NHỮNG TRIỂN LÃM PHẢI XEM TẠI VENICE BIENNALE 2019

 

Venice Biennale Nghệ thuật (Venice Biennale Arte) được tổ chức hai năm một lần và là một trong những biennale nghệ thuật lâu đời và lớn nhất trên thế giới với lịch sử bắt đầu từ 1895. Venice Biennale Art trưng bày trên quy mô lớn các tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại qua sự tuyển chọn khắt khe của các nhà giám tuyển quốc tế. Mỗi quốc gia tham gia Venice Biennale sẽ có một “pavilion”, một nhà trưng bày các triển lãm nghệ thuật đại diện cho quốc gia đó.Dưới đây là những triển lãm tại các “pavilions” được giới phê bình đánh giá cao nhất tại trung tâm của sự kiện Biennale Nghệ thuật Quốc tế  lần thứ 58 tại Venice năm 2019. Đó là tại Venetian Arsenal và khuôn viên vườn Giardini (Giardini della Biennale), Venice,Ý. Venice Biennale 2019 diễn ra từ ngày 11.5 đến 24.11.2019.

Cách tốt nhất để cảm nhận được nhịp đập của nghệ thuật đương đại có lẽ là ghé thăm các pavilion đại diện cho nhiều quốc gia trên thế giới tại Venice Biennale. “Venice Biennale được biết đến như sự kiện đại diện cho nghệ thuật đa ngôn ngữ”- chủ tịch của Venice Biennale, ông Paolo Baratta phát biểu tại một cuộc họp báo. Ông tiếp tục: “Những không gian trưng bày tại Venice Biennale là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ  phản ánh những hiện trạng đáng nói của đất nước họ trên thế giới nói chung”. Venice Biennale lần thứ 58 năm nay với chủ đề: “Thời kì thú vị để sống”, – các nghệ sĩ đã gửi gắm thông điệp chung về chính trị, khuyến khích sự phát triển của cộng đồng, phản ánh các vấn đề toàn cầu, những câu chuyện của thời đại,…

Pavilion (Nhà trưng bày triển lãm) của Mỹ

Triển lãm: “Tự do” – Sắp đặt

Tác giả Martin Puryear

Giám tuyển Brooke Kamin Rapaport

Triển lãm tại Giardini, Venice Biennale, Ý.

 

 

 

Các tác phẩm sắp đặt trong triển lãm “Tự do” của Martin Puryear

 

“Mặt trời bị che khuất”

Trước khi bước chân vào pavilion của Mỹ, rõ ràng Martin Puryear đang đưa ra tuyên bố. Pavilion trưng bày này ở Giardini được xây dựng vào năm 1930 và được mô phỏng theo phong cách tân cổ điển của Thomas Jefferson. Để phục vụ cho ý tưởng của mình, Puryear đã đóng cửa trong sân và che khuất mặt tiền bằng một tấm gỗ khoét họa tiết, khiến ta liên tưởng tới mặt trời và những tia sáng, tác phẩm có tên là “Mặt trời bị che khuất”.

Nhờ các tác phẩm  của Puryear  mà Pavilion của Mỹ trở thành biểu tượng sâu sắc nơi nghệ sĩ phơi bày những mâu thuẫn vốn có của mình.

Tiêu đề “Mặt trời bị che khuất” ám chỉ bóng tối của nhật thực hoặc sự tuyệt vọng khi các giá trị gặp nguy hiểm và ta bắt đầu mất đi các khái niệm. Tấm gỗ được đục khoét cho phép khách tham quan nhìn qua các khe hở và đi vào quá khứ lịch sử, đại diện là ngôi nhà cổ phía sau đó.

 

Pavilion của Ba Lan:

Tác phẩm nổi bật: “Chuyến bay”- Sắp đặt

Tác giả Roman Stanczak

Giám tuyển Lukasz Mojsak và Lukasz Ronduda

Trưng bày tại Giardini, Venice, Ý.

Tác phẩm sắp đặt của Roman Stánczak mang tên “Chuyến bay”, được trưng bày trong Pavilion của Ba Lan tại Venice Biennale lần thứ 58, 2019
Chi tiết tác phẩm “Chuyến bay”

Để tạo ra tác phẩm sắp đặt cho Venice Biennale năm nay, Roman Stanczak đã cắt một nửa chiếc máy bay và tái cấu trúc nó từ trong ra ngoài. Tác phẩm được đặt tại gian chính của triển lãm- Pavilion của Ba Lan, được tạo nên từ chiếc máy bay cỡ trung và một mớ hỗn độn đáng kinh ngạc của dây điện, dây đai, cửa sổ và tấm kim loại, nhưng ta vẫn có thể nhận ra tính nguyên bản của chiếc máy bay.Tác giả đã tái tạo, giả cấu trúc các đối tượng để tạo ra cái mới, như một phương pháp tìm kiếm ý nghĩa và như một nghi lễ dẫn dắt người xem liên tưởng đến cái chết. Stanczak coi đó là một ẩn dụ về tìm kiếm hy vọng từ những thứ đổ nát, lụi tàn , truyền tải cách nhìn mới cho người xem.

Tác phẩm sắp đặt ấn tượng này nói riêng về các cuộc xung đột trong xã hội Ba Lan, đặc biệt là trong chế độ tư bản. Bằng cách tách rời một chiếc máy bay, một biểu tượng của giới thượng lưu, người nghệ sĩ đã “viết” một bài phê bình chặt chẽ về chế độ tư bản Ba Lan. Nhưng ở cấp độ phổ quát, tác phẩm phản ánh sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội toàn cầu. Cuối cùng, kiệt tá cực kỳ phức tạp của Stanczak cho chúng ta một lý do để suy nghĩ lại về không gian chúng ta sinh sống, và thực tế chúng ta tuân theo.

 

Pavilion của Australia:

Tác phẩm nổi bật: “Tập hợp”- Nghệ thuật Sắp đặt Tác giả Angelica Mesiti

Giám tuyển Juliana Engberg

Triển lãm tại Giardini

Tác phẩm sắp đặt “Tập hợp” của Angelica Mesiti trong Pavilion của Úc tại Venice Biennale lần thứ 58, 2019
Một số hình ảnh trong “Tập hợp”
Một số hình ảnh trong “Tập hợp”

Angelica Mesiti với ý tưởng muốn biến  pavilion của Australia trở thành một giao diện trang web của dân chủ và cộng đồng. Bộ phim ba kênh của cô đóng quanh một nhà hát nhỏ, trải thảm đỏ, nơi du khách có thể ngồi cạnh nhau và thưởng thức tác phẩm. Bộ phim sử dụng âm nhạc để làm nền phản ánh tình trạng bùng nổ của các nền dân chủ trên toàn cầu, đặc biệt là âm thanh của những tiếng nói trái chiều  và quan điểm mâu thuẫn. Bộ phim được quay trong các phòng thượng viện sang trọng ở Ý và Úc, tác phẩm khuyến khích sự lắng nghe và hòa hợp, thông qua việc trở nên hòa hợp trong cách chúng ta giao tiếp.

Mở đầu bộ phim là hình ảnh một thiết bị được sử dụng bởi các nhà viết tốc ký được gọi là máy Michela. Mesiti đã dịch một bài thơ của David Malouf bằng thiết bị này, sau đó ngôn ngữ được mã hóa kết quả đã được chuyển thành nhạc của nhà soạn nhạc Max Lyandvert. Các nghệ sĩ biểu diễn trong bộ phim chơi bản nhạc này, đặc biệt có một nhóm các nghệ sĩ chơi trống ngẫu hứng. Một nhân vật nữ chính  trong phim đưa ra những kí hiệu tay có chủ ý. Các cử chỉ biểu thị các khái niệm như không tán thành, im lặng và phản đối, và đã được sử dụng trong cuộc biểu tình tranh luận Nuit 2017 ở Paris chống lại luật lao động gây tranh cãi El Khomri.

 

Pavilion của Ghana:

Triển lãm: “Ghana tự do”

Các nghệ sĩ: Felicia Abban, John Akomfrah, El Anatsui, Lynette Yiadom-Boakye, Ibrahim Mahama, and Selasi Awusi Sosu

Giám tuyển Nana Oforiatta Ayim

Trưng bày tại Arsenale, Venice, Ý

Một phần của triển lãm “Ghana tự do”

Một số tác phẩm trong triển lãm “Ghana tự do”

Venice Biennale 2019 là một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với quốc gia thuộc châu Phi này, vì đây là lần đầu tiên Ghana có một pavilion riêng để tôn vinh nền văn hóa lâu đời của mình. Ghana giành được độc lập vào năm 1957 dưới thời Tổng thống Kwame Nkrumah, một nhà bảo trợ tuyệt vời cho nghệ thuật. Tiêu đề  “Ghana tự do” xuất phát từ một bài hát của E.T. Mensah, một nghệ sĩ được Thổng thống Nkrumah bảo trợ. Các tác phẩm nói về sự tự do mà Ghana được hưởng từ thời điểm đó và triển lãm này cũng thể hiện sự phát triển của tự do theo những hình thức và mô hình khác nhau theo thời gian như thế nào.

Tuy là lần đầu tiên tham dự chính thức tại Venice Biennale nhưng pavilion của Ghana đã gây được tiếng vang lớn và được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Theo dự kiến, triển lãm “Ghana tự do” sẽ được trưng bày tại Ghana để phục vụ du lịch sau khi Biennale kết thúc.

 

Pavilion của Pháp:

Triễn lãm “Lạc vào không gian xanh dương”         

Nghệ sĩ Laure Prouvost

Giám tuyển Martha Kirszenbaum

Trưng bày tại Giardini

Không gian sắp đặt trong phòng chiếu phim

Một số tác phẩm sắp đặt trong triển lãm “Lạc vào không gian xanh dương”, Laure Prouvoust

Nghệ sĩ Laure Prouvoust- người đã từng đạt giải thưởng nghệ thuật danh giá, Giải Turner đưa chúng ta vào một hành trình kỳ thú tới pavilion của Pháp tại Venice Biennale. Đi vào từ một cửa sau, và bạn sẽ gặp một tầng hầm đầy đá vụn, đây là ý đồ của nghệ sĩ tạo ra một đường hầm nối pavilion của Pháp với pavilion của Anh . Trên tầng, một căn phòng màu trắng sáng với sàn nhà màu xanh nước biển trong vắt, tác phẩm sắp đặt được gắn với những bức tranh tĩnh vật kỳ lạ,những bức ảnh chân dung, cành cây, vỏ trứng, tác phẩm điêu khắc thủy tinh về sinh vật biển và thậm chí cả chim bồ câu thật.  Sau đó, khán giả sẽ đi qua những tấm màn xám mềm mại để tìm thấy nhân vật chính của triển lãm, một phòng chiếu phim đầy lôi cuốn. Bộ phim nói về cuộc thám hiểm hư cấu của một phi hành đoàn ở nhiều độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau khi họ đi từ Paris đến Venice.

Bản thân kịch bản của Prouvost là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, khi nghệ sĩ “chơi đùa”với ngôn ngữ và dịch thuật khi ngôn ngữ trong phim chuyển nhanh chóng giữa tiếng Anh và tiếng Pháp, với phụ đề tiếng Ý, tiếng Ả Rập và tiếng Hà Lan. Tác giả gửi các nhân vật chính vào các tiếp tuyến dường như, đôi khi, mang tính biểu tượng hoặc vô nghĩa. Các chi tiết nổi bật trong phim như một con cá tươi hôn một bộ ngực trần; một thanh niên nhảy khỏi mái nhà và trở thành một con mòng biển; và một con bạch tuộc màu hồng… Mặc dù đôi khi các chi tiết trong phim đôi khi khó hiểu, bộ phim vẫn mang lại sự hài hước, hiệu ứng thị giác tuyệt đẹp và một thông điệp về sức mạnh biến đổi của nghệ thuật.

 

Pavilion của Ấn Độ:

Triển lãm “Vì tương lai”

Các nghệ sĩ Nandalal Bose, MF Husain, Atul Dodiya, Jitish Kallat, Ashim Purkayastha, Shakuntala Kulkarni, Rummana Hussain, and GR Iranna

Giám tuyển Roobina Karode

Trưng bày tại Arsenale.

Tác phẩm sắp đặt trong triển lãm “Vì tương lai” của GR Iranna, Naavu

Một số tác phẩm trong triển lãm “Vì tương lai”

Đây là lần thứ hai Ấn Độ tham gia Venice Biennale, và năm nay, đất nước này đang vinh danh kỉ niệm 150 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi. Tuy nhiên, thay vì thể hiện sự vinh danh nhà lãnh đạo và nhà hoạt động nổi tiếng này theo nghĩa đen, giám tuyển Roobina Karode – giám đốc và giám tuyển tại Bảo tàng Nghệ thuật Kiran Nadar đã chọn tám nghệ sĩ, những người mà tác phẩm của họ mang ảnh hưởng vượt thời gian của Gandhi. Các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, tranh và video art mang thông điệp về sự phản kháng ôn hòa, sự phản kháng thụ động và tôn trọng môi trường của Gandhi.

 

Pavilion của Thụy Sĩ:

Triển lãm “Đi lùi”

Các nghệ sĩ Pauline Boudry & Renate Lorenz

Giám tuyển Charlotte Laubard

Trưng bày tại Giardini

Triển lãm sắp đặt “Đi lùi” tại Pavilion của Thụy Sĩ

Bộ đôi nghệ sĩ Pauline Boudry & Renate Lorenz đã viết một lá thư táo bạo đồng thời chào đón du khách đến pavilion Thụy Sĩ xem và từ chối chính phủ của họ. Dòng đầu tiên có nội dung: “Chúng tôi không cảm thấy được đại diện bởi chính phủ của mình và không đồng ý với các quyết định được đưa ra dưới tên của chúng tôi”. Họ tiếp tục bày tỏ mối quan tâm lo ngại của họ về việc các quốc gia châu Âu xây dựng các bức tường và từ chối người tị nạn; lời nói căm thù tràn lan; và sự suy giảm trong việc sử dụng ngôn ngữ và đa ngôn ngữ trung lập về giới tính. Hai nghệ sĩ đã đặt tuyên bố cho tình trạng bức xúc hiện nay của thế giới: “Đi lùi”.

Tuyên bố này trở nên sống động trong triển lãm, tập chung khai thác qua múa đương đại và văn hóa ngầm. Trong một video sắp đặt, năm vũ công chuyển động theo vũ đạo vui nhộn và các động tác hip-hop, dần dần trở nên biểu cảm hơn với nhịp điệu của âm nhạc. Một cảnh có các vũ công di chuyển ngược lại, khiến người xem bị bỏ lại tự hỏi đường nào đi về phía trước. Khi xem video, các khán giả chỉ muốn chuyển động theo các vũ công. Và tinh thần đó tiếp tục ở phòng kế bên, một “câu lạc bộ trừu tượng”. Ở đó, các nghệ sĩ trưng bày những tờ báo, thư của các nghệ sĩ, học giả, nhà hoạt động và triết gia đề xuất những suy nghĩ của riêng họ về việc “đi lùi” của nhân loại.

 

Pavlion của Philippines:

Triển lãm: “Thời tiết đảo”

Ngh sĩ Mark Justiniani- Giám tuyn Tessa Maria Guazon

Trưng bày tại Arsenale

Không gian triển lãm sắp đặt “Thời tiết đảo”

Đi vào pavilion của Philippines, tháo giày của bạn và trèo lên các tác phẩm nghệ thuật thật thú vị. Những hòn đảo được tạo gương kính tạo ra hiệu ứng vô cực. Nhìn xuống, và bạn sẽ thấy một vực thẳm vô tận. Nghệ sĩ Mark Justiniani cho người xem ngắm nhìn hàng ngàn hòn đảo tạo nên Philippines, chiêm ngưỡng quần thể đảo này trên mặt đất của căn phòng là ẩn dụ về lịch sử thuộc địa của quốc gia này, từ đây người xem có thể suy ngẫm về môi trường và các vấn đề xã hội.

Giám tuyển Guazon phát biểu: “Chúng tôi gọi đó là Thời tiết Đảo vì thời tiết không chỉ là thời tiết khí quyển, mà còn là ẩn dụ về tình hình thế giới,sự thay đổi chóng mặt và chúng ta dễ bị ảnh hưởng như thế nào”. Bằng cách cho phép người xem trải nghiệm tác phẩm bằng cách đi bộ trên đó, nghệ sĩ muốn tăng sự tương tác với khán giả, đem lại cho họ những cảm xúc và suy ngẫm sâu sắc.

Venice Biennale Nghệ thuật luôn là sự kiện được mong chờ của giới yêu nghệ thuật. Đây là một trong những “bữa tiệc nghệ thuật” lớn nhất, nơi tập trung các nghệ sĩ xuất sắc nhất của từng quốc gia, nơi định hình và phô diễn sự phát triển của nghệ thuật đương đại, nơi các nghệ sĩ với tiếng nói của nghệ thuật phản ánh những hiện trạng, vấn đề toàn cầu, đồng thời gửi gắm giấc mơ, ý tưởng thay đổi của họ,..

Venice Biennale lần thứ 58 với hàng trăm triển lãm lớn nhỏ, các pavilion, những sự kiện triển lãm song hành diễn ra khắp Venice, sẽ tiếp tục là “điểm nóng” của thế giới từ 11.5.2019 tới ngày 24.11.2019.

Một số triển lãm đáng chú ý khác tại Venice Biennale:

Các sự kiện biểu diễn ngoài trời tại Venice Biennale 2019

 

Công trình điêu khắc “Xây những cây cầu” – Lorenzo Quinn-Venice Biennale

Kudzanai-Violet Hwami với tác phẩm “Bạn sẽ biết đến họ” – Pavilion Zimbabwe
Tác phẩm của Jantsankhorol Erdenebayar’s trong Pavilion của Mông Cổ

 

Tác phẩm sắp đặt “không đồng ý” của Renate Bertlmann – Pavilion của Áo

 

Anh Thư (dịch và tổng hợp)

Nguồn: Artsy.net, TheArtsNewspaper,internet

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

Triển lãm 42 : 3 | GÓI – MỞ

Triển lãm 42 : 3 | GÓI – MỞ là triển lãm thường niên lần thứ 3 của CLB 42Painting Studio. Năm nay triển lãm sẽ được tổ chức gần dịp Tết Nguyên Đán, với mong muốn lấy hình ảnh con người...

Gần 1.000 tác phẩm dự thi vẽ tranh về Di sản văn hóa Việt Nam

NDO – Theo thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi vẽ tranh Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ nhất – năm 2023, sau 5 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút gần 1.000 tác phẩm của gần 500...

MỘNG BÍCH – CÂY ĐẠI THỤ CỦA LÀNG TRANH

  Họa sĩ Mộng Bích  (Nguyễn Thị Mộng Bích) sinh năm 1933, quê huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (trung cấp  1956-1960, đại học 1965-1970) . Từ 1960, bà là...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC V – NAM MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN LẦN THỨ 23 NĂM 2018

  Từ ngày 10/08 đến ngày 17/08, tại Bảo tàng Tỉnh Phú Yên đã diễn ra Triển lãm Mỹ thuật khu vực V Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 23 năm 2018. Triển lãm trưng bày 150 tác phẩm của 142 tác...

 Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III (Tây Bắc – Việt Bắc) lần thứ 25 năm 2020

Triển lãm tổ chức tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên không khai mạc do dịch Covid-19. Triển lãm trưng bày 223 tác phẩm của 206 tác giả. Trong đó 108 tác phẩm của 91 tác giả là hội viên Trung...