Một thời làm tranh sơn mài ở Sài Gòn

 

Nghệ thuật vẽ tranh sơn mài được tìm tòi và phát triển nhờ các giáo sư và sinh viên của trường Mỹ thuật Đông Dương, đã sớm có thành tựu với nhiều tác phẩm được yêu thích từ thời Pháp thuộc. Sau khi hai miền chia cắt năm 1954, sơn mài ở từng miền có hướng đi khác nhau. Ở miền Nam, số họa sĩ theo đuổi nghệ thuật sơn mài không nhiều, nổi tiếng nhất vẫn là họa sĩ tài danh Nguyễn Gia Trí. Tiếp đó là các họa sĩ Ủ Văn An, Nguyễn Văn Rô, Lê Thy, Trương Văn Thanh, Nguyễn Thành Lễ, Trần Hà… Năm 1942, họa sĩ Ủ Văn An (cựu sinh viên Mỹ thuật Đông Dương) có tổ chức một triển lãm cá nhân tại khách sạn Continental với nhiều phác thảo cho sơn mài, là phong cảnh ông ghi chép trên đường từ Việt Nam đến Campuchia. Nhưng cuộc triển lãm lớn về tranh sơn mài ở miền Nam chính là của các giáo sư trường Mỹ nghệ Gia Định là Lưu Đình Khải, Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Anh (đều là cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương), tổ chức tại sảnh phía trước Nhà hát thành phố năm 1952. Những khó khăn khi vẽ tranh với chất liệu sơn ta như tốn nhiều công, dễ bị dị ứng nhựa sơn khiến nhiều họa sĩ không thích đi vào con đường sáng tác bằng chất liệu này, hoặc không theo đuổi đến cùng. Phần lớn các họa sĩ dùng chất liệu sơn dầu khi vẽ tranh, hoặc phấn tiên, hoặc vẽ lụa…

NGUYỄN VĂN TRUNG – Vườn xuân. 1997. Sơn mài

Trong hoàn cảnh đó, ngành mỹ nghệ ở miền Nam trước và sau 1954 tìm thấy ở nghệ thuật sơn mài cơ hội làm ra những tác phẩm tráng lệ, sang trọng như trước kia từng làm mê mẩn giới sưu tập nghệ thuật thời Pháp thuộc, nên họ đã tiếp tục lưu giữ và phát triển nó. Chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật ngày càng cao trong tác phẩm của các công ty mỹ nghệ lớn như Thành Lễ, Trần Hà ở Bình Dương và công ty Mê Linh ở Sài Gòn.

Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, giới sơn mài miền Nam nhanh chóng thích nghi sử dụng sơn Nam Vang thay cho sơn Phú Thọ. Họ nhận ra rằng sơn Nam Vang dùng dễ hơn sơn Phú Thọ, dễ khô, màu đậm tuy không trong bằng, tông màu tối hơn, đậm đà. Tuy nhiên, đến thập niên 70, do biên giới Việt – Miên bị phong tỏa nên sơn Nam Vang không về được, giá bị đẩy cao lên.

Khoảng năm 1960, giới kỹ thuật ở Sài Gòn đã sáng chế ra một loại sơn nhằm thay thế nguyên liệu sơn ta giá cao, để làm tranh sơn mài. Đó là sơn nhân tạo của kỹ thuật gia Phạm Văn Thành. Loại sơn này được báo chí lúc đó cho là “tân kỳ và mỹ diệu, có đủ màu như sơn dầu, dễ dùng, không đắt và rất bền”. Sơn này được giới thiệu là hợp chất của vài nguyên liệu nhập từ nước ngoài, pha trộn với vài thứ nhựa cây trong nước, có cả nhựa cây sơn (không nói là nhựa cây sơn lấy từ đâu), giữ được nguyên thể của nhựa cây sơn nhưng mau khô hơn, chỉ 14 hay 15 tiếng là mài được, có thể dùng cọ hay thổi như sơn ta.

Lớp sơn mài ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Tư liệu PCL

 

Giới thiệu cách làm sơn nhân tạo để làm sơn mài ở Sài Gòn đầu thập niên 1960. Tư liệu PCL

 

Giới thiệu cách làm sơn nhân tạo để làm sơn mài ở Sài Gòn đầu thập niên 1960. Tư liệu PCL

Sơn này bóng láng như sơn mài, có thể cẩn trai ốc, khảm vỏ trứng, vẽ vàng bạc được, không cần ủ mài, sơn lên đồ gỗ đồ sành đều được. Đã vậy khi khô sơn có thể “chết” như sơn ta, nghĩa là khi lớp này khô, lớp khác chồng lên thì khi mài đi, hai màu không bị lẫn lộn qua nhau. Với nhiều ưu điểm như vậy, kỹ thuật gia này và một số người rất tin tưởng vào tương lai ứng dụng sơn trong ngành mỹ nghệ miền Nam. Đã có một cuộc triển lãm tranh và đồ mỹ nghệ thực hiện bằng sơn nhân tạo này tại Phòng Triển lãm Đô thành tại Sài Gòn vào tháng 1 năm 1961, và họa sĩ Nguyễn Cường đã dùng sơn này sáng tác các họa phẩm trưng bày tại Câu lạc bộ báo chí Sài Gòn tháng 1 năm 1962. Tuy nhiên, sau những hoạt động đó, không thấy ai nhắc đến phát kiến này nữa.

Bên cạnh đó, có những cố gắng để trồng cho được cây sơn giống Phú Thọ ở miền Nam để lấy nhựa làm tranh. Đến thời kỳ đầu chế độ Ngô Đình Diệm, chính quyền cho người qua Phi châu lấy giống cây sơn tương tự sơn Phú Thọ về trồng ở cao nguyên Di Linh trên một, hai mẫu đất. Biết tin, giới làm nghề sơn bên Nhật cử một người tên là Watanabe có vợ Việt Nam ở đây để hỗ trợ, mong muốn có thể tiếp nhận nguyên liệu này nếu việc trồng trọt tiến triển tốt. Họ đã từng mua nhựa cây sơn Phú Thọ từ trước chiến tranh thế giới thứ II, lại không thích dùng sơn Nam Vang nên rất mong muốn việc trồng cây này thành công. Ông Watanabe mang danh nghĩa giúp cho Sở Canh nông, thường đến Công ty Mê Linh chơi để ngắm sản phẩm sơn mài. Tuy nhiên không ít lâu sau, ông Diệm bị đảo chánh và không ai rõ số phận những cây sơn ấy ra sao. Đang tìm cách hoàn thiện kỹ thuật thì đến 1975, giới họa sĩ tạm ngưng các nghiên cứu về sơn mài.

***

Họa sĩ vẽ tranh sơn mài giai đoạn cuối thập niên 1950 cho đến 1975, nay hầu như không còn mấy người. May thay, trong số đó, chúng tôi gặp được họa sĩ Nguyễn Văn Trung, họa sĩ theo đuổi sơn mài khá bền bỉ từ sau 1954 cho đến sau này. Năm nay 80 tuổi, ông vẫn còn vẽ và làm tranh sơn mài như từ hơn nửa thế kỷ nay, thường xuyên đi về giữa Việt Nam và nước Mỹ, nơi ông định cư nhiều năm trước.

Họa sĩ Nguyễn Văn Trung đậu vào trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định năm 1951 khi mới 14 tuổi. Cuối năm thứ nhất 1952, mới 15 tuổi, ông đã tham gia làm tranh sơn mài khi phụ các thầy chuẩn bị cuộc triển lãm tại Nhà hát Lớn, các thầy bảo gì làm nấy từ vẽ vời, mài tranh…

Bức tranh lớn “Lao động Việt Nam” cao 3 mét, dài 7 mét được thực hiện để đưa sang Thụy Sĩ. Tranh trong cuốn “Nghệ thuật Việt Nam hiện đại” của Nguyễn Văn Phương in năm 1962 tại Sài Gòn. Tư liệu: Hoàng Việt.

 

NGUYỄN VĂN TRUNG – Chợ quê. 1997. Sơn mài

Đến cuối năm thứ tư ở trường Mỹ nghệ, ông vừa học vừa thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật mới vừa thành lập tuyển sinh khóa đầu tiên. Tuy vậy, cuối cùng ông phải bỏ học trường Cao đẳng Mỹ thuật dù đậu vào đứng hạng 3. Lý do là trường này nhập học trùng thời gian với kỳ thi tốt nghiệp trường Mỹ nghệ Gia Định diễn ra tháng 7 năm 1954. Ông muốn lấy cho xong bằng tốt nghiệp trường Mỹ nghệ nên làm đơn gửi Giáo sư Lê Văn Đệ, xin nghỉ học một tháng tại Cao đẳng Mỹ thuật để hoàn tất cuộc thi tốt nghiệp. Nhưng ông bị từ chối. Sau khi cân nhắc, Nguyễn Văn Trung quyết định bỏ học để lấy cho xong bằng tốt nghiệp trường Mỹ nghệ. Sau đó, ông quay lại Cao đẳng Mỹ thuật nhưng không được tiếp tục học chính khóa mà phải dự thính.

Đến năm thứ hai, Nguyễn Văn Trung thi lại khóa tuyển sinh đầu vào. Đến khi thi viết môn văn hóa, ông bỏ thi vì bất mãn khi thấy có chuyện gian lận lại được bỏ qua. Ông không thể quay lại trường để học nhưng được thầy Lê Văn Đệ nhờ đến giúp việc ở trường. Ông vẽ logo “Tiết thực tâm hư” dùng trong phủ Tổng thống, có hình ảnh cây bút, cây gươm, cây trúc… in trên bộ đồ chén dĩa muỗng đĩa trong phủ. Hoặc vẽ tranh lớn bằng sơn dầu chân dung Ngô Tổng thống treo ở Tòa Đô chánh và mặt tiền chợ Bà Chiểu.

Đến năm 1956, Nguyễn Văn Trung thi vào trường lần nữa, đậu đầu. Chương trình học như mọi năm, riêng môn sơn mài yêu thích, ông được học với Giáo sư Nguyễn Văn Rô. Suốt năm, việc học của ông xen kẽ với những công việc được giao từ thầy Đệ khá thường xuyên. Về sơn mài, trước kia dù đã phụ làm tranh sơn mài giúp các thầy khi còn học ở trường Mỹ nghệ, ông hầu như chưa nắm vững. Lên Cao đẳng Mỹ thuật, học sơn mài với thầy Nguyễn Văn Rô, ông vỡ ra nhiều điều. Thầy Nguyễn Văn Rô tuy là người tự học, không qua trường lớp nhưng giỏi kỹ thuật, nhiều kinh nghiệm thực tế. Lúc đó, trường thiếu vật liệu để giảng dạy mà chủ yếu dựa vào những nguyên vật liệu của thầy Rô mang vào.

Năm 1958, đoàn đại biểu Việt Nam Cộng hòa đi dự Triển lãm Công giáo quốc tế tại Bruxelles (Bỉ) đặt trường Cao đẳng Mỹ thuật làm vài tác phẩm để mang đi triển lãm. Trong đó, thực hiện một bộ tranh sơn mài gồm 12 bức tranh vẽ 12 giai đoạn cuộc đời của Chúa Giê-su, và một bức tranh lớn diễn tả nỗi thống khổ của chúa Giê-su trong sự tích Công giáo. Giáo sư Lê Văn Đệ giao cho 12 sinh viên, mỗi người vẽ một bức. Nguyễn Văn Trung được giao vẽ bức lớn nhất. Bức này dài tới 1,8 mét, cao khoảng 1, 2 mét, gồm ba bức ghép lại.

Sau đó, lại có đặt hàng tranh sơn mài từ tổ chức Lao động miền Nam Việt Nam để tặng tổ chức Lao động quốc tế tại Thụy Sĩ. Đó là bức tranh rất lớn, ngang gần 3 mét, dài 7 mét lấy tên là Lao động Việt Nam. Ban đầu, thầy Đệ giao các thầy trong trường phác thảo. Sau, Nguyễn Văn Trung được tham gia khâu phác thảo và thực hiện bức tranh này. Khi đó, ông cùng họa sĩ Nguyễn Hồng Lang và vài người thợ thường xuyên ở lại xưởng cả ban đêm để làm, nhờ người lao công làm mẫu khi vẽ hình tượng nông dân đập lúa trong tranh.

Họa sĩ Nguyễn Văn Trung năm 2017 Ảnh: Nguyễn Đình
NGUYỄN VĂN TRUNG – Viếng chùa. 1997. Sơn mài

 

Tranh cổ Nhật Bản chuyển thể sang sơn mài – Nguyễn Văn Trung 1995

Sau khi đưa tranh qua Thụy Sĩ, không hiểu người đo kích thước bức tường bên đó làm sao mà tranh treo lên bị hụt. Nguyễn Văn Trung được giao vẽ thêm ba tấm nữa ghép lại cho đủ. Giao tranh, trường nhận được số tiền lớn, đập phòng kho ra, xây hồ nước, xây phòng ủ tranh gắn máy lạnh, mua vật liệu sơn mài. Nhờ đó bộ môn này mới có cơ ngơi mới khang trang để làm tranh. Bức này sau được đưa sang thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) trưng bày trong một cuộc triển lãm của VNCH, có Tổng thống Ngô Đình Diệm sang dự khánh thành.

Nguyễn Văn Trung tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn khóa III năm 1959, khi mới 22 tuổi. Ra trường, ông được ông Nguyễn Được là Giám đốc Nha Kỹ thuật và Mỹ thuật Học vụ thuộc Bộ Giáo dục đưa về Trung tâm khuếch trương Tiểu công nghệ mà ông ấy kiêm nhiệm giám đốc. Trước đó một năm, trung tâm đã nhận họa sĩ Nguyễn Văn Minh về làm ở đây. Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nhận lương khoán 7.000 đồng/tháng, khá cao lúc đó. Khi mới về, chỉ có mỗi mình ông làm sơn mài, họa sĩ Nguyễn Văn Minh còn đang vẽ lụa.

Vài tháng sau khi về làm việc, Nguyễn Văn Trung nhận được suất học bổng đi Nhật học mỹ thuật. Đến Tokyo, Nguyễn Văn Trung biết học bổng này được cấp để học làm đồ gốm nên tìm gặp người phụ trách và trình bày: “Tôi biết được cho đi học về nghề gốm, nhưng tôi có kinh nghiệm về sơn mài nên mong muốn được tu nghiệp về sơn mài”. Người phụ trách nghe xong, ngẫm nghĩ rồi trả lời: “Anh hãy về khách sạn đợi, chúng tôi sẽ làm thủ tục chuyển anh học bộ môn sơn mài!”. Sau đó, Nguyễn Văn Trung được đưa đến tỉnh Sendai (Thiên Đài), gần tỉnh Fukushima, học sáu tháng tại Viện nghiên cứu Mỹ thuật công nghệ Sendai (Industrial Art Research Institute Sendai). Sau khi học xong, anh xin gia học thêm vài tháng nữa mới về nước.

Người Nhật đã dạy học viên rất tận tâm, chi tiết, chú trọng thực nghiệm và có phương pháp dạy khoa học. Khi thực hành, yêu cầu anh làm mẫu nào họ cũng làm một mẫu giống như vậy. Sau đó đem ra nhận xét, so sánh để học viên rút kinh nghiệm. Nếu món đồ của học viên đạt thì có thể mang về làm mẫu, nếu không đạt có thể xin mẫu vật của người hướng dẫn mang về. Người Nhật hãnh diện về nghề sơn mài giống như người Trung Quốc hãnh diện về đồ gốm sứ. Chuyến sang Nhật học tuy ngắn nhưng giúp họa sĩ Nguyễn Văn Trung những hiểu biết về kỹ thuật sơn mài ở một đất nước giỏi nghề, từ lâu đã chú tâm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Học xong, Nguyễn Văn Trung tiếp tục làm việc tại Trung tâm khuếch trưng tiểu thủ công nghệ. Sau đó, họa sĩ Nguyễn Văn Minh cũng có học bổng sang Nhật học sơn mài.

Năm 1961, Nguyễn Văn Trung đến trường thăm thầy cũ là họa sư Lê Văn Đệ. Hôm đó, ông mang các mẫu sơn mài với cả trăm loại matière khác nhau cho họa sư xem. Ông Đệ sau khi hỏi thăm chuyện học tập và xem các mẫu sơn mài làm bên Nhật liền đề nghị ông Trung dạy sơn mài mỗi tuần 6 giờ. Lúc đó, tiền dạy mỗi giờ là 250 đồng, khá cao. Ông trở thành giảng viên dạy sơn mài trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định từ đó.

Ông cũng gặp lại thầy mình là Nguyễn Văn Rô. Thầy Rô là họa sĩ sơn mài duy nhất mà họa sĩ Nguyễn Gia Trí thường tiếp, vì thầy am hiểu kỹ thuật sơn mài, lại có đội ngũ thợ giỏi, nếu ông Trí cần thì sẽ đưa đến giúp. Thông qua ông Rô, Nguyễn Văn Trung học được một số kỹ thuật làm tranh sơn mài do ông Trí tìm ra. Ví dụ như khi vẽ tranh, nét sơn viền đen quanh hình tượng (contour) phải có chiều dày để khi mài mới lộ ra. Đối với tranh trang trí thì contour cố ý không thành vấn đề nhưng nếu là tác phẩm hội họa thì những viền đen lộ rõ trông cứng. Ông Nguyễn Gia Trí nghĩ ra cách: vẽ nét trên tấm giấy bóng xong, lật ngược lại và đồ bằng màu đen nét vẽ đó, đợi sơn hơi se lại thì quay tờ giấy lại, úp xuống tranh. Nét vẽ viền đó in xuống mặt vóc, khi mài ra sẽ thành những nét đứt đọan chỗ cao chỗ thấp, chỗ mất chỗ còn, rất tự nhiên. Từ đó, ông Trung tiếp tục tìm tòi những kỹ thuật mới trong thể hiện, cộng với kiến thức học ở Nhât. Ví dụ như sau khi vẽ sơn lên lên giấy bóng, giở ra thì những nét vẽ vẫn còn sơn. Dùng giấy Nhật Bổn in lại lần nữa, nét in lên màu cánh gián đẹp như tranh khắc gỗ. Những đường nét đó dùng tay không vẽ đẹp được như vậy.

Ông nhận ra rằng tranh sơn mài do lịch sử phát triển không lâu nên còn những hạn chế đã được thấy từ trước năm 1975 tại miền Nam. Ví dụ như tranh trong dinh Bảo Đại trước 1945, lớp chu dày là đất phù sa. Sơn rút, lớp chu càng dày thì sơn khô đi không rút được, nếu va chạm mạnh sẽ bị bong. Việt Nam nổi tiếng vì sớm nghĩ ra tranh sơn mài nhưng xử lý vóc vẫn còn chỗ chưa ổn, như xây cái nhà mà nền bị lún. Về truyền dạy nghề, cần có căn bản tốt, phải có chuẩn tối thiểu trong khi nghề sơn mài ở trong nước được học kiểu cha truyền con nối, không có chuẩn mực. Nói chung, làm tranh sơn mài cần bài bản và nghiên cứu mang tính khoa học, nhất là nghiên cứu về các chất liệu tương tác với nhau.

Trong những căn phòng của họa sĩ Nguyễn Văn Trung, vẫn còn treo các bức tranh sơn mài từ thời công ty Mê Linh, một vài mẫu vẽ, mẫu matière mang từ Nhật về. Ông nhận thấy sau này, sơn mài vẫn tiếp tục phát triển, các họa sĩ Sài Gòn có nhiều chọn lựa nguồn sơn từ Phú Thọ hay Nam Vang, và cả sơn nhân tạo. Nhiều họa sĩ trước kia vẽ bằng sơn dầu nay đã nổi tiếng với tranh sơn mài như Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm… Trong mắt nhìn của ông, nghệ thuật vẽ tranh sơn mài Sài Gòn sau 1954 đã đạt tới trình độ cao, dù còn phải đi tiếp trong việc hoàn thiện kỹ thuật làm vóc, như ông đã từng thấy người Nhật đầu tư nghiên cứu kỹ thuật hoàn thiện phần vóc gỗ, nhằm giữ gìn chất lượng sản phẩm thể hiện trên vóc được tồn tại lâu dài.

Phạm Công Luận 

(trích trong cuốn “Sài gòn chuyện đời của phố tập V” – Công ty sách Phương Nam xuất bản 2018.

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

BÀN VỀ HỆ SINH THÁI DUYÊN HẢI TRÊN TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN (PHẦN HAI)

  Bài thứ hai: Biển gọi tên nai Trong phần I, chúng tôi đã lập luận rằng không nên gọi con vật lưỡng cư trên mặt trống đồng là con cóc. Căn cứ vào hệ sinh thái duyên hải,...

THỊ TRƯỜNG NGHỆ THUẬT TOÀN CẦU NĂM 2021 SẼ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO ?

  Bối cảnh thị trường nghệ thuật thế giới được cho là đã trải qua thăng trầm với những đổi mới và phát triển của 10 năm chỉ trong 10 tháng qua. Với các sự kiện của năm 2020, từ sự...

Lịch tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ 24 năm 2019

,      ...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC II (ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

...

Mỹ thuật đương đại – dòng chảy vẫn còn nhiều khúc vướng mắc và gián đoạn với người tiếp cận

Mỹ thuật đương đại hay nói rộng hơn là nghệ thuật đương đại ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với đa số các nước ở phương Tây. Tuy nhiên, với xu thế toàn cầu, hội nhập và phát triển như...