TRANH XUÂN TRÊN GỐM SỨ CỔ

 

Xuân – Tết tạo nên một cảm xúc rất đặc biệt đối với mỗi người, nó được xem như thời khắc khởi nguồn cho những điềm lành, những gì thanh cao, trong sáng nhất. Vì thế, người xưa thường dùng mỹ từ “Thưởng Xuân”, “Thưởng Tết” là vậy. Xuân và Tết là mạch nguồn cảm xúc bất tận cho các “tao nhân, mặc khách” thể hiện cái hay, cái đẹp của khung cảnh đầy chất thơ mỗi độ “Đông phong” thổi tới. Đề tài Xuân – Tết là đề tài thú vị đối với nghệ sĩ; bởi vì cảnh xuân, cảnh Tết dễ làm nảy sinh mỹ cảm cho những tâm hồn vốn hay mẫn cảm trước cái đẹp. Rất khó có thể kể, đếm hết được các tác phẩm văn, thơ cũng như các tác phẩm hội họa đề cập tới chủ đề “Xuân – Tết” mà chúng ta chỉ biết số lượng của chúng là rất nhiều. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả không có ý định liệt kê các tác phẩm có chủ đề Xuân và Tết, hoặc viết về cảm xúc mùa xuân, cảm xúc về ngày Tết. Mà qua đây, tác giả mong muốn đề cập đến một cái nhìn rất riêng của người xưa về Xuân – Tết thông qua một số tác phẩm tranh xuân trên đồ gốm, sứ cổ để chúng ta cùng hoài niệm về một thời đã qua.

Hoài cổ là cảm xúc tiếc, nhớ về những gì xưa cũ; cảm xúc thể hiện sự rung động trong tâm hồn về cái hay, cái đẹp của một thời đã qua. Một trong những cái hay, cái đẹp có thể kể đến, như: thú chơi hoa, thú uống trà, thú chơi chữ và không thể thiếu được thú sưu tập đồ gốm, sứ cổ… Các thú chơi tao nhã này càng được coi trọng hơn trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

 

 

Nói chung khi nhắc đến xuân và Tết trong thi, họa thì hình ảnh đặc trưng nhất và khó có thể thiếu là hình ảnh hoa mai, hoa đào. Và ngay cả trên gốm, sứ cổ cũng vậy, khi thể hiện cảnh xuân thì hình ảnh đào, mai cũng xuất hiện biểu trưng cho nàng xuân đã trở về. Tuy nhiên, khi đặc tả ở mỗi vật dụng khác nhau, ngoài gợi cho ta về cùng một chủ đề Xuân – Tết thì chúng còn gợi cho ta thấy được đâu đó một cảm xúc, một khung cảnh mùa xuân rất riêng mà tác giả muốn gửi gắm.

Trên một chiếc nhất thống bình Bát Tràng thế kỷ XIX cao 26cm có vẽ một cội mai bên tảng đá (thạch – mai), hoặc chim và hoa mai (điểu – mai) có những nhành hoa đang mãn khai thể hiện bằng lối công bút theo phong cách tranh thủy mặc, cội mai được thể hiện tỉ mỉ, chi tiết, kiểu vẽ này rất ít khi thấy trên đồ gốm cổ Bát Tràng. Thông thường trên đồ gốm cổ Bát Tràng những hình ảnh trang trí được nghệ nhân xưa dùng chủ yếu bằng lối dương bản – đắp nổi (phù điêu), hoặc lối âm bản – khắc chìm bằng vật cứng dưới xương gốm; hoặc vẽ tam thái, ngũ thái, vẽ xanh trắng trên đồ màu đắp nổi tam thái, ngũ thái. Cách vẽ theo lối thủy mặc đã thể hiện được cốt cách của mai và sắc xuân tràn đầy trên bình gốm này. Mặt sau bình gốm đề vịnh câu thơ nói lên vẻ cao khiết của hoa mai:

Sơn đầu phô bạch ngọc

                     Lĩnh thượng trướng hoàng kim                 

(Đầu núi phơi ngọc trắng

Đỉnh non trương vàng dòng)

Hình ảnh và câu thơ này làm chúng ta chợt nhớ đến câu thơ của tác giả Tống Chi Vấn trong bài thơ “Đề Đại Dữu lĩnh bắc dịch” nói về cảnh xuân:

Minh triêu vọng hương xứ,

Ưng kiến lũng đầu mai.         

(Sớm xuân nhìn về quê hương

Bỗng thấy nhành mai trên đỉnh núi)

 

 

 

Hình ảnh mai cũng xuất hiện trên một đĩa trà rộng 17,5cm, niên đại thế kỷ XIX nhưng với một vẻ khác, mai và hạc; cây mai và chim hạc được thể hiện rất phóng khoáng trong một không gian mở, màu xanh cô-ban đã được họa sĩ vận dụng tối đa sự đậm, nhạt để tả sáng – tối, viễn – cận rất điêu luyện làm cho vật được tả trở nên sinh động, tự nhiên. Bên cạnh đó còn đề hai câu thơ chữ Nôm, hai câu thơ này tương truyền do Đại thi hào Nguyễn Du viết(*):

Nghêu ngao vui thứ yên hà,

Mai là bạn cũ hạc là người quen.

Hình ảnh cảnh cũ, người quen khi nói đến tiết xuân bằng cách khắc họa hoa đào rất độc đáo như này sẽ khiến những người yêu thơ Đường nghĩ ngay đến bài thơ “Đề đô thành nam trang” của Thôi Hộ được tác giả Trần Trọng Kim dịch:

Hôm nay năm ngoái, cửa cài,

Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.

Mặt người chẳng biết đâu rồi,

Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.

Hình ảnh so sánh cảnh vật như người, sắc hoa tựa mỹ nhân còn xuất hiện trên một chiếc bát tô rộng 18,5cm niên đại thế kỷ XVIII có hiệu đề “Bác cổ” cũng vẽ một gốc mai già đang nở hoa gợi nhớ đến hình ảnh “Lão mai sinh quý tử”. Nếu trên đĩa trà mai – hạc vẽ cành mai thiên về ý bút nhiều thì trên chiếc bát tô này đã thể hiện lối công bút rõ nét hơn. Mặt sau đề vịnh mấy câu thơ:

Sổ tú phương tư thậm khả nhân

Hà cường tao khách tuyết trung tầm?

Cao miên tiêu thạch kiên băng tháo

Bất dữ trần phân bán điểm xâm

(Kiều diễm dáng hoa thực giống người,

Tuyết lạnh ẩn nét đẹp khôn nguôi?

Trên cao đổ xuống vầng đá cứng,

Bụi trần một mảnh chẳng lụy vương)

 

 

Cách thể hiện cảnh xuân qua hoa mai, hoa đào được sử dụng rất nhiều, tuy nhiên trên mỗi vật dụng nghệ nhân lại thể hiện bằng những bút pháp khác nhau. Trên đồ “văn phòng tứ bảo” khi thể hiện hoa mai các nghệ nhân thường dùng lối công bút, dùng đậm màu cô-ban (tràm tệt) để tạo độ rung và diễn tả được cái thần, cái cốt cách và hương lành của hoa mai. Điển hình có thể thấy trên ống bút cao 23,5cm có năm tầng hoa văn gồm khắc và vẽ, niên đại thế kỷ XVIII thì gốc mai được thể hiện bằng sắc độ xanh cô-ban hòa sắc cùng với màu trắng cốt sứ đã tạo ra hiệu ứng rất ấn tượng. Bên cạnh thể hiện sắc xuân, nghệ nhân xưa còn đưa thêm đề án mang tính cát tường vào ống bút này qua hình vẽ chim sẻ (tước) và con ong (phong) tạo nên đề án (phong tước hoặc tước phong). Kết hợp cùng hình ảnh mặt trời làm cho bức họa mang thêm một hàm nghĩa khác nữa “Xuân nhật tước phong” (Ngày xuân được phong tước). Cùng với cách thể hiện tràm tệt tạo hiệu ứng phủ dày men không để khoảng âm nét (khoảng trống) mà dùng màu sắc đậm nhạt để thể hiện viễn – cận thì ngoài ống bút này còn một nghiên mực (mặc bồn) niên đại thế kỷ XVIII, đường kính 11,5cm cũng dùng lối này.

Tuy nhiên, nếu nói về lối công bút thì hình ảnh gốc mai già với những bông hoa được thể hiện, tỉa tót kỹ lưỡng phải kể đến gốc mai thể hiện cảnh xuân trên một quả điếu niên đại thế kỷ XVIII có dáng thắt cổ bồng. Ở đây, họa gia đã sử dụng lối vẽ một nét không tô lại, tạo ra những bông hoa mảnh mai nhưng đầy sức sống và tràn trề sắc xuân.

Ngoài hoa mai, hoa đào thì hoa lan cũng được coi như biểu tượng của mùa xuân. Vì thế trong bài “Tạp thi kỳ I” Nguyễn Du đã viết: “Xuân lan thu cúc thành hư sự. Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên” (Xuân lan thu cúc thành chuyện hão; Đông rét hè oi cướp tuổi xanh). Khi nhắc đến hoa của mùa xuân thì hoa lan cũng rất được coi trọng. Trên một chiếc bát đường kính 18,5cm, niên đại thế kỷ XVIII vẽ hai cụm lan mãn khai thể hiện vẻ đẹp của mùa xuân và mùa thu, cũng như thể hiện vẻ đẹp cao khiết của con người. Lấy hình ảnh lan, cúc ví von vẻ đẹp con người, Nguyễn Du khi tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều đã viết: “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa, Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai”. Hai cụm lan trên bát được vẽ đăng đối, dùng sắc độ đậm nhạt của màu xanh cô-ban thể hiện dáng hoa bằng lối công bút, tỉa từng tiểu tiết bằng nét bút tinh nhọn kết hợp cùng tả ý một cách linh hoạt, sinh động gây mỹ cảm khoáng đạt, ấn tượng.

 

Cảnh xuân với quan niệm của người xưa, bên cạnh hoa mai, hoa lan ra thì cánh én cũng không thể thiếu trong tiết trời này. Trên một đĩa trà đường kính 17,5cm, niên đại thế kỷ XVIII đã vẽ lại cảnh xuân với đôi chim én chao liệng bên sông cạnh bờ liễu. Hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ đến bài thơ “Xuân nhật ngẫu tác” (Ngẫu hứng làm ngày xuân) của tác giả Vũ Nguyên Hành thời Đường với câu thơ: “Phi hoa tịch tịch yến song song” (Hoa lặng lẽ bay, chim én lượn song song bên nhau). Ngoài hình họa trên đĩa còn thể hiện câu thơ:

Cánh nhẹ cõng gió múa

Chân nặng gánh mưa nghiêng

Ở bức tranh này, họa sĩ đã không sao chép cảnh vật như nó vốn có mà thể hiện tâm trạng, tình cảm của mình từ trong tiềm thức làm cho người xem có cảm giác vừa thấy xa lạ nhưng cũng rất đỗi quen thuộc. Bằng nét bút sinh động, khí vận của đường nét phóng khoáng, người nghệ sỹ đã gửi gắm vào trong đó tâm trạng của mình trước thời cuộc. Cảnh xuân trên đĩa lúc này cũng chính là tâm hồn, tâm trạng, tình cảm của người họa sĩ trước xuân sắc.

Ngoài cảnh xuân qua khung cảnh thiên nhiên thì cảnh xuân qua sinh hoạt của con người thể hiện không khí Tết cũng được đề cập đến. Trên một nghiên mực (mặc bồn) niên đại thế kỷ XVI, kích thước 15cm có hiệu đề (Xán Giang chế tạo) vẽ cảnh ba tiểu tử đang đốt pháo trông rất sinh động. Hình ảnh ngộ nghĩnh này đã thể hiện tinh thần xuân Tết rất mạnh mẽ và đặc sắc chỉ trong một màu mực. Ba đứa trẻ được thể hiện với vẻ thơ ngây, ngộ nghĩnh khi đốt pháo, chúng như vừa phấn khởi, vừa có chút e sợ; vừa háo hức, vừa có sự băn khoăn; vừa muốn lao lại gần, vừa có ý chuẩn bị tránh ra xa,… Hình ảnh này đã lột tả đến tận cùng tâm trạng của một đứa bé khi đốt pháo. Bên cạnh đó, tác giả cũng phác họa được một phần sinh hoạt không thể thiếu của người xưa trong khung cảnh Tết xưa.

Tranh xuân trên gốm sứ rất nhiều và hầu như tất cả đều bị ảnh hưởng bởi lối tranh thủy mặc của Trung Quốc xưa. Vì thế khi đánh giá về tranh thủy mặc đã có người từng nhận xét: “Xem tranh thủy mặc, tranh thư pháp đời Đường, đời Tống, đời Minh, ta có cảm giác như đang được thưởng thức một bài thơ cổ từ quá khứ xa xưa vọng lại lẫn trong tiếng lục huyền cầm trầm đục rung vào hư không. Ta cứ bâng khuâng mãi với cảm giác đó do từ cái vẻ đẹp thanh tao, thoáng đãng, mơ màng, huyền ảo và đầy thi hứng trong tranh”. Nhận xét đó phần nào đã lột tả được tinh thần của các bức họa trên đồ, gốm sứ cổ diễn tả cảnh xuân, Tết mà chúng tôi vừa nói ở trên.

Nhã Khai 

(*) Bùi Thế Mỹ in trong tập san của Hội Khuyến học Nam Kỳ vào năm 1943: “Tương truyền lúc Nguyễn Du đi xứ sang Tàu, có đến thăm một lò chế tác đồ sứ, gặp dịp người ta đang làm một bộ đồ trà, vẽ kiểu Mai hạc. Chủ lò nhã ý mời quan chánh sứ An Nam phẩm đề một đôi câu thơ lên món đồ. Nguyễn Du đã dùng chữ Nôm của nước nhà mà đề rằng: “Nghêu ngao vui thứ yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người quen”.

 

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Có thể bạn quan tâm

TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN CÙNG NHÀ GIÁO – NHÀ SƯU TẬP NGUYỄN BÁ ĐẠM: NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ, HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ ?

  “Người muôn năm cũ” ở đây mà tôi muốn nhắc đến chính  là cụ Nguyễn Bá Đạm – nhà giáo – nhà sưu tập tranh, được mọi người mặc nhiên coi là người bạn tri kỷ nhất của...

Phát hành bộ tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(ĐCSVN) – Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát hành bộ tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Phát hành bộ tranh cổ...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực II Đồng bằng Sông Hồng lần thứ 26 năm 2021

 ...

HỌA SĨ TÔN ĐỨC LƯỢNG – LÀM GÌ, SÁNG TÁC TRƯỚC HẾT PHẢI XUẤT PHÁT TỪ LÒNG NHÂN ÁI, TỰ TRỌNG

  Họa sĩ Tôn  Đức Lượng sinh năm 1925 ở làng Đại Tráng, Bắc Ninh trong một gia đình viên chức. Ông là một trong 15 sinh viên khóa XVIII (1944-1945), khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật...

NHỮNG NGHỆ SĨ HIỆN ĐẠI VÀ ĐƯƠNG ĐẠI CÓ ẢNH HƯỞNG NHẤT NĂM 2019

Phần II 11. MICKALENE THOMAS Nghệ sĩ sinh năm 1971 ở Camden, New Jersey. Sống và làm việc ở New York. Mickalene Thomas là một nghệ sĩ thị giác người Mỹ gốc Phi đương đại nổi tiếng, cô được biết đến...