MỘT HỌA SĨ CẨN TRỌNG

 

Vào lúc 11h ngày 1/12/2018 tới đây tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại (17 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội), buổi ra mắt sách nghệ thuật Ủ của Hiền Nguyễn sẽ do Hội Mỹ thuật Việt Nam và NXB Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Buổi này không chỉ đề cập riêng về cuốn sách, mà còn chia sẻ về hành trình theo đuổi sơn mài theo kỹ thuật truyền thống – vốn nặng nhọc và “khó đoán” – của nữ họa sĩ này trong hơn 15 năm qua. Cũng xin nói thêm, từ ngày 4/1 đến 10/1/2019, triển lãm Ủ, giới thiệu các tác phẩm được tuyển chọn trong 10 năm sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Tạp chí Mỹ thuật trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ Nguyễn Văn Bảng – một người rất am hiểu sơn mài – về câu chuyện chất liệu của Hiền Nguyễn.

 

Tranh sơn mài Việt Nam trải qua gần một thế kỷ, được các thế hệ tìm tòi, thể nghiệm, sáng tạo. Chính điều này biến sơn mài thành một chất liệu quý, độc đáo, có sức biểu hiện và khả năng truyền cảm mạnh mẽ, phong phú, hấp dẫn người yêu nghệ thuật. Số lượng họa sĩ vẽ và triển lãm sơn mài ngày càng đông, hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, có chất lượng nghệ thuật. Hiền Nguyễn là một đại diện trong số đó.

“Chất nghệ” và “chất thợ”

Hiền Nguyễn đến với chất liệu sơn mài đã nhiều năm, triển lãm cá nhân lần đầu thật ấn tượng – tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 12 năm 2012 – được bạn bè, đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật hâm mộ. Đó là cuộc trình bày một quá trình khởi đầu của chặng đường sáng tạo, nơi các tác phẩm còn trong quá trình thể nghiệm cả về chủ đề cũng như phong cách. Từ thành công đó, đã khích lệ họa sĩ tiếp tục miệt mài, đam mê sáng tác và khai thác thế mạnh chất liệu.

Đầu năm 2018, khi vào TP.HCM và ghé thăm xưởng của họa sĩ, thật ngỡ ngàng vì được chiêm ngưỡng những tác phẩm mới. Nó có sức nặng của sự tìm tòi về phong cách, về hướng đi, làm chủ được chất liệu, đạt tới sự tinh kỹ. Ngắm tranh và trao đổi nghề nghiệp, thấy Hiền Nguyễn rất cẩn trọng. Về khâu nền vóc, họa sĩ cho rằng: Nền vóc là vấn đề quan trọng, liên quan đến chất lượng và tuổi thọ của tác phẩm, phải đảm bảo và tuân thủ các quy trình kỹ thuật, phải được người thợ có kinh nghiệm và tay nghề giỏi thực hiện.

 

Họa sĩ Hiền Nguyễn tại xưởng làm việc. Ảnh: Nguyễn Bá Khanh

 

(U) Bìa sách nghệ thuật Ủ do Lý Đợi tổ chức bản thảo, vừa phát hành

 

 

Đi thăm xưởng, thấy họa sĩ bố trí nơi vẽ, nơi mài, nơi ủ tranh thật khoa học, gọn gàng, sạch và đẹp. Đặc biệt là buồng ủ, các ngăn được làm bằng các thanh thép có thể đặt tranh lên, kéo ra kéo vào dễ dàng, bọc quanh buồng là tấm bạt nhựa may như một chiếc hộp có khóa kéo, đóng mở thuận tiện.

Sơn ta khô ở độ ẩm khoảng 80%, người vẽ sơn mài phải có quyết tâm và đam mê đến độ nào đó mới có thể theo, rồi đầu tư sâu cho nó. Thời tiết TP.HCM chỉ có hai mùa: khô và mưa. Mùa mưa độ ẩm lên cao, phải mở buồng ủ, nếu không, mặt tranh bị ám nước, màu sẽ thâm lại, mặt sơn đục mờ, độ bám kết sẽ kém hơn. Qua việc này, mới thấy họa sĩ có đủ kinh nghiệm trong kỹ thuật sơn mài.

Những tấm tranh khổ lớn khi ủ, khi mài, khi ngắm phải nâng lên đặt xuống không biết bao nhiêu lần. Với sức vóc của phụ nữ thì thật vất vả, nhưng Hiền Nguyễn vẫn không ngần ngại, làm chúng tôi nể phục.

Được xem những bức tranh, dù vẽ theo phong cách hiện thực, trừu tượng, hoặc nửa trừu tượng, Hiền Nguyễn vẫn giữ được sự thống nhất về phong cách, có cá tính. Màu sắc, đường nét thiên về gợi, ranh giới hình không rõ ràng, chồng lấn lên nhau, lung linh huyền ảo. Khi thì các mảng màu được vẽ cùng thời gian khi sơn còn ướt, khi thì chồng lớp lúc màu vẽ trước đã khô hẳn, kỹ thuật xử lý vàng bạc, màu trong màu đục rất linh động, nhiều lớp, chỗ mỏng chỗ dày. Sau đó quang phủ chờ đến khi khô đanh bề mặt mới mài.

Trong câu truyện về kỹ thuật sơn mài, tôi đã gặp nhiều họa sĩ, họ cho rằng có gì đâu mà mọi người có vẻ đề cao, hiệu quả nghệ thuật mới là quan trọng và quyết định, nếu quá thiên về kỹ thuật và lạm dụng chất liệu, tác phẩm sẽ rơi vào “chất mỹ nghệ”. Đương nhiên, chất liệu chỉ là phương tiện, nhưng phương tiện nào cũng phải có kỹ thuật sử dụng riêng của nó, chất liệu sơn mài cũng vậy, nhiều họa sĩ khi bắt đầu vẽ, do không quan tâm nhiều đến kỹ thuật và chất liệu, nên cũng mua vóc, mua sơn, mua màu, mua vàng bạc về vẽ, sau khi mài ra thì thất vọng vì nó đen sì, chỗ khô chỗ ướt, các mảng màu hiện lên không như ý.

Tất nhiên một bức tranh đẹp, ngoài tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, còn phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu, đây là yếu tố không thể bỏ qua, cho nên họa sĩ sơn mài vừa có “chất thợ” vừa có “chất nghệ” là vậy.

Luôn cần khai mở và sáng tạo

Chúng ta có hội họa sơn mài là nhờ truyền thống nghề sơn của cha ông để lại, và nhờ sự khai mở, sáng tạo của người Pháp khi đưa sơn mài mỹ nghệ vào trường dạy nghệ thuật. Khi tôi đến Trung Quốc triển lãm, các họa sĩ ở đó cũng thừa nhận kỹ thuật chất liệu sơn mài của họ chịu ảnh hưởng từ Việt Nam. Họ đã nhiều lần tổ chức lãm sơn mài quốc tế, nhiều họa sĩ sơn mài Việt Nam đã tham dự. Nhiều đoàn họa sĩ sơn mài Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Pháp, Thụy Điển, Miến Điện… đã sang thăm quan và giao lưu với các họa sĩ sơn mài Việt Nam. Họ quan tâm và tìm hiểu sâu, từ vùng trồng, khai thác, chế biến sơn, công cụ đến kỹ thuật chế tác và nhất là ứng dụng trong hội họa.

Trong các cuộc hội thảo hoặc trao đổi riêng, họ cho rằng Việt Nam có giống cây sơn khác với các nước trong khu vực. Cây sơn của Việt Nam cho một loại nhựa bóng, trong, vàng óng nhưng mềm, dễ mài, rất thích hợp cho việc vẽ tranh. Hiện nay nhựa sơn được người Trung Quốc thu mua đến 90% sản lượng, họ có các xưởng chế biến sơn nguyên liệu rất chuyên nghiệp, có bảo tàng sơn mài, có học viện sơn mài…

Tác phẩm Sông Hồng cạn, sơn mài, 80cm x 120cm, 2010

 

Tác phẩm Nắng xiên đại ngàn, sơn mài, 60cm x 120 cm, 2018

 

Tác phẩm Một dòng sông, sơn mài, 100cm x 135cm, 2018

 

Tác phẩm Cuộn, sơn mài, 60cm x 120cm, 2018

Còn sơn mài của nước nào hay hơn, tốt hơn, có lẽ không nên so sánh. Theo tôi, mỗi nước có đặc điểm địa lý, khí hậu, giống cây khác nhau, rồi kỹ thuật chế tác cũng khác nhau, nhất là khác biệt về tư duy kỹ nghệ và nghệ thuật… Vấn đề của chúng ta là làm sao để chất lượng vật liệu được tốt hơn, kỹ thuật hoàn chỉnh, để chất lượng tuổi thọ của tác phẩm cao hơn. Chúng ta cũng nên nghĩ đến việc chuẩn hóa giáo trình truyền dạy, bảo tồn và chia sẻ kinh nghiệm, không nên biến kỹ thuật sơn mài truyền thống thành điều gì đó giống như bí kíp và bí truyền, thì việc khai mở và sáng tạo dễ bế tắc.

Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm, nhiều người cho rằng tác phẩm có các màu đen của sơn then, đỏ của son, vàng của vàng bạc… mới là sơn mài truyền thống, còn có nhiều màu xanh thì cho rằng không phải sơn mài, mà là sơn guốc (sơn công nghiệp dùng cho đôi guốc). Ngày nay bảng màu sơn mài đã phong phú hơn nhiều, không còn lệ thuộc hoặc ảnh hưởng vào bảng màu của các bậc tiền bối, vì công nghệ hóa màu phát triển cho ta nhiều lựa chọn và quan trọng hơn, là quan niệm sáng tạo đã thay đổi, các họa sĩ muốn có nhiều chọn lựa hơn để sáng tạo tối đa. Hiền Nguyễn là một trong số đó.

Còn việc nhiều họa sĩ không vẽ bằng chất liệu sơn truyền thống, hoặc chỉ kết hợp một phần nhỏ, nhưng khi trưng bày vẫn gọi là “sơn mài truyền thống”, theo tôi là không minh bạch. Tại sao không đề rõ chất liệu là sơn công nghiệp, sơn điều, sơn tổng hợp, sơn cách tân? Vì chất liệu đâu quyết định giá trị nghệ thuật, nên cần rõ ràng để công tác trưng bày, bảo quản tác phẩm về sau được thuận tiện, khoa học.

Hội họa sơn mài Việt Nam có nhiều tác phẩm giá trị về nhiều mặt, tạo nên một truyền thống đẹp, giúp các thế hệ họa sĩ tiếp tục nghiên cứu, học tập, phát huy. Tuy vậy, khi xem tại các bảo tàng mỹ thuật cũng như các sưu tập cá nhân, tôi không khỏi băn khoăn, tiếc nuối, vì nhiều tác phẩm đã xuống cấp, bong tróc, nứt rạn, cong vênh, đặc biệt là bề mặt tranh bị oxy hóa làm biến màu. Đây chính là thách thức đối với các họa sĩ, các nhà khoa học, quản lý…, nên cần có sự nghiên cứu để khắc phục. Họa sĩ sơn mài vừa có “chất thợ” vừa có “chất nghệ”, nên về kỹ nghệ và khoa học, cần phải cập nhật nhiều hơn, để làm sao các tác phẩm vượt qua những thách thức cũ về mặt kỹ thuật.

 

Trong sứ mệnh và thách thức đó, tôi thấy ở Hiền Nguyễn sự đau đáu, trách nhiệm. Mong Hiền Nguyễn tiếp tục khai mở, sáng tạo để thành công hơn nữa với chất liệu sơn mài.

Nguyễn Văn Bảng

 

Tin cùng chuyên mục

LỜI GIỚI THIỆU SÁCH NGUYỄN ĐỨC TOÀN NHỮNG GIAI ĐIỆU VẼ BẰNG MÀU SẮC

  Ở nước ta, có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba nhạc sĩ coi vẽ như nghề-nghiệp thứ hai của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Họ thực sự là những họa sĩ....

GIỚI THIỆU SÁCH CÁC CẤU TRÚC TINH THẦN CỦA NGHỆ THUẬT CỦA VŨ HIỆP

    Lời nhà xuất bản Đây là cuốn sách của một tác giả 36 tuổi, còn quá trẻ để viết một cuốn sách lý thuyết như thế này. Một nhà nghiên cứu có thể không cần có quá nhiều thời gian...

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

ĐỨC “RÂU”

  Trùng tên với tôi, nhưng phần đệm hơn được chữ Mạnh, còn tôi thì đệm thì chỉ có chữ Văn. Mặt dài, râu quai nón, nên tự nhiên được mang biệt danh Đức “râu”, để phân biệt với tôi...

THÔNG BÁO SỐ 1 VỀ VIỆC TỔ CHỨC FESTIVAL MỸ THUẬT TRẺ 2020

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM CỤC MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH VÀ TRIỂN LÃM   Số: 40/TB-MTNATL Độc lập – Tự do – Hạnh phúc   Hà Nội, ngày 10  tháng...

TƯỞNG NIỆM 30 NĂM NGÀY MẤT CỦA NGUYỄN SÁNG (16/12/1988 – 16/12/2018): TÌM NGƯỜI EM CỦA NGUYỄN SÁNG QUA TRANH NGUYỄN SÁNG

  Có thể nói, Nguyễn Sáng là một họa sĩ vẽ chân dung tài năng bậc nhất, không chỉ ở nước ta mà còn có thể sánh ngang với các bậc thầy vẽ chân dung trên thế giới. Mỗi bức chân dung do...

TAM GIÁC MẠCH – TRIỂN LÃM NHÓM TẠI 16 NGÔ QUYỀN

  Hà Nội những ngày cuối xuân tiết trời còn dịu mát. Người yêu Mỹ thuật Hà Nội lại được ngắm nhìn những tác phẩm mới của nhóm Tam giác mạch. Những bông hoa tam giác mạch nhỏ xinh, màu...

NHỮNG BỨC TRANH KỲ LẠ, NHỮNG CÂU CHUYỆN KỲ LẠ

  Nghệ thuật là vô cùng, vô tận như người ta thường nói, nhưng có lẽ nghệ thuật không thể phong phú được như con người. Nghệ thuật cũng không thể phong phú bằng các nghệ sĩ. Xưa nay đã có...