Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn.
Trên địa bàn toàn tỉnh cũng như trong toàn khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên; trong giới họa sĩ, hầu như mọi người đều biết đến tên tuổi nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu. Mặc dầu, hiện tại, chị không còn trẻ nữa, sức khỏe bị hạn chế, rất bận rộn công việc gia đình, thế nhưng, chị vẫn luôn nỗ lực, cố gắng hăng hái sáng tác tác phẩm đều đặn, để tự thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng của mình, cũng như góp phần vào phong trào mỹ thuật của tỉnh nhà ngày càng phát triển. Chị là một họa sĩ, một nghệ sĩ mẫu mực, đầy tài năng, ham học hỏi.
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu
Chị luôn xứng đáng là một họa sĩ tiêu biểu, là một tấm gương sáng cho thế hệ họa sĩ trẻ trong phong trào mỹ thuật Gia Lai noi theo và học tập. Hiện tại chị là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, chị tốt nghiệp khoa sơn mài, Đại học Mỹ thuật Huế. Đặc biệt, chị là một trong những họa sĩ hiếm hoi trong khu vực sử dụng thuần thục kỹ thuật sơn mài truyền thống, một chất liệu dày công thực hiện và đầy tốn kém.
Với sự đam mê nghệ thuật của mình, cộng với tài năng sẵn có, chị đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao trong khu vực và toàn tỉnh, gây dấu ấn cá nhân đáng trân trọng. Giải C của Ủy ban Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam năm 2000. Giải Khuyến khích triển lãm mỹ thuật khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào các năm 2001, 2003, 2007, 2011. Giải Ba và Giải Khuyến khích triển lãm đề tài các dân tộc thiểu số phía Nam năm 2005. Giải A giải thưởng VHNT Gia Lai 5 năm (2010-2015). Giải C giải thưởng VHNT Gia Lai 5 năm (2015-2020). Giải A giải thưởng hội VHNT Gia Lai năm 2010. Giải B giải thưởng Hội VHNT Gia Lai năm 2012… Các tác phẩm tiêu biểu: Sức sống đại ngàn (sơn mài), Vào hội (sơn mài), Chiều cao nguyên (sơn mài), Lễ hội Pơ Thi (sơn mài)…
Đề tài Tây Nguyên luôn có mặt trong các tác phẩm của chị. Hình tượng các cô gái bản địa, những mái nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, tượng mồ, những cây rừng của đại ngàn, luôn ám ảnh trong dòng cảm xúc thẩm mỹ của chị, trong sự cuồng si về hiện thực Tây Nguyên, về cao nguyên đại ngàn, nơi chị đã không tiếc nuối cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình. Và, hiện tại, chị vẫn trụ lại nơi đây để sống, để tiếp tục bền bĩ sáng tác về đề tài này.
Nhà văn – nhà triết học người Pháp Albert Camus đã nói: “Lương tâm tội lỗi cần thú tội. Một tác phẩm nghệ thuật chính là lời thú tội”.
Hồ Thị Xuân Thu – Giao cảm
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu luôn bị ám ảnh bởi dấu ấn đại ngàn, chị yêu rừng, yêu cuồng si những con suối trong veo, yêu những tán cây rừng, yêu buôn làng, yêu những người con của núi rừng. Chị yêu Tây Nguyên đến mức cuồng nhiệt. Qua cảm nhận từ tác phẩm của chị, hình như đây chính là lời thú tội chân thành của chị.
Màu sắc trong các tác phẩm của chị luôn là những sắc đỏ tươi thắm làm chủ đạo, phối hợp tài tình với những màu đen tuyền, tạo nên những sắc nâu thâm trầm, u tịch. Trầm mặc, có khi gợi lên những cảm xúc buồn man mác như chính tâm hồn của chị, người con gái xứ Huế đầy mộng mơ, nhưng luôn hoài niệm, phiêu linh, tĩnh lặng.
Nghệ thuật tạo hình của chị là lối tạo hình hiện thực, nhưng chị không bao giờ tìm cách miêu tả sự thật hiển nhiên, mà là chị diễn tả hình ảnh sự thật được lý tưởng hóa. Chính vì vậy, tranh của chị luôn tạo cho người xem những cung bậc cảm xúc lạ lẫm, thi vị, khi thì xa xăm, trống vắng, khi thì chênh vênh, phiêu lãng, như những cô gái Tây Nguyên miên man dạo bước trên những sườn đồi.
Hồ Thị Xuân Thu – Mùa hoa xoan
Nghệ thuật tạo hình của chị khi thì mộng mị, hoang đường, bởi những hình tượng nhà mồ, tượng mồ, cây nêu, những vũ điệu cồng chiêng quay cuồng, khi thì nhạt nhòa, buồn tẻ với những tượng gỗ như ẩn chứa những linh hồn cô quạnh, cùng những ngôi nhà mồ u tịch, đưa ta lạc lối vào thế giới vĩnh hằng siêu nhiên, kỳ ảo.
Tây Nguyên mãi mãi là máu thịt, là hơi thở nồng nàn từ trái tim và tâm thức của chị. Nghệ thuật tạo hình của chị là một lối tạo hình mang phong cách hiện đại. Các tác phẩm của chị luôn có những bố cục được xây dựng , sắp xếp dàn trải rất hợp lý mang tính ước lệ, trang trí. Những vũ điệu cồng chiêng, múa xoan được khắc họa chi tiết, chân thực, hòa quyện với kỹ thuật sơn mài tinh tế, thuần thục, tạo nên những mảng màu có hòa sắc lạ lẫm, gây những hiệu ứng thẩm mỹ ấn tượng.
Như một sự vượt thoát ngoạn mục, cảm xúc hiện thực dâng trào nhiều cung bậc, tác phẩm của chị trở nên sống động. kỳ thú, lúc thì thấy bí ẩn, thi vị, lúc thì thấy mộng mị, hoang đường. Tây Nguyên trong tác phẩm của chị vừa xa lạ, vừa gần gũi, vừa thực. vừa ảo. vừa hiền hòa, vừa dữ dội.Những sơn nữ với đôi vai trần, ngực trần thánh thiện, hoan lạc, quyến rũ, phiêu du và tràn đầy sức sống. Tây Nguyên của chị là vậy, chị đã thể hiện đúng những dòng cảm xúc của chị luôn dồn nén trong suốt hơn ba mươi năm gắn bó, đau đâu trăn trở về nó.
Các tác phẩm của chị luôn thể hiện theo một bố cục kinh điển, chuẩn mực, hàn lâm. Tuy nhiên, nhiều lúc chị sáng tạo thêm một vài hình thể, động tác, mang đặc thù dấu ấn văn hóa bản địa, tạo nên một bố cục đầy sáng tạo, mới, rất gần với bố cục hội họa hiện đại. Từ đó, hiệu quả thẩm mỹ vươn đến đỉnh cao về không gian, thời gian, về hình thái ước lệ thẩm mỹ mà không cần phối hợp phô diễn bất cứ các thủ pháp diễn tả cầu kỳ, hoa mỹ nào.
Hồ Thị Xuân Thu – Sơn nữ
Qua tác phẩm Lễ hội Pơ Thi (sơn mài), chị đã thể hiện một phong cách hiện thực. Thông qua sự trình diễn thủ thuật cách điệu đầy trí tuệ, để rồi, tất cả những hình ảnh chuyển động, biến ảo, sự vượt thoát dâng cao làm thăng hoa tầng văn hóa lễ hội rộn ràng, đình đám để tâm thức dồn nén vượt qua mọi bản ngã tầm thường của đời sống thực, và rồi vươn đến những ý niệm lạc quan cao cả đầy mộng ảo. Các tác phẩm của chị luôn phủ bởi những sắc đỏ huyền diệu, các dãy núi xa xa được chị sử dụng những mảng màu xanh ngọc bích lạ lẫm, hoang dã, không gian trong tác phẩm lúc này được mở rộng ra, xa xăm, mịt mờ như hình ảnh thực của đại ngàn, mênh mông, kỳ vỹ.
Các tác phẩm của chị là những lời ru da diết, lãng mạn và trữ tình, đó là ý niệm muôn thuở của đại ngàn. Đâu đó là sự khó khăn, đâu đó là dấu ấn bản sắc văn hóa không thể lẫn, đâu đó là cõi tâm linh vĩnh cửu đầy nhân văn của thế giới vĩnh hằng.
Hồ Thị Xuân Thu – Vườn địa đàng
Tác phẩm của chị không cao siêu, không trừu tượng, không siêu thực, không ẩn dụ, người xem luôn dễ dàng cảm nhận những gợi mở xúc cảm, trăn trở của đại ngàn. Đại ngàn là lẽ sống, đại ngàn luôn che chở biết bao sinh linh đang tồn tại. Tầng văn hóa tâm linh của đại ngàn luôn là những điều bí ẩn mộng mị và hoang đường.
Nghệ thuật tạo hình của Hồ Thị Xuân Thu luôn là điểm đến cuối cùng của những vệt màu chín chắn và đầy đam mê cuồng nhiệt, chị là vậy, chị chính là những vệt màu mảnh khảnh, nhưng dữ dội, đầy cuồng vọng đam mê.
Nghệ thuật luôn chuyển động trong không gian đa chiều và biến ảo khôn lường để luôn tồn tại với thời gian và làm thăng hoa đời sống hiện thực. Và, tất nhiên, nghệ thuật đang rất cần những vệt màu cảm xúc ấy. Và, chính chị là những vệt màu đầy cảm xúc, cuồng tín, luôn sẵn sàng hy sinh vì nghệ thuật. Dẫu không còn trẻ nữa, nhưng những vệt màu đầy cảm xúc ấy vẫn cứ nỗ lực, bền bĩ loang dần ra, bồng bềnh, phiêu lãng giữa cuộc đời chứa đầy bản ngã cám dỗ, ảo vọng và tầm thường.
Họa sĩ Lê Hùng