Trong nghệ thuật biểu hình, hiện thực và siêu thực là hai ngôn ngữ thể hiện rất rõ cách nhìn về đời sống và thế giới nội tâm của mỗi họa sĩ. Triển lãm Vòng lặp khai mạc vào ngày 30/5 vừa qua tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội giới thiệu 68 tác phẩm hội họa và điêu khắc của 51 nghệ sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam với rất nhiều ngôn ngữ nghệ thuật. Nhưng có thể nói, thông qua hai ngôn ngữ hiện thực và siêu thực được thể hiện ở phần lớn các tác phẩm hội họa trong triển lãm, người xem có thể hình dung ra phần nào những con mắt nhìn đời sống và nghệ thuật của các tác giả trẻ ngày hôm nay.
Hiện thực của họa sĩ trẻ
Yếu tố hiện thực trong tác phẩm là các yếu tố mang hình ảnh của đời sống thực. Qua đó, người xem dễ dàng nhận ra những sự vật, hiện tượng quen thuộc cùng với những ý nghĩa cơ bản nhất của nó. Trong những tác phẩm mang ngôn ngữ hiện thực, việc lựa chọn đối tượng và cách thức tạo hình sẽ đem đến muôn vàn sắc thái biểu cảm từ đó cho ta thấy ý đồ nghệ thuật và hiện thực trong suy tưởng của họa sĩ. Một ấn tượng rõ nhất, ngôn ngữ hiện thực trong các tác phẩm của triển lãm này nổi bật với sự trong trẻo. Đó là những cảnh sinh hoạt buổi sớm của người dân ở đô thị, một góc phố vắng đầy nắng, bản làng bình yên, rừng cây, hay những tranh tĩnh vật. Đó là những tác phẩm miêu tả cuộc sống bằng một cái nhìn đơn giản đẹp đẽ.
Không gian triển lãm
Bên cạnh đó, một số tác phẩm đem đến những nỗi buồn man mác của đời sống như Sông Trắng của tác giả Trịnh Văn Quân hay Đợi của tác giả Âu Đình Kiên. Đợi miêu tả hình ảnh một cụ già đơn độc ngồi bên bờ ao nhìn xa xăm. Sắc xanh chủ đạo của nền cỏ nước cùng với bố cục trải dài và việc bố trí nhân vật ở một góc tranh đem đến cảm giác vô tận của sự chờ đợi. Bà già và con gà gợi lên nỗi buồn của cảnh nông thôn nhưng trong đó người xem chắc chắn sẽ hình dung ra sự đối lập của đô thị huyên náo. Nơi những thế hệ trẻ chen chúc dồn về, chỉ còn người già bám trụ với làng quê cũ.
Cuộc sống của người trẻ trong tác phẩm Về của tác giả Nguyễn Tuấn Dũng không biết vô tình hay hữu ý là một cảnh tượng hồi đáp cho tác phẩm Đợi. Chiếc xe đạp chở đầy đồ của một người trẻ. Chắc chắn họ đã đi khỏi quê hương và giờ trở về. Nhưng hành trang trở về chỉ là những vật dụng thô sơ của một đời sống tạm bợ, khó khăn. Sự nặng nhọc vẫn được miêu tả bằng ngôn ngữ hiện thực trong sáng với phông nền hồng và lối tả thực đơn giản không biến đổi, không cường điệu.
Cùng với lối diễn tả đó, tác phẩm Ngang phố của tác giả Nguyễn Đức Anh vẽ một góc phố đầy thùng rác. Cảnh tượng này không lạ đối với những góc phố ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, khi nó hiện diện trên mặt tranh, người ta được đứng ngắm nhìn chậm rãi, ở một bối cảnh không gian khác, thời gian khác để có thể nhận thức lại hình ảnh một đô thị đã quen thuộc. Có thể nói nội dung tác phẩm mang hơi hướng phản biện xã hội nhưng qua màu sắc tươi tắn, ngôn ngữ giản dị, tác phẩm vẫn phản ánh hiện thực một cách lạc quan.
Một tác phẩm ấn tượng trong lối tạo hình có tên: Tắm tráng của tác giả Vàng Hải Hưng. Tác phẩm lấy bối cảnh một vùng biển và nhân vật chính là một người đàn ông dân chài trong động tác tắm tráng đi lớp nước biển mặn trên làn da. Nhân vật chính với hai bàn tay đang xoa đầu che đi khuôn mặt tối om, xuất hiện đường đột ở tiền cảnh ngược sáng. Hậu cảnh mang hơi hướng siêu thực khi đường chân trời được uốn cong. Những vệt sáng bao quanh cơ thể nhân vật chính tạo nên sự tách biệt với toàn bộ khung hình, đem đến một ảo giác cho tác phẩm. Diễn tả một động tác bình dị đặc thù nhưng mọi yếu tố trong bức tranh đều đem đến cảm giác khác lạ và siêu thực, thể hiện một nhãn quan nghệ thuật đặc biệt của tác giả.
Ngôn ngữ siêu thực của Vòng Lặp
Sự thú vị của hội họa siêu thực là có thể kết hợp cả yếu tố thực và không thực, hoặc không có thực hoàn toàn, để tạo nên một tác phẩm. Việc xây dựng cả nội dung và hình thức một tác phẩm siêu thực liên quan nhiều hơn đến các yếu tố thuộc về cá nhân họa sĩ. Trong triển lãm này, có thể nói đối lập với ngôn ngữ hiện thực trong trẻo là những tác phẩm siêu thực đầy phức tạp và thách đố.
NGUYỄN BÁCH- Bướm ma
Tác phẩm Hồi sinh của Vũ Hồng Hải mang nhiều chi tiết về không gian và hình tượng siêu thực. Người đàn ông mang cánh bướm khổng lồ, trên chân của anh ta được mở một lỗ để kết nối với một con bướm trong ảo ảnh. Chiếc bút chì dựng trên đỉnh Kim tự tháp, cùng với tư thế ngồi của người đàn ông trên chiếc lá, cho cảm giác chông chênh, bay bổng không có thực. Sâu và bướm là hai trạng thái đối lập của một vòng đời và đại diện cho sự hồi sinh. Vậy đến đây người xem đã có thể đoán định được ý nghĩa lớn của tác phẩm. Xung quanh có rất nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng cần phải giải mã, chúng đại diện cho điều gì?
Một tác phẩm khác mang yếu tố siêu thực trong tạo hình không gian. Tác phẩm có tên: Bướm ma của Nguyễn Bách. Cánh bướm bay trong không gian giả lập với những chiếc ghế thực và ảo ảnh đổ nghiêng ngả. Tác phẩm với màu sắc pop và bối cảnh siêu thực cho cảm giác như ảo ảnh của một giấc mơ. Bức tường lưới rêu, những vệt đỏ như máu và ô cửa là nguồn sáng duy nhất đại diện cho tính chất thực soi rọi vào không gian hỗn loạn bên trong căn phòng. Tác phẩm thể hiện một trạng thái cảm xúc cá nhân mạnh mẽ hơn một câu chuyện. Ngược lại, phẩm Bên trong bên ngoài tác giả Nguyễn Anh Ba, dùng hình ảnh siêu thực để gợi ra câu chuyện cá nhân mà tác giả muốn truyền tải.
Bên cạnh đó, có những tác phẩm có ý tứ mượn chuyện đã có để diễn đạt lại theo một cách thức tạo hình và ý nghĩa mới. Đây là một cách tạo ra sự hồi đáp hay nối tiếp câu chuyện của quá khứ. Tác phẩm Chuyện tình Thủy thần của Phạm Anh gợi nhắc đến câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh từ tiêu đề cho đến nhân vật nữ, hình ảnh núi thuyền trong tranh. Hay Chuyện mèo chuột của Nguyễn Anh Ba đem những hoạt cảnh Đám cưới chuột trong tranh dân gian Đông Hồ vào tác phẩm. Vậy, có hay không câu chuyện đương đại của họa sĩ khi mượn những hình ảnh quá khứ? Và ý nghĩa thông điệp của tác phẩm là gì, mời bạn đọc cùng khám phá tiếp.
Triển lãm Vòng lặp với ý nghĩa: “Cuộc đời là một hành trình trải nghiệm, với các thế hệ là sự lặp lại của bắt đầu, nối tiếp- kết thúc rồi lại bắt đầu. Với mỗi cá nhân là sự lặp lại của từng khoảnh khắc trong cả chuỗi ngày dài…Chính trong chuỗi ngày lặp lại ấy con người ta càng sống, càng trải nghiệm, càng khác biệt nhưng cũng lại càng dễ thấu hiểu, đồng cảm…”. Với hai ngôn ngữ hiện thực và siêu thực được phân tích ở trên, cảm giác thế mạnh của các họa sĩ trẻ vẫn ở hiện thực. Các tác phẩm hiện thực trong triển lãm toát lên cảm xúc treo trẻo, chân thật và gần gũi với cuộc sống của những người trẻ. Chắc rằng, hiện thực trong nghệ thuật của họ sẽ biến đổi theo trải nghiệm và sự trưởng thành trong tư duy nghệ thuật. Khi đó, những tác phẩm dù là hiện thực cũng sẽ đa dạng, phản chiếu nhiều mặt của hiện tượng cuộc sống một cách mãnh liệt hơn. Bên cạnh đó, những tác phẩm siêu thực trong triển lãm cho cảm giác về một thế giới bắt đầu xáo động của các họa sĩ trẻ. Đối diện với những câu chuyện cũ, các tác phẩm đang khám phá những nền tảng văn hóa xã hội trong môi trường hoàn cảnh của cá nhân. Hội họa siêu thực đòi hỏi người nghệ sĩ rất nhiều trong lao động nghệ thuật và suy tư, để tạo ra những huyễn tưởng cá nhân có giá trị dội ngược lại cộng đồng.
Huyền Thu Trần