TRẦN PHÚC DUYÊN VÀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG

 

Trần Phúc Duyên sinh ngày 16 tháng 02 năm 1923 trong một gia đình khá giả tại Hà Nội. Bố ông là Trần Diễn Giệm và mẹ là Nguyễn Thị Thược. Quê nội của ông ở làng Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Tây, còn quê ngoại ở làng Bạch Mai, Hà Nội.

Gia đình ông có xưởng mộc Phúc Mỹ – số 01 Đặng Dung (ngày nay) – nổi tiếng tại Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Xưởng gia công nhiều sản phẩm mộc đa dạng như bàn ghế, giường tủ theo lối Art Deco và kiểu truyền thống. Sản phẩm đặc biệt nổi tiếng của xưởng mộc Phúc Mỹ là guốc Phi Mã đế cao dành cho phụ nữ hay được quảng cáo trên báo chí những năm 1940 – “Bấy lâu đáy bể mò kim / Kiểu giày phi mã nay tìm đã ra”.

Trần Phúc Duyên sinh ra trong một gia đình có 6 người con và ông là con áp út trong gia đình. Thứ tự các anh chị em trong gia đình như sau: Trần Phúc Chí, Trần Thị Tuệ, Trần Thị Viên, Trần Phúc Tài, Trần Phúc Duyên và Trần Phúc Trường. Sau năm 1954, 3 người định cư tại Pháp, 3 người còn lại tiếp tục ở tại Việt Nam.

TRẦN PHÚC DUYÊN – Phong cảnh mạn ngược. Sơn mài. 50x100cm. Sưu tập tư nhân

 

Ảnh chụp Trần Phúc Duyên và khách thăm triển lãm năm 1989. Triển lãm cuối cùng của họa sĩ

 

Ảnh gia đình Trần Phúc Duyên theo thứ tự từ trên xuống và trái qua phải: Chí và Tài, bố mẹ, Viên, Tuệ, Trường, Duyên

 

Chân dung Trần Phúc Duyên

 

Ảnh chụp một góc trong studio của Trần Phúc Duyên

Trần Phúc Duyên là người yêu thích hội hoạ từ bé, ông quyết tâm theo nghề vẽ mặc dù không hoàn toàn nhận được sự đồng thuận và ủng hộ từ gia đình . Ông thi đỗ vào Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1942 (Khoá 16) cùng với Quang Phòng, Đinh Minh, Cao Xuân Hùng, Lê Phả, Nguyễn Văn Thành, Phan Thông, Võ Lăng, và một người Pháp, một người Hoa. Khoá của ông không có cơ hội hoàn thành hết chương trình học 5 năm vì trường phải đóng cửa năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp.

Trong những năm 1945 – 1954, ông sống và sáng tác tại Hà Nội. Xưởng vẽ của ông đặt tại tư gia ở số 146 Avenue de Grand Buddha – nay là đường Quán Thánh. Theo những ghi chép cá nhân của chính Trần Phúc Duyên, trong khoảng thời gian này, ông đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các gia đình tư sản trong nước, các quan chức Pháp tại Việt Nam cũng như các công ty tư nhân . Năm 1950, 3 tác phẩm sơn mài của ông – trong đó có một bức bình phong 6 tấm vẽ phong cảnh Sài Sơn – Chùa Thầy đã được chọn để gửi sang Vatican làm quà mừng Giáo Hoàng Pius và được lưu giữ tại bảo tàng Vatican.

Trong thời gian sống tại Hà Nội, ông là bạn thân thiết với rất nhiều hoạ sĩ đương thời như Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ, Đinh Minh. Đặc biệt, do có một thời gian làm việc và đi vẽ thực tế nhiều với Nguyễn Tiến Chung nên sau này ta có thể nhận thấy những ảnh hưởng của Nguyễn Tiến Chung trên một số tác phẩm của Trần Phúc Duyên, đặc biệt là các tác phẩm sơn mài với đề tài thiếu nữ.

Năm 1954, ông cùng anh trai Trần Phúc Chí và em trai Trần Phúc Tường di cư sang Pháp. Những năm đầu ở Paris là những năm tháng rất khó khăn với gia đình ông. Ông tiếp tục theo đuổi nghiệp vẽ và dành nhiều thời gian đến học vẽ tại xưởng vẽ của họa sĩ Jean Soverbie (1891 – 1981) tại Trường Mỹ thuật Paris (Ecole des Beaux-Arts Paris). Ở Paris, ông vẫn quyết tâm vẽ tranh sơn mài mặc dù rất khó khăn để có thể tìm được nguyên vật liệu và tạo được điều kiện môi trường hợp lý cho sơn mài. Ông đã tìm tòi, nghiên cứu và tìm ra những cách vẽ sơn mài mới với các vật liệu có tại Châu Âu. Mặc dù vậy, vàng, bạc và vỏ trứng vẫn được ông sử dụng  một cách tối đa để giữ được tinh thần của sơn ta. Ông cũng quay lại vẽ lụa nhưng sau những năm 1960, Trần Phúc Duyên dừng hẳn vẽ lụa và chỉ chuyên tâm vào vẽ sơn mài. Triển lãm năm 1961 tại Nice của ông với 20 bức tranh sơn mài và 20 bức tranh lụa đánh dấu sự trở lại với hội hoạ của ông tại Pháp.

TRẦN PHÚC DUYÊN – Về chợ. Sơn mài. 65×110 mỗi tấm – Tổng 65x220cm). Triển lãm tại Barcelona năm 1964. Sưu tập tư nhân

 

TRẦN PHÚC DUYÊN – Văn Miếu. 1946. In khắc gỗ và màu nước. 30x45cm

 

TRẦN PHÚC DUYÊN – Phong cảnh Trung du. Màu nước trên lụa. 50x45cm. Sưu tập tư nhân

Từ năm 1961 đến 1968, ông có thêm 4 triển lãm cá nhân tại Tây Ban Nha (1964 ) và Thuỵ Sỹ (1965, 1966, 1967). Tại triển lãm năm 1965 tại Genève, ông đã gặp Marie-Christine – con gái của một quý tộc Thuỵ Sỹ sống tại Bern. Say đắm trước các tác phẩm sơn mài đầy huyền diệu của ông, bà đã giới thiệu ông tới nhiều phòng tranh và bảo tàng tại Thuỵ Sỹ. Lúc này Trần Phúc Duyên cũng đang muốn chuyển tới một nơi yên tĩnh và bình lặng để chuyên tâm sáng tác nên đến năm 1968, ông đã quyết định chuyển sang Thuỵ Sỹ.

Từ năm 1968 đến khi qua đời, Trần Phúc Duyên sống tại một căn hộ trên tầng áp mái của một toà nhà nằm ngay cạnh lâu đài Jegenstorf  ở ngoại ô ở Bern. Theo lời kể của những người bạn của ông trong làng, ông là một người tốt bụng, hiền hoà, thông thái, vui tính nhưng trầm tĩnh và ít nói. Ông lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi. Hàng ngày ông ngồi bên giá vẽ từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ, nhiều lúc quên ăn, quên ngủ. Ông cẩn trọng với từng lá vàng, lá bạc với những mảnh vỏ trứng nhỏ ly ti để làm nên những tác phẩm hoàn mỹ, đồ sộ và rung động lòng người.

Ông có 12 triển lãm cá nhân từ năm 1968 đến năm 1993 (thời điểm khi ông mất) bao gồm một triển lãm tại Pháp năm 1970, một triển lãm tại Canada năm 1975 và nhiều triển lãm tại Thuỵ Sỹ năm 1971, 1973 (3 lần), 1976 (2 lần), 1978, 1979, 1983 và 1989. Những năm cuối đời, Trần Phúc Duyên dành nhiều thời gian thiền tập và tranh ông chuyển dần sang sơn mài thuỷ mặc và trừu tượng với một lối vẽ tối giản, vô vi. Các tác phẩm thời kỳ này toát lên tinh thần Phật giáo, với cảm xúc tự tại, an lòng và bình yên. Ông mất vào ngày 09 tháng 09 năm 1993, năm ông tròn 70 tuổi. Ông không lập gia đình và không có con nên vì vậy có thể nói ông  đã dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

***

Các thời kỳ sáng tác của Trần Phúc Duyên có thể chia ra làm ba thời kỳ: 1945 – 1954: Sơn mài đồng nhất; 1954 đến cuối những năm 1970: Sơn mài sáng; và từ cuối những năm 1970 đến năm 1993: Sơn mài thủy mặc. Sống và sáng tác ở nước ngoài trong nhiều năm, nhưng các đề tài yêu thích của ông luôn là các đề tài Việt Nam, đặc biệt là phong cảnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các cô gái tân thời Việt Nam trong những tà áo dài đằm thắm. Vào những năm cuối đời ông đưa bút pháp thủy mặc vào nghệ thuật sơn mài và sáng tác nhiều những bức tranh trừu tượng,

 

1945-1954: Sơn mài đồng nhất

Đây là thời kỳ ông vẽ nhiều tác phẩm sơn mài đồng nhất với gam màu chủ đạo là đỏ (son), vàng, cánh gián và đen. Ông cũng rất mạnh bạo khi sử dụng các màu sắc như xanh lục vào tranh sơn mài. Triển lãm cá nhân đầu tiên và  duy nhất của ông ở Việt Nam được tổ chức tại Nhà Hát Thành Đô (Nhà hát Lớn) Sài Gòn từ ngày 05 – 15 tháng 01 năm 1952 . Tại đây, các tác phẩm của ông đã được công chúng và giới phê bình đón nhận nồng nhiệt.

“Phải đợi bao nhiêu họa sĩ say mê với nghiệp của mình, tìm cách biến hóa chất sơn đi, phải trông chờ họ tạo ra những màu cách mạng như màu xanh lam, bạc xám mới xuất hiện một ít công trình đáng chú ý. Ngày nay thì họ đã dành cho ta thú vui tế nhị thấy bao nhiêu cảm giác và tư tưởng hội họa đọng lên trên tranh sơn mài. Trần Phúc Duyên là một trong số người giúp ta một phần nào xây dựng hạnh phúc ấy. Anh nghe anh xao xuyến truớc cảnh đời phức tạp nhưng cuộc sống bên trong của anh lúc nào cũng tươi mát và hiền hòa. Trực giác nhiệm màu của anh giúp anh vào đấy, thanh thoát diễn ra những thông cảm triền miên” – Trích nội dung trong vựng tập triển lãm 1952

Trong những năm tại Việt Nam, Trần Phúc Duyên vẫn sáng tác trên các chất liệu như in khắc gỗ với bức vẽ Văn Miếu vẽ năm 1946 hay sơn dầu – tiêu biểu là tác phẩm Chân dung phụ nữ ngồi (1951) vẽ bà Nguyễn Thị Bính – phu nhân của ông Hoàng Xuân Hãn  hiện đang treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Thời kỳ này ông có hai kiểu chữ ký. Chữ ký thời kỳ đầu với ba chữ Hán xếp theo chiều dọc bên trên chữ Duyên và kiểu thứ hai với một chữ Duyên. Thường các tác phẩm thời kỳ này sẽ được đề năm sáng tác.

TRẦN PHÚC DUYÊN – Vịnh Hạ Long. Sơn mài. 50x40cm. Sưu tập tư nhân

1954 đến cuối những năm 1970: Sơn mài sáng

Đây là thời kỳ Trần Phúc Duyên sáng tác những tác phẩm sơn mài sáng và tranh lụa tại Pháp và Thuỵ Sỹ. Chủ đề chính là tranh phong cảnh đồng bằng Bắc Bộ lấy cảm hứng từ các làng xóm ở Hà Tây và vùng trung du, các danh lam thắng cảnh ở Miền Bắc Việt Nam cũng như hình ảnh các thiếu nữ mơ mộng thướt tha trong tà áo dài tân thời. Ông vẽ từ những hồi tưởng, ký ức sâu đậm về quê hương Việt Nam nay đã xa cách muôn trùng.

Những bức tranh sơn mài phong cảnh của Trần Phúc Duyên thời kỳ này đều bàng bạc thơ mộng, tông màu chủ đạo chuyển dần sang màu vàng nhẹ như trong bức Phong cảnh mạn ngược. Bức tranh được sáng tác cuối những năm 60 đầu những năm 70 khi Việt Nam đang chìm trong chiến tranh khói lửa, nhưng trong tranh ta thấy một làng quê Trung du thật thanh bình, với những nếp nhà sàn nép trong tán cây cạnh một dòng sông hiền hoà êm ấm. Cảnh vật vừa gần vừa tỏ vì được bao trùm trong một lớp sương sớm hay là một lớp sương của thời gian và không gian.

Trong bức Về chợ, phong cảnh cổ kính của Chùa Mía hiện ra thật trang nghiêm nhưng cũng thật sống động với các hoạt động thường nhật của một làng quê trù phú của Đồng bằng Bắc Bộ. Một buổi chợ vừa tan với các cô, các chị nặng trĩu trên vai nào vịt gà, lúa gạo, các em bé đang nô đùa chạy nhảy trên khoảnh sân trước chùa. Ta cũng cảm nhận được sự thanh bình của Vịnh Hạ Long  nhưng đồng thời với việc đưa màu xám vào tranh, ta cũng cảm nhận được một nỗi hoài cảm nhẹ nhàng tha thiết.

“Nghệ thuật của Trần Phúc Duyên chủ yếu thiên về những bối cảnh đẫm ánh sáng của quê hương ông. Những vùng miền gắn bó với ông đã được thể hiện qua nhiều chi tiết… Bối cảnh được Trần Phúc Duyên tái hiện toát lên một cảm giác thanh thản và yên bình. Mỗi bức tranh của ông vừa tinh tế lại vừa dung dị. Chúng ta thấy lại ở những tác phẩm này toàn bộ di sản nghệ thuật Viễn Đông…” – Trích Thời báo Montreal 03/09/1975

Ngoài các màu cơ bản trong sơn mài, đỏ và đen, vàng, bạc, ông thêm vào tranh ông thời kỳ này cả những sắc xám trầm mặc suy tư như trong bức Vịnh Hạ Long. Ta cảm nhận được một nỗi hoài cảm nhẹ nhàng tha thiết bao trùm trên khung cảnh thanh bình của một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.

Trần Phúc Duyên vẽ tranh lụa không nhiều – chỉ trên dưới ba chục bức . Một số ít là các tranh phong cảnh với lối vẽ lụa truyền thống dùng màu nước trên lụa chưa bồi như bức tranh Phong cảnhTrung du. Giống như những tranh phong cảnh trên lụa khác, Trần Phúc Duyên chọn màu xanh lá cây và xanh lam làm hai màu chủ đạo của bức tranh này. Những khóm tre, hàng cau, bụi chuối hiện ra thật thơ mộng trong một khung hình mở, thật thân quen nhưng cũng thật xa vời. Ông vẽ nhiều tranh về tre và cau có lẽ vì đây là những mô-típ biểu trưng của làng quê Việt Nam nơi giữ trọn tuổi thơ và tuổi xuân của ông.

Những bức tranh lụa với đề tài thiếu nữ lại được Trần Phúc Duyên sáng tác với một phong cách khác. Ông thường dùng lụa bồi sẵn trên giấy để cho mặt lụa được căng sẵn, cho phép ông sử dụng các mảng màu dày hơn, dùng các bút pháp tương tự như khi vẽ sơn dầu. Các cô gái trong tranh ông thường xuất hiện trong các tà áo dài đi cùng với các mô-típ phương Đông như đàn tranh, nón lá, quạt giấy hay các tranh dân gian Việt Nam làm nền. Bức tranh Tình mẫu tử miêu tả một thiếu phụ xinh đẹp bồng con trên tay, đôi mắt nhìn về xa xăm với nhiều nét đượm buồn. Nó gợi cho chúng ta tới nỗi buồn thời cuộc, bảng lảng trong tranh của các hoạ sỹ Việt Nam tại Pháp, mượn người phụ nữ để giúp nói lên nỗi lòng nhớ quê da diết.

 

TRẦN PHÚC DUYÊN – Trăng đêm. Sơn mài. 32x30cm. Sưu tập tư nhân

 

TRẦN PHÚC DUYÊN – Sự im lặng của đêm. Sơn mài. 32x30cm. Sưu tập tư nhân

 

Cuối những năm 1970 đến năm 1993: Sơn mài thủy mặc

Trong gần 20 năm cuối cùng của sự nghiệp sáng tác của mình, Trần Phúc Duyên đưa phong cách thuỷ mặc vào tranh sơn mài và thử nghiệm với những hình trừu tượng. Trong những năm này, ông trở về với đạo Phật và thiền định hàng ngày. Chất thiền thấm vào tranh của ông, tranh thường có nhiểu khoảng trống gợi nên cảm tưởng về một cõi vô thường.

Trong tranh của ông thời kỳ này: “Tất thảy đều được xử lý để làm sao nhường chỗ cho cái tĩnh lặng, sự mơ màng và trầm mặc. Nghệ sĩ đã vượt ra khỏi những gì thể hiện trong tranh, ông cho thấy sự nhất quán sâu sắc của tổng thể các sự vật.” Trích Tuần báo Neuchatel 16/05/1983

Ông cũng quay về với lối chữ ký tối giản với triện là biểu tượng của ba chữ TPD bên trên và bên dưới là chữ DUYEN viết in hoa hoặc đơn giản hơn chỉ là chữ DUYEN viết in hoa. Ông vẽ nhiều tranh khổ nhỏ hơn với các màu đơn sắc – với những nét chấm phá của một họa sĩ đã đạt đến đỉnh điểm.

Trăng là chủ đề xuất hiện thường xuyên trong các tranh thuỷ mặc sơn mài của ông. Trong văn hoá phương Đông, trăng luôn được xem là người bạn thuỷ chung của con người, đặc việt là các văn nghệ sĩ. Trăng mang đến ánh sáng cho con người trong đêm và là người bạn đường của những người lữ hành cô đơn trên các dặm đường vạn lý. Trần Phúc Duyên không có gia đình và sống một mình nơi đất khách. Dường như trăng là người bạn của ông, giúp ông đi qua những đêm dài mộng mị, giúp ông về gặp lại những làng quê quen thuộc, những khóm tre, dòng sông quê hương ẩn hiện, mờ mờ tỏ tỏ dưới ánh trăng khuya.

Trong cả hai bức tranh Sự im lặng của đêm và Trăng đêm – cái mênh mông vô tận của không gian được thu gọn vào tầm mắt, để tâm trí của người xem tranh được chu du đến những miền đất yêu thương – khi là quê hương xa vời, khi là miền hư vô cõi Phật. Ta có thể cảm thấy một nỗi cô đơn trong tranh của ông, nhưng đồng thời lại cảm nhận một sự an lành, tĩnh tại của một con người đã đi gần hết con đường của mình.

***

Trần Phúc Duyên rời Việt Nam năm 1954 và kể từ đó ông chưa bao giờ có dịp quay trở lại quê hương. Các bạn và gia đình ông tại Pháp cho biết, ông ít khi nói về Việt Nam nhưng có lẽ đây là cách ông tự bảo vệ mình khỏi một nỗi đau giằng xé. Toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông có thể được gói gọn trong hai từ Việt Nam với hình ảnh quê hương và con người Việt Nam, lúc thật lúc ảo nhưng luôn luôn hiện hữu. Nỗi nhớ quê hương bản xứ hiển hiện trên tranh của ông lảng bảng như sương khói. Quê hương như một cõi thần tiên, một miền cực lạc, nơi mà ông luôn tìm về để tiếp nhận nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận.

Thời cuộc đã tách cơ thể, thân xác của ông khỏi Việt Nam, nhưng tâm hồn của ông dường như chưa một giờ, một khắc rời xa. Xin thắp một nén hương thơm đầu xuân năm mới để tưởng nhớ đến ông, để làm một nhịp cầu đưa ông về về với quê hương, đất nước, để những người yêu nghệ thuật Việt Nam hiểu và đồng cảm với một tâm hồn cô đơn nhưng thiết tha tình yêu thương, một tài năng hội hoạ của thời kỳ vàng son của nghệ thuật Việt Nam.

Phạm Lê

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

TIN MỸ THUẬT VIỆT NAM THÁNG 9-10 NĂM 2021

  TRIỂN LÃM “DẤU ẤN 2021” CỦA CÂU LẠC BỘ HỌA SĨ CAO TUỔI Từ ngày 13/10/2021 đến ngày 22/10/2021 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội, diễn ra triển lãm “Dấu ấn 2021”...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

Bùi Chát tổ chức triển lãm cá nhân “Vùng lụa”

(PLVN) – “Vùng lụa” là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của Bùi Chát. Bộ sưu tập này được anh sáng tác trong gần 2 năm (từ 2021-2022), trong khoảng thời gian dịch Covid-19 kéo dài. Nhìn lại vài năm...

ẢO ẢNH

 Hồi ức làm sụp đổ thời gian (Walter Benjamin) Ảo ảnh là tên của dự án nghệ thuật mới nhất của Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, cặp nghệ sĩ song sinh gốc Quảng Bình, sống và làm việc ở TP....

THÔNG BÁO VỀ VIỆC TỔ CHỨC CUỘC THI VÀ TRIỂN LÃM TRANH ĐỒ HỌA CÁC NƯỚC ASEAN LẦN THỨ 3 NĂM 2020

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM CỤC MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH VÀ TRIỂN LÃM   Số:  20/TB-MTNATL Độc lập – Tự do – Hạnh phúc   Hà Nội, ngày 13 tháng...