BA BỨC TRANH TRONG DINH ĐỘC LẬP

 

Khách đến Dinh Độc Lập để tham quan dễ nhận ra rằng đến đây không chỉ để xem và hiểu về một tòa nhà làm việc của chính quyền chế độ cũ, mà còn có dịp ngắm nghía một công trình kiến trúc quan trọng và có tầm cỡ, được xem cách bày trí nội thất của một dinh thự cao cấp nhất của một quốc gia, và những tác phẩm mỹ thuật của một thời.

Tác phẩm sơn mài cực lớn “Bình Ngô đại cáo” của hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh bày trong Dinh Độc Lập đã được đề cập đến trong tập 1 cuốn “Sài gòn chuyện đời của phố”. Ở đây, xin giới thiệu tiếp ba bức tranh hiện đang trưng bày tại Dinh thự này.

 

BỨC QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG

Trong phòng Khánh tiết Dinh Độc Lập có một bức tranh lớn, có chiều dài 5,4m và chiều rộng 2,34m. Bức tranh có tên là “Quốc Tổ Hùng Vương”. Đây là cái tên thường dùng, tuy nhiên lúc đầu, tác giả đặt tên cho tranh là “Việt Nam Quốc Tổ”. Người sáng tác bức tranh này là họa sĩ Trọng Nội.

Họa sĩ Trọng Nội tên thật là Trần Trọng Nội,  được xem là thủy mặc gia Việt Nam. Ông chuyên thực hiện tranh bích họa đắp nổi cho các cơ sở tôn giáo. Ông là tác giả bức “Phật Đản” tại chùa Phổ Quang, hai bức “Hội nghị Diên Hồng” và “Bạch Đằng Giang” ở đền thờ Trần Hưng Đạo, bức “Hội hoa nghiêm” cao 2,5m, dài 8,5m tại chùa Kim Cương, đường Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu). Bức “Bồ tát Quảng Đức tự thiêu” cao 2m được vẽ bằng máu của chư Tăng Ni, Phật tử, do ông vẽ năm 1963 giữa mùa pháp nạn đặt tại phòng Khánh tiết của chùa Quan Thế Âm.

TRỌNG NỘI – Quốc Tổ Hùng Vương. 1966. Màu nước. 5,4×2,34m

Trọng Nội sinh năm 1924 tại Hà Nội. Sở trường của ông là thủy mặc, vẽ mực tàu trên giấy bản, đề tài là hoa lá chim muông ghi lại cảnh sinh hoạt. Ông vẽ tranh về đề tài các trận đánh cổ xưa, trên giấy bản, mực tàu điểm xuyết bằng màu điểm xuyết màu hồng xạ, hoa hiên, chu sa nguyên chất thuần túy dân tộc… Từ  năm 1957, ông chuyển hướng thực hiện tranh đắp nổi bằng xi măng. Ngoài ra còn khắc chân dung và phong cảnh trên ngà voi.

Ngày 22 tháng 6 năm 1966, họa sĩ Trọng Nội gửi thư đến Phủ Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương và Kiến trúc sư trưởng Ngô Viết Thụ là tác giả đồ án Dinh Độc Lập để xin tặng tác phẩm “Việt Nam Quốc tổ” để trưng bày trong Dinh Độc Lập mới xây xong. Trong thư ông nêu: “Tác phẩm kể trên tượng trưng ý nghĩa đề cao dân tộc Việt Nam, tôi ước mong được góp phần bé nhỏ vào công trình kiến trúc Dinh Độc Lập, nhân dịp khánh thành…”. Ngay trong ngày hôm đó, ban trang trí Công trường Dinh Độc Lập sau khi nhận thư, đã có ý kiến ngay với các vị được nêu trong thư: “Nhận thấy đây là một tác phong cao đẹp của một nghệ sĩ chân chính, nghèo tiền nhưng không nghèo lòng, sẵn sàng đóng góp phần mình vào kho tàng nghệ thuật quốc gia bằng một hy sinh lớn lao. Ban tôi trân trọng xin quý vị sớm cho biết tôn ý về vấn đề nêu trên, để việc sử dụng bức tranh, trong trường hợp thuận lợi, khỏi bị chậm tr”.

Bức “Quốc Tổ Hùng Vương” của họa sĩ Trọng Nội đặt tại phòng Khánh Tiết, Dinh Độc Lập

 

Họa sĩ Trọng Nội

Bốn ngày sau, KTS Ngô Viết Thụ gửi một bức thư đến quản đốc công trường Dinh và Phủ chủ tịch Ủy ban hành pháp cho biết là ông “hết sức hoan hô nghĩa cử đó của họa sĩ” và đề nghị ra lệnh đóng gấp một cái khuôn dành cho bức tranh.

Bức tranh này được họa sĩ Trọng Nội hoàn thành đúng bốn tháng sau ngày viết thư đề nghị hiến tranh, ngày 22/10/1966, và kịp trước khi khánh thành 9 ngày. Tranh ghép gồm 8 tấm cốt gỗ, dán giấy xuyến chỉ phủ bề mặt. Họa sĩ Trọng Nội thể hiện tranh bằng chất liệu màu nước, diễn tả nhân vật và không gian theo lối đồ họa, chủ yếu diễn tả bằng nét, điểm màu có tiết chế. Nhân vật trung tâm được vẽ lớn hình ảnh đức Quốc Tổ Hùng Vương đang ngồi rất uy hùng giữa hai hàng văn võ bá quan, tay phải ông đang cầm bút viết hai chữ “Văn Lang” ( bằng chữ Hán) quốc hiệu đầu tiên của nước Việt Nam, tay trái ông cầm mũi tên. Hậu cảnh vẽ cách điệu hoa văn sóng nước và mây. Mặt trước bệ gỗ đặt ghế ngồi có chữ “VIỆT NAM QUỐC TỔ”. Góc trái của bức tranh có đề tên tác giả “Trọng Nội” bằng chữ Hán ở trên, chữ Việt ở dưới, giữa là dấu triện màu đỏ. Góc phải của bức tranh có chữ “31-10-1966”, dưới là chữ “VIET NAM”.

Sau đó, khuôn bức tranh đã được đặt chính họa sĩ Trọng Nội thực hiện với chi phí trị giá 106.000 đồng (trị giá 1 USD năm 1966 khoảng 80 đồng). Khung thể hiện bằng sơn mài màu vàng và đen, màu đen nhạt và đậm dần ra mép khung. Bản khung rộng một tấc, dày nửa tấc, phần đỡ khung tranh rộng 4cm. Trang được hai bo trên và dưới, bọc vải tơ tằm màu vàng nhạt và đỏ sậm.

Hiện nay, tranh vẫn được treo ở vị trí cũ, màu đã bị bạc theo thời gian. Bức tranh với phong cách, màu sắc và hình tượng cổ điển, gợi lên không khí cổ xưa đầy huyền thoại.

BỨC SƠN HÀ CẨM TÚ

Trong buổi lễ khánh thành ngày 31 tháng 10 năm 1966, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ khi trình bày về những điểm chính của đồ án Dinh Độc Lập đã dẫn bức tranh “Sơn hà cẩm tú” do mình vẽ để nói lên quan điểm về kiến trúc của ông: “Như bức tranh Sơn hà cẩm tú mà chúng tôi đã vẽ để trang trí phòng đại yến của dinh này để nói lên sự cố gắng dùng một chất liệu, và kỹ thuật kim thời nếu không nói là Âu Mỹ để diễn tả một tâm hồn Việt Nam mà quý vị sẽ thấy trong phòng ăn lớn, tóm tắt các khuôn phép mà chúng tôi đã dùng khi nghiên cứu phối hợp Dinh này. Chúng tôi muốn đánh dấu trang sử giành độc lập của dân tộc trong các công trình có tánh cách văn hóa bằng cách thực hiện tác phẩm bằng vật liệu đương thời với tất cả phương thức của nó…”.

NGÔ VIẾT THỤ – Sơn hà cẩm tú. 1966. Sơn dầu. 7mx2m

 

Bức tranh “Sơn Hà Cẩm Tú” của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ hoàn thành năm 1966.

 

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ

Bức tranh này, với phong cách tranh sơn thủy, thể hiện phong cảnh đất nước Việt Nam đồng hiện trong bức tranh các sắc thái riêng biệt của ba miền Bắc Trung Nam. Phía bên trái của tranh là phong cảnh miền Bắc với núi non trùng điệp, giữa là miền Trung với cảnh Ngọ môn Huế và bên phải là miền Nam với đồng bằng và sông ngòi. Phía trên bên trái của tranh có hai câu thơ bằng chữ Hán: “Cẩm tú sơn hà, thái bình thảo mộc” tạm dịch là: “Non sông gấm vóc, cây cỏ thái bình”. Góc dưới bên phải của tranh có bút tích của tác giả. Bộ tranh đồ sộ không kém các họa phẩm khác trong dinh, ghép lại từ 7 bức nhỏ, mỗi bức dài 2m và rộng 1m. Toàn tranh dài 7m, rộng 2m. Bức tranh hoàn thành năm 1966 được treo trước khi khánh thành dinh.

Tuy được vẽ theo lối thủy mặc, bức tranh này lại được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ bằng chất liệu sơn dầu hiện đại, chất sơn pha loãng hoặc đặc tùy theo nhu cầu vẽ khu vực phóng túng hay công bút. Có lẽ đó chính là điểm mấu chốt ông nhắc tới khi phát biểu như trên (dùng một chất liệu, và kỹ thuật kim thời nếu không nói là Âu Mỹ để diễn tả một tâm hồn Việt Nam). Khung tranh bằng gỗ phủ sơn màu xanh lá mạ, sau đó thếp vàng, viền khung bên trong màu cánh dán. Ở góc dưới bên phải của tranh có bút tích của tác giả: “Ngo Viet Thu 1966”.

 

BỨC HAI NÀNG KIỀU

Bức tranh này xuất hiện tại Dinh Độc Lập khá muộn, do họa sỹ Lê Chánh hoàn thành vào năm 1974 và được treo tại đầu hành lang lầu 3 của dinh. Hiện nay, tranh vẫn được treo ở vị trí như ban đầu.

Không có tài liệu nào cho biết bức tranh này được đặt mua hay được hiến tặng cho Dinh Độc Lập và duyên cớ xuất hiện bức tranh này tại đây sau khi khánh thành dinh tám năm sau. Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên toan. Kích thước tranh nhỏ so với các bức trên, chỉ dài 3,85m và cao 1,75m. Tính cả khung là 3,89m x 1,79m. Thành khung dày 9,2 cm. Tranh được lồng khung bằng gỗ, sơn véc ni màu nâu sậm. Góc trái của tranh có ghi tên tác giả và thời điểm sáng tác: “Lê Chánh 74”.

LÊ CHÁNH – Hai nàng kiều. 1974. Sơn dầu. 3,85mx1,75m

 

Họa sĩ Lê Chánh

Nội dung tranh vẽ hai thiếu nữ trong trang phục áo dài chiếm khoảng lớn vị trí phía bến trái bức tranh, lớp cảnh giữa có hai nhân vật nam cùng hai tiểu đồng và một con ngựa trắng. Toàn thể là cảnh thiên nhiên, cận cảnh vẽ hoa cỏ, chim, hậu cảnh xa vẽ núi và trời. Thể hiện trọn vẹn đọan thơ tả cảnh hai chị em nhà họ Vương gặp Kim Trong trong truyện Kim Vân Kiều:

“Trông chừng thấy một văn nhân

Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

Đề huề lưng túi gió trăng,

Sau chân theo một vài thằng con con.

Chàng Vương quen mặt ra chào,

Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa.

Nguyên người quanh quất đâu xa,

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh”.

Tác giả đã Việt hóa cảnh này bằng cách cho hai nhân vật nữ mặc trang phục áo dài.

Họa sĩ Lê Chánh sinh năm 1940 tại Sài Gòn, học trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn từ năm 1959 đến năm 1964.

Qua thời gian, bức tranh “Hai nàng Kiều” đã bị rạn sơn, nhiều đường gập mặt sơn là dấu tích của tranh từng bị gấp lại.

Phạm Công Luận

(trích trong cuốn sách Sài Gòn chuyện đời của phố tập 3)

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

THỜI ĐIỂM NHÌN LẠI VÀ TÁI NHẬN THỨC

  Câu chuyện 10 năm hoạt động nghệ thuật của Nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn Lịch sử nghệ thuật tạo hình cho thấy, phần lớn hoạt động nghệ thuật của các nhóm nghệ sĩ...

Bùi Xuân Phái với mỹ cảm nude

  Trong hội họa, đề tài tranh khỏa thân phải trải qua nhiều thăng trầm và bị “soi” nhiều nhất, người thì thích xem, thích vẽ, người thì nói đến là lắc đầu và nói lảng sang...

BÙI TIẾN TUẤN: “VẼ KHỎA THÂN LÀ ĐỂ KHÁM PHÁ CÁC KHÍA CẠNH CỦA SỰ QUYẾN RŨ”

  Triển lãm và giới thiệu sách cùng tên Nguyệt sáng gương trong của Bùi Tiến Tuấn diễn ra tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM) từ ngày 23/5 đến 6/6/2021. Đây là cuốn sách tranh lụa khỏa...

Thanh Hóa thi sáng tác mẫu tượng đài Bà Triệu

NDO – Chiều 25/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ phát động cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng”. Quang cảnh lễ phát động...

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ, NHÀ ĐIÊU KHẮC TRẦN TUY: KHI NHÀ ĐIÊU KHẮC LÀM BÁO

    Tháng 7 năm 1996, tôi (Hoàng Anh) bắt đầu làm việc ở Tạp chí. Hồi ấy, Ban biên tập đông hơn bây giờ nhiều, toàn “cây đa, cây đề, cây cổ thụ”. Này nhé, nhà điêu khắc Trần Tuy là Tổng...