QUÝ ÔNG LẠCH TRƯỜNG VÀ HUYỀN TÍCH MAI AN TIÊM

 

Người đàn ông ác đèn là một tượng đồng được nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Janse tìm thấy tình cờ năm 1935 ở Lạch Trường, Thanh Hóa. Đây là hiện vật được vinh danh Bảo vật Quốc gia đợt 1 năm 2012.Người đàn ông vác đèn ở mộ Lạch Trường, từ đây xin được gọi là quý ông Lạch Trường. Quý ông này mang đặc điểm nhân chủng đặc trưng của người Trung Á, có gương mặt thanh thoát, sang trọng, quý phái đang khẽ nở nụ cười mỉm huyền bí. TS. Nguyễn Việt từng bảo tôi rằng, đừng tưởng cứ nghĩ mộ Hán là chỉ có đồ Hán vì đã chắc gì mộ Hán là của người Hán. Cuộc gặp gỡ định mệnh buổi chiều muộn ở Lạch Trường năm 1935 chắc chắn là cuộc gặp gỡ đã thay đổi nhận thức không chỉ với Olov Janse mà còn góp phần sáng tỏ thêm vai trò và sự hiện diện của những ‘người lạ’ trong nghệ thuật thời Bắc thuộc.

Olov Janse đã rất tinh tế khi phát hiện lọn tóc xoăn kiểu Phật ốc ôm sát vào đầu. Khuôn mặt quý ông rất thanh tú, lại có thêm chòm râu cằm được xén tỉa kỹ lưỡng, nụ cười mê hoặc, lại rất nam tính với hàng ria mép đã cắt tỉa cũng cầu kỳ không kém. Đúng là cái râu cái tóc là góc quý ông. Đôi mắt hình nhân rất đặc trưng của nghệ thuật Hy Lạp và Trung Á. Trang phục của quý ông Lạch Trường dễ lầm tưởng là một chiếc khố nhỏ. Thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng lại khá tinh mỹ với hình đồ án hoa sáu cánh. Đây không phải hoa sen, cũng không phải hoa mai. Dạng đồ án này rất đặc trưng trong nghệ thuật Trung Á. Đồ án này không có trong mỹ thuật của người Hán và cũng không phải hoa văn của người Đông Sơn. (Có thể do tâm thức duyên hải mà nghệ thuật Đông Sơn rất thiếu vắng những đồ án thực vật, hầu như vắng bóng những sắc hoa.) Những bông hoa này còn được gặp lại trong phong cách Phật Tịch thời Lý. PGS. Ngô Văn Doanh đặt ra giả thuyết về phong cách Trung Á ở trong nghệ thuật Phật Tích.

                                                                                                    Chân dung quý ông Lạch Trường

 

                                                                                                          Mộ Lạch Trường. Nguồn: sưu tầm

Việc phát hiện ra lửa là phát minh quan trọng của nhân loại. Nhưng chỉ ở trong văn minh Lưỡng Hà mới có tục thờ lửa, đưa lửa trở thành biểu tượng tôn giáo. Có nhiều cách để giữ lửa và thắp sáng nhưng cũng chỉ có ở đây, những chiếc đèn được nâng tới tầm nghệ thuật và có hẳn một vị thần đèn với quyền lực vô song. Chính ngay trong mộ Hán cũng xuất hiện nhiều hình ảnh người Tây Vực, đặc biệt là người Khương Cư (Sogdian). Để chống lại sự quấy nhiễu, cướp phá của người Hung Nô, nhà Hán đã tạo một mạng lưới liên minh với các tộc người Trung Á, đặc biệt là người Scythia, người Sogdian để chống lại Hung Nô. (Mã Siêu thời Tam Quốc có mẹ là người Sogdian).

Bảo tàng Hồ Nam hiện đang sưu tập một chiếc đèn người Hồ đang nâng đèn ở tư thế bay lơ lửng trong không trung. Khuôn mặt người Hồ này cũng khá giống với khuôn mặt của quý ông Lạch Trường. Có thể lý giải niềm vui sướng mà O.Janse khi phát hiện ra tượng quý ông Lạch Trường. Đó là niềm vui vạn lý tha hương ngộ cố nhân. Nhưng đó không phải là những người Hy Lạp như O.Janse lầm tưởng. Đó là sản phẩm của nền nghệ thuật Trung Á chịu ảnh hưởng từ Hy Lạp. Quý ông Lạch Trường có thể là một shamanist (pháp sư) đang trong khoảnh khắc thiêng liêng giao cảm với thần linh. Trong lịch sử tạo hình Mỹ thuật Việt Nam, đây là nụ cười đầu tiên với đúng nghĩa là một cử chỉ biểu lộ niềm vui sướng của con người. Dù nụ cười cũng như thân phận của quý ông Lạch Trường vẫn còn là những điều bí ẩn, ánh sáng của ngọn đèn đã tắt, nhưng nó chứng tỏ sự đa dạng văn hóa thời Bắc thuộc. Bắc thuộc đâu chỉ là Hán hóa. Thời Bắc thuộc dù đen tối, nhưng một nghìn năm đó có rất nhiều người từ bốn phương tám hướng đã đến sinh sống, buôn bán, truyền giáo, những luồng tư tưởng đa dạng đó chắc chắn đã in lưu dấu trên những phẩm vật nghệ thuật. Việc phát hiện ra quý ông Lạch Trường cho thấy mảnh đất đầu sông cửa bể ở Thanh Hóa đã từng là nơi dừng chân của những người nước ngoài. Trong ngôi mộ này cũng còn tượng hai người cõng nhau thổi khèn. Chú ý là nhân vật đang cõng người thổi khèn đội chiếc mũ đặc trưng của người Sogdian chứ không phải mũ lông chim của người Đông Sơn.

 

                                                                                         Chân đèn người quỳ Lạch Trường. Nguồn: Minh Lê

                                                                                                         Bản vẽ phác họa đèn Lạch Trường

Hình ảnh quý ông Lạch Trường khiến tôi liên tưởng đến Mai An Tiêm. Mai An Tiêm là người nước ngoài đầu tiên xuất hiện trong huyền sử thời Hùng Vương. Sách Lĩnh Nam chích quái ghi chuyện Tây qua, cũng gọi là sự tích dưa hấu. Tây qua là lối viết sách vở, theo cách gọi của người Hán. Người Việt chỉ gọi là dưa hấu. Dưa hấu có thể là dưa người hấu, cũng như lợn Mán là lợn của người Mán. Chữ hấu có thể là âm cổ xưa của hú (âm gọi của người Hồ trong tiếng Hán). Mặc dù những người họ Mai, ở đây, được coi là con cháu của Mai An Tiêm, được coi là họ cổ nhất ở tỉnh Thanh Hóa, có từ thời Hùng Vương. Theo thông tin của dòng họ Mai, thì họ Mai ở Thanh Hóa đông nhất nước, có nhiều chi như Mai Văn, Mai Đình, Mai Đức, Mai Ngọc, v.v. tương truyền nữ tướng Mai Hoa của Hai Bà Trưng cũng là người của dòng họ Mai ở Nga Sơn. Dù có một lịch sử lâu đời, dù Mai An Tiêm được coi là thủy tổ họ Mai ở Việt Nam, thì những gì ghi chép trong sách Lĩnh Nam chích quái, ta phải thừa nhận rằng Mai An Tiêm không phải là người Việt, cũng không phải là người Tày ( có người nói họ Mai là đọc chệch từ họ Ma, một họ lớn của người Tày).

Sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp ghi rõ: “Xưa, đời Hùng Vương có viên quan tên là Mai An Tiêm, vốn là người ngoại quốc. Vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc từ khi lên 7, 8 tuổi.” Mai An Tiêm tài giỏi, làm được nhiều việc, được vua Hùng trọng dụng. Quan niệm về nhân sinh của gã Mai này rất không giống với người Lạc Việt. Mai quan niệm có sự luân hồi, có luật nhân quả, nên thường nói: “Đó đều do kiếp trước ta tu mà có, không có phải do ơn chủ đâu”. Vua Hùng giận lắm, bèn đày ra ngoài cửa bể huyện Thán Sơn, bốn bề toàn cát và nước không có vết chân người qua lại.

                                                        Chi tiết các lọn tóc xoăn như thường thấy của kiểu thức Phật ốc trong các pho tượng Phật

 

                                                                           Hình hoa 6 cánh tiêu biểu cho nghệ thuật trang trí vùng Trung Á

 

                                                                                      Người Hồ nâng đèn. Bảo tàng Hồ Nam, Trung Quốc

GS.Liam Kelley trong bài viết “Dưa hấu, chim, Phật giáo và một huyền thoại Việt Nam” (người dịch: Hà Hữu Nga) đã chú ý phân tích nguồn gốc ngoại quốc, tư duy ngoại quốc, sản vật ngoại quốc và cùng có liên quan đến Phật giáo. Theo câu chuyện về sự tích dưa hấu này, có thể phỏng đoán người Trung Á đã tới Lạc Việt thời Hùng Vương. Những chiếc đèn cổ trong di sản nghệ thuật Đông Sơn hé lộ những mối giao lưu văn hóa thời tiền sơ sử. Hình ảnh cây đèn Lạch Trường mang dấu ấn Trung Á trong nghệ thuật Đông Sơn muộn cho thấy sức sáng tạo, năng lực hấp thu tinh hoa văn hóa nhân loại của ông cha ta. Mặc dù không có gì chắc chắn Mai An Tiêm là có thật, cũng như không có gì khẳng định được Mai An Tiêm là người Trung Á. Nhưng biết đâu hình ảnh quý ông Lạch Trường chính là dư ảnh của Mai An Tiêm xưa.

Trần Hậu Yên Thế

1. Ngô Văn Doanh (2020) “Phong cách tượng người chim chùa Phật Tích”, Tạp chí Khoa học Đại học Mở, số 66, tr.1-7
2. Bài đăng trên http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/9422-dua-hau,-chim,-phat-giao-va-mot-huyen-thoai-viet-nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Có thể bạn quan tâm

CHUYỆN VỀ ÔNG THIẾU BẢO

  Năm 1982, Bùi Xuân Phái lại vấp phải một “tai nạn” nghề nghiệp lần chót. Đó là vụ bản thảo tập thơ chép tay về Kinh Bắc của Hoàng Cầm. Khi đó, ông Thiếu Bảo (Trần Thiếu Bảo, giám...

TRẦN VĂN BÌNH, NHỮNG BỨC TRANH VỀ QUÊ HƯƠNG VÀ CON NGƯỜI

Trong khoảng 50 năm qua, các họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cố gắng xác định một phong cách riêng trong sáng tác nghệ thuật thuần túy (bên cạnh các mẫu design), mang một phong cách...

“Soi bóng Thăng Long”

(ĐCSVN) – Diễn ra từ ngày 10/12/2023 đến ngày 2/1/2024, Triển lãm Dấu xưa văn hiến lần thứ hai với chủ đề “Soi bóng Thăng Long” giới thiệu các tác phẩm sắp đặt của 09 họa sĩ về các hình...

Họa sĩ Nguyệt Hồ – người vẽ hồn sông Vị, thành Nam

  Họa sĩ Nguyệt Hồ tên khai sinh là Vũ Tiến Đa, sinh năm 1905 tại thôn Thi Thượng, xã Vị Hoàng (Vị Xuyên), nay là phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định. Bút danh Nguyệt Hồ gắn với quê gốc gia tiên...

TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN CÙNG NHÀ GIÁO – NHÀ SƯU TẬP NGUYỄN BÁ ĐẠM: NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ, HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ ?

  “Người muôn năm cũ” ở đây mà tôi muốn nhắc đến chính  là cụ Nguyễn Bá Đạm – nhà giáo – nhà sưu tập tranh, được mọi người mặc nhiên coi là người bạn tri kỷ nhất của...