(* Từ tiếng Đức, có nghĩa là Nghệ thuật suy đồi, đây là cái nhãn Đức Quốc Xã gán cho nghệ thuật mà họ không chấp nhận, với nỗ lực đặt nghệ thuật dưới sự kiểm soát của mình)
Tensions calmées – hay Calmed Tensions (Khoảng lặng của căng thẳng) – là một ví dụ điển hình với cái tên tương phản chi li mà Kandinsky thường đặt cho nhiều tác phẩm tại Paris của mình. Theo Christian Derouet, cựu phụ trách trưởng của Trung tâm Georges Pompidou (Pháp), sự mâu thuẫn ấy, thể hiện bằng hai từ đặt cạnh nhau, có hoặc không có dấu gạch nối, hướng sự chú tâm của chúng ta vào thứ ngôn ngữ trang nghiêm trong nội tại bức tranh. Luôn luôn như vậy, tên tranh nhắm đến hình ảnh xung đột giữa nguyên lí kiến tạo kiểu Bauhaus và họa tiết sinh học mới mẻ gợi đến cảm hứng với nhiều môn khoa học của chủ nghĩa Siêu thực.
Được thêm vào đó là những chữ lai ghép chuyển động và bay lên, đặt trên nền nâu sâu thẳm của vũ trụ không giới hạn; phải kể đến việc mặc dù Kandinsky mua vải toan và khung căng tại Paris, nhưng ông vẫn trung thành với các nhà cung cấp họa cụ Đức ở Berlin, gắn bó với màu keo của họ thông qua cháu trai mình, Alexandre Kojevnikoff.
Quả thực, tính nhạc trong cách dùng màu – sự tương phản tinh tế giữa sắc trong và sắc phấn đặc hơn – cũng là sự trớ trêu khi Tensions calmées được vẽ trong thời điểm kịch tính và quyết định nhất của lịch sử thế kỉ 20. Suốt thập niên 1930, không chỉ họa sĩ, mà cả nhà buôn bán, giới sưu tập, sử gia nghệ thuật và giám đốc bảo tàng ở Đức bị đẩy vào cảnh lưu vong bởi những chính sách chủng tộc và văn hóa của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, việc cưỡng bách các nghệ sĩ lưu vong trên quy mô rộng khắp Paris, Brussels, Amsterdam, Prague, London lại tạo đà cho chủ nghĩa Hiện đại xuyên quốc gia ở Mỹ.
Tháng 9 năm 1938, nhà buôn tranh di cư Karl Nierendorf đã mua Tensions calmées cùng với những tác phẩm khác trực tiếp từ Kandinsky. Bức tranh được chuyển từ Paris sang New York. Sự có mặt của nó trong những cuộc triển lãm và những sự kiện mua lại đáng chú ý được tổ chức bởi Quỹ Solomon R. Guggenheim năm 1945 đều được ghi chép cẩn thận. Sự kiện đấu giá bức tranh tại Sotheby’s London năm 1964 cũng vậy. Sau đó bức tranh thuộc về một bộ sưu tập cá nhân và không xuất hiện cho tới 57 năm sau. Hiện tại chúng ta đã có cơ hội được nghiên cứu bức tranh một lần nữa, tập trung vào bối cảnh và những đặc tính bí ẩn trang nghiêm của nó.
Theo ký ức của Nina Kandinsky, sau khi trường Bauhaus ở Berlin đóng cửa và chế độ độc tài Đức Quốc Xã leo thang, đôi vợ chồng vẫn chưa thể rời đi do sự cản trở của bộ máy quan liêu. Lãnh sự quán Pháp tràn ngập những người lo lắng cầm hộ chiếu Đức la hét đòi cấp visa để rời khỏi đất nước. Thật may mắn, theo lời khuyên của Marcel Duchamp, gia đình Kandinsky đã thuê chỗ ở tại Paris từ trước. Tháng 1 năm 1934, họ định cư ở Neuilly – sur – Sein, phần nào đó mong đợi sẽ có ngày trở về Đức.
Nhưng, như chúng ta biết, việc đó đã không xảy ra.
Chiến dịch của Đức Quốc Xã chống lại nghệ thuật hiện đại lên đến cực điểm vào nửa đầu tháng 7 năm 1937, khi 1100 tác phẩm nghệ thuật từ 30 bảo tàng được chọn và sắp xếp đến Munich. Ngày 19 tháng 7, khoảng 600 tác phẩm trong số đó bị lên án trong triển lãm ‘Entartete Kunst’ (Degenerate Art tức Nghệ thuật Suy đồi); nổi bật trong đó là tác phẩm hiện đã thất lạc Zweierlei Rot, 1916 (Hai màu đỏ) của Kandinsky bị tịch thu từ Nationalgallerie ở Berlin. Nếu ban đầu Kandinsky không quan tâm đến việc tách mình khỏi những người chuyên chế cực hữu, thì tới tháng 6 năm 1938, động thái của ông đã thay đổi khi ông kí tên trong một kiến nghị ủng hộ Otto Freundlich, một nghệ sĩ Đức gốc Do Thái sống tại Paris.
Hơn thế, ở thời điểm sớm hơn trong năm, một vài trong số những tác phẩm ở Paris của Kandinsky bao gồm Tensions calmées được gửi tới triển lãm Abstracte Kunst tổ chức bởi bảo tàng Stedelijk ở Amsterdam. Được tổ chức trưng bày bởi nhà bảo tồn đồng thời là nhà phụ trách Willem Sandberg và kiến trúc sư Mart Stam, cuộc triển lãm là bước lấy lại vị thế có chủ ý của những người – tiên – phong, báo hiệu một thời điểm quan trọng trong công cuộc lật đổ hệ tư tưởng văn hóa Đức Quốc Xã.
Trong một bức ảnh đẹp chụp tại triển lãm, chúng ta thấy Tensions calmées, bên trên là tác phẩm cỡ lớn của Kandinsky Composition IX, 1936 (Trung tâm Georges Pompidou, Paris), về bên phải là Groupment, 1937 (Bảo tàng Moderna, Stockholm) và Deux Entourages, 1934 (Bảo tàng Stedelijk, Amsterdam). Những khoảng tường trắng và lối trưng bày mang tính tiên phong ấy đã tạo ra một tiêu chuẩn mới tại bảo tàng.
Cuộc triển lãm mang tới cùng một lúc, không chỉ tác phẩm của những tác giả bị cấm tại Đức, như Freundlich, Paul Klee và Kandinsky, mà còn cả Piet Mondrian, Theo van Doesburg, và những nghệ sĩ người Anh Barbara Hepworth, Ben Nicholson và Henry Moore. Trong khung cảnh quốc tế đó, Kandinsky đã làm rõ sự tiến hóa trong mỹ thuật của mình với tiểu luận quan trọng Abstract or Concrete? (Trừu tượng hay Cụ thể?) in trong danh mục triển lãm.
Trong đó, ông chấp nhận thuật ngữ ‘cụ thể’ (đối lập với ‘trừu tượng’) như một mô tả hợp lí cho nghệ thuật của mình, một thế giới mới không liên quan tới thực tế. Sùng kính ý nghĩa của tự do sáng tạo, ông viết: “Chúng ta có trước mắt mình triển lãm được tổ chức bởi Bảo tàng Stedelijk của Amsterdam [nơi mà] không đưa ra lời nói, thay vào đó là đưa ra sự thực”, tiếp tục là “Mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực tự nói lên rằng ‘Tôi đang ở đây!’”. Đúng vậy, chúng ta có thể đồng ý, bức Tensions calmées mang dấu ấn của thời gian và không gian nơi mà nó đã thách thức “Entartete Kunst”, và tuyên bố cho tự do của nghệ thuật.
NGUYỄN THU HUYỀN (Biên dịch)