Gerhard Richter sẽ 90 tuổi. Các bảo tàng ở Dresden, Düsseldorf và Berlin kỷ niệm sinh nhật họa sĩ vĩ đại này với những cuộc triển lãm. Chúng tôi chúc mừng sinh nhật với một bài vinh danh nhà nghệ sĩ, nhưng trước hết hãy để chính người có sinh nhật được tỏ lời: Trong một cuộc tọa đàm với người bạn và người đồng hành với ông là Alexander Kluge
“Đôi khi tôi nghĩ, tôi không nên nhận mình là họa sĩ, mà là nhà làm tranh. Tôi thích tranh hơn ngành hội họa” (Gerhard Richter)
Gerhard Richter và nhà văn kiêm đạo diễn Alexander Kluge không chỉ là bạn mà họ còn chung năm sinh 1932 – ngày 9/2 Richter sẽ 90 tuổi, Kluge chỉ vài ngày sau, ngày 14/2. Hai người quen biết nhau ở Engadin, từ mối quen biết này xuất hiện các dự án sách “Tháng chạp” và “Vào những thời điểm bình yên”. Tháng 10/2012, Richter minh họa cho tờ “Die Welt-Thế giới”, thì Kluge đọc bài diễn thuyết. Hai người đã thực hiện một loạt các cuộc tọa đàm, và đây là cuộc tọa đàm cho đến nay chưa được công bố.
Alexander Kluge: Từ khi bạn sống ở phía Tây, lẽ ra bạn luôn luôn làm việc với các bức ảnh ở tư cách là một thể loại sưu tập dự trữ.
Gerhard Richter: Đúng thế, đôi khi tôi nghĩ, tôi không nên nhận mình là họa sĩ, mà là nhà làm tranh. Tôi thích tranh hơn ngành hội họa. Ngành hội họa mang cái gì đó giống như sự nâng lên một cái gì đó rất bụi bặm. Đối với tôi, nghề này là một điều hiển nhiên, người ta phải nắm nó vững đến mức tối đa có thể.
A. Kl: Ở tư cách là nghệ sĩ, một mặt người ta là nhà sưu tập, rồi một nhà kiến tạo và cũng là một démolisseur, một kẻ phá hủy. Và tôi khẳng định rằng thậm chí người ta chưa có lần nào làm chủ được tất cả các tính chất này.
G. Ri: Tất cả các tính chất này phải dẫn tới tranh.
A. Kl: Đó là một sinh thể mà nó tự động tạo ra một dàn hợp xướng bên trong chúng ta.
G. Ri: Một dàn hợp xướng các năng lực.
A. Kl: Năm 1961 bạn sang phía Tây, và 1962 bắt đầu “Atlas” của bạn. Rồi 1966 tôi thấy tranh “Acht Lernschwester-Tám dục tá” (chơi chữ trong tiếng Đức, tạm hiểu như “y tá” về giáo dục-NHT). Nhưng vấn đề ở đó lại xoay quanh những phụ nữ bị giết chết.
G. Ri: Bởi một người Đức.
A. Kl: Một người phụ nữ sống sót và nhận ra tên tội phạm và rồi nó bị bắt. Đấy là một bức ảnh báo chí?
G. Ri: Đúng thế. Ở phía Đông người ta không vẽ theo các bức ảnh, điều đó bị coi thường. Nghệ thuật nhiếp ảnh là cái gì đó thấp kém. Nhưng mỗi người đều biết rằng một bức ảnh hấp dẫn hơn một bức tranh, bởi lẽ nó thông báo nhiều hơn nhiều. Nên sau đó tôi nắm bắt điều đó một cách đầy khiêu khích, tiếp thu bức ảnh để đi đến bức tranh.
A. Kl: Cả người làm theo ảnh cũng có thể tiếp thu khi y lắng nghe, và người nhạc sĩ tiếp thu âm thanh. Rồi sau đó bạn làm ra các bức ảnh. “Tôi nói điều đó một cách nghiêm túc”, nghĩa là thế.
G. Ri: Vâng, các bức ảnh xứng đáng được phóng đại rồi dùng nhiều công để vẽ bằng sơn lên toan, cái đó rất lâu hơn là chỉ một lần bấm máy – cái ấy không hoàn toàn đúng, nhưng về nguyên tắc, về mặt thủ công, đầu tiên là nó kéo dài lâu hơn đã.
A. Kl: Bạn sau đó làm việc rất mãnh liệt. Nếu bạn không hài lòng về cái gì đó, nó sẽ lại bị phá hủy, vẽ đè lên rồi làm khác đi.
G. Ri: Kết quả phải đáng hài lòng về mặt thẩm mỹ. Đầu tiên thì các bức tranh đôi khi chỉ giữ ta được hai tiếng hay một ngày.
A. Kl: Chúng không giữ lâu được trước con mắt của người làm bức tranh.
G. Ri: Không lâu theo thời gian. Ở Goethe thì ông đã nói sao nhỉ: Bài học của ông giống hệt như bánh đã được nướng, ngon và no cho một ngày. Đấy là “Bài học” từ “Thầy Wihelm” (tác phẩm rất nổi tiếng của Goethe)
A. Kl: Ở đây trên một bức ảnh người ta thấy vợ bạn giơ tay nắm lan can; đấy là một hẻm khá dốc, tôi cảm giác thế. Tay quá ngắn trước vấn đề an toàn. Và chính giây phút này được nhiếp ảnh gia giữ lại. Đó là ấn tượng của một giây mà có lẽ nó vốn đã được chuẩn bị từ lâu rồi.
G. Ri: Vâng, những nhiếp ảnh gia giỏi mà tôi không thuộc số họ có linh cảm về thời điểm đúng. Đấy là một thành tích mà tôi hết sức kính trọng.
A. Kl: Thế mà bạn lại chia ra các khu vực của bức ảnh. Bạn chụp 3 luống ruộng và cái cày đứng trước, và tất cả những cái còn lại biến mất.
G. Ri: Tôi không còn nhớ chính xác khi đó tôi muốn gì. Chỉ rất thích thú là nhìn thấy cái cày.
A. Kl: Nghệ thuật nhiếp ảnh chẳng phải là việc sao chép sự thật, mà là việc rút gọn thực tại, một thực tế thứ hai. Cái bị bỏ đi cũng quan trọng hệt như cái được giữ lại.
G. Ri: Máy ảnh không bỏ qua nhiều.
A. Kl: Chỉ có người làm ảnh là kẻ đứng sau máy ảnh.
G. Ri: Vâng, ngay từ sự thoải mái, và từ nguyên nhân kinh tế. Đơn giản là quá phức tạp nếu vẽ tất cả. Đấy sẽ là làm mất thời gian vô ích.
A. Kl: Bây giờ thì đó là lời khẳng định đầy khiêm tốn. Tôi không thể tưởng tượng bạn đã bỏ qua cái gì đó vì lười. Khi người ta thấy một trường hợp, chẳng hạn như bạn với vợ con đang nhìn nhau trong gương, thì người ta cảm nhận được rằng bạn có lý do để chụp cái cảnh đó.
G. Ri: Tôi đang đi tìm và tình cờ bắt được thời điểm thích hợp.
A. Kl: Đấy là bức tranh mà tôi rất thích, trong bộ sưu tập mà bạn vừa mang đến. Ở đây ta thấy (giống như ở trường phái ấn tượng) mờ mờ đằng sau nhà thờ có cuộc rước và đằng trước là người. Đấy là ở đâu?
G. Ri: Đấy là ở nhà thờ lớn thành phố Cologne. Đấy là buổi lễ ban thánh thể cho con gái tôi, tôi nghĩ thế. Và khi đó điều kiện cho ánh sáng là xấu. Bức ảnh hơi bị mờ.
“Mờ là một phương tiện mà bạn thường dùng. Khi người ta nhìn một bức tranh mờ thì thật sự sẽ gây ra một dạng khả năng rồi, nghĩa là cái mà nó vẫn còn tồn tại bên cạnh cái hiện thực”
A. Kl: Nhưng lý thú chính là nó không rõ. Những cái như thế mà rõ thì người ta đã thường thấy cả rồi. Nhưng ở đây sẽ liên tưởng đến cái mà ở âm nhạc gọi là các âm bội. Có các bức tranh khác cùng xướng lên. Và nếu khi đó ở người làm tranh đang ẩn một thầy tu mà y đang cẩn thận sao chép những bài viết về thánh thần. Ở quá trình này sẽ xuất hiện những thay đổi nho nhỏ. Người ta gọi đó là phiên mã – mà nó là thời thượng bởi lẽ nó cho phép đi lên trước, ra sau hay sang bên. Các bức tranh “Atlas” của bạn có thể là những bức sơn dầu. Nhưng bạn không luôn làm một cái từ đó?
G. Ri: Đấy là những bức phác họa, những khả năng. Quá tiếc nếu vứt chúng đi. Vấn đề cũng không xoay quanh nghệ thuật để đem bán, mà những bài này cần phải sưu tập và giữ gìn.
A. Kl: Liệu một bức tranh như “Cuộc nhậu” ở thời kỳ đầu tiên cũng là một bức ảnh như thế?
G. Ri: Đúng thế.
A. Kl: Nếu thấy được những chiếc khóa áo trên da, thì đấy là một ca mổ rất cực đoan.
G. Ri: Thậm chí còn hơi thô thiển.
A. Kl: Tôi không thấy thế.
G. Ri: Có chứ.
A. Kl: Ca mổ gây cảm xúc nơi tôi. Trên thực tế, bạn không thể mở những chiếc khóa áo đó ra. Và đồng thời da là một bộ áo. Và con người mà ở họ là cái gì đó đáng quý, nhưng ở đây bị quy về “Party – Cuộc nhậu”, không ứng xử đáng quý, điều đó gây cảm xúc nơi tôi. Những bức tranh mà bạn vẽ về những người chết năm 1977 ở Stammheim, theo tôi nghĩ, bạn đã công bố các sự kiện muộn hơn đến 13 năm.
G. Ri: Trước hết phải có một quan điểm. Cần thời gian cho đến khi có thể đưa ra ở tư cách là ý kiến.
A. Kl: Ngay sau khi chết thì trông họ hết sức đáng sợ mà.
G. Ri: Nhưng tôi vẽ họ lờ mờ, tự họ được trông nhẹ đi, một cách nhân từ, cứ như được che đi.
A. Kl: Mờ là một phương tiện mà bạn thường dùng. Khi người ta nhìn một bức tranh mờ thì thật sự sẽ gây ra một dạng khả năng rồi, nghĩa là cái mà nó vẫn còn tồn tại bên cạnh hiện thực.
G. Ri: Sẽ tự động có nhiều điều bí mật hơn. Tôi không chủ động làm việc ấy, nó như là một hiệu ứng phụ. Tôi vẽ lại các bức ảnh mà sau đó chúng trông như những bức tranh vẽ tồi. Tôi từng muốn chúng giống những bức ảnh hơn để thêm chất lượng. Thực vậy, một bức ảnh hoàn toàn không có tính vật chất đúng theo nghĩa đó. Chất màu ở đó mỏng đến mức người ta hoàn toàn không thể coi là vật chất được. Chúng phẳng và phi vật chất gần như theo hướng hội họa phẳng, y như ở Caspar David Friedrich, một người cũng vẽ unpastos (day), trong khi niềm vui ở hội họa lại là cái impasto (đắp) và cái dày. Để tránh điều ấy, sau đó tôi đã rửa các bức tranh. Rồi sau đó thì bỗng nhiên trông chúng hệt như một bức ảnh, có cùng bề mặt hoàn hảo, phẳng lỳ như vậy.
“Trong âm nhạc thì chúng ta có một từ cho cái đó khi ai đó hiểu ít hay nhiều về âm nhạc. Khi đó người ta sẽ bảo, ông ta có năng khiếu âm nhạc hay ông ta điếc nặng. Đấy là một tiêu chuẩn cố định. Trong nghệ thuật tạo hình chúng ta không có cái đó”.
A. Kl: Có lẽ người ta không thể nói rằng một bức tranh thành công hơn một bức tranh khác, thế nhưng ở một bức tranh hay giữa các truyền thống của các bức tranh mà chúng ta có trong đầu, có cất giấu một ứng lực. Và nếu ở đó xuất hiện một ứng lực thì John Cage cũng sẽ bảo, đấy là một sắc thái xứng đáng giữ lại.
G. Ri: Tôi hy vọng rằng, có thể là mọi người lại có khả năng thấy tất cả mọi thứ đều hồn nhiên. Chẳng hạn tôi đến nhà một chính trị gia, ở đấy tôi thấy một bức tranh chân dung của Adenauer do Kokoschka vẽ. Một bức tranh khả ố, ở đó Adenauer trông như một thằng ngu về già. Nhưng mọi người lại rất trân trọng trước cái tên này và trước món tiền mà họ lầm tưởng là bức tranh tuyệt vời này phải tương xứng. Tôi phải nói: “Thật sự ghê tởm. Tại sao Ngài lại có thể treo một con quỷ như thế ở đây? Đây không phải là Adenauer, đây là sự đểu giả và hèn hạ”. Mọi người không còn khả năng thấy điều ấy nữa. Bước phát triển này được trợ giúp bởi nỗi sợ bị coi là một kẻ phát-xít. Chúng vốn đã sáng tạo ra nền nghệ thuật “thoái hóa”. Từ đấy có nỗi kinh hoàng để dám nói: “Cái này vô nghĩa, thậm chí ghê tởm khi nhìn”. Chúng ta không được phép nói như vậy, vì đó có thể là nghệ thuật chăng, thậm chí nghệ thuật siêu đẳng. Đấy là một trạng thái đáng sợ khi mọi người trở nên cẩn trọng hơn theo cách này.
A. Kl: Bạn có thể nói vài thí dụ về mức độ mà người ta xử lý hiện thực?
G. Ri: Trong âm nhạc thì chúng ta có một từ cho cái đấy khi ai đó hiểu ít hay nhiều về âm nhạc. Khi đó người ta sẽ bảo, ông ta có năng khiếu âm nhạc hay ông ta điếc nặng. Đấy là một tiêu chuẩn cố định. Trong nghệ thuật tạo hình chúng ta không có cái đó.
A. Kl: Dù sao ở nghĩa nào đó vẫn có, bởi lẽ tôi luôn lại phải kinh ngạc khi thấy rằng có người có thể nhận biết ra nghệ thuật, cái mà họ chưa hề học, thông qua sự nhận biết những khác biệt.
G. Ri: Nhưng bây giờ thì bạn đã cần đến bao nhiêu lời. Đúng là bạn không thể bảo rằng những người này có năng khiếu âm nhạc. Họ “háo tranh”? Ở tư cách là họa sĩ người ta sẽ bảo: Lũ này có thể ngó! Kẻ kia không biết ngó!
Tạp chí Monopol tháng 2/2022
Ngụy Hữu Tâm