NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM VẪN LÀ MỘT DẤU HỎI

“Nghệ thuật Đương đại Việt Nam” (Vietnamese Contemporary Art) đã thực sự là khái niệm hiện hữu trên hệ thống truyền thông quốc gia và quốc tế. Nhưng thực tế ở Việt Nam, nghệ thuật đương đại đã và đang diễn ra như thế nào; nó có tác động gì đến đời sống văn hóa xã hội của người Việt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày nay?
Nghệ thuật và công nghệ
Ở Việt Nam, khi nói đến “Nghệ thuật Đương đại”, không ít người cho đó là trò lố lăng của nghệ thuật phương Tây. Giới học phiệt, kể cả những nghệ sĩ hàn lâm coi nó là phản thẩm mỹ và có ảnh hưởng xấu đến đời sống nghệ thuật nước nhà. Những người cởi mở hơn, chỉ xem nó như là một vài biểu hiện phá cách trong sáng tạo nghệ thuật mà thôi.
Trên thực tế, đã có những dấu hiệu hình thành nghệ thuật đương đại ở Việt Nam vào khoảng những năm 1990, hoặc có thể còn sớm hơn nữa, với một vài tên tuổi các nghệ sĩ như Trương Tân, Lê Quang Đỉnh, Trần Trọng Vũ… Sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại là tất yếu, khi chúng ta thực hiện công cuộc “Đổi mới” cải cách và mở cửa nền kinh tế. Theo nhiều con đường khác nhau, văn hóa cùng với hàng hóa trên khắp thế giới tràn vào Việt Nam, nghệ thuật cũng vậy, đơn giản như việc chúng ta nhập khẩu một chiếc xe máy, một cái TV, hay cái tủ lạnh… Đặc biệt máy vi tính và công nghệ thông tin, hiệu ứng của nó đã tác động đến hầu hết đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị cho đến khoa học, giáo dục và văn hóa, nghệ thuật cũng không ngoại lệ.
Theo “Báo cáo Digital Marketing Việt Nam” (2010): “Có tới 64 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam”. Đó là con số không hề thua kém những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới. Như những phản ứng dây chuyền, người dân và các nghệ sĩ ngày nay đã trở thành những tín đồ của Internet, phần lớn thời gian của họ sống trong “thế giới ảo” của màn hình máy tính và điện thoại smartphone. Do vậy, hầu hết thông tin được họ tiếp nhận qua mạng Internet toàn cầu. Hệ quả tất yếu là: Các nghệ sĩ không chỉ tiếp cận đối tượng thẩm mỹ thông qua kênh thị giác trực tiếp nữa; tư duy thẩm mỹ cũng không quá lệ thuộc vào phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật, chân dung… hay đường nét, màu sắc, hình khối… cũng như tuyến tính về không gian và thời gian… Đồng thời, công chúng thưởng ngoạn cũng nhận thấy giá trị thẩm mỹ của “cây đa, bến nước sân đình…” dường như đã trôi vào dĩ vãng, để thay thế bằng lối tư duy được hình thành bởi tác động của mạng Internet. Thực tế đó, yêu cầu chúng ta phải có cách tiếp cận mới đối với đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung và Nghệ thuật Đương đại nói riêng.
Cái đẹp và sự vĩnh cửu
Thời đại nào cũng có giá trị riêng của nó. Kim tự tháp Ai Cập, một trong bảy kỳ quan cổ đại của thế giới, giờ đã trở thành khái niệm thẩm mỹ phổ thông. Nàng “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci đã từng là tác phẩm độc đáo bậc nhất thời kỳ Phục hưng cũng không còn quá xa lạ với người xem hôm nay nữa. Những bông “Hoa hướng dương” của Van Gogh cho dù “ấn tượng” như thế nào, giờ đây chẳng thể gây ngạc nhiên cho bất kỳ ai… Đó là chuyện đang diễn ra trên thế giới. Trở lại Việt Nam, cũng tương tự, những kiệt tác của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… nay chỉ nhận được sự thờ ơ, lạnh nhạt của công chúng thời đại Internet, cho dù chúng ta vẫn thừa nhận sức hấp dẫn và những giá trị thẩm mỹ trường tồn của nó.
TRƯƠNG TÂN – Váy cưới. 1995
Quy luật vận động của nghệ thuật là không ngừng sáng tạo ra cái mới và phủ định nó. Thật đáng buồn cho một nền nghệ thuật, khi một cái mới của ngày hôm qua cứ mãi mãi tồn tại với thời gian mà chẳng có cái mới nào thay thế. Đó phải chăng là một nền nghệ thuật đã chết.
Thường thì, người ta vẫn luôn đồng nghĩa cái mới, sự độc đáo với cái đẹp, sự vĩnh cửu. Nhưng thực tế, thời gian đã, đang và sẽ luôn tạo ra những giá trị thẩm mỹ mới phủ lên những giá trị thẩm mỹ cũ. Nếu cứ cho rằng giá trị thẩm mỹ mãi mãi là vĩnh cửu thì quả thật là bất bình thường. Bởi vậy, những tác phẩm nghệ thuật của ngày hôm nay có thể là những tác phẩm hoàn toàn“mới” và rất khác biệt, mà đã là “mới” có nghĩa không bắt buộc phải lệ thuộc vào những thang đo chân, thiện, mỹ như “cũ” nữa. Tuy nhiên, có những nguyên tắc chúng ta không thể bỏ qua: Đó là nhân bản, bản địa và khai sáng.
Nghệ thuật Đương đại luôn đề cao những cách tân về hình thức chuyển tải, phát huy sự đa dạng trong cấu trúc không gian, mở rộng phạm vi và đối tượng tham gia sáng tạo, tôn trọng tính cực đoan của nghệ sĩ… Do vậy, hình thức hết sức tự do, nội hàm tác phẩm rất đa nghĩa và đa chiều… Mặt trái của nó là: nhiều tác phẩm đã gây sự khó hiểu đối với cộng đồng người xem. Như một hệ quả tất yếu, bất kỳ một tác phẩm nào trông có vẻ “khó hiểu” thường được gắn cho cái mác “đương đại”. Ngược lại, những gì dễ hiểu thì xem như đã cổ và lỗi thời… Điều này phần nào có lý nhưng không hoàn toàn là chính xác. Một thực tế mà thời nào cũng có, những kẻ giả nghệ sĩ và ngụy nghệ thuật.
Sáng tạo và mâu thuẫn
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần phải xác định lại vị trí của Nghệ thuật Đương đại trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Bằng không, chúng ta sẽ “mãi mãi vẫn là người đến sau…” Việc này, đòi hỏi nghệ sĩ và công chúng phải không ngừng nâng cao trình độ thẩm mỹ, phải tự do, chủ động trong quá trình sáng tạo và tiếp cận tác phẩm, phải tạo nên môi trường nghệ thuật cho cá nhân và cho cộng đồng.
Những tác phẩm mang giá trị của thời đại vốn giàu chất trí tuệ. Điều đó đồng nghĩa với việc công chúng phổ thông khó có thể tiếp cận. Không riêng gì ở nước ta, mà cả ở các trung tâm nghệ thuật lớn trên toàn cầu, nghệ thuật đương đại cũng được xem như là nghệ thuật của nhóm có đặc quyền về tri thức. Nhưng thị hiếu thẩm mỹ của đại bộ phận dân chúng Việt Nam hiện đang còn rất thấp, chưa thể tạo ra sự thấu hiểu và đối thoại giữa nghệ sĩ sáng tác và công chúng thưởng ngoạn để có thể thúc đẩy phát triển sáng tạo nghệ thuật và đặc biệt là nghệ thuật đương đại.
Nghệ sĩ, ai mà không muốn tác phẩm của mình được định vị. Trong khi đó, nghệ thuật lại luôn gắn với sự đổi mới và cách tân. Do vậy, đổi mới, cách tân và tính phủ định tự thân đã là một tiêu chí của nghệ thuật đương đại. Ở đây, rõ ràng đã sẵn có những yếu tố tự mâu thuẫn trong bản thân người nghệ sĩ rồi. Biết rằng thực tế còn nhiều mâu thuẫn, nhưng cái mới, cái đương đại luôn là mục tiêu hướng đến của mỗi một nghệ sĩ. Có lẽ mỗi người nghệ sĩ nên tự ý thức, việc sáng tạo không phải là hành vi quay lưng lại với quá khứ mà đơn giản chỉ là thay đổi cách tiếp cận, để đưa ra một sự nhận thức mới, hội nhập vào dòng chảy của nghệ thuật toàn cầu.
NGUYỄN MINH QUANG – Bìa sách dự án nghệ thuật “SEA”. 2000
Việt Nam và Nghệ thuật Đương đại
Việt Nam đang hội nhập thế giới cả về kinh tế và văn hóa, nhưng chúng ta đã thực sự có nghệ thuật đương đại chưa? Loại hình nghệ thuật này có thể phát triển được ở Việt Nam hay không? Thực tế cho thấy, từ khóa: “Nghệ thuật đương đại Việt Nam” được tra cứu trên Google vào lúc 12h00 ngày 16/10/2019 khi chúng tôi đang viết bài này cho khoảng 28.100.000 kết quả trên 0,64 giây. Điều đó cho thấy, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang có những dấu hiệu tốt đẹp về triển vọng định hình và phát triển.
Chúng ta đã có nhiều minh chứng cho sự hình thành và phát triển nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Một trong những sự kiện quan trọng nhất là dự án nghệ thuật “SEA” (hoạt động thực hành của sinh viên mỹ thuật về các thuật ngữ mỹ thuật quốc tế). Dự án được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức và Chương trình nghệ thuật của Ngân hàng Thế giới, phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội tổ chức năm 2000. Dự án được điều hành bởi nghệ sĩ Veronika Radulovic, bao gồm các hoạt động trình chiếu, diễn thuyết và thực hành thử nghiệm các loại hình nghệ thuật đương đại, song hành với Chương trình đào tạo hàn lâm chính quy của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Thông qua rất nhiều các hoạt động kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, dự án đã tạo nên những tiền đề căn bản để các sinh viên mỹ thuật có thể tiếp cận được với những tinh thần khai phóng của các nghệ sĩ thế giới, cũng như thấu hiểu cơ sở lý thuyết của nghệ thuật đương đại toàn cầu. Kết quả cho thấy, dự án “SEA” đã có hưởng sâu, rộng đến những sinh viên mỹ thuật lúc đó và giờ đây họ đã trở thành những nghệ sĩ được xem là sung sức nhất của nghệ thuật Việt Nam hiện nay.
Cùng với những hoạt động trong các trường mỹ thuật, những hoạt động ủng hộ phát triển nghệ thuật đương đại cũng được các trung tâm như: Nhà sàn Collective, Sàn Art, Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace)… hỗ trợ tích cực. Các loại hình nghệ thuật đương đại từ Nghệ thuật Ý niệm (Conceptual Art), Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Art), Nghệ thuật Đại chúng (Pop Art), Nghệ thuật Đa phương tiện (Multimedia Art)… đã được các nghệ sĩ hào hứng thực nghiệm. Thực tế, đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật giàu tính đương đại ra đời và một thế hệ nghệ sĩ mang tinh thần tiên phong đang được hình thành.
Một câu hỏi cần được đặt ra: Những tác phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam được sáng tạo bởi nhu cầu tự thân của các nghệ sĩ Việt Nam hay chỉ là những sản phẩm ngoại nhập? Đương nhiên là cả hai. Nước ta vốn là nước nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua các cuộc chiến tranh liên miên và thời kỳ bao cấp kéo dài. Đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, nhu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật còn nhiều hạn chế. Bước vào thời kỳ hội nhập, việc nghệ thuật Việt Nam tiếp biến với nghệ thuật toàn cầu không có gì là đáng xấu hổ.
Mặt khác, do bản chất cố hữu của nghệ thuật là luôn gắn với các yếu tố văn hóa bản địa, nên việc du nhập là có giới hạn. Và cho dù mang tinh thần đương đại, thì trước tiên những nghệ sĩ vẫn phải là người Việt, sáng tạo ra những tác phẩm mang tâm hồn Việt, dành cho người Việt thưởng ngoạn. Khác với chiếc xe máy, cái TV, hay là tủ lạnh… nếu chúng ta muốn có một câu thơ “hay”, một tiểu thuyết “sâu sắc”, một tác phẩm nghệ thuật “đẹp” thì khó có thể nhập khẩu hoàn toàn được. Tính “dân tộc”, tính “bản địa” của văn hóa nghệ thuật vốn dĩ vẫn là như vậy.
NGUYỄN HÙNG SƠN – Tin. 2018. Sơn dầu
Nghệ thuật Đương đại Việt Nam hội đủ các hình thức phương tiện từ cổ điển cho đến hiện đại rồi đương đại. Đó cũng là một tập hợp của rất nhiều thành phần, từ nghệ sĩ được đào tạo hàn lâm cho đến nghệ sĩ tự học và cả những người làm nghệ thuật tự phát… Chính những thành phần đó đã góp phần tạo nên diện mạo nghệ thuật đương đại mang sắc thái Việt Nam. Tuy nhiên, sắc thái đó chỉ được định vị khi nó mang lại giá trị văn hóa của thời đại; làm điểm khởi đầu cho những xu hướng nghệ thuật mới.
Nghệ sĩ và thời đại
Việt Nam đang áp dụng kinh tế thị trường, đời sống xã hội chuyển hóa rất nhanh và phát sinh nhiều vấn đề mới. Thực tiễn đặt ra cho chúng ta quá nhiều cơ hội và thách thức. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần có một tầm nhìn chiến lược, kế hoạch khoa học và lộ trình cụ thể để xây dựng hình ảnh Việt Nam hội nhập. Thế nhưng, người Việt phải đối diện với quá nhiều vấn đề trước mắt, còn xem nhẹ việc phát triển văn hóa nghệ thuật. Vô hình trung, chúng ta đang dường như để lỡ cơ hội có thể ghi lại đời sống xã hội Việt Nam đang hội nhập thế giới thông qua Nghệ thuật Đương đại.
Thời cuộc đã thực sự thay đổi, ngày nay các nghệ sĩ buộc phải sáng tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng hành với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ. Vậy, vai trò của những người nghệ sĩ, cụ thể là những người vẽ tranh, làm tượng… phải chăng đã hoàn toàn thay đổi? Theo chúng tôi, không hẳn là như vậy. Nhưng thời nay, ngoài kỹ năng chuyên môn, người nghệ sĩ phải trở thành một nhà văn hóa học, một nhà xã hội học, phải có năng lực sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, thường xuyên cập nhật thông tin mới trên Internet. Bên cạnh đó, họ cũng cần phải có khả năng giao tiếp với đối tác, đồng nghiệp trong và ngoài nước; biết cách tổ chức, vận hành các dự án nghệ thuật của cá nhân và cộng đồng…Tóm lại, người nghệ sĩ của thời đại công nghệ phải chuyên nghiệp và đa năng hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, yêu cầu của thời đại đối với mỗi một nghệ sĩ là phải sáng tạo ra những tác phẩm thực sự khác biệt so với các thế hệ đi trước. Điều đó mặc nhiên là thiên chức của nghệ sĩ: “sáng tạo ra cái mới/cái đương đại”. Đó được xem như là một mệnh đề đang đặt ra cho những nghệ sĩ của ngày hôm nay.
Dù muốn, dù không, thời đại vẫn đang được ghi lại bởi thời gian và nghệ thuật phải thực hiện chức năng “đương đại” của nó. Để biết, hiểu, và yêu thích “nghệ thuật đương đại”, yêu cầu công chúng thưởng ngoạn phải có tư duy độc lập và đòi hỏi tính dân chủ trong đời sống sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Thiếu đi những yếu tố đó, cho dù tác phẩm nghệ thuật có mang tinh thần “đương đại” cũng chỉ là chuyện vô nghĩa.
Nguyễn Minh Quang 

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Có thể bạn quan tâm

Gốm cổ Việt Nam chất tạo hình vẻ đẹp truyền thống – hiện đại

Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển của ngành khảo cổ và văn hóa, công chúng yêu nghệ thuật đã có dịp làm quen với nhiều loại hình gốm cổ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta có dịp...

Đá nhân tạo Biên Hòa

  Năm 1933, ông Robert Balick, hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa thành lập một tổ chức gọi là La Société coopérative artisanale des potiers et fondeurs de Bienhoa (Hợp tác xã Mỹ nghệ thủ công của...

Bộ sưu tập – Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 9-10 năm 2019

  Tư tưởng và nghệ thuật của Trần Duy diễn biến qua một mối tưởng phản: một bên là con người xuất thân từ tầng lớp quan lại phong kiến “con vua cháu chúa” ở Huế, một bên là con...

Phiên đấu "20 Century Contemporary Art 2019" tại Hongkong: Thời của tranh lụa với những bức tranh quý hiếm

     TÔ NGỌC VÂN (1906- 1954) Người vỡ mộng Lụa. 92,5 x 57cm Giá ước đấu: 256,072 – 384,108 USD Giá bán: 1.162. 525 USD Thoạt tiên, bức tranh này của Tô Ngọc Vân đã được đấu giá vào ngày...

Mỹ thuật đương đại – dòng chảy vẫn còn nhiều khúc vướng mắc và gián đoạn với người tiếp cận

Mỹ thuật đương đại hay nói rộng hơn là nghệ thuật đương đại ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với đa số các nước ở phương Tây. Tuy nhiên, với xu thế toàn cầu, hội nhập và phát triển như...