PHÓ GIÁO SƯ, HỌA SĨ VŨ GIÁNG HƯƠNG

 

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Vũ Giáng Hương sinh ngày 23 tháng 1 năm 1930 tại Hà Nội (theo gia đình, bà sinh ngày 23 tháng 1 năm 1929). Quê ở xã Đông Cao, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh.

Họa sĩ Vũ Giáng Hương là con gái của nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương, lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn chương trong “Vũ Gia Trang” với cảnh thiên nhiên tươi đẹp của làng Thái Hà. Bà có nhiều năm sinh sống, hoạt động Mỹ thuật và thành danh tại Hà Nội.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bà theo gia đình vào Thanh Hóa, vùng tự do của Liên khu IV. Vào tuổi thanh niên, bà làm thủ quỹ ở Xưởng giấy Đồng Minh. Do có năng khiếu Mỹ thuật, năm 1950, Vũ Giáng Hương theo học Mỹ thuật tại Phân trường Mỹ thuật Khu 4 với những người thày đầu tiên là họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc và họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Sang đầu năm 1952, Vũ Giáng Hương lên Việt Bắc để thi vào trường Mỹ thuật kháng chiến, nhưng do trường tạm dừng tuyển sinh nên bà theo học lớp Mỹ thuật ngắn hạn của trường lúc đó đóng ở Tuyên Quang với những người thầy là họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn và Nguyễn Tư Nghiêm. Năm 1953, trường tạm dừng việc đào tạo, bà được đưa về công tác tại ngành Văn nghệ Trung ương nhưng bà đã xin đi tham gia công tác giảm tô, cải cách ruộng đất từ tháng 10/1953 đến tháng 7/1954.

VŨ GIÁNG HƯƠNG – Mẹ con. 1968. Khắc gỗ. 22x33cm

 

VŨ GIÁNG HƯƠNG – Tổ thông tin Trường Sơn. 1971. Lụa. 70x56cm

Hòa bình lập lại, Vũ Giáng Hương về Thủ đô và theo học tại trường Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1957, khóa học mang tên họa sĩ Tô Ngọc Vân – khóa học tập hợp nhiều sinh viên đã từng làm công tác Mỹ thuật trong kháng chiến. Ngay trong thời gian học tập, bà đã có tác phẩm “Áo mới” – bột màu; hai bức tranh khắc gỗ đen trắng và khắc gỗ màu “Chùa Thầy”; “Lớp mẫu giáo”; “Đôi chim câu” tham dự Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1955. Sau khi tốt nghiệp khóa học, bà tiếp tục theo học Đại học khóa I (1957 – 1962) của trường và tốt nghiệp cùng với các họa sĩ: Nguyễn Thụ, Phạm Công Thành, Trọng Cát, Ngọc Thọ… Thời gian học Đại học, bà đã có tác phẩm lụa “Hợp tác xã đánh cá về”; “Thuyền về bờ Bắc”… tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1960. Tác phẩm “Hợp tác xã đánh cá về” được tặng Giải Ba và hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ngay từ thời còn là sinh viên, họa sĩ Vũ Giáng Hương đã được nhà trường bố trí giảng dạy hệ Trung học và hệ 7 năm nên sau khi tốt nghiệp, bà đã được giữ lại làm giảng viên của nhà trường.

Ngày 1/11/1966, bà được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Từ năm 1970, bà phụ trách hệ Trung học, năm 1977 được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhưng bà vẫn tiếp tục giảng dạy ở chuyên khoa Lụa. Những phẩm chất tốt đẹp của bà đã mang lại cho học sinh, sinh viên sự hào hứng trong học tập và rèn luyện. Họa sĩ Vũ Giáng Hương đã bỏ nhiều công sức xây dựng nhà trường, đào tạo các thế hệ sinh viên và tiếp tục sáng tác không mệt mỏi. Nhiều sinh viên của bà nay đảm trách những cương vị lãnh đạo nhà trường hoặc tại các trường Mỹ thuật khác, nhiều người đã trở thành những họa sĩ có tên tuổi trong giới Mỹ thuật, được phong các danh hiệu Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, người chồng thương yêu của bà là bác sĩ Lê Cao Đài đã vào chiến trường Tây Nguyên suốt tám năm với tư cách là Giám đốc Viện quân y 211. Sau ngày thống nhất đất nước ông trở về Hà Nội làm nghiên cứu tác hại của chất độc màu da cam. Sau khi qua đời, cuối năm 2010 bác sĩ Lê Cao Đài đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong thời bác sĩ Lê Cao Đài đi chiến trường, họa sĩ Vũ Giáng Hương vừa công tác vừa chăm lo gia đình nhưng vẫn nhiều lần cùng các giảng viên và sinh viên trường đi vào tuyến lửa Vĩnh Linh, Trường Sơn. Những chuyến đi đó đã đem lại cho bà những ấn tượng sâu sắc về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc và nhiều ghi chép bằng thuốc nước, mực nho, bút chì.

VŨ GIÁNG HƯƠNG – Chân dung tự họa. Lụa

 

VŨ GIÁNG HƯƠNG – Đôi chim bồ câu. 1959. Khắc gỗ. 22x30cm

 

VŨ GIÁNG HƯƠNG – Mẹ con. 1990. Lụa. 70x50cm

Đây là những tác phẩm trực họa đẹp, những xúc cảm mãnh liệt từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đặc biệt hình ảnh các nữ chiến sĩ đã đi vào tác phẩm của bà thấm đẫm tình cảm yêu thương, cảm phục. Nhiều tác phẩm sinh động và truyền cảm đã được sáng tác bằng các chất liệu khắc gỗ, lụa, sơn dầu như: “Bến phà đêm”; “Cầu Cấm”; “Cầu Hàm Rồng”; “Làm cầu phao Sông Hồng”; “Dốc Trường Sơn”; “Tổ thông tin Trường Sơn”; “Hành quân qua Trường Sơn”; “Một chặng đường Trường Sơn”; “Ven núi Trường Sơn”; “Bãi Khách”; “Cô gái Trường Sơn”; “Bếp lửa Trường Sơn”; “Trên đường hành quân”… Về những chuyến đi này bà đã ghi lại trong bài viết “Những năm chiến tranh, những chuyến đi về khu IV và đường Trường Sơn” để lại cho chúng ta nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Từ năm 1983 trở về sau, họa sĩ Vũ Giáng Hương đã có nhiều chuyến đi thực tế lên Tây Bắc, Việt Bắc, vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng… những cảm xúc về cuộc sống dựng xây đất nước, gia đình hạnh phúc sau chiến tranh đã cho bà những cảm xúc mới để sáng tác những tác phẩm có đề tài gần gũi với đời thường, của những người dân bình thường mà bà yêu mến. Các tác phẩm tranh lụa của thời kỳ này tiêu biểu như: “Nhà trẻ Tây Bắc”; “Máy xát gạo miền múi”; “Cô gái dân tộc Thái”; “Bếp lửa rừng chiều”; “Mùa gặt”; “Bản Thái mùa xuân”; “Bản Thái mùa Hạ”; “Bản Thái mùa Thu”; “Bản Thái mùa Đông”; “Hoa đào”; “Chiều về bản”…

Năm 1984, họa sĩ Vũ Giáng Hương chuyển công tác về Hội Mỹ thuật Việt Nam. Thời kỳ này, bà vẫn tiếp tục sáng tác tập trung vào các chủ đề gia đình, chất độc da cam, tĩnh vật bằng chất liệu acrylic. Ta có thể kể tới các tác phẩm: “Gia đình”; “Tây nguyên ngày ấy”; “Con đường anh đã đi”; “Cuộc chia ly năm xưa”; “Những người đã mất”; “Bé đi ngựa”; “Giấc mơ của bé”; “Phương Nga”; “Đến trường”; “Vườn ao nhà em”; “Tuổi học trò”; “Em gái”; “Em bé chăn ngỗng”; “Chân dung cháu gái”; “Tốp ca măng non”; “Lớp vẽ của em”; “Mẹ con Hoàng Hoa”; “Vườn nhà tôi”; “Những đứa trẻ lang thang”; “Ký ức chiến tranh”; “Hòa bình cho tuổi thơ”; “Nạn nhân chất độc da cam”…

Có thể nói, họa sĩ Vũ Giáng Hương là một trong những nữ họa sĩ sáng tác liên tục và có nhiều tác phẩm thành công về đề tài chiến tranh cách mạng, hình tượng người phụ nữ trong sản xuất và chiến đấu, về gia đình và trẻ thơ trên nhiều chất liệu khắc gỗ, lụa, acrylic, cùng với những bức tranh ký họa không dừng ở mức độ ghi chép, lấy tài liệu mà nhiều tranh trong số đó đã được bố cục hoàn chỉnh cùng với màu sắc và bút pháp phóng khoáng tràn đầy sức sống và cảm xúc của tác giả. Các tác phẩm của họa sĩ Vũ Giáng Hương đã tham gia nhiều Triển lãm trong nước và quốc tế, nhiều triển lãm nhỏ và cá nhân. Năm 2007, họa sĩ Vũ Giáng Hương đã cho in cuốn sách “Vũ Giáng Hương – Tuyển tập tranh ký họa từ năm 1956 đến năm 2004” và tập tranh sáng tác trên các chất liệu khắc gỗ, lụa, sơn dầu, acrylic…

Họa sĩ Vũ Giáng Hương là người nhiệt tình với công tác xã Hội. Bà tham gia công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bà là họa sĩ liên tục tham gia Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam trong 31 năm từ khóa I đến khóa IV với số phiếu tín nhiệm rất cao. Bắt đầu từ năm 1968, bà được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957 – 1983), tiếp đó được bầu lại vào Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam khóa II (1983 – 1989). Tại Đại hội toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ III, bà được bầu làm Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam khóa III (1989 – 1994) và là Ủy viên Đảng đoàn của Hội. Với thái độ làm việc chăm chỉ, trách nhiệm, quan tâm đến hội viên và các hoạt động Hội, bà rất được hội viên yêu mến và tín nhiệm. Vì vậy, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội, bà tiếp tục được bầu làm Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa IV (1994 – 1999). Ban Bí thư chỉ định bà làm Bí Thư Đảng đoàn của Hội. Các hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam luôn ghi nhận ở bà sự công tâm, nhiệt tình, trung thực, tình cảm biết lắng nghe, biết thông cảm đối với hội viên, sự mềm dẻo và kiên quyết trong công việc đã góp phần vào việc xây dựng Hội Mỹ thuật Việt Nam ngày càng phát triển.

Vào tuổi 70, mặc dù được hội viên tín nhiệm bà vẫn kiên quyết xin thôi công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam, tuy nhiên Trung ương vẫn yêu cầu bà tham gia công tác tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tư cách Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ năm 1995 – 2004 và Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng đoàn Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ tháng 4/2004 đến 2010. Trong cơ quan, mọi người thấy bà gắn bó với anh em không chỉ với tư cách thủ trưởng mà coi bà như người chị cả… là một tấm gương để chúng ta học tập. Những phẩm chất tốt đẹp đó được hun đúc bởi truyền thống gia đình và sự phấn đấu không mệt mỏi của bà trong công tác và trong sáng tạo.

Trong quá trình công tác và sáng tác, họa sĩ Vũ Giáng Hương đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng: Huy chương kháng chiến chống Pháp, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Nhì. Nhiều tác phẩm của bà đã nhận được Giải thưởng Mỹ thuật lớn: Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1960; Giải A Triển lãm Mỹ thuật Thủ Đô năm 1965; Giải thưởng tranh chống Mỹ cứu nước năm 1968 của Bộ Văn hóa – Thông tin; Giải B Triển lãm Nữ tác giả năm 1974; Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1995.

Đây là một trong ba tác phẩm cuối cùng mà họa sĩ Vũ Giáng Hương sáng tác (tháng 7/2011) trước khi mất

 

Đây là một trong ba tác phẩm cuối cùng mà họa sĩ Vũ Giáng Hương sáng tác (tháng 8/ 2011) trước khi mất

Năm 2001, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng họa sĩ Vũ Giáng Hương Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (đợt 1) cho các tác phẩm: Hợp tác xã đánh cá – lụa – 60×80 (1960); Tổ thông tin Trường Sơn – lụa – 55×75 (1994); Hành quân qua Trường Sơn – lụa -60×80; Huế ngày giải phóng – lụa – 70×90; Nhà trẻ ở Tây Bắc – lụa – 70×90 (1980); Phố cũ Hà Nội – Sơn dầu – 70×90, Tuổi học trò – Lụa -70×90; Bếp lửa Trường Sơn – lụa -70×90; Cầu Hàm Rồng – khắc gỗ -40×50 (1970); Mẹ con – khắc gỗ – 36×45.

Hội đồng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đã nhận xét: Họa sĩ Vũ Giáng Hương đã có nhiều năm giữ trách nhiệm trong công tác đào tạo, hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhưng họa sĩ vẫn có nhiệt tình trong lao động nghệ thuật, đã đến nhiều vùng sản xuất và chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những tác phẩm của họa sĩ đã diễn đạt được nhiều hình ảnh dũng cảm trong kháng chiến, về đời sống phụ nữ và trẻ em có chất lượng nghệ thuật, có duyên trong màu, tình cảm đầm ấm trong tranh đã có truyền cảm tốt đẹp với đồng nghiệp và công chúng.

Họa sĩ Vũ Giáng Hương là một nghệ sĩ tạo hình, một nhà giáo, một nhà hoạt động xã hội, tận tuỵ, đảm đang trong cuộc sống gia đình, tình cảm nhẹ nhàng, chân thành trong quan hệ đồng nghiệp; trách nhiệm, thẳng thắn, quyết đoán trong công việc của cơ quan; đam mê, tài hoa trong sáng tạo nghệ thuật.

Ngày 20 tháng 8 năm 2011, khi đoàn của công tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam đang dự Lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ 16 tại Quảng Bình thì nhận được tin Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Vũ Giáng Hương đột ngột qua đời vào hồi 3 giờ sáng. Các đại biểu và các họa sĩ dự lễ khai mạc vô cùng thương tiếc và đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến bà.

Vào tháng 10 năm 2019, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của họa sĩ Vũ Giáng Hương. Gia đình in cuốn sách “Vũ Giáng Hương ký ức thời gian”. Đây là cuốn sách thứ ba giới thiệu các tác phẩm của họa sĩ cùng với những bài viết để tưởng nhớ Phó giáo sư, Nhà giáo ưu tú, họa sĩ Vũ Giáng Hương – một họa sĩ tài năng, một người lãnh đạo xuất sắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam và của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Trần Khánh Chương 

 

 

Tin cùng chuyên mục

HỌA SĨ THÁI HÀ

  Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001 Tên thật là Nguyễn Như Huân. Quê huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông học khóa 18 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chỉ được hơn...

KỶ NIỆM 110 NĂM SINH HỌA SĨ NGUYỄN KHANG (1911 – 2021): HỌA SĨ NGUYỄN KHANG

  Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2001 Tên đầy đủ là Nguyễn Văn Khang. Người Hà Nội.1930-1935, ông học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 6. Ngay từ...

GIÁO SƯ, HỌA SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN TRẦN ĐÌNH THỌ

  Họa sĩ Trần Đình Thọ sinh năm 1919,  quê tỉnh Hưng Yên, sống chủ yếu tại Hà Nội. 1939-1944, ông học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 13. Ngay từ trước Cách mạng...

DƯƠNG HƯỚNG MINH – HIỆN THỰC CUỘC ĐỜI HIỆN THỰC NGHỆ THUẬT

  Năm 1996, họa sĩ Dương Hướng Minh mở triển lãm cá nhân mang tiêu đề: “Cội nguồn, Đất nước, Tình ca” nhân kỷ niệm 60 năm tuổi nghề của ông. Trong 50 tranh trưng bày, phải kể đến...

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Xem một số hình nghiên cứu của Nguyễn Sáng cho bức tranh "Thành đồng Tổ quốc"

    Nghệ thuật hiện đại dường như đã làm biến đổi toàn bộ các khái niệm của hội họa. Ngày nay, thật khó có được những định nghĩa chặt chẽ cho các thể loại mang tính phụ thuộc...

ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA – MỸ THUẬT TẠI CHÙA PHƯỚC TƯỜNG, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

  Chùa là một trong những loại công trình kiến trúc sớm nhất ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng và hình thành từ thuở vùng đất Sài Gòn mới được khai khẩn do nhu cầu...

Hội họa với nghệ thuật diễn xướng cung đình

 TTH – Nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối...

Học hội họa theo lối hàn lâm ở Barcelona và Florence

  Hội họa ngày nay đã phát triển rộng lớn đến mọi tầng lớp người yêu hội họa. Xã hội phát triển đã thúc đẩy một phần không nhỏ từ những năng khiếu tuổi nhi đồng, thiếu niên cho...