MỐI QUAN HỆ GIỮA VICTOR TARDIEU VÀ NGUYỄN NAM SƠN QUA MỘT SỐ TƯ LIỆU TIẾNG PHÁP

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tham gia hai cuộc Đấu xảo lớn tại Paris vào các năm 1931 và 1937. Nhân các dịp này, Toàn quyền Đông Dương và Tổng nha Học chính đã cho xuất bản hai cuốn sách: “Ba trường nghệ thuật Đông Dương” (1931, Trois écoles d’art de l’Indochine) và “Các trường nghệ thuật Đông Dương” (1937, Les écoles d’art de l’Indochine).
Hai cuốn sách trên tập hợp những Báo cáo (rapports) với chính quyền Đông Pháp, do Victor Tardieu viết hàng năm. Trong cuốn thứ nhất, ở trang 14, ghi: “Lớp dự bị thành lập theo Nghị định ngày 24/10/1927, được giao cho một giáo sư người An Nam, ông NAM SƠN, cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Paris và Trường Mỹ thuật Trang trí, nguyên là trợ giáo (moniteur) của nhà trường”. Cuốn thứ hai, trang 16, ghi: “…Việc giảng dạy môn đồ họa và trang trí được phụ trách bởi một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông NAM SƠN, là một trong hai người sáng lập trường. Ông đã đạt được những thành quả lỗi lạc trong việc giáo dục đào tạo và đóng góp một phần rộng lớn trong việc phục hưng nền mỹ thuật truyền thống An Nam, cũng là học thuyết và hiến chương của toàn trường”.
Đó hẳn nhiên là những nội dung đã được ghi trong những văn bản mang tính pháp quy chính thức.
Tuy nhiên, công việc và trách nhiệm trong Trường Mỹ thuật Đông Dương không phải lúc nào cũng diễn ra tốt đẹp, vì những tranh chấp đố kỵ luôn luôn tồn tại. Tình cảm giữa hiệu trưởng Victor Tardieu và giáo sư chuyên ngành trang trí Joseph Inguimberty luôn có những ngọn sóng ngầm, nhất là từ khi Tardieu biết rằng Inguimberty có ý muốn trở thành hiệu trưởng(1). Ngoài Inguimberty, Tardieu đã nêu đích danh những kẻ đối nghịch của mình trong thư gửi cho Caroline (vợ ông), viết ngày 29/7/1930, với những định nghĩa rõ ràng: Dabadie “tức tối vì không được làm hiệu trưởng”, Virac, Lièvre, Pia (những giảng viên của trường) “tuyệt đối bất tài lại hoàn toàn kiêu ngạo”…
Victor Tardieu và Nguyễn Nam Sơn, năm 1929 (Tư liệu NgKmKh)
Năm 1927
Những tranh chấp thường xuyên giữa hiệu trưởng Tardieu và giám đốc Nha Học chính Thalamas(2) cũng luôn là những diễn biến phức tạp.
1.Trước thời gian nghỉ hè niên khóa 1927, một thông tri (circulaire) của Nha Học chính dưới số hiệu n°1455-C, do Thalamas ký ngày 12/5/1927, đã được gửi đến các trường cao đẳng tại Đông Dương liên quan đến các thư ký người bản xứ:
“…ngay khi các cuộc thi tuyển sinh và tốt nghiệp chấm dứt, các thư ký và nhân viên đánh máy, cùng với máy của họ phải được trả về (Nha Học chính) để trưởng phòng nhân sự và dịch vụ Đại học có nhiệm vụ phân công vào các văn phòng khác nhau.” (3)
2. Ngày 18/5, Victor Tardieu đã trả lời Thalamas trong công văn số hiệu 267/D:
“…tuy nhiên tôi yêu cầu ông chấp nhận một trường hợp ngoại lệ cho người thư ký của Trường Mỹ thuật. Như tôi đã từng hân hạnh nói với ông nhiều lần, người này không chỉ là thư ký, mà còn là trợ giáo của nhà trường. Trong suốt thời gian du học tại Pháp, ngoài việc theo học Trường Mỹ thuật và Trường Nghệ thuật Trang trí, ông ấy còn chuyên học đúc (đổ) khuôn và pha chế màu sắc.”
“Năm nay, trong thời gian nghỉ hè, chúng tôi phải thiết lập một phòng trưng bày tác phẩm tượng đúc (năm ngoái, phòng này chưa được xây dựng). Sẽ không thận trọng nếu trì hoãn lâu hơn nữa bởi vì từ mấy tháng nay, những tác phẩm (khuôn bản sao) nằm la liệt dưới mặt đất và có nguy cơ hư hỏng. Chúng đại diện cho một số tiền tương đối lớn.(4)
Đoạn trích trang 16 cuốn sách “Các trường nghệ thuật Đông Dương” (1937, Les écoles d’art de l’Indochine)
Ngân sách năm 1927 dành cho chúng tôi 250 đồng(5) để dựng những tác phẩm này. Ông Sabrié(6) sẽ sắp xếp với hãng Aviat để làm giàn giáo với số tiền 150 đồng, như vậy chúng tôi còn 100 đồng có thể chia ra cho ba sinh viên. Đó không thể gọi là tiền công, phải gọi là tiền thưởng, bởi vì như tôi đã nói, đây là một công việc nặng nhọc.
Những sinh viên đó là Georges Khánh, Lê Tiến Phúc và Vũ Cao Đàm.
Xin lưu ý rằng tôi chưa nói gì với họ, đây chỉ là dự định mà tôi hân hạnh trình bày với ông. Tôi nghĩ rằng ba sinh viên dưới sự chỉ đạo của người trợ giáo có thể dựng những tác phẩm đúc này một cách hoàn hảo.
Tôi rất hân hạnh mời ông Giám đốc Nha Học chính đến viếng thăm trường, để chúng tôi có dịp cho ông xem công việc chúng tôi đã làm trong năm qua, và nhất là trình bày với ông những gì chúng tôi sẽ phải làm trong thời gian nghỉ hè, để xin ông lời khuyên, bởi vì với nguồn lực rất hạn chế, chúng tôi phải hành động với tất cả những gì cân nhắc nhất.” (7)
Trên đây là một công văn dài. Trong công văn này chúng ta khám phá được nhiều điều thú vị. Thí dụ các công trình đổ khuôn theo những bản sao tác phẩm danh tiếng bên Pháp được giao cho Georges Khánh, Lê Tiến Phúc và Vũ Cao Đàm thực hiện, dưới sự chỉ đạo và giám sát của Nam Sơn.
Lưu ý là Victor Tardieu có nhắc đến việc trả công cho ba sinh viên (việc trả công này gây sóng gió trong những đối đáp phần tiếp sau), nhưng không hề nhắc đến việc trả công cho Nam Sơn. Phải chăng vai trò trợ giáo của Nam Sơn bao gồm luôn công việc trong thời gian nghỉ hè ?
3. Công văn trả lời của Victor Tardieu không làm hài lòng Thalamas, Nha Học chính đã cao giọng đáp lại ngày 23/5/1927, dưới số hiệu n°1586-C:
“…trước hết tôi bắt buộc phải nhắc lại với ông một lần cuối cùng là thư ký của ông không phải là trợ giáo, mà chỉ đơn giản là một thư ký như bao người thư ký khác. Vì vậy, đối với quy tắc chung, tôi không thể có một ngoại lệ cho ông ta.”
Trích công văn của Nha Học chính Đông Dương gửi Victor Tardieu ngày 23/5//1927
4. Cuộc chiến dường như càng dữ dội hơn qua trả lời của Tardieu ngày 27/5/1927, số hiệu n°271/D:
“Để trả lời công văn 1586-C của ông, tôi vinh dự thông báo với ông rằng, trong sắc lệnh thành lập Trường Mỹ thuật ngày 27/10/1924, điều khoản 6: ‘Đội ngũ nhân viên trực thuộc trường gồm có thư ký, trợ giáo và giám thị,v.v.’  Tôi luôn luôn coi ông NGUYỄN VĂN THỌ, người được bổ nhiệm chức vụ này, ở tư cách một trợ giáo (giám sát viên).
Ông ấy có đủ năng lực trong công việc được giao phó, và từ hai năm qua đã hoàn thành chức năng của mình khiến tất cả mọi người đều hoàn toàn hài lòng.
Như tôi đã hân hạnh trình bày với ông, chính quyền Đông Dương đã gửi ông ấy sang Pháp vào tháng 2/1925 để tiếp thu chính xác những kiến thức cần thiết, đặc biệt trong việc học cách đổ khuôn đúc và xây dựng những sản phẩm thạch cao mà tôi sẽ tiếp nhận tại Pháp, cũng như học cách sản xuất màu sắc. Ông ấy không có nhiệm vụ hoặc công việc khác trong khoảng thời gian học tập tại Pháp. Một sứ mệnh như vậy người ta không đơn giản giao cho một thư ký.
Quản thủ Bảo tàng Trocadéro, nơi mà tôi mua những khuôn mẫu hiện nay đang cần lắp dựng, đã giới thiệu ông Velten, Giám đốc Xưởng đúc tượng của bảo tàng, trong nhiều tuần lễ đã làm việc và chỉ dẫn tỉ mỉ cho ông ấy (NGUYỄN VĂN THỌ) cách đổ khuôn khó khăn này. Chính vì đã tiếp thu được những kiến thức cần thiết để thực hiện công việc nêu trên, nên tôi đề nghị với ông giao việc quản lý công trình cho ông ấy, người thích hợp nhất đối với tôi.”
Qua những trao đổi trên, chúng ta nhận thấy rằng đối với Thalamas, vào năm 1927, Nam Sơn chỉ giữ vai trò thư ký của Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong khi đối với Tardieu, Nam Sơn vừa là thư ký, vừa là trợ giáo, và ông luôn coi vai trò trợ giáo của Nam Sơn là chính yếu. Điều này cũng chứng tỏ tính tình của Victor Tardieu, cương trực, thẳng thắng.
Năm 1930
1. Bộ Thuộc địa Pháp đã gửi thư mời Victor Tardieu làm thành viên của Ban Giám khảo Triển lãm Thuộc địa Quốc tế 1931 tại Paris (Đấu xảo Paris 1931). Ông Tardieu còn là đại biểu của nghệ thuật Đông Dương tại triển lãm này. Chính quyền Đông Pháp đặc trách ông trở về Pháp một năm để làm nhiệm vụ của mình. Trước khi khởi hành, có rất nhiều buổi họp mặt tiễn đưa.
Ngày 27/12/1930, lớp dự bị tổ chức một buổi diễn kịch. Ngày 28/12 tất cả các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương tổ chức một buổi tiệc hơn 140 người. Nhân dịp này, có hai bài diễn văn tiễn biệt được đọc. Bài thứ nhất của sinh viên NGUYỄN THUY, năm thứ 4 Ban Kiến trúc.
Bài diễn văn thứ hai của NGUYỄN NAM SƠN, giáo sư Trường Mỹ thuật Đông Dương :
“Thưa Hiệu trưởng, thưa Thầy thân quý,
Với cương vị trưởng bối đối với các sinh viên của trường, xin gửi đến Thầy lời chúc thượng lộ bình an. Quả nhiên, tôi hân hạnh được là người học trò đầu tiên mà Thầy đã hướng dẫn trên mảnh đất An Nam này, trước khi trường được thành lập. Với tư cánh ấy, nhân danh tất cả các bạn sinh viên, xin kính chào người Thầy tận tụy, người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tôi không bao giờ quên tất cả những gì Thầy đã dành cho tôi, trước khi làm cho người khác, một người Thầy tuyệt vời đã giữ trọn thời gian, sự vất vả và lòng vị tha, chỉ riêng cho sự nghiệp giáo dục của nghệ thuật tôi.
Chính Thầy là người có ý tưởng thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Thầy là người bạn khai sáng vì Thầy muốn tốt cho người ở Đông Dương, muốn họ được tiến bộ. Thầy hiểu rằng một đất nước không thể chỉ hài lòng với việc sản sinh những nhân viên công chức, mà phải đào tạo ra các nghệ nhân và nghệ sĩ. Với kinh nghiệm tràn đầy, Thầy hiểu rằng muốn một đất nước sống còn, phải có ngành nghề cũng như công nghiệp nghệ thuật. Thầy mong muốn sự thịnh vượng cho đất nước Đông Dương mà thầy đã thăm viếng khắp nơi, đã chiêm ngưỡng và ghi lại những phong cảnh có nét đẹp như tranh. Trong khoảng thời gian dài ở nơi đây, Thầy đã thương mến và cảm thông đất Đông Dương này hơn.”(8)
Nam Sơn đã nói “Chính Thầy là người có ý tưởng thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương”, mà không hề nhắc gì đến mình, cũng không hề bày tỏ công lao cũng như tác động của ông đến suy nghĩ của Victor Tardieu. Xét về tính tình và sự giáo dục theo Nho học của Nam Sơn, điều này cũng dễ hiểu.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, 1936. Các thành viên của Hội An Nam Khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ (SADEAI): Victor Tardieu (người thứ 6 từ trái sang), Nguyễn Nam Sơn (người thứ 4 từ trái sang) và một số người khác
Năm 1952
Trong bài “Cách tân nghệ thuật Việt Nam”(9), của Gérard Tongas, đăng trên “Đông-Tây tạp chí” tháng11/1952, trình bày rất rõ ràng cuộc gặp gỡ giữa Victor Tardieu và Nam Sơn, cũng như vai trò của Nam Sơn trong việc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Dưới đây trích dẫn vài đoạn chính yếu.
1. “… Nhờ sự giới thiệu của Louis Marty(10), Giám đốc Nha Chính trị của phủ Toàn quyền Đông Dương, và Paul Monet(11), người sáng lập “Hội quán Sinh viên An-Nam”, Victor Tardieu đã chính thức gặp Nam Sơn vào khoảng năm 1922. Từ cuộc hạnh ngộ đó, Nam Sơn trở thành người học trò đầu tiên của Victor Tardieu trên đất Đông Dương.
Khó có thể hình dung được giữa hai người có hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau, lại nảy sinh ra những đồng cảm cũng như gần gũi mật thiết đến như thế. Chắc chắn rằng niềm đam mê hội họa của Victor Tardieu và lòng khát khao học hỏi của Nam Sơn đã đưa hai tâm hồn họ đến gần nhau. Sự tận tình của Victor Tardieu trong việc hướng dẫn Nam Sơn đã mở ra trong ông những chân trời tràn đầy cảnh sắc, với niềm say mê và nỗi khát khao hoàn toàn mới.
Chính niềm say mê và nỗi khát khao ấy, như thúc đẩy bởi một bàn tay vô hình, đã hình thành trong Nam Sơn một ý tưởng ‘ngông cuồng’, ông muốn mọi người dân trong đất nước ông cùng được chung hưởng và học hỏi điều khám phá mới lạ này. Ý định mở ra một trường mỹ thuật cứ lớn dần trong tâm tưởng, nhưng trước những khó khăn của một con người sống tại một đất nước nhược tiểu, biết phải làm sao ?! Ông đã lặng nghĩ trong bao tháng ngày. Sau nhiều đắn đo, ông trình bày nguyện vọng sôi nổi cuồng nhiệt ấy với Victor Tardieu, bởi ông biết rằng sau khi hoàn thành công trình vẽ tranh tường của mình, Victor Tardieu sẽ trở về Pháp và có thể vĩnh viễn không bao giờ quay lại nơi đây. Nhưng lý do lớn nhất dằn vặt trong tâm hồn là ông biết mình chỉ là một người dân An Nam tầm thường, thấp cổ bé miệng, chỉ có thể trông cậy vào một người Pháp, vừa đoạt Giải thưởng Đông Dương, lại được Phủ Toàn quyền tin tưởng, và điều đáng lưu tâm nhất là người ấy không phải là người của chính quyền thực dân Pháp, lại có một tấm lòng rộng mở, không nhìn quê hương ông như một đất nước nô lệ bị đô hộ.”
Bài “Cách tân nghệ thuật Việt Nam” đã trình bày rất rõ điều này, như dẫn chứng dưới đây.
2. “… Để tiết kiệm thời gian và cảm ơn về sự giúp đỡ tận tình của Nam Sơn, Victor Tardieu giữ ông lại dùng bữa trưa tại xưởng vẽ của mình(12). Như vậy, giữa hai người, sự thân mật và lòng quý mến đã nhanh chóng giành được một chỗ đứng vững chắc, chuẩn bị tốt cho sự ra đời của một ý tưởng lớn mà Nguyễn Nam Sơn đau đáu trong mình: sáng lập một ngôi trường mỹ thuật tại Hà Nội.
Nam Sơn tìm mọi cách thuyết phục thầy mình vượt qua tất cả những đắn đo do dự, cương quyết rằng chỉ có thầy mới có thể thực hiện dự án này. Vô hình trung, trong tâm tưởng Victor Tardieu hằn sâu mục tiêu sáng lập Trường và ở lại sống tại Đông Dương. Trong khi viết một phúc trình định mệnh “Nghệ thuật An Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai” (để trình lên Toàn quyền Đông Dương), Victor Tardieu mở rộng xưởng vẽ của mình cho người sẽ trở thành cộng tác viên quý báu nhất, vừa là học trò, cũng là ‘đứa con tinh thần’ như ông vẫn gọi sau này.”(13)
3. “… 1925, Trường Mỹ thuật Hà Nội đã cất cánh vươn lên một cách nặng nhọc – bởi vì những khó khăn rất lớn và nhiều hỗ trợ không hiệu quả – nhưng chắc chắn, nhờ vào ý chí kiên cường và niềm tin không lay chuyển của hai người sáng lập, cũng là hai nhà lãnh đạo: Người thầy Victor Tardieu, dâng trọn hoàn toàn tâm trí, đã chỉ đạo bằng tất cả kỹ năng và sự khôn khéo của mình, cùng với cộng tác viên quý giá Nguyễn Nam Sơn, với lòng cống hiến không mệt mỏi, vì ông vừa là giáo sư, đồng thời trợ giáo, thư ký, quản lý chi tiêu và thủ thư… ”(14)
Trích bài “Cách tân nghệ thuật Việt Nam” của Gérard Tongas đăng trên “Đông-Tây tạp chí” tháng 11/1952
4. “… Trường Mỹ thuật Đông Dương không còn nữa ! Chiến tranh đã bước qua đây ! Thậm chí tên của Victor Tardieu không còn xuất hiện trên con phố nhỏ Hà Nội, nơi đã được chỉ định để bảo tồn ký ức về ông ! Đôi khi, chính quyền thành phố do hơi quá “cực đoan”, trong cơn thịnh nộ đã quét sạch quá khứ, chôn vào quên lãng những điều tốt cũng như xấu !…
Không có gì cảm động hơn việc đọc lại những tài liệu đã úa vàng với thời gian, những chứng minh hùng hồn mà Nam Sơn đã trân quý đặt trước mắt chúng tôi ; không có gì cảm động hơn khi nghe ông đặt niềm tin mãnh liệt rằng hòa bình cuối cùng tìm thấy, một ngôi trường mỹ thuật đẹp hơn bao giờ hết sẽ được tái sinh từ đống tro tàn của chính mình.
Chúng tôi cũng chân thành hy vọng điều ấy, và thậm chí… đòi hỏi nhiều hơn: tại sao phải chờ đợi ? Chiến tranh tiếp diễn ! Cuộc sống cũng vậy ! Tại Việt Nam, nơi độc lập đang mỗi ngày khẳng định, cuộc đời cần sống lại trong tất cả các lĩnh vực, Trường Mỹ thuật cũng là một nhu cầu thiết yếu. Người truyền cảm hứng và đồng sáng lập Trường vẫn còn đó. Chờ gì nữa mà không cho Nam Sơn phương tiện để tiếp tục sự nghiệp và hoàn thành nhiệm vụ của mình ?”(15)
***
Để tạm dừng bài viết ở đây, xin trích đoạn thư của ông Jean, người con độc nhất của Victor Tardieu, gửi cho Nam Sơn ngày 29/6/1937, ngay sau những giây phút Victor Tardieu trở bệnh và qua đời tại Hà Nội (12/6/1937):
“Nam Sơn thân mến, người bạn rất thân yêu,
Vì tình hiếu thảo dành trọn cho cha tôi đến giây phút cuối cùng, chính bạn là người đã viết ra chương sách tuyệt vời về lòng biết ơn của chúng tôi đối với bạn ! …Bạn không bao giờ ngừng nghỉ là một chỗ dựa vững chắc, là người bạn trung thành đối với cha tôi. Ngoài chuyện tâm giao tri kỷ, bằng sự thành công của chínhbạn, bằng cách dạy dỗ riêng biệt của mình, bằng sự thông minh đặc biệt, bạn đã tôn vinh sự giáo dục, tình bằng hữu cũng như ảnh hưởng của cha tôi (đối với tất cả chung quanh). Chính bạn là người đầu tiên hiểu rõ tầm quan trọng của công việc sẽ được thực hiện (Trường Mỹ thuật Đông Dương) với sự cộng tác của bạn và từ ấy đạt được thành công hiện nay ngày càng lớn !
… Vì vậy, tình cảm và lòng biết ơn của chúng tôi dành cho bạn không có giới hạn. Tôi không ngừng nghĩ đến sự tận tâm không mệt mỏi của bạn chắc chắn đã giúp cha tôi vượt qua những khó khăn và mệt mỏi khi ông buồn khổ. Mặc dù đôi vai bạn đã chất chứa quá nhiều lo lắng cũng như sức nặng của công việc, nhưng chính bạn là người đã trấn an ông khi cơn bệnh bất ngờ bùng phát, cũng chính bạn đã an ủi ông bằng cách là điểm tựa vững chắc ! Ôi, người bạn rất thân yêu của tôi, những ngày đêm mà bạn đã trải qua, trước và sau sự kiện bi thảm ấy, chắc hẳn dài biết bao!”(16)
Chỉ những ai nặng lòng với lịch sử mỹ thuật Việt Nam mới có thể cảm nhận được những rung động của một con tim nức nở, qua những dòng chữ tâm huyết Jean Tardieu gửi cho Nam Sơn trong giây phút đớn đau nhất cuộc đời. Thấp thoáng giữa những dòng chữ rưng rưng và những giọt lệ nghẹn ngào mất cha luôn hiện hữu một công trình của hai con người đồng lòng quyết tâm hướng về mục đích chung: Xây dựng Trường Mỹ thuật Đông Dương !
Tiền Giang, 27/10/2020
N.K.K.
1. Tạp chí France-Indochine, số ra ngày 13/7/1934, đăng tin Tardieu phải trở về Pháp vì hết hạn hợp đồng, và người thay thế ông là Inguimberty. Tuy nhiên, dù Inguimberty có muốn trở thành hiệu trưởng cũng không đủ điều kiện, vì chỉ những người được Giải thưởng Đông Dương mới có thể trở thành hiệu trưởng mà thôi.
2. François-Amédée Thamalas (1867-1953), giáo sư lịch sử, đại biểu thuộc đảng Cấp tiến, giữ chức vụ Viện trưởng Đại học rồi Giám đốc Nha Học chính Đông Dương từ 1925 đến 1934.
3. Lưu trữ “Victor Tardieu”, INHA, Paris, coll. Jacques Doucet, N° 125-10/d.3.
4. Khuôn bản sao (copie) các tác phẩm danh tiếng bên Pháp được Victor Tardieu đặt mua tại Bảo tàng Con người (Musée de l’Homme), Paris.
5. Đồng Đông Dương (Piastre).
6. Paul Auguste Sabrié, sinh tại Dourdan ngày 1/10/1890. Kiến trúc sư trong Nha Học chính Đông Dương từ 9/2/1922, thiết kế khu Đông Dương tại Đấu xảo Paris 1931.
7. Lưu trữ “Victor Tardieu”, INHA, Paris, coll. Jacques Doucet, N° 125-10/d.3.
8. Lưu trữ “Victor Tardieu”, N° 125-08/d.1. Đăng trên “l’Avenir du Tonkin”, Ibis.
9. Rénovation de l’art vietnamien, A. N. Beun, revue Orient-Occident, số 5, 11/1952, trang 74-88.
10. Trưởng phòng chính trị tại Phủ Toàn quyền Pháp (Directeur des Affaires Politiques au Gouvernement Général), còn là người đồng sáng lập tạp chí Nam Phong cùng với Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá-Trác.
11. Đại úy Lục binh thuộc địa, tác giả quyển “Les Jauniers, histoire vrais”, xuất bản năm 1930. Thời đó, chính quyền thuộc địa chỉ chấp nhận những sinh hoạt có tính cách chính trị hay tôn giáo, từ chối cấp kinh phí cho những hoạt động văn hóa xã hội nên việc thành lập Hội quán Sinh viên An Nam (Foyer des étudiants annamites) đã gặp rất nhiều cản trở. Cuối cùng Paul Monet đã xin được kinh phí từ Hoa-Kỳ.
12. Ngày 6/6/1921, Toàn-quyền Maurice Long (1912-1923) ký một hợp đồng với Victor Tardieu về việc trang trí trường Đại học Đông Dương, dưới số hiệu n° 932 và n° 4831, gồm 3 bộ tranh tường, với một diện tích gần 270m2 trong nhiều gian gồm giảng đường, tiền sảnh, mái vòm, ô tường, phòng hội đồng, phòng đọc sách…(Lưu trữ “Victor Tardieu”, INHA, Paris, coll. Jacques Doucet, N° 125-10).
13. Rénovation de l’art vietnamien, tài liệu đã dẫn, trang 77.
14. Rénovation de l’art vietnamien, tài liệu đã dẫn, trang 78.
15. Rénovation de l’art vietnamien, tài liệu đã dẫn, trang 83.
16. Rénovation de l’art vietnamien, tài liệu đã dẫn, trang 83-84.

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Có thể bạn quan tâm

Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành khoá IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024)

Sáng ngày 30/05/2024, tại tầng 3 Nhà triển lãm Mỹ Thuật 16 Ngô Quyền, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành khoá IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024) kỳ thứ 7...

TIẾNG VỌNG TỪ THIÊN NHIÊN

  Từ thuở sơ khai, con người và thiên nhiên đã luôn “chung sống” cùng với nhau, đó là mối quan hệ đặc biệt và gắn kết chặt chẽ. Con người lựa chọn, tạo dựng môi trường sống cho mình...

ĐƯỢC VẼ VÀ NẶN TƯỢNG BÁC

  Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019) Tạp chí Mỹ thuật xin trân trọng đăng lại bài viết “Được...

Họa sĩ Trần Văn Cẩn – Một thời Hà Nội

Trần Văn Cẩn tìm cái thú thầm lặng trong hội hoạ như người đãi cát tìm vàng, mò trai dưới biển. Và ngọc trai của ông là màu sắc, là hiệu quả ánh sáng của hai màu đặt bên nhau. Một xe ngựa...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...