ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN – MỘT LỊCH SỬ TRONG TRANH NGUYỄN ĐỨC DỤ

Nguyễn Đức Dụ đã có 21 triển lãm cá nhân về “Đường Trường Sơn” được tổ chức ở Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, và ở Hải Dương quê hương ông.
Các tác phẩm của ông vẽ về Đường Trường Sơn cũng đã được ông tuyển chọn để giới thiệu trong ba tập sách có cùng một tiêu đề: “Nguyễn Đức Dụ- qua thời gian và lịch sử”.
Riêng về đề tài Đường Trường Sơn, ông đã vẽ được tròn 55 năm, với trên 300 tranh-ký họa vẽ trực tiếp tại chiến trường Đường Trường Sơn trong thời kỳ chiến tranh, và khoảng trên 70 tranh sơn dầu khổ vừa và khổ lớn được vẽ suốt từ 1975 đến nay. Năm 2020, về đề tài Đường Trường Sơn, ông cũng vừa mới hoàn thành thêm mấy tranh sơn dầu khổ lớn nữa.
Một số tác phẩm vẽ Đường Trường Sơn của ông đã có mặt trong các bảo tàng Nhà nước…
Nguyễn Đức Dụ đi vẽ tại Đường 9, Nam Lào, 1972
* * *
Trên thực tế, đã có rất nhiều họa sĩ Việt Nam vẽ về Đường Trường Sơn, và trong chiến tranh, cũng đã có không ít họa sĩ đi thực tế, sống và vẽ ở Đường Trường Sơn. Nhưng, có thể nói, ở mảng đề tài này, Nguyễn Đức Dụ vẫn là họa sĩ chuyên tâm nhất, lao động cật lực nhất, đeo đuổi nỗ lực tìm tòi nhất. Ông đã trở thành họa sĩ tại Đường Trường Sơn khi ông mới 19 tuổi; sống, chiến đấu và vẽ ở Đường Trường Sơn suốt 8 năm (từ 1965 đến 1973, bằng đúng nửa thời gian con đường hoạt động trong chiến tranh kể từ khi thiết lập đến năm 1975); và cho đến nay, ở tuổi 74-75, ông vẫn đau đáu suy tư, hồi niệm và sáng tác về con đường huyền thoại ấy.
Về mặt lý thuyết, vẽ một số lượng tranh lớn theo cùng một chủ đề, đề tài là điều rất khó khăn đối với người họa sĩ, thậm chí có khi là bất khả thi. Và để làm được điều đó, người họa sĩ buộc phải có đầy đủ cả “vốn chìm, vốn nổi”, một nội lực mạnh và khả năng liên kết nhiều loại sự thật phong phú, đa dạng trong thiên nhiên, cuộc sống và con người. Nếu không thế, nghệ thuật của anh ta chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng trơ ì, sáo mòn, trống rỗng, hình thức chủ nghĩa, vô hồn vô cảm với người xem.
NGUYỄN ĐỨC DỤ – Bắc Tha Mé mùa khô 1968. 2016. Sơn dầu. 140x240cm
Về trường hợp của Nguyễn Đức Dụ và một quá trình lâu dài ông vẽ chuyên sâu về Đường Trường Sơn, có lẽ cần có một chuyên luận để phân tích và biện giải. Song sự chân thành, tình cảm, tình yêu của ông đối với Tổ quốc, với nhân dân, với các chiến sĩ, đồng đội chắc chắn sẽ phải là nhân tố quyết định hàng đầu đã tạo nên thành công của ông, khó có thể nói khác đi được.
“Trong nghệ thuật, bản năng là đủ”. Và bản năng cũng cần sự chân thành dẫn dắt. Nguyễn Đức Dụ trở thành họa sĩ thoạt đầu và trên hết là nhờ cả hai cái đó. Và cũng thực thú vị, ông bao giờ cũng giữ được cho mình cả hai cái đó.
Chúng ta thấy ở Nguyễn Đức Dụ sớm có cái ham muốn quan sát, một đôi mắt luôn luôn biết phát hiện. Những tranh-ký họa ông vẽ trực tiếp ở Đường Trường Sơn trong thời kỳ chiến tranh cũng chính là những bài tập ông tự đào tạo mình trở thành họa sĩ, trong đó có một số bức chì, mực nho, màu nước, bút sắt, bột màu đã đạt tới độ vững vàng, già giặn về bố cục, hình, nét. Chỉ bằng những tranh- ký họa màu nước như “Đèo Phu La Nhích”, “Vượt ngầm” hay “Tổ trực chiến trên cao điểm Suối Trăng”, ông đã bao quát được cả những không gian có quy mô rộng lớn, kỳ vĩ gắn liền với hoạt động của con người.
Trong những “góc nhỏ” ông vẽ cảnh chuẩn bị cho chiến đấu, cảnh sản xuất, cảnh sinh hoạt chính trị hay cảnh tâm tình cũng thực sinh động, ấm áp.
Tám năm sống, chiến đấu và vẽ ở Đường Trường Sơn, Đường Trường Sơn thực sự đã trở thành một “thế giới”, một quê hương thứ hai của Nguyễn Đức Dụ, nơi khơi nguồn cảm hứng và cấp tư liệu dường như vô tận cho nghệ thuật ông.
Xuất phát từ vốn sống, vốn nghệ thuật của “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, cộng thêm 5 năm rèn luyện tay nghề tại Trường Mỹ thuật ở Hà Nội, Nguyễn Đức Dụ đã tạo dựng được một cách tiếp cận và cảm thụ hiện thực riêng, một bút pháp riêng để vẽ về Đường Trường Sơn mà chỉ thoạt nhìn người ta đã có thể nhận ra ngay tranh ông, như một thứ “phong cảnh chiến trận” rất Nguyễn Đức Dụ.
NGUYỄN ĐỨC DỤ – Rừng chiều giao liên. 2014. Sơn dầu. 140x240cm
Những tranh sơn dầu khổ lớn như “Đồng chí Võ Bẩm báo cáo với Bác Hồ về hoạt động tuyến đường mòn Trường Sơn năm 1959”, “Vượt Trường Sơn”, “Nhận hàng đầu tiên tại Tà Riệp, Khu V, 1959”, “Trạm giao liên 15”, “Làng Ho- nơi lập chân hàng”, “Vượt cổng trời”, “Thuyền vận tải trên sông Sê-băng-pha”, “Trọng điểm Tha Mé mùa khô 1968”, “Con mắt trọng điểm”, “Cụm trọng điểm ATP mùa khô 1970”, “Đường giao liên Trường Sơn”, “Sở chỉ huy tiền phương”, “Tập kết hàng vận tải đường sông”, “Qua bản sơ tán”, “Nhớ miền Tây”, “Trạm quân y binh trạm 33”, “Doanh trại thanh niên xung phong”, “Trọng điểm Khe Tang mùa khô 1971”, “Trọng điểm ATP mùa khô 1971”, “Đàn la vận tải trong mùa mưa”, “Đội thuyền vận tải đường sông”, “Tiểu đoàn ca-nô Bộ đội Trường Sơn chi viện cho quân giải phóng giữ thành cổ Quảng Trị 1972”, “Trọng điểm dốc Con Mèo”, “Đỉnh đèo Tha Mé”… – đã ghi lại bằng hội họa một lịch sử biên niên về Đường Trường Sơn mang đầy tính sử thi, nên thơ, trữ tình và bi tráng. Một số tác phẩm trong đó đã được Nguyễn Đức Dụ đẩy lên thành biểu tượng, với cấu trúc như của hội họa hoành tráng: Từ những sự vật cụ thể ông quy vào những không gian vừa tuyến tính vừa phi tuyến tính, tầng tầng lớp lớp, trước sau trên dưới; và đôi khi chúng bám theo những đường lượn khung cốt chủ đạo hầu như được tạo ra bởi trí tưởng tượng- mà xét về hiệu quả toàn bộ thì đã biến thành ảo ảnh siêu hình.
NGUYỄN ĐỨC DỤ – Tổ trực chiến trên cao điểm Suối Trăng 1971. Màu nước
Màu trong tranh Nguyễn Đức Dụ cũng lạ, vừa mang tính hiện tượng, cũng vừa mang tính ẩn dụ, rất phù hợp, tương ứng với mỗi tâm trạng và từng chủ ý xử lý đề tài của ông. Có những cảnh gần như có cùng tinh thần và tính chất nhưng ông lại dùng những hòa sắc, phối sắc dường như khác hẳn nhau, khi thì dựa vào ấn tượng thực (vì ông cũng là tác giả của nhiều tranh phong cảnh vẽ nông thôn đồng bằng Bắc Bộ), khi thì mang đầy tính chủ quan, mở ra khả năng có thể hoán đổi lẫn nhau, hoặc giữa đỏ-vàng-nâu và nâu- vàng-tím, hoặc giữa chủ sắc lam hay lục-lam và chủ sắc xám… mà từ đó bao giờ cũng phát ra những âm vọng sâu xa.
* * *
Vẽ Đường Trường Sơn quả thực là một sứ mệnh mà cuộc sống đã dành cho Nguyễn Đức Dụ. Không phải họa sĩ nào cũng có được một sứ mệnh, hoặc cứ có là thực hiện được. Phải kiên định, ngoan cường, phải nỗ lực đấu tranh và tự đấu tranh, thậm chí phải hy sinh rất nhiều thì người họa sĩ mới có thể hoàn thành được sứ mệnh ấy.
Năm nay-2020, một tin vui lớn đã đến với họa sĩ Nguyễn Đức Dụ cũng như với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của ông: Bà Phạm Thúy Hằng- Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup, một người yêu quý nghệ thuật – sau một thời gian dài luôn luôn động viên, ủng hộ và bảo trợ cho các hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Đức Dụ, đã quyết định lập một dự án xây dựng tặng ông một “Bảo tàng tranh về Đường Trường Sơn”, trân trọng nghệ thuật ông như một tài sản tinh thần quý giá cần được lưu giữ, trưng bày và giới thiệu trang trọng nhằm phục vụ đông đảo công chúng yêu lịch sử và yêu nghệ thuật của ngày hôm nay và mai sau.
Quang Việt 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ biến thành không gian nghệ thuật

NDO – Cầu dành cho người đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã được trang trí thành không gian nghệ thuật ánh sáng với chủ đề “Nước”, thu hút sự quan tâm của...

Chính thức ra mắt Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQGHN)

(Chinhphu.vn) – Việc chuyển đổi thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật với các chức năng và nhiệm vụ chính là tổ chức và triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học...

Triển lãm “Tái hình lập ảnh” tại VCCA

Từ ngày 20/04/2024, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ mở cửa triển lãm kỹ thuật số mang tên “Tái Hình Lập Ảnh”. Triển lãm giới thiệu các tác phẩm kinh điển của trường phái...

Vẻ đẹp nội Tâm trong hội hoạ Văn Chiến

Đường “link” dẫn dắt đến với hội hoạ trải qua 40 năm, mang đến cho hoạ sĩ một trái tim đầy rung cảm với nhiều trạng thái của cảm xúc mà tạo nên cú hích trong nghệ thuật mang sắc thái...

Triển lãm “Đường lên Điện Biên” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Chinhphu.vn) – Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chủ đề “Đường lên Điện Biên” từ ngày 26/4...

Có thể bạn quan tâm

VŨ CAO ĐÀM – NGHỆ THUẬT TỪ ĐÔNG SANG TÂY

  Vũ Cao Đàm sinh ngày 8 tháng 1 năm 1908, cha là Vũ Đình Thi và mẹ Phạm Thị Cúc. Ông là con thứ năm trong 14 người con. Quê quán gia đình vốn ở thôn Trình Xuyên (ngày nay là xã Liên Bảo) huyện Vụ...

Bức tranh "tái sinh" của Nguyễn Tư Nghiêm

    Rất khó, nếu không muốn nói-là không có một họa sĩ bậc thầy nào lại không có một kỹ thuật riêng nào đó, bởi vì kỹ thuật là yếu tố hàng đầu tạo nên phong cách. Kỹ thuật đã...

NGUYỄN SÁNG, MỘT NGƯỜI CON CÓ HIẾU

  Trong một lần gặp gỡ tình cờ tôi quen biết bác Nguyễn Đình Tân (sinh 1936) là anh em cọc chèo với Nguyễn Sáng. Khi biết tôi làm ở báo Mỹ thuật, bác quý mến lắm. Thi thoảng, hai bác cháu gặp...

TÔI VẼ 12 CON GIÁP

  Đã thành lệ, mỗi khi Tết đến xuân về tôi cùng các hoạ sĩ lại ngả giấy ngả màu ra vẽ 12 con Giáp. 12 con vật thiêng ấy mỗi con một vẻ mang nhiều màu sắc tâm linh ngàn xưa trong truyền...

VICTOR TARDIEU – MỘT GÓC PHỐ Ở HÀ NỘI

  Năm 1920, Victor Tardieu nhận Giải thưởng Đông Dương, và theo thông lệ, ông nhận kèm theo một suất tiền lữ hành để có thể sang ở sáu tháng tại Viễn Đông. Chuyến đi tưởng sáu tháng ấy hóa...