Các viện bảo tàng và nhà đấu giá tranh treo đầy những tác phẩm giả, theo nhà sử học nghệ thuật Hubertus Butin. Những nhà buôn cẩu thả, người mua giàu có và chuyên gia thiếu năng lực đã kích thích sự bùng phát tranh giả này. Butin thường được các nhà sưu tập, chủ phòng trưng bày tranh và cảnh sát điều tra giao trách nhiệm làm thẩm định viên. Dưới đây là bài phỏng vấn của báo Spiegel.
Spiegel: Thưa ông Butin, tranh giả là điều cấm kỵ lớn trong giới nghệ thuật. Với công bố khá là thiếu tế nhị của ông, ông có tạo ra nhiều kẻ thù chăng?
Butin: Rất có thể. Thực vậy, nhiều người thuộc giới chuyên môn phản ứng trước đề tài này cứ như người ta đã đặt hũ mắm thối ngay trước mặt họ. Nhiều chủ nhà đấu giá tranh và giám đốc viện bảo tàng muốn tốt nhất là hoàn toàn không nghe thấy gì về vấn đề này – dẫu cho họ vẫn bắt buộc phải liên quan tới nó.
Spiegel: Tại sao vậy?
Butin: Mỗi viện bảo tàng tương đối lớn đều có tranh giả trong bộ sưu tập của mình, mỗi nhà đấu giá tranh đều được chào hàng tranh giả, thậm chí hàng ngày. Chưa bao giờ tranh giả được sản xuất nhiều như hiện nay. Điều đó đúng cho nhiều xu hướng nghệ thuật, chẳng hạn đặc biệt nghiêm trọng đối với các họa sĩ Nga Tiền phong.
Spiegel: Ông có nhắc đến nữ họa sĩ Natalia Gontcharova, người mà nhiều thập niên sau khi mất được các viện bảo tàng lớn phát hiện. Bây giờ trên thị trường thấy rất nhiều tranh trước đây chưa hề được biết đến của bà.
Butin: Của bà, nhưng cũng của một số họa sĩ Nga đầu thế kỷ 20 khác nữa, chẳng hạn Alexei Jawlensky. Người ta thích nói rằng đấy là những bức tranh vốn vẫn bị coi là đã mất lâu rồi.
Spiegel: Nhưng không phải vậy?
Butin: Đáng tiếc rằng cơ hội gặp tranh giả lớn hơn cơ may có được bức tranh thật. Ở Paris, một chuyên gia về nghệ thuật Nga Tiền phong từng bảo, các nhóm làm tranh giả thật sự đã lập nên cả một ngành công nghiệp, có thể so sánh với túi Louis-Vuitton giả.
Spiegel: Các nhóm tội phạm này nằm ở đâu?
Butin: Ở Nga, châu Á, Nam Mỹ, nếu không nói là khắp thế giới. Một khi tranh giả đã lưu hành, khó mà lấy lại chúng từ thị trường. Ở Đức, trước hết, vấn đề này cứ trở đi trở lại mãi mãi.
Spiegel: Ông nói sao?
Butin: Đôi khi người sở hữu tranh dạo chơi đến nhà đấu giá tranh gần mình để tìm vận hội, hoặc người thừa kế không hề hiểu biết đã bán tranh đi sau nhiều năm sau. Ở Pháp, những “vật thể” như thế sẽ bị giữ…
Spiegel: … chẳng hạn một tranh “Venus”, vốn được coi là của Lucas Cranach.
Butin: Thường những tranh giả này thậm chí còn bị hủy. Ở Đức, quyền sở hữu là ưu tiên chứ không phải việc bảo vệ trước các hành vi tội phạm trong tương lai.
Spiegel: Nhưng dẫu sao, họa sĩ vẽ tranh giả vẫn được công chúng ngưỡng mộ vì sự hỗn hợp giữa sự trơ trẽn và khả năng hội họa. Đối với ông cũng thế?
Butin: Hoàn toàn không.
Spiegel: Khi một kẻ lường gạt thành công, với một bức chân dung vẽ nhại theo họa sĩ Hà Lan Frans Hals, đầu tiên lừa được chuyên gia ở Viện bảo tàng Louvre rồi sau ở Sotheby, điều ấy chẳng nói lên khả năng nghệ thuật của kẻ ấy hay sao?
Butin: Về trường hợp tìm ra bức tranh giả của Frans Hals năm 2016, tôi phải nói rằng, ở đây có sự tham gia của một bậc thầy. Ngay đối với tôi thì một chất lượng như thế vẫn là một điều gây ngạc nhiên, kẻ vẽ tranh giả không chỉ bắt chước được họa sĩ về bên ngoài, mà còn đi được vào cách biểu hiện cảm xúc của họa sĩ. Nhưng tôi vẫn bực tức vô cùng khi việc làm tranh giả được làm dịu thế nào, kẻ vẽ tranh giả được đề cao tới mức nào. Điều này cũng đã từng xảy ra với tên tội phạm Wolfgang Beltracchi bị kết án theo đúng luật. Hắn được các talkmaster mời đến những show của họ, và kênh văn hóa “3sat” còn dành cả một chương trình nhiều tập mang tên “Kẻ vẽ tranh giả bậc thầy”. Không có một nghệ sĩ chân chính nào nhận được dù chỉ một chương trình 15 tập trên tivi, nhưng kẻ vẽ tranh giả thì chắc chắn. Với tôi thì đấy là một việc ô nhục.
Spiegel: Beltracchi – đầu tiên còn ở tù, rồi sau ở tư cách là người tự do – đã vẽ chân dung cho những người nổi tiếng như Gloria von Thurn và Taxis hay Otto Waalkes theo nét vẽ của những họa sĩ khác. Đấy chẳng phải là một dạng của sự xã hội hóa lại, ngoài ra còn gây cảm hứng?
Butin: Điều đó trái lại là tầm thường, về cơ bản, hắn và những người mẫu của hắn chẳng có gì để nói. Beltracchi cũng không phải là nghệ sĩ lớn, ở tư cách là họa sĩ hắn chẳng thành công, chỉ khi là kẻ vẽ tranh giả hắn mới tiến được trên con đường công danh. Khi ấy hắn có thể sống xa hoa. Chưa bao giờ hắn là Robin Hood, như “danh xưng” mà cho đến ngày hôm nay hắn vẫn được ca ngợi. Và hắn kể những câu chuyện mà mọi người coi là nghiêm túc tới mức đáng ngạc nhiên dẫu cho nhiều chuyện được chứng minh là không đúng. Chẳng hạn các số liệu mà hắn công bố về vấn đề đó, như bao nhiêu họa sĩ mà hắn đã từng bắt chước, khi thì 50, khi thì 100.
Spiegel: Được cho là ở nhiều bảo tàng vẫn còn treo những tranh giả chưa nhận ra được của hắn. Ông có tin vậy chăng? Butin: Cái ấy thì tôi tin. Trước tòa thì hắn chỉ nhận có 14 tranh là giả. Tuy nhiên tòa án bang Berlin đã tìm ra trên một trăm tranh được coi là tranh giả. Nhưng tất cả các trường hợp này nay đã quá hạn. Và thực tế còn nhiều những bức tranh như vậy đang hiện hành. Về nguyên tắc, không ở đâu người ta có thể an toàn trước tranh giả.
Spiegel: Ông đã lập bảng liệt kê các tác phẩm của Gerhard Richter và thường được mời tham gia các cuộc đánh giá của chuyên gia. Từ góc độ thẩm định ông nhận ra điều gì?
Butin: Tôi quan sát rất kỹ việc mua bán các tác phẩm của Gerhard Richter ra sao, ở các nhà treo tranh, nhà đấu giá tranh, và cả trên mạng. Mỗi tuần tôi lại nhìn thấy một tranh giả mới. Thậm chí thường không khó nhận ra chúng. Phần lớn các đối tượng được vẽ xấu ghê người, cái giả đập ngay vào mắt. Thế nhưng, thậm chí những người điều hành trang mạng của Gerhard Richter hiện đang ngồi ở London cũng không phải luôn luôn nhận ra và vẫn đưa chúng lên mạng ở tư cách là bản gốc . Những lỗi như thế, một khi được nhận ra, dĩ nhiên sẽ được đính chính ngay. Nhưng không phải luôn chỉ có các tác phẩm bị làm giả.
Spiegel: Còn gì nữa?
Butin: Một người đàn ông vùng Rheinland đã vẽ nhiều tranh sơn dầu theo nét bút của Richter lên bìa nhưng bị phát hiện ngay. Năm 2009 Richter xác nhận bằng văn bản của cơ quan điều tra rằng, đó là tranh giả. Rõ ràng là kẻ bị tình nghi hay luật sư của hắn đã phải thừa nhận trước viện công tố. Văn bản phải được sao chụp – song bản sao chụp này cũng bị làm giả và lời khai bị đảo ngược. Khi kẻ làm tranh giả đã đưa được các bản giả tiếp theo lên thị trường thì hắn trình tòa tài liệu nói rằng tác phẩm đang nói đến là thật. Điều này trơ tráo đến mức khó tin.
Spiegel: Rõ ràng tồn tại một quy tắc đơn giản: nghệ sĩ càng nổi tiếng trên thị trường công khai, thì anh ấy càng mang tính đại chúng với giới lừa đảo?
Butin: Không, không thể nói thế. Những trường hợp mà ở đó vấn đề xoay quanh những người nổi tiếng hay số tiền lớn đến mức ly kỳ, chỉ là phần ngọn. Phần lớn các tác phẩm được chào bán chỉ xoay quanh giá từ 3000 đến 10000 Euro. Bọn làm tranh giả biết rằng, [với giá đó] các nhà buôn và những người mua không nhìn kỹ và cũng không phát vấn bổ sung. Một số kẻ lừa đảo thậm chí còn đơn giản scan các bức tranh từ sách, rồi in bằng một cái máy in rẻ tiền, làm giả chữ ký và phát tán ở tư cách là bức đồ họa in của tác giả.
Spiegel: Phải chăng việc chính bản thân ngành thương mại có lỗi khi rơi vào những bản copy bẩn như thế ?
Butin: Chẳng có ai muốn chính mình bị lừa, nhưng cũng có đồng trách nhiệm của ngành thương mại nghệ thuật, tôi nhất thiết phải nói thế. Mua bán nghệ thuật là một thị trường nhiều tỷ Euro, áp lực trực tiếp tới tất cả những người tham gia là vô cùng lớn. Chẳng dễ tiếp cận hàng tốt. Thường thì tất cả mọi cái đều phải hoàn thành hết sức nhanh, cả nhà buôn và người đấu giá đều không muốn mạo hiểm để nhà sưu tập chào bán tác phẩm của mình ở nơi khác. Nhưng đôi khi ở tình huống đó, người ta vẫn có thể hoàn toàn không cần nhiều thời gian và nỗ lực để vạch mặt một bức tranh giả.
Spiegel: Xin ông nêu thí dụ.
Butin: Năm 1989 Gerhard Richter đã sáng tác một cấu trúc, một quả cầu thép mà ông đã cho sản xuất ra nhiều bản. Trước đây vài năm, tại một cuộc bán đấu giá ở New York có chào bán một quả cầu thép, được cho rằng từ loạt này. Lẽ ra quả cầu ấy phải được khắc và phải có một trọng lượng và độ lớn nhất định. Nhà sưu tập mua quả cầu đã phải trả giá 35000 USD. Đáng tiếc là tôi chỉ nhận được nó để kiểm tra sau khi người gửi đã mua: thiếu nét khắc và quá nhỏ, ngoài ra còn nhẹ mất 200g mà tôi chỉ cần phát hiện bằng một cái cân làm bếp. Rõ ràng quả cầu ấy được lấy ra từ một nhà kho các quả cầu thép vốn được dùng trong ngành công nghiệp ô-tô hay máy móc, và người ta cũng không cần là sử gia nghệ thuật để xác nhận điều đó.
Spiegel: Người ta thường nghĩ rằng, lẽ ra ở các bảo tàng phải có những chuyên gia giỏi nhất. Nhưng ông lại mô tả rằng, thậm chí giám đốc những cơ quan lớn cũng có thể đóng một vai trò đáng ngờ.
Butin: Trong hồ sơ Viện bảo tàng nghệ thuật thành phố Bonn tôi đã tìm thấy một tờ giấy với bản ghi một cuộc đối thoại vào năm 2000. Một nữ thư ký đã ghi nó, từ đó nhận ra rằng, giám đốc thời đó đã biết về một bức tranh sơn dầu giả ở viện của chính mình. Trên tờ giấy thậm chí còn ghi: “Thông tin phải được bảo mật”.
Spiegel: Giám đốc viện bảo tàng này sau đó đã phản bác một nhận thức như vậy.
Butin: Đúng thế. Nhưng nhận xét này và những số liệu tiếp theo lại làm tôi muốn nói một chuyện khác. Bức tranh sơn dầu ấy thực ra không thuộc về viện bảo tàng mà của một cá nhân cho mượn. Ngay trước khi nhà sưu tập này mua bức tranh thì giám đốc viện bảo tàng ta đang nói đã đề nghị ông ấy cho ông ta mượn tác phẩm đó. Đáng tiếc là tác phẩm trừu tượng ấy không phải là của nghệ sĩ trường phái Bauhaus – Josef Albers, mà là của một kẻ làm giả, song viện bảo tàng đã không thông báo cho người chủ biết. Chỉ đến năm 2010 khi người này muốn bán bức tranh thì ông ấy – dĩ nhiên vô cùng ngạc nhiên – rất bực.
Spiegel: Đấy có phải chính là sự ô nhục: việc buôn bán nghệ thuật đã lạm dụng lòng tin của khách hàng và các giám đốc viện bảo tàng vô hình trung lại tạo lòng tin cho những người bảo trợ của chính mình?
Butin: Ít nhất tôi cũng quan sát thấy một sự dễ dãi là điều không cho phép. Và sự kiêu ngạo nào đó lại chính là ở một số chuyên gia thuộc lề lối cũ. Đấy chính là những người từ lâu nay vẫn cho tiếng nói cuối cùng và tất cả mọi người đều tin vào đấy. Chẳng hạn hãy nghĩ đến Werner Spies, người thật sự là chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật của họa sĩ siêu thực Max Ernst và cũng là người viết bảng liệt kê các tác phẩm của nghệ sĩ đó.
Spiegel: Nhưng dẫu sao ông này cũng đã không nhận ra 7 tranh giả [Max Ernst] do Beltracchi làm ở tư cách đó, trên mặt sau các bức ảnh chụp các bức tranh thậm chí còn ghi chú, ông sẽ tiếp nhận chúng trên bảng liệt kê các tác phẩm của nghệ sĩ này. Và mỗi người đều phải tin rằng các bức tranh đó xứng đáng với cái giá của chúng.
Butin: Ông này đã không kiểm tra xem các bức tranh này thật sự từ đâu ra, nghĩa là ai là người chủ trước đó của chúng, ông ta cũng chẳng coi một sự kiểm nghiệm kỹ thuật về vật liệu là cần thiết. Đấy chính là thái độ: tôi chẳng hề cần đến những cái đó, tôi chỉ cần nhìn qua cũng đủ. Bằng cách đó thì ngày nay người ta không còn triển khai công việc được nữa.
Spiegel: Ông biện hộ cho quan điểm rằng phải thường xuyên hơn kéo các nhà khoa học vào công việc thẩm định?
Butin: Không có kỹ thuật phân tích vật liệu thì không được. Nhưng đôi khi chỉ cần một chiếc kính lúp là đủ để kiểm tra, liệu chẳng hạn vấn đề có thật sự xoay quanh kỹ thuật in đồ họa như đã khẳng định hay không. Hay đó chỉ là một bản in ốp-xét. Thế nhưng cũng có vài sử gia nghệ thuật nổi tiếng không có khả năng nhận ra sự khác biệt giữa tranh khắc kim loại bằng a-xít và khắc khô. Khi đó thì ít ra ông ta cũng đừng ngại đề nghị những chuyên gia mà họ có khả năng đó, trợ giúp.
Spiegel: Năm 2017 có đấu giá một tranh vẽ Thiên Chúa của Leonardo da Vinci với giá 450 triệu USD. Một cái giá kỷ lục, mà ở chừng mực nào đó vẫn chưa rõ bức tranh thật tới mức nào, liệu trước hết nó có phải do các học trò của Leonardo vẽ hay không. Nhưng nhiều siêu đại gia chẳng hề quan tâm đến những câu hỏi như vậy, họ chỉ muốn trưng bày cho mình bằng những chiến tích hết sức đặc biệt. Phải chăng đó là một sự phát triển hay?
Butin: Về cơ bản phải hoan nghênh sự mê hoặc ghê gớm của nghệ thuật tạo hình. Nhưng càng ngày càng có nhiều người mua nghệ thuật mua các tác phẩm không phải từ thích thú thuần túy, họ chẳng hề quan tâm đến chất lượng thẩm mỹ, lẫn ý nghĩa lịch sử của nghệ thuật. Có lẽ những người này chỉ cần tìm sự đầu tư vốn hay uy tín xã hội. Họ cũng sẽ dễ rơi vào tranh giả hơn là những nhà sưu tập tìm hiểu nghiêm túc nghệ thuật.
Spiegel: Vậy là nghệ thuật phụ thuộc vào thành công của họ?
Butin: Cái đó chắc chắn sẽ thách thức bọn tội phạm, bọn chúng sẽ phải xem xét nhu cầu, giá cả. Chúng muốn sử dụng thị trường – và cùng tự thu lợi nhuận cho mình. Chúng ta nên ngừng làm dễ cho chúng ở việc đó.
Spiegel: Ông Butin, xin cám ơn ông về cuộc đối thoại này.
Ngụy Hữu Tâm
(Dịch từ Spiegel, số 11, tháng Ba 2020)