PHÁI KHÔNG PHỐ

 

Lịch sử hội họa Việt Nam hiện đại đã ngót một thế kỷ, biết bao họa sĩ của các thế hệ đã vẽ về phố cổ Hà Nội, nhưng đến hôm nay, người chuyên tâm và thành công nhất với phố cổ Hà Nội vẫn chỉ có Bùi Xuân Phái. Thế nhưng đã có lúc Bùi Xuân Phái “không vẽ phố”, Phái không phố, chỉ có chữ ký của Phái, đó là một kiểu tranh chữ, thư họa, tranh đại tự. Một chữ ký bằng bút to tràn trên bề mặt tranh, ẩn hiện bên dưới là phố, phố làm nền. Tranh và chữ ở trong nhau, bản thân chữ ký của Phái khi đứng độc lập đã thành tranh rồi. Bùi Xuân Phái còn có một đề tài khác là chèo nhưng tại sao ông không dùng “thư họa”, không ký lên một bức chèo nào mà lại ký lên phố? Họa sĩ nào cũng có một đề tài ruột của mình, những tác phẩm lớn của họ sẽ nằm trong đề tài ấy. Bùi Xuân Phái đã chọn phố để ký chồng lên trên là vậy chăng?

Như đã nói Bùi Xuân Phái là người chuyên tâm, người thành công nhất với đề tài phố cổ Hà Nội và thêm điều nữa, ông là người đầu tiên phát hiện ra vẻ đẹp của phố cổ Hà Nội, người đầu tiên đưa phố vào hội họa và có lẽ ông cũng là người cuối cùng làm cho Hà Nội có thêm một phố nữa: Phố Phái. Hà Nội sinh ra ông (Bùi Xuân Phái sinh ra ở làng Kim Hoàng, ngôi làng nổi tiếng với dòng tranh dân gian cùng tên, ngoại thành Hà Nội), và ông sinh ra “Phố Phái” tặng lại Hà Nội. Ngoài 36 phố phường, Hà Nội đã có một phố nữa, phố hội họa. Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội – rồng bay lên, địa linh nhân kiệt, tụ nhân, tụ thủy, tụ khí đẹp hơn nữa vì nó dung dưỡng cho nghệ thuật, tạo niềm cảm hứng cho nghệ sĩ.

BÙI XUÂN PHÁI – Tranh chữ ký. Khoảng 1980-1985. Sưu tập Apricot Gallery

Tôi không nghĩ Bùi Xuân Phái ký tên mình lên phố là ông muốn đặt tên cho phố của mình. Ký, đó là xác quyết một việc đã xong, đã hoàn thành, đã chấm dứt, có thể trong cuộc sống là vậy, nhưng nghệ thuật thì không. Nghệ thuật là sáng tạo, là tìm đường, là cuộc phiêu lưu tìm đường mới. Ngay cả với chính Bùi Xuân Phái, ở giai đoạn sáng tác cuối đời, ông vẫn tiếp tục kiếm tìm cách thể hiện phố theo một kiểu khác (thiên về trừu tượng) chứ ông không chịu đứng yên, không khoanh tay đứng ngắm mình. Mà cũng chả cứ trong nghệ thuật, cuộc sống luôn tuần hoàn, âm dương dương âm, ngày đêm đêm ngày, mưa nắng nắng mưa, xuân hạ thu đông… chẳng khi nào ngưng nghỉ. Vậy nên Kinh Dịch có 64 quẻ thì quẻ kết thúc (Thủy Hỏa ký tế) là quẻ 63, quẻ gần cuối cùng, gần kết thúc chứ không phải ký tế đã là cuối cùng-mà quẻ 64, quẻ cuối cùng là quẻ Hỏa Thủy vị tế có nghĩa là đi tiếp.

Hạnh phúc của Bùi Xuân Phái là ông đã làm ra một phố cổ Hà Nội rất riêng, nhưng hạnh phúc nhất chính là ông không dừng lại mà vẫn còn muốn kiếm tìm nữa, vẫn muốn đi tiếp nữa. Sáng tạo là thế, nghệ thuật là thế, chả bao giờ kết thúc. Phái là một quả núi với đề tài phố cổ Hà Nội, nhưng không có nghĩa rằng mọi nẻo đường đến với phố cổ Hà Nội đã bị bịt hết.

BÙI XUÂN PHÁI – Tranh chữ ký. Khoảng 1980-1985. Sưu tập Apricot Gallery

Bùi Xuân Phái là một quả núi nhưng khi chúng tôi đứng trước tấm toan để vẽ phố Hà Nội thì chúng tôi buộc phải coi Bùi Xuân Phái là một hạt cát. Hèn nhát và run sợ thì sẽ chỉ đến được phố của Phái, làm bản sao của Phái chứ không thể đến được với phố cổ Hà Nội. Tôi nghĩ, Bùi Xuân Phái cũng chả bao giờ muốn những người đi sau ông run sợ. Chính ông cũng muốn các họa sĩ khi vẽ phố cổ Hà Nội, hãy coi ông là hạt cát bởi vì thật giản dị rằng Bùi Xuân Phái không muốn bất kể ai giẫm vào vết chân của mình.

7/2020
Lê Thiết Cương

 

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực II (Đồng bằng sông Hồng) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...

TRANH VAN GOGH LẦN ĐẦU ĐƯỢC ĐẤU GIÁ TẠI HỒNG KÔNG

  Một bức tranh tĩnh vật sang trọng về hoa lay-ơn được bán với giá hơn 10 triệu USD Lần đầu tiên một bức tranh của Van Gogh được bán đấu giá ở vùng Viễn Đông bởi một trong những nhà...

Triển lãm của Yayoi Kusama tại Bảo tàng Hirshhorn

Bảo tàng điêu khắc Hirshhorn ở Washington, DC (Mỹ) sẽ kéo dài triển lãm “One with Eternity: Yayoi Kusama in the Hirshhorn Collection” của Yayoi Kusama cho đến ngày 16 tháng 7 năm 2023 thay vì dự kiến kết thúc...

Tưởng niệm Victor Tardieu

Tardieu (1870-1937) đã rẽ vào một khúc quanh định mệnh khi ông nhận được Giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine) (1) và một học bổng sang Đông Dương. Con trai ông, nhà thơ danh tiếng Jean...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT NGÀNH ĐỒ HỌA – KHU VỰC I (HÀ NỘI) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

    GIẢI C: Tác giả: NGUYỄN VĂN VINH (Hà Nội). Tác phẩm: Nhận diện thương hiệu Wind Coffe. Chất liệu: Logo                        ...