THẦN MẶT XÁM CỔ XANH

 

Đón mừng năm mới, xuân về, tết đến, nhân dân các dân tộc ở miền núi Bắc Bộ Việt Nam cũng nhộn nhịp chuẩn bị mọi việc trong gia đình vào những ngày cuối năm, chủ yếu là trang hoàng nhà cửa cho đẹp đẽ khang trang mong những điều tốt đẹp may mắn sẽ đến với gia đình.

Bàn thờ gia đình được trang hoàng lộng lẫy bằng đôi câu đối mới, viết trên nền giấy đỏ thắm, trên bàn thờ là những cây hoa giấy rực rỡ năm sắc: đỏ, vàng, trắng, xanh, lục. Trên đôi cánh cửa chính của gia đình thường trang hoàng các chữ đại tự tỏ ý nghênh đón Lộc xuân biểu hiện trong ngũ phúc: Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh.

Có một điều đặc biệt ở vùng dân tộc Nùng: Trong lễ cúng tất niên,đón giao thừa, bà con thường lập bàn thờ cúng vong hồn chúng sinh. Bàn thờ này người ta thường đặt ở ngoài hiên, bên cửa chính của gia đình, trên vách treo tranh Phân Y thí thực hoặc tranh Chẩn tế cô hồn (tên bằng chữ Hán). Tại bàn thờ này người ta đặt các loại bánh trái, hoa quả, vàng mã (in tiền giấy, ngựa xe, y phục…) và hương khói suốt ba ngày đêm của dịp Tết. Theo quan niệm của bà con thì xung quanh nơi chúng ta cư trú có vô số ma quỷ không được thờ cúng (quỷ vô tự) vất vưởng ngày đêm, lang thang, đói khát, nay đi qua thấy có bàn thờ và đồ cúng mà vị chủ trì là Ông Thần mặt xám cổ xanh thì tự do vào nhận lễ tại đây, khỏi vào quấy nhiễu gia chủ. Đây là một nghĩa cử nhân văn, tốt đẹp biểu lộ rõ ý niệm từ, bi, hỷ, xả của Phật Tổ và cũng là điều để ta hiểu rõ thêm về nguồn gốc tranh thờ Phân Y thí thực (nhường cơm xẻ áo) và Chẩn tế cô hồn (giúp đỡ cô hồn) của đồng bào sử dụng trong dịp lễ tiết quan trọng này.

Hai vị Thần vẽ trên hai bức tranh này (ảnh 1 và ảnh 2 đều là 1 vị có thần tích như nhau): Có tư thế như các ông tướng canh cửa các đền, miếu ở nước ta, trên biển, cờ, phướn vẽ trên tranh có đề chữ Hán nói rõ nội dung là: phát chẩn cho các cô hồn, xẻ áo nhường cơm cho kẻ đói khát lang thang. Hình vẽ bên cạnh, vẽ những tấm thân trần trụi, già lão, gầy còm, ốm yếu, chống gậy xin ăn, xin mặc cũng góp phần làm sáng tỏ nội dung của hai bức tranh này. Điều đặc biệt cần nhận biết là chân dung Vị Thần trong hai bức tranh này đều tô màu xanh xám.

Phân y thí thực
Chẩn tế cô hồn

Vị Thần có khuôn mặt màu xám xanh có tên là Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông mặt xám cổ xanh), vốn là tên gọi nôm na để gọi Quán Thế Âm Thanh Cảnh (Quán Thế Âm mặt xám cổ xanh) là một trong 33 sắc tướng của Quán Thế Âm thần thông quảng đại, đại từ, đại bi – một Vị Bồ Tát trong Tây Phương Tam Thánh. Vị Bồ Tát thân cận của Phật A Di Đà (Amitabha)– giáo chủ của cõi Tây Thiên Cực Lạc, chuyên việc cứu vớt chúng sinh, độ trì vong hồn về cõi Tây Phương Cực Lạc, vĩnh viễn an vui nơi Cõi Phật.

Thần tượng Tiêu Diện Đại Sĩ cũng được tạc tượng để thờ trong Phật Điện ở nước ta, nhưng không phổ biến rộng rãi, nên ít người biết tới. Tại chùa Mật Sơn, ở núi Mật Sơn thuộc thành phố Thanh Hóa có bức tượng vị đại sĩ này. Bức tượng thường đặt phía trước chính diện với nội dung ý nghĩa là: Tiêu Diện đại sĩ đón chúng sinh tới cửa Phật để hưởng lộc Phật mà không phải e dè khiêng sợ gì tại nơi linh thiêng tôn quí của Phật Đài, ông đảm đương trọng trách cứu khổ, cứu nạn, tiêu trừ hết khổ nạn cho chúng sinh.

Ở vùng đồng bằng Nam Bộ, vào dịp Rằm tháng Giêng hàng  năm, nhân dân có tục lệ: Rước tượng Tiêu Diện Đại Sĩ vào chùa Phật để ban phước lộc cho chúng sinh. Người ta làm tượng Tiêu Diện Đại Sĩ bằng cốt nan tre đan, bên ngoài phất giấy, tô màu, khoác áo vải, đặt trên kiệu, rước lễ trọng thể, đưa tượng vào chùa. Sau khi cúng lễ trang trọng thì sẽ hóa (đốt). Trong lúc “hóa” tượng này, nhân dân sẽ xông vào xé lấy vải, bóc lấy giấy trên thân tượng được mảnh nào quí mảnh ấy, rồi đem về nhà, đặt lên bàn thờ của gia đình để lấy phước lành của vị thần Tiêu Diện Đại Sĩ mong rằng được tiêu trừ mọi đau khổ, gia đình được an lạc.

Trong 33 sắc tướng (còn gọi là hóa thân, ứng thân tức là tùy Duyên mà biến hóa thành các Dạng khác nhau vì lợi ích an lạc của chúng sinh), của Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara) thì Quán Thế Âm Thanh Cảnh (tức Tiêu Diện Đại Sĩ) có điển tích xuất phát từ Thần Shiva của Ấn Độ giáo cổ đại:

* Brahma, Vishnu và Shiva là ba vị thượng đẳng Thần quan trọng nhất của Ấn Độ giáo;

* Theo lời khuyên của thần Vishnu, các thần linh và ma quỷ cùng khuấy động biển sữa để tìm lấy mật bất tử (trường sinh): Họ dùng rắn thần Vasuki làm sợi dây thừng quấn quanh cây gậy là ngọn núi thần vĩ đại Mandara để khuấy động biển sữa nhấp nháy các vị tinh tú một cách dữ dội suốt 100 năm để tìm thuốc trường sinh.

* Đã xuất hiện những món quà đầu tiên của Biển sữa như nữ thần Lakshmi xinh đẹp, bò thần cái Surabli, bò đực Nandin,… Bất thình lình chất độc Kalakuta xuất hiện như từ một ngàn miệng rắn độc phun ra nọc độc đe dọa sự sống của tất cả muôn loài. Thần Shiva hết sức xúc động bởi lời thỉnh cầu của thần Vishnu (thần bảo vệ sự sống), ngài bèn nuốt tất cả nọc độc đang phun trào, nhờ vậy đã cứu thế gian khỏi sự diệt vong; Chất độc Kalakuta và nọc độc của nó đã làm cái cổ họng của ngài biến thành màu xanh đậm, da mặt của ngài trở nên  xám xanh.

Tinh thần hy sinh xả thân cứu thế gian của Shiva khiến mọi người xúc động, cảm phục, đời đời nhớ ơn ông, và đã xuất hiện thành Quán Thế Âm Thanh Cảnh (Tiêu Diện Đại Sĩ) là những bậc Bồ Tát Đại Từ Đại Bi, thần thông quảng đại, cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh… quen thuộc với các tầng lớp bình dân của các dân tộc Phương Đông chúng ta.

Tranh vẽ, tượng khắc của Phật giáo rất phong phú và đa dạng, nhất là đối với vị Bồ Tát Quán Thế Âm như: Quán Âm Tống Tử, Quán Âm Nam Hải, Quán Âm Thị Kính, Quán Âm Chuẩn Đề, Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhỡn… nhưng đối với Quán Âm Thanh Cảnh – tức Tiêu Diện Đại Sĩ thì tranh và tượng lại rất hiếm. Nay, nhân dịp này xin giới thiệu với bạn đọc hai bức tranh quí về vị đại sĩ – Bồ Tát rất quen thuộc với từng lớp bình dân của dân tộc ta.

Phan Ngọc Khuê

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Có thể bạn quan tâm

Triển lãm ‘Hành trình theo dấu chân Bác Hồ qua sưu tập tem và bưu ảnh’

(Chinhphu.vn) – Ngày 21/6, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm “Hành trình theo dấu chân Bác...

Cặp đôi họa sĩ Trần Đình Khương – Đoàn Thuý Hạnh với triển lãm cá nhân đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh

Lần đầu tiên ra mắt công chúng thành phố Hồ Chí Minh với triển lãm “Song Tấu Lạ”, họa sĩ Trần Đình Khương giới thiệu 31 tác phẩm tranh sơn mài khai thác chủ đề cá chọi và cá chép, còn...

Thông báo lần thứ 2 về triển lãm Mỹ thuật khu vực 2 (Đồng bằng sông Hồng) lần thứ 26 năm 2021

...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực I Hà Nội lần thứ 26 năm 2021

 ...

ĐI VẼ Ở CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ, TÂN CẢNH, MÙA HÈ ĐỎ LỬA 1972

  Năm 1969, tôi vào công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Trung Trung bộ. Sau Tết Nhâm Tý 1972 ở vùng căn cứ Nước Ngheo (nay là xã Trà Ka, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), tôi và nhà văn Nay Nô khoác...