tưởng chủ đạo: thiên nhiên – nguồn mạch “vĩnh cửu và vô tận” của các họa sĩ. Cuốn sách cũng cho thấy sự chủ động, một ý thức hết sức rõ ràng của các họa sĩ Việt Nam hướng về cội nguồn Á Đông, ngay cả khi họ đang học tập và tiếp thu những bài học nghệ thuật trong môi trường giáo dục Pháp.
Thứ hai, ít nhất đã tìm lại được hai chứng cứ để chứng minh: Nguyễn Phan Chánh đã có một số tranh lụa là những tác phẩm thực sự (nếu không muốn nói là những tác phẩm thực sự là bậc thầy) ngay từ năm 1929, tức là chỉ sau khi ông bắt đầu “tập vẽ trên lụa” đúng một năm. Trong hai bức lụa ấy, đáng kể hơn là bức “Le Repas / Bữa cơm”, vì trên thực tế, nó chắc chắn là một trong số những bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được trưng bày và đã được mua tại cuộc triển lãm ở Đấu xảo Paris 1931 (hiện chỉ có thể thấy qua một bản in trên báo ảnh Pháp “L’Illustration”, số 4608, ngày 27 tháng 6 năm 1931, với dòng chú thích có ghi đát rất rõ ràng: 1929). Bức kia là bức “Cô hàng ốc” (mới bán được với giá 600.000 USD tại Nhà đấu giá quốc tế Christie’s Hồng Kông ngày 27 tháng 5 năm 2018).
Từ đây suy ra thì chúng ta đã có cơ sở để thay cho một cách nói ước định niên đại mở đầu của tranh lụa Việt Nam là “1930-1931”, bằng một cách nói ấn định: 1929!
Điều đó cũng có nghĩa là năm nay- 2019- là tròn 90 năm lịch sử ra đời và phát triển của tranh lụa Việt Nam.
2. Tên gọi
Về mặt “vật chất”, có lẽ cách thông thường nhất để gọi ra một loại tranh chính là sự trả lời cho câu hỏi: “sur quoi et avec quoi?” (trên cái gì và bằng cái gì?) Ví dụ: sơn dầu trên vải (tiếng Pháp: huile sur toile; tiếng Anh: oil on canvas).
Trong tiếng Pháp hay tiếng Anh, để chỉ tranh sơn dầu, người ta cũng có thể chỉ nói: huile, oil (nói chung), hoặc: toile, canvas (trong trường hợp vẽ trên vải). Đối với các loại tranh thông thường được vẽ trên giấy, trong tiếng Pháp hay tiếng Anh, người ta cũng thường chỉ nói gọn: aquarelle hay watercolour (màu nước), gouache (màu bột), pastel (phấn màu), vân vân.
Riêng với tranh lụa (Trung Hoa hay Việt Nam), người Pháp vẫn thường gọi: peinture sur soie (với ý nghĩa: hội họa trên lụa), hoặc chỉ nói gọn: soie.
Sự phức tạp, rối rắm gần đây về cách gọi “tranh lụa”, mà thường là thiếu chính xác, chắc chắn bắt đầu phát sinh kể từ khi có nhu cầu chuyển ngữ chữ “tranh lụa” sang các tiếng nước ngoài.
Nào là: màu nước trên lụa (aquarelle sur soie, watercolour on silk); nào là: màu bột trên lụa (gouache sur soie, gouache on silk); nào là; mực trên lụa (encre sur soie, ink on silk), thậm chí có lúc đi đến tắc tị: màu trên lụa (couleurs sur soie, colours on silk)… – cứ như thể người ta nắm chắc lắm, nắm tất cả những gì người họa sĩ đã dùng để vẽ. Mà nếu cứ cho là như vậy- thì với các màu tự nhiên, chẳng hạn như các màu ngả nâu vàng chín nục do người vẽ nhuộm, phun bằng nước chè, nước vối thì người ta có tính được hay không?
Có lẽ chúng ta nên chỉ gọi tranh lụa là… “tranh lụa” hoặc “lụa” (mà dịch ra tiếng Pháp hay tiếng Anh là: peinture sur soie, silk painting, hoặc gọn hơn: soie, silk) như cái tên từ thuở ban đầu của nó. Trong những trường hợp đặc biệt có thể viết, chẳng hạn: tranh lụa (với acrylic) hoặc-lụa (với acrylic).
Cần phải lưu ý, lụa không chỉ đơn giản là nền (support), mà lụa còn đồng thời là mặt (surface), là phương tiện hiển thị và biểu cảm trọng yếu của tranh lụa. Để chỉ ra một bức tranh lụa, ta có thể không cần trả lời câu hỏi “avec quoi” (vẽ bằng cái gì), nhưng với câu hỏi “sur quoi” (vẽ trên cái gì) thì câu trả lời là bắt buộc phải có
3. Kỹ thuật
Tranh lụa khởi thủy thuộc về hội họa nước (peinture à l’eau), vẽ bằng các chất, các màu pha nước. Người vẽ có thể thuần túy dùng mực tàu, màu thảo mộc tự nhiên, màu nước hay bột màu để vẽ tranh lụa, hoặc phối hợp linh hoạt với một số chất màu khác như điệp, phấn màu, chì màu, vân vân. Cũng có người vẽ tranh lụa sử dụng tempera, sơn dầu (như trường hợp Lê Phổ), và gần đây là acrylic (như Bùi Tiến Tuấn)…
Nhìn chung, những chất màu có tính năng “phủ” và “cầm” mạnh thì ít thích hợp hơn với lụa, chúng có thể đem lại hiệu quả vững chắc nhanh, nhưng thiếu độ trong, chiều sâu và sự nhu nhuyễn. Theo kinh nghiệm của Trần Văn Cẩn, những mảng lụa để trống không vẽ cũng vẫn cần phải lướt màu ít nhiều, kể cả phải lướt bằng trắng, vì lụa hoàn toàn không màu sẽ là nguyên nhân gây mốc.
Về nguyên tắc thì bất cứ thứ lụa nào cũng có thể vẽ được, nhưng không phải thứ lụa nào cũng phù hợp cho tất cả họa sĩ. Giữa những năm 30 của thế kỷ trước, một số họa sĩ, đặc biệt Trần Văn Cẩn, rất thích vẽ trên lụa sồi, một thứ lụa truyền thống sợi thô, “gân guốc”, chỉ có điều bị hạn chế ở khổ (chỉ trên 40cm một chút), và không được trắng (mà muốn vẽ được thì phải tẩy bằng nước ngâm vỏ đu đủ xanh). Bởi vậy, hầu hết các tranh lụa cũ của Trần Văn Cẩn đều có khuôn hình chữ nhật hẹp, bố cục theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang, nếu không thì cũng có kích thước nhỏ.
Những năm 1980 và 1990, loại lụa thưa, thô, đố hơi xộc xệch, có ánh xám, sản xuất tại Đà Nẵng cũng được nhiều họa sĩ ưa chuộng. Nó đem đến cho tranh lụa những sắc thái rất lạ, tới mức gần như đã trở thành một yếu tố quan trọng tạo nên phong cách vẽ lụa của một số họa sĩ…
Vẽ lụa thì đương nhiên lụa phải được căng thành mảng phẳng để vẽ. Theo truyền thống có từ Nguyễn Phan Chánh, căng lụa trên khung gỗ bằng hồ dán hay đinh mũ là cách phổ biến nhất. Cách này rất thuận tiện cho lối vẽ “rửa”, nhưng trong quá trình vẽ lại có phần hạn chế sự kiểm soát hiệu quả thực, trực tiếp, dễ bị chùng, thủng… Các họa sĩ Việt Nam sống ở Pháp như Mai Thứ, Lê Thị Lựu thì lại vẽ trên nền lụa đã biểu, bồi (gần như vẽ trên giấy), nhưng lụa bồi sẵn chỉ thích hợp với lối vẽ “khan”, thậm chí chỉ vẽ bằng phấn màu.
Còn một cách căng lụa nữa, gần đây: dán lụa lên bảng phóc-mi-ca trắng, vẽ rửa hay vẽ khan đều được, đặc biệt cho tranh khổ lớn. Vẽ xong bóc ra, biểu lên giấy dễ như thường.
Một khâu đáng ngại nhất trong kỹ thuật vẽ tranh lụa là biểu, bồi. Xưa kia có nhiều thợ chuyên môn phụ trách công việc này, nay cũng có nhưng ít và thiếu được xem trọng.
Bởi vì khó (đặc biệt phải nắm được bí quyết chế bột và nấu hồ) nên có một số họa sĩ không biểu, bồi tranh, chỉ cắt tấm lụa đã vẽ ra, đính vào bo, rồi lồng vào khung kính. Biểu tranh lụa kỵ nhất vào buổi tối, nhất là ở thời bao cấp, đang biểu dở mà chẳng may mất điện thì thôi, “xong”!
Thực ra, tranh lụa bền không kém so với các loại tranh khác, nếu người họa sĩ vẽ đúng cách, biểu, bồi đúng cách và nó được bảo quản đúng cách. Tất nhiên điều kiện khí hậu, thời tiết cũng có tác động rất đáng kể đến độ bền của tranh lụa, nhưng đối với loại tranh nào mà chẳng thế.
Tranh lụa của Hàn Cán vẽ từ thế kỷ 8 (Bảo tàng Cernuschi, Paris), hay một số tranh lụa vẽ từ những năm 1930 của Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn, Lương Xuân Nhị (trong các bộ sưu tập ở Pháp, Mỹ) hiện đều ở tình trạng tốt. Ở nước ta, nếu tranh lụa bị hư hỏng thì không nên đổ hết cho tranh lụa không bền, bởi vì ngay với cả rất nhiều tranh sơn mài (vẽ bằng chất sơn cổ truyền vốn dùng cho trang trí và phục vụ bảo quản), ta cũng có gìn giữ được như mong muốn đâu.
Hà Thái Hà
(KỲ II: Các thời kỳ và các họa sĩ)