TRONG THẾ GIỚI ĐỒ VẬT CỦA NGUYỄN TRỌNG KHÔI

Về cả thể loại và bút pháp, Nguyễn Trọng Khôi là họa sĩ đa dạng và đa đoan. Về tư duy, ông đi từ hành trình biểu ý đến biểu hình, rồi cả phi biểu hình, trừu tượng. Nhìn vào các hành trình của ông, mảng tranh tĩnh vật có sức nặng về bút pháp, có sức hút về biểu hình.

Xem tranh tĩnh vật của Nguyễn Trọng Khôi dễ làm chúng ta nghĩ về tiểu thuyết Les Choses (Đồ vật) của nhà văn Georges Perec (1936-1982). Ông đã mất hơn 5 năm để viết nên tiểu thuyết chưa đầy 200 trang này, với tên gọi đầu tiên năm 1965 là Les Choses: Une histoire des années soixante (tạm dịch: Đồ vật: Lịch sử thập niên sáu mươi). Georges Perec cho rằng đồ vật làm nên lịch sử, chứ không phải lịch sử làm nên đồ vật.

Với đồ vật, Georges Perec dùng phương pháp liệt kê, liệt kệ và liệt kê, mà không theo một cốt truyện nào cả. Nó chỉ là những chuyện vặt vãnh ngày thường của đôi bạn trẻ sống tại khu chung cư Simon Kryubele (Paris), nơi đồ vật cứ nhiều lên, có nguy cơ xâm chiếm cả con người. Nói Georges Perec đề cập, ca ngợi, hoặc lên án chủ nghĩa đồ vật (chosisme) đều được. Tranh tĩnh vật của Nguyễn Trọng Khôi có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, thi vị hơn, nhưng cũng có những biểu hiện của chủ nghĩa đồ vật như vậy.

NGUYỄN TRỌNG KHÔI – Calla Lily trắng và những trái mận. 2005. Sơn dầu. 40,6×50,8cm

 

NGUYỄN TRỌNG KHÔI – Tĩnh vật hoa, sách và pipe. 2003. Sơn dầu. 35,5×45,7cm

 

NGUYỄN TRỌNG KHÔI – Calla Lily tím. 2004. Sơn dầu
Nhà sưu tập Nguyễn Chí Sơn

Nếu Nathalie Sarraute, Alain Robbe-Grillet, Georges Perec… nặng về tính vô tri và xâm chiếm của đồ vật với con người, thì Trần Dần, Nguyễn Tuân…, và Nguyễn Trọng Khôi luôn gián tiếp gán nghĩa cho đồ vật. Họ vẫn theo mỹ cảm kiểu Việt Nam: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” – Truyện Kiều.

Trong một cuộc phỏng vấn, Nguyễn Trọng Khôi cho biết: “Thói quen, đôi khi cũng khiến mình bị chi phối. Tôi có nhiều năm làm việc với minh họa đã đẩy tôi vào những quanh co của diễn đạt, vì thế có một dạo người ta thấy tranh của tôi bao giờ cũng mang đầy ý nghĩa, nó gần với tính văn học, mà bản thân hội họa không làm công việc chuyên chở đó. Tôi đã mất nhiều thời gian để vượt qua”.

Trong một bài phỏng vấn khác, Nguyễn Trọng Khôi quyết liệt hơn. Ông nói:  “Hãy loại bỏ đi những thói quen nhìn sự vật như con người, cái bàn cái ghế, bông hoa, hoa này, hoa kia…, để  nhìn ngắm những cấu tạo ngẫu nhiên, lâu dần sẽ hiểu được ngôn ngữ thầm kín đó. […]. Cũng có rất nhiều trường hợp các tác giả đã lồng vào hội họa những ý nghĩa này nọ, và điều đó đã trở thành một sự quen thuộc không thể chữa được”. Tuy nhiên, nói là một chuyện, còn làm lại là một chuyện khác. Tranh tĩnh vật của ông là một ví dụ cho nỗ lực “vượt qua” đó, nhưng nó vẫn còn phảng phất phần ý nghĩa, “mờ mờ nhân ảnh”, nên khá thú vị.

NGUYỄN TRỌNG KHÔI – Những trái mận. 2004. Sơn dầu. 40,6×50,8cm
NGUYỄN TRỌNG KHÔI – Những chiếc lọ. 2004. Sơn dầu. 40x60cm. Sưu tập Nguyễn Chí Sơn, Ninh Thuận
NGUYỄN TRỌNG KHÔI – Giao khúc. 2017. Sơn dầu. 100x100cm. Sưu tập Nguyễn Chí Sơn, Ninh Thuận
NGUYỄN TRỌNG KHÔI – Tĩnh vật. 2003. Sơn dầu. 81,8×86,3cm

Tại sao Nguyễn Trọng Khôi mạnh về tĩnh vật? Không hỏi trực tiếp, nên không biết ý kiến của ông thế nào. Nếu nhìn lại hành trình cầm cọ và những quan niệm đã chia sẻ đây đó, có lẽ nó đến từ mấy khía cạnh. Đầu tiên, khi còn là sinh viên mỹ thuật, Nguyễn Trọng Khôi đã nổi bật với khả năng vẽ khảo họa, vẽ tỉa tót với độ chuẩn xác cao, đôi khi như bản vẽ kỹ thuật. Thứ hai, khi đi làm minh họa cho báo chí từ thập niên 1970, ông đã chú tâm tìm hiểu và ứng dụng các kỹ thuật đồ họa, nên phần giải phẫu hình thể có khác về không gian, cấu trúc so với hội họa trước đó. Thứ ba, ông viết văn làm thơ, viết nhạc, ca hát…, nên tự nhiên “chất văn nghệ”, “chất văn học” cứ bàng bạc trong hội họa, đến tĩnh vật – do đặc trưng “vô bố úy” của thể loại này – thì những điều này được lược giản tối đa, chất hội họa được lên ngôi.

Xem các thể loại khác, người ta “nhìn thấy” Nguyễn Trọng Khôi rõ quá, mà đôi khi rõ chưa chắc đã thi vị, cuốn hút. Kiểu như Nguyễn Trọng Khôi vẽ siêu thực vì đọc quá nhiều những câu chuyện dân gian đầy tính siêu thực của xứ sở vậy. Trong khi với tĩnh vật, Nguyễn Trọng Khôi “giấu” được mình một phần, rõ ràng đấy, mà ẩn hiện đấy. Nói như A.P. Chudakov (1938-2005): “Mọi nghệ sĩ đều nói bằng ngôn ngữ đồ vật của thời đại mình”.

Nguyễn Trọng Khôi cũng vậy thôi.

Lý Đợi

 

 

Tin cùng chuyên mục

20 năm nghệ thuật đương đại Việt Nam

Hiện nay, nhà nước cũng tạo điều kiện cho nghệ sĩ trên cơ sở tiếp thu, tìm tòi, phát hiện cái mới để đưa ra những tác phẩm phong phú và đa dạng nhưng cũng không quên việc gìn giữ bản sắc...

Hiện thực và Siêu thực: Hai trạng thái của vòng lặp

Trong nghệ thuật biểu hình, hiện thực và siêu thực là hai ngôn ngữ thể hiện rất rõ cách nhìn về đời sống và thế giới nội tâm của mỗi họa sĩ. Triển lãm Vòng lặp khai mạc vào ngày 30/5 vừa...

Hiểu và suy cảm về nghệ thuật trừu tượng

Chúng ta khảo sát qua về định nghĩa khái niệm trừu tượng. Theo “Từ điển tiếng Việt”: Nghĩa một trừu tượng (thuộc tính, quan hệ ) được tách ra trong tư duy con người khỏi các thuộc tính, các...

Hiện thực và Siêu thực: Hai trạng thái của vòng lặp

  Trong nghệ thuật biểu hình, hiện thực và siêu thực là hai ngôn ngữ thể hiện rất rõ cách nhìn về đời sống và thế giới nội tâm của mỗi họa sĩ. Triển lãm Vòng lặp khai mạc vào ngày 30/5...

HANOI MINIPRINT 2021 – KÍCH THƯỚC NHỎ, NGUỒN CẢM HỨNG LỚN

  Miniprint – tranh in kích thước nhỏ là một trong những thể loại tranh được các nghệ sĩ đồ họa vô cùng quan tâm. Các triển lãm miniprint thế giới nhiều thập kỷ nay đã trở thành triển lãm...

Tin cùng chuyên mục

Họa sĩ Trần Văn Cẩn – Một thời Hà Nội

Trần Văn Cẩn tìm cái thú thầm lặng trong hội hoạ như người đãi cát tìm vàng, mò trai dưới biển. Và ngọc trai của ông là màu sắc, là hiệu quả ánh sáng của hai màu đặt bên nhau. Một xe ngựa...

Bùi Trang Chước – Một bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc và đồ họa ứng dụng

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh,...

Họa sĩ Hoàng Công Luận sự nghiệp sáng tác và đào tạo

Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất...

Tháng ba của Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân

Khi những ngày đông tháng giá đã lùi vào phía sau nhường những tia nắng chan hòa khắp phố phường Hà Nội thì 16 Ngô Quyền có lịch triển lãm của hai nữ tác giả mang tên “Tháng Ba”. Trần Thị...

MARK ROTHKO – Hiện thực của họa sĩ

  Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên cuốn sách được viết ra bởi một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông đã thiết lập nên hình thái hội họa trừu tượng màu (hay chính xác...

Có thể bạn quan tâm

Khoe sắc bên nhau

  Khoe sắc bên nhau, cả gốm Bát Tràng, Phù Lãng và Hương Canh cùng hiện diện nơi đây, cất lên những khúc ca khác nhau, không lạc nhịp mà cùng hoà điệu. Nếu Gốm Xuân rực rỡ, tươi thơm, trau...

SÁNG TẠO: CÁC TỰ SỰ CỦA NHỮNG BÁC HỌC LỚN

  (Tiếp theo Tạp chí Mỹ thuật số 339&340 tháng 3-4/2021) Các nhà bác học lớn là những người đã có những sáng tạo mà ai cũng công nhận. Sao không hỏi họ ? Vấn đề khó ở đây là không...

Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện “Cuộc thi và Triển lãm Mỹ...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VI (TP. Hồ Chí Minh) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...

NHIỆT CỦA MÙA XUÂN

  Ngày đang dài hơn, ấm hơn và sáng hơn ở Bắc bán cầu,dưới đây là 10 tác phẩm tranh, điêu khắc, bản in, trang sức mang hơi thở của mùa xuân, giới thiệu bởi Christie’s. Trong những thập kỉ...