BỐN CHIẾC LỌ VÀ NHỮNG SỐ PHẬN

 

Một buổi chiều, tôi đến chơi thăm ông bạn làm điêu khắc. Ông ngồi bần thần nhìn mấy chiếc lọ gốm trước mặt, chung quanh là những bức tranh cùng mấy giá sách.

– “Lâu mới lại thấy rồng đến nhà tôm” – ông hay nói đùa câu này với khách, hình thức là khiêm tốn nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông tỏ ra kém cạnh với đời. Ông bình thản đón nhận mọi cái vui – buồn – được – mất bởi ông thường nói cuộc đời như đã được tạo hóa lập trình sẵn. Mưu sự tại nhân nhưng thành sự thì lại tại thiên mà.

Có lẽ rất ít người như ông, đến lúc này mà không dùng điện thoại di động, không dùng máy tính, chỉ một chiếc điện thoại bàn và chiếc ipad nhỏ. Ông muốn đầu óc được thảnh thơi không bị nhiễu.

Sau chén trà ướp sen, ông đốt ít trầm trong chiếc đỉnh nhỏ. Chúng tôi trò chuyện về nghệ thuật, khoa học vật lý, tâm linh… Tôi dạy học coi như ngoại đạo với ông bạn điêu khắc, nên muốn biết vì sao ông bần thần nhìn mấy cái lọ mà lẽ ra ngồi trước sản phẩm mỹ thuật ông phải vui mới phải lẽ.

– “Cũng vào một ngày cuối năm như hôm nay – Ông bắt đầu nói, tôi đến chợ Gốm Vân Hồ. Vào một gian hàng, tôi đảo mắt qua bao nhiêu chiếc lọ nhưng vẫn chưa tìm thấy cái nào vừa mắt. Bỗng trên cái kệ ở một góc khuất, tôi thấy một chiếc lọ đổ men chảy, cổ lọ vặn vẹo rất duyên và có chủ ý, bụi đã phủ một số chỗ ở thân lọ (chắc lâu không có ai đụng đến) (H1). Tôi hỏi giá.

Ông chủ cửa hàng nói một giá khá cao so với các chiếc lọ cùng cỡ. Tôi rút tiền trả vì cái đẹp thường có giá hơi đặc biệt.

H1
H2

Một vài hôm sau, con trai tôi làm việc tại Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa – Thông tin nói là phải đến Triển lãm Vân Hồ ngay để tham gia giải quyết vụ một ông chủ người Trung Quốc vừa đột tử vì bệnh tim. Thoáng một linh cảm xấu, tôi đi theo. Người nằm bất động trên sàn không ngờ lại chính là ông chủ cửa hàng bán lọ cho tôi hôm trước.

Mọi thủ tục pháp lý nhanh chóng làm xong để vợ ông vừa từ Trung Quốc sang nhận thi hài chồng về an táng.

Thật đau xót cho ông ta, cuối năm mọi người thường mang những khoản tiền thu được từ những ngày vất vả làm ăn ở phương xa về sum họp gia đình, còn ông lại trở về cùng một cỗ quan tài lạnh lẽo.

Mới đó mà đã gần 20 năm, cứ nhìn cái lọ là tôi lại nghĩ: tuy nó nhỏ bé vô tri nhưng vì nó đã gắn bó với việc sống chết của một con người nên đã để lại ấn tượng lâu dài cho tôi dù tôi với ông ta mới biết nhau qua mấy phút trao đổi mua bán”.

Tôi thấy người kể thoáng một vẻ buồn khó tả, vẻ mặt ông khác hẳn như lúc ông thấy tôi vừa đến. Cầm chiếc lọ thứ hai, thân như một quả lê, miệng lọ ngắn và nhỏ xíu (H2). Lọ chỉ cao độ 35 phân nhưng nặng trĩu. Tôi hỏi: “Cái này có chuyện gì không?”

– “Có đấy. Tôi làm điêu khắc nên thấy hình khối chiếc lọ là lạ, cầm thấy nặng vì nó được nặn (và vẽ) bằng tay chứ không phải rót khuôn (và in đề-can) như loại hàng sản xuất hàng loạt. Tôi hỏi mua. Ông chủ đòi giá cao. Tôi bỏ đi định bụng xem chỗ khác có cái nào hay hơn không đã. Lúc sau quay lại, ông chủ lạnh lùng bảo lọ đã bán rồi. Thế đấy. Không mua thì không sao nhưng cái gì đã định mua mà người khác mua mất thì lại ngẩn ngơ tiếc rẻ và có cảm giác như vừa mất một cái gì”.

Sốt ruột quá, tôi hỏi: “Thế sao nó lại ở đây, người ta làm hai chiếc giống nhau à?”

– “Không. Độc bản. Là thế này, hồi tôi ở Bảo tàng Mỹ thuật, tôi rất thích bức Xưởng đóng tàu Hải Phòng của Nguyễn Cương. Bố cục chặt chẽ, trời đất dát bạc sang trọng, phủ chiếm phần lớn mặt tranh. Tôi bèn bảo cậu Hoàng Hoa Cương đi cùng đến nhà Nguyễn Cương phỏng vấn, ghi chép để Hoa Cương – nhà báo, viết bài về Nguyễn Cương – họa sĩ, người từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và sau đó được sang tu nghiệp ở Đại học Mỹ thuật Budapest, Bulgari.

H3: Phác theo trí nhớ
H4

 

Xong việc, nhìn lên nóc tủ, tôi sửng sốt ngạc nhiên cùng xen lẫn vui mừng vì thấy chiếc lọ mà tôi mua trượt không hiểu sao yên vị trên đó.

Nguyễn Cương như đoán được tâm trạng, anh cười vui vẻ: “Hôm anh đang hỏi xem chiếc lọ, thì tôi cũng mua hàng ở gian bên cạnh. Thấy anh bỏ đi, nhìn thấy chiếc lọ tôi cũng thích lắm nên hỏi mua ngay”. Có lẽ anh có duyên với nó nên hôm nay tình cờ anh qua đây và gặp lại nó. Nên tôi biếu anh đấy”.

Tôi từ chối. Thấy chủ nhân cương quyết… cho, tôi bèn nhận nhưng đưa số tiền mà anh Cương đã trả cho cửa hàng. Nguyễn Cương vẫn từ chối đây đẩy. Tôi cảm ơn và định bụng nhất định sẽ có dịp hậu đáp anh bạn hào phóng, ứng xử lịch sự và đầy chất nhân văn này.

Một thời gian sau, thấy thông báo trên Tạp chí Hội mới biết Nguyễn Cương đã ra đi đột ngột… Bất ngờ và xúc động quá, tôi bèn nhờ bà xã mua đồ lễ đến viếng người họa sĩ đẹp trai, hiền lành, lịch lãm này. Tiếc là người tài hoa như thế không may lại gặp số đoản mệnh! Cái lọ này tôi coi như một “di vật” của Nguyễn Cương còn mãi trong cuộc đời này và trong ký ức của tôi”.

Mặt ông bạn điêu khắc đột nhiên lại trầm xuống, làm tôi cũng buồn theo. Tôi muốn gạt đi cái tâm trạng hoài niệm không vui này, tôi cầm tờ giấy có vẽ một chiếc lọ hình quả dưa bằng miệng lọ nhỏ xíu như một cái núm (H.3) và hỏi: chiếc lọ này mọi hôm tôi thấy bày ở chỗ kia mà sao hôm nay không thấy?

– “Một anh bạn trẻ mới mua được một bộ bàn ghế kiểu cũ, anh muốn tôi nhượng lại một trong vài ba chiếc lọ gốm để đặt bên cạnh. Trong đó có chiếc lọ to thân có hình vẽ cành đào lồng cạnh một cành mai trắng tinh khiết (H.4). Hai loại hoa này chỉ nở vào dịp Xuân nên Tết năm đó cả nhà tôi thấy vui vì trong nhà như đã có hoa mai, hoa đào nở rộ.

Tôi từ chối khéo vì những chiếc đó đã sống và là bạn với tôi quá ba thập kỷ rồi, nay mất đi là mất một mảnh tình trong dĩ vãng.

Trần Tuy – Tác giả Phạm Đình Thiết. 2009. Ký họa bút sắt

 

H5

 

Với tôi, từ chối yêu cầu của người khác thật rất khó khăn. Để bù lại, tôi đưa ra mấy cái lọ khác, để cái nào anh thích tôi sẽ tặng ngay. Anh ta chỉ vào một chiếc nhỏ hơn nhưng cũng khá độc đáo.

Tôi hỏi: Cuối cùng rồi thế nào?

– “Tôi gật đầu và bảo: Chiếc lọ này trông không có gì nổi bật nhưng như có duyên ngầm nên đã từng có một nhà điêu khắc (tôi), một họa sĩ (Lê Huy Tiếp) và một nhà sưu tầm (tức anh ta) đều “chấm” nó.

(Tại sao lại có Lê Huy Tiếp ở đây, là thế này: Có lần đến tôi chơi, nhìn thấy chiếc lọ này, Tiếp ồ lên vui vẻ, thì ra trước đó chính anh cũng đến chợ gốm này (ở bên Ô Cách – Gia Lâm). Anh ta định mua nhưng vì một lý do rất nhỏ về hình vẽ mà anh không lấy.

Còn tôi sau đó cũng đến đây, cũng nhìn ra cái lỗi nhỏ nhưng vì thấy không đáng kể nên tôi mua mà không biết Huy Tiếp trước đó cũng đã từng lưỡng lự định mua nó rồi).

Quả thật nghệ thuật nó có tiêu chuẩn của nó. Đã đạt đến độ đẹp thì ai cũng nhìn ra.

Ông đã đi qua những cung bậc của cảm xúc, tôi không muốn hỏi gì thêm thì chính ông lại hỏi:

– “Ông có thấy cái lọ nhỏ màu nâu kia không? Tôi làm ở Phù Lãng đấy.

Những năm trước đây, mỗi khi nổi hứng, tôi, cùng hai bạn Quân, Kinh rủ nhau phóng xe máy đi (và về) gần 150 km lên Phù Lãng làm tượng hay lọ gốm. Chiếc lọ này tôi làm từ cảm hứng khi đọc một số bài thơ Haku, đó là một dòng thơ cổ của Nhật Bản, ý thơ rất Thiền, súc tích và đặc biệt là rất ngắn”.

Ông hãy đọc thử một vài bài mà ông nhớ nhưng phải rất Haku đấy. Tôi cũng có mấy tập thơ Haku có cả hình vẽ của chính các họa sĩ Nhật vẽ phụ họa nữa kia.

– “Tất nhiên. Đây nhé: Sông Hô-ô-xê nước rất nông/Đứng giữa dòng vẫn còn chưa ướt váy/ Hỏi…

Ngoa quá! Ông đọc tiếp đi, hay đấy!

Từ trái sang: Nhà điêu khắc Trần Tuy, Nhà Hồ Chí Minh học: Sơn Tùng, một nhà phong thủy trẻ,  tượng bán thân Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, tác giả bài viết Phạm Đình Thiết – trong dịp đến thăm nhà điêu khắc năm 2008.

– “Hỏi một người lòng cũng nông như vậy/ Làm sao tôi có thể yêu sâu”. Một bài khác: Tiếng ve kêu ran ran/ như tan vào trong than đá/ Ôi sao tĩnh lặng quá. Hoặc ngắn hơn nữa nhé: Ao xưa/Con ếch nhảy vào/Tiếng lao xao. Chính bài này gợi hứng cho tôi làm chiếc lọ. Ông trông đây. Nửa dưới tôi để nguyên màu đất nâu sậm, rồi lấy lược gãi nhẹ mấy đợt sóng mỏng, dăm ba chỗ nổi cộm lên hình mấy chú ếch con, con lớn nhất cũng chỉ bằng cái móng tay. Phía trên bôi men màu nước dưa, trên mặt nổi lên một con bò sát đuôi dài và một con rắn như đang đuổi lũ ếch (H.5)

Để có chiếc lọ bền vững, tôi làm thân lọ dày gần 2 phân nên lọ nặng trình trịch để trên bàn sẽ không xê dịch hoặc rạn vỡ khi va chạm.

Về Hà Nội tôi không về nhà ngay mà tạt qua cơ quan khoe ngay với họa sĩ Trương Hạnh. Anh cứ ngắm nghía, nâng lên đặt xuống mãi. Tôi nghĩ giá mình làm 2 chiếc na ná nhau thì hôm nay đã có thể tặng bạn rồi. Thôi có dịp lần sau sẽ làm vậy. Tiếc là sau đó Hạnh bị trọng bệnh không qua khỏi – Quân mấy năm sau cũng ra đi, còn tôi cũng bị tai biến, mọi dự định đều ngưng. Có lẽ đấy là chiếc lọ cuối cùng tôi làm ở Phù Lãng, bây giờ cứ nhìn chiếc lọ là tôi lại nhớ đến Phù Lãng, nhớ đến Mạnh Quân, đặc biệt nhớ đến Trương Hạnh – người họa sĩ từng thích cái lọ. Ông có cái tên mà lúc mới nghe tôi tưởng là phụ nữ. Ông có tiếng cười hào sảng và đối xử với các bạn trẻ trong cơ quan như một “đại ca” thứ thiệt”.

*

Chúng tôi tiếp tục uống trà trong im lặng. Hai người đang theo đuổi một suy nghĩ riêng tư thầm kín. Mấy giọt mưa Xuân phả vào mặt lành lạnh. Ông bạn tôi lấy chiếc ấm có tay cầm ngang như ấm cổ tặng tôi cùng vài bông sen đầu buộc lại để giữ những cọng chè ướp trong đó.

Buổi trò chuyện cuối năm này với nhà điêu khắc Trần Tuy thật là đáng nhớ. Nó làm tôi suy tưởng: Không chỉ con người mà ngay những đồ vật sống cùng ta, nó đều ẩn chứa những kỷ niệm, những dấu ấn khó quên, nó không là những khối vật chất vô tri, vô hồn nữa. Nó như một người bạn câm lặng nhưng trung thành, thân thiết suốt cuộc đời.

Đường phố Hà Nội trong những ngày áp Tết như rộng ra. Từ trái tim lớn của cả nước, những người con xa quê đang trở về từng tổ ấm. Phố Hàng Trống – nơi tôi ở, cũng không nhộn nhịp như mọi ngày.

Hà Nội những ngày Tết cổ truyền trở lại đúng cái vẻ yên bình, cổ kính của nó vốn đã có hàng ngàn năm.

Phan Đình Thiết  

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

KỶ NIỆM 102 NĂM NGÀY SINH HỌA SĨ VĂN GIÁO (6/10/1916 – 6/10/2018): VĂN GIÁO TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG

  Nói về gia tài nghệ thuật của họa sĩ Văn Giáo, người ta luôn kính trọng bởi sự đa dạng trong các tác phẩm của Ông. Ở đó người xem thấy được những khoảnh khắc lịch sử hào hùng dân...

Sưu tập tranh kháng chiến nhân xem bộ sưu tập của Nguyễn Phi Hùng

Người chơi tranh, sưu tập tranh ở nước ta xưa nay thường có một trình tự sưu tập, cho dù chỉ là một trình tự mang tính tương đối, nhưng ít khi bị đảo ngược-như sau: Đầu tiên: Tranh hoa, tranh...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 313&314 tháng 1-2/2019

...

SÁNG TẠO

Dưới đây là nội dung hai tiêu mục rút trong bài viết mang tiêu đề “Sáng tạo” của giáo sư, nhà bác học Tạ Quang Bửu (1910-1986). Bài đã được xuất bản trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1983,...

KẾT QUẢ PHIÊN ĐẤU GIÁ "HỌA SĨ VÀ NGHỆ THUẬT VIỆT NAM" TẠI NHÀ ĐẤU GIÁ AUGTTES

  Kết quả phiên đấu giá “Họa sĩ và Nghệ thuật Việt Nam” ngày 30 tháng 9 năm 2021 tại nhà đấu giá Aguttes (Neuilly-sur-Seine, Pháp) với 6 kỷ lục thế giới mới Cuộc đấu giá dành riêng...