CHÚT HƯƠNG SEN Ở VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

 

Nói đến hoa sen, ai ai trong chúng ta cũng nghĩ đến cảnh chùa. Hoa sen là loài hoa thiêng liêng trong Phật giáo. Nhưng ít ai ngờ rằng, đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ta lại bắt gặp hoa sen ở đây, với rất nhiều sắc thái, cung bậc. Không chỉ là những bông sen trong hồ sen, trong chậu cảnh, trong những chiếc đèn treo thấp thoáng trong di tích, hoa sen được trang trí trên bia đề danh Tiến sĩ, trên một số hạng mục kiến trúc. Đồ án hoa sen thâm trầm trên đá và rực rỡ trong sắc vàng son lộng lẫy.

Hoa sen và Nho giáo Việt Nam

Văn Miếu – Quốc Tử Giám, vốn là không gian tưởng như thuần khiết Nho giáo. Nhưng lịch sử tư tưởng của trí thức Đại Việt thời Trung đại luôn có sự đan xen của Nho-Phật-Lão. Bản thân không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám thấy rất rõ sự đan xen này. Đi qua Văn Miếu Môn, cổng tam xuyên như thường thấy ở các ngôi chùa, ngôi đền của người Việt vẫn được quen gọi là cổng tam quan. Ngay bên trong Văn Miếu Môn có cây bồ đề thuộc loại lớn nhất Hà Nội hiện nay. Văn Miếu có ba cây bồ đề, cây ngay bên trái Văn miếu môn có gốc to và tán rộng nhất. Ngay dưới bóng bồ đề cổ thụ là ao sen nhỏ, cứ mỗi độ Hạ về từ dưới bùn, những bông sen hồng rực rỡ vươn cao.

Y môn dưới bức hoành phi “Vạn thế sư biểu”

Đồ án hoa sen đã xuất hiện phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo châu Á. Từ thời Bắc thuộc, đồ án hoa sen đã sớm có mặt  và phát triển nở rộ trong nghệ thuật trang trí nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… Ngay từ tấm bia Tiến sĩ đầu tiên thời Lê Sơ,  hoa sen xuất hiện cho tới tấm bia Tiến sĩ cuối cùng ở Văn Miếu khoa thi Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 (1779). Sự phát triển của đồ án thực vật có liên quan tới Phật giáo đã dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng truyền thống mỹ học Á Đông. Mỹ học của người Việt cũng biến chuyển sau khi tiếp nhận Phật giáo. Nếu như những đồ án từ thời Đông Sơn, chủ thể chính vẫn là hình các loài cầm thú và hình kỷ hà. Cho tới thời Lý, Trần trên các mảng chạm khắc, đồ gốm, trang trí kiến trúc chúng ta thấy cơ man là cỏ cây hoa lá. Nỗ lực thâm nhập, dung hòa, tiếp biến của Phật giáo đã đưa hoa sen vào cùng với hoa mẫu đơn (Nho giáo) và hoa cúc (Lão giáo) như một thông điệp của tam giáo tịnh hành.

Chu Đôn Di (1017 – 1073) là một danh Nho thời Tống. Ông là nhà Nho đầu tiên tỏ lòng yêu hoa sen và ca ngợi phẩm cách của hoa sen trong bài Ái liên thuyết. Ông viết: “Hoa các cây cỏ mọc ở dưới nước, ở trên cạn, các giống đáng ưa thích thì thật nhiều. Đào Uyên Minh thời Tấn chỉ thích cúc. Từ thời Đường tới nay người đời rất thích mẫu đơn. Tôi chỉ thích sen mọc ở trong bùn, mà không vấy bùn. Tuy ngã trên nước trong, gợn nước lăn tăn mà không có dáng nũng nịu, ẻo lả. Thân cây giữa thông suốt mà đứng sừng sững, không rậm cành rậm lá. Hương càng xa càng mát. Thẳng thắn uy nghi, đứng xa thưởng ngoạn chứ không đứng gần được. Tôi cho cúc là hoa ẩn dật, mẫu đơn là hoa phú quý, sen là hoa quân tử. Mới hay yêu cúc, sau ông Đào, không thấy nói đến tên ai. Cùng với tôi yêu sen thì có ai. Mẫu đơn thì ai cũng yêu.” (Trần Đình Sử dịch).

Hoa sen trên bia tiến sĩ

 

Sau Chu Đôn Di, có lẽ chỉ có Lục Du (đời Tống) cũng đem lòng yêu hoa sen chăng? Ở Trung Hoa, Lục Du là nhà thơ đầu tiên kể lại giấc mộng liên hoa kỳ lạ của mình khi đã 78 tuổi. Hoa sen trong văn hóa Trung Hoa cũng rất sâu sắc và phong phú, nhưng phần nào phổ biến hơn trong văn hóa dân gian. Trong mỹ thuật cung đình ở Trung Quốc, hoa sen không thể bì được với hoa mẫu đơn, hoa cúc và hoa mai, hoa lan.

Sách “Luận ngữ” viết: “Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” “Mỗi năm đến mùa đông lạnh, chừng hết mùa đông, lần lượt lá nó mới rụng (các loài thảo mộc đều khô héo, rụng lá; chỉ có cây tùng cây bá vẫn tươi xanh và còn đủ cành lá mà thôi). Cây tùng, cây bách là loài cây được Khổng Tử và Nho giáo ca ngợi. Khổng Tử sinh thời không bao giờ nhắc tới hoa sen, dù rằng chắc chắn ông đã từng nhìn thấy nó. Chu Đôn Di và Lục Du đều là những môn sinh hiếm hoi chốn cửa Khổng sân Trình đem lòng yêu hoa sen. Nhưng ở Việt Nam, hoa sen đã thực sự là loài hoa của bậc quân tử, của giới Nho sĩ. Nguyễn Trãi có bài thơ “Hoa sen”:

“Lầm nhơ chẳng bén, tốt hòa thanh.

Quân tử kham khuôn được thửa danh.

Gió đưa hương đêm nguyệt tĩnh.

Trinh làm của, có ai tranh.”

Vua Lê Thánh Tông – bậc minh quân Nho giáo, ông hoàng thơ Nôm cũng có tới hai bài thơ về hoa sen.

Sen trên bia Đề danh Tiến sĩ

Ở khu vườn bia Tiến sĩ hiện còn 82 tấm bia, trải qua các thời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng. Thời Lê Sơ, đồ án hoa sen trên bia Tiến sĩ chủ yếu mang tính tượng trưng được cách điệu và ước lệ hóa. Hoa sen xuất hiện ngay ở những tấm bia đầu tiên thời vua Lê Thánh Tông. Xuất hiện dưới hình thức sen dây, hoa sen làm thành phần họa tiết chính của diềm bia. Đây là loại hoa sen Tây Phồn – thuật ngữ chỉ loại hoa văn sen dây phát tích từ Tây Vực, nay là vùng Tân Cương. Hoa sen Tây Phồn xuất hiện rất nhiều trong các trang trí động Phật ở Quy Tử (Tân Cương), Đôn Hoàng (Thiểm Tây).

Búp sen đá và logo Đại học Hà Nội

 

Hoa sen đá

Trong lần dựng 25 tấm bia năm 1653, xuất hiện những tấm bia Tiến sĩ có đồ án liên hoa bảo tòa (bệ hoa sen) như thường thấy ở các bệ tượng Phật xuất hiện ở chân bia. Đó là các tấm bia loại II như bia số 16 (năm 1556), bia số 17 (1577), bia số 19 (1583), bia số 22 (1595), bia số 23 (1598), bia số 25 (1604), bia số 27 (1607), bia số 28 (1613), bia số 32, bia số 33 (1628), bia số 34 (1637), bia số 35 (1640), bia số 39 (1652). Tất cả các bia này gồm nhiều khoa thi nhưng được làm trong một đợt, dựng năm 1653 thời chúa Trịnh Tráng. Hoa sen với hình thức liên hoa bảo tòa có những hình hoa văn vân mây trong cánh hoa. Sự kết hợp giữa sen và mây mang đến một mỹ cảm kỳ bí, thiêng  liêng.

Đồ án hoa bảo tiên, bảo tướng hoa như tên gọi cho ta hình dung đây là loài hoa quý tổ hợp nhiều dạng thức cao quý của các loài hoa khác, mà cụ thể là hoa sen, hoa mẫu đơn và hoa cúc. Bảo tướng hoa hay còn có một số tên gọi khác như hoa Bảo tiên, hoa Bảo hoa. Cuốn sách Mẫu hoa văn dân gian biểu thị những điều tốt lành do Hoài Phương sưu tầm – NXB Văn hóa Thông tin – 2004, dịch là hoa Bảo tiên. Hoa Bảo tiên lấy hoa sen, hoa mẫu đơn và hoa cúc làm chủ thể, thân của cây kim ngân, lá của cây cúc. Cách thức cấu tạo này khiến bông hoa trở nên đẹp một cách kỳ ảo. Lịch sử của sự phát triển đồ án này liên quan đến quá trình Phật giáo thâm nhập vào Trung Hoa. Những chứng tích khảo cổ cho thấy đồ án này bắt đầu thịnh hành ở Trung Quốc từ thời Ngụy Tấn, Nam Bắc triều. Sang tới thời Đường, đồ án này phát triển đến giai đoạn cực thịnh. Người ta thấy nó trên các đồ tế khí, ngự dụng với đa dạng các chất liệu từ vải vóc, kim khí hay sành sứ. Ở Việt Nam, đồ án bảo tướng hoa phát triển mạnh thời Lý – Trần, không chỉ trong chùa chiền mà cả chốn cung đình. Hoa bảo tiên ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Long Đọi (Hà Nam) thời Lý, ở tháp chùa Phổ Minh – thời Trần là những đồ án xuất sắc nhất về nghệ thuật. Sang tới thời Lê, dù cho Nho giáo chiếm vai trò chủ đạo (có lẽ chỉ trên phương diện chính trị), đồ án hoa bảo tiên vẫn phát triển mạnh mẽ. Trên bậc điện Kính Thiên (Hà Nội) hoa bảo tiên được chạm khắc vô cùng tinh tế.

 

Cò và sen

 

Ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời Lê – Mạc, hoa bảo tiên được trông thấy nhiều nhất trong các dạng đồ án thực vật. Ở Văn Miếu, hoa bảo tiên lấy hoa sen làm chủ đạo, là bảo tướng liên hoa – cho nên nhiều người vẫn coi đây là sen hóa. Hoa sen trên bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám chủ yếu ở dạng hoa dây nhưng trên tấm bia khoa thi niên hiệu Quang Hưng thứ 12 (1589), sen hiện ra trong khung cảnh nên thơ của một đầm sen có cả vịt lẫn cò đang bơi lội. Về mảng đồ án này, nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi viết: “Nghệ nhân đã thể hiện suốt cả diềm chân bia này thành một bức tranh  hoàn chỉnh rất thú vị. Trên một mặt nước cuộn sóng không bến bờ này, thỉnh thoảng lại nhô lên một khóm sen. Xen kẽ vào giữa là những con cò con vạc đang kiếm ăn. Có con cò mỏ dài, chân đang dơ lên dáng điệu đuổi bắt mồi, có con đang thong thả dạo bước đầu nghênh nghênh có vẻ tìm kiếm. Ở góc bên kia, một chú vịt nằm tắm mình trong nước, đầu quay lại rỉa lông, tỏ vẻ khoái trá. Đây là một khung cảnh đẹp và có màu sắc dân tộc thường thấy trong cuộc sống hàng ngày, trên các làng mạc đồng ruộng của đất nước Việt Nam” [Viện Mỹ thuật (1992), Nghiên cứu Mỹ thuật,  Hà Nội, tr.156]. Trong phép tạo hình dân gian, người xưa đặc biệt hay dùng lối hài thanh ngụ ý, một kiểu chơi chữ vòng vo. Đồ án Lộ lộ liên khoa có hình ảnh cò lội giữa đầm sen. Chữ lộ nghĩa là cò âm giống như chữ lộ nghĩa là đường đi, là lộ trình. Chữ hoa sen (liên hoa) có âm khá giống với chữ liên khoa. Vậy nên để thể hiện mong ước con đường công danh khoa bảng được trôi chảy, người ta vẽ những con cò trong đám sen. Ngay cả “hình ảnh một chú vịt nằm tắm mình trong nước, đầu quay lại rỉa lông, tỏ vẻ khoái trá” (chữ của Nguyễn Du Chi) giữa đám sen cũng không hoàn toàn chân phương mộc mạc mà ẩn trong đấy là mong ước đỗ đạt ngôi cao của người xưa. Hình ảnh con vịt trong khóm sen là đồ án có tên gọi Liên đăng nhất giáp(1). Trong khoa cử ngày xưa, đỗ ngôi đầu – nhất giáp là Trạng Nguyên, ngôi thứ hai là Bảng nhãn, ngôi thứ ba là Thám hoa. Trong tiếng Hán âm đọc lên của chữ nhất giáp với một con vịt (nhất áp) na ná như nhau. Và như thế, có thể nói rằng hoa sen trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chạm khắc với nhiều cung bậc cảm xúc, đa dạng hình thái, giàu tính biểu tượng, cứ hư hư thực thực, biến ảo khôn lường…

Sen trên trang trí kiến trúc

Nho giáo không liên quan gì tới hoa sen, nhưng không rõ vì sao, ngay dưới bức hoành phi Vạn Thế Sư Biểu ca ngợi Khổng Tử là bức y môn sơn son thếp vàng với 27 đóa sen. Đây là bức y môn mang phong cách thời Nguyễn. Nhưng thật lạ kỳ, với những bông sen chia thành ba hàng xếp thành ba tầng đậm nét kiểu thức Phật giáo.

Bảo tướng hoa trên bia tiến sĩ Khoa thi năm 1646

Nhưng có lẽ lạ kỳ nhất là búp sen hóa mây trên hai cột đá hình bút lông dựng bên tòa Đại Bái được phụng khắc mùa xuân năm Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 21 (1760). Ở Hà Nội, cùng với Tháp bút bên đền Ngọc Sơn được Nguyễn Văn Siêu làm năm 1865, cặp bút lông đá ở Văn Miếu đều thể hiện cốt cách và khí phách kẻ sĩ Bắc Hà. Thân bút có dòng chữ Nho. Bên phải ghi Canh Thìn Quý Xuân, bên trái ghi Phụng mệnh kính lập. Mấy hàng chữ này được đặt trong một diềm mây mà phần dưới là hình hoa sen kết kiểu liên hoa bảo tòa như từng thấy trên loạt bia lập năm 1653. Kết thúc của diềm mây là hình đôi chim phượng hoàng. Lạ nhất là phần ngọn bút giống như một búp sen, có hình mây cuộn trong từng cánh sen. Ngắm nhìn hồi lâu, bất giác ta không rõ ý cổ nhân là muốn tả ngọn bút lông, tả mây hay tả sen, chắc là cả ba. Thật thanh thoát, phiêu lãng. Hình tượng này ngầm chứa những thông điệp triết lý sâu sắc của văn hóa Việt. Chính vì ý nghĩa này, Trường Đại học Hà Nội đã sử dụng ngọn bút – sen – mây này thành biểu tượng chính thức của trường. Nếu có thể chọn một hình tượng thể hiện đầy đủ nhất triết lý Nho- Phật – Lão tịnh hành (chữ của Hoàng Xuân Hãn), tôi nghĩ tới bút – sen – mây này.

Trong bài viết sơ lược này, người viết muốn được góp thêm đôi lời về hình tượng hoa sen trong đời sống mỹ thuật nước nhà. Sự xuất hiện của hoa sen nơi cửa Khổng sân Trình cho thấy phần nào sự lan tỏa của đồ án này trong không gian Nho giáo. Sự đa dạng, phong phú và những sáng tạo khôn lường ấy minh chứng cho tài năng của cha ông ta. Trước đây, trong bài viết “Thăm thánh cung bảo tòa ngắm đóa sen nở bên Thánh tâm, Thánh giá” (Tạp chí Mỹ thuật & Nhiếp ảnh, số 06/2013), tôi đã viết về ấn tượng sâu sắc trước hình ảnh hoa sen bên trái tim rỏ máu của đức Chúa Kitô. Hoa sen là một biểu tượng đẹp trong văn hóa Việt, cho thấy khả năng tiếp biến văn hóa của ông cha ta. Ngày Xuân bên chén trà sen, lan man bàn chuyện về một loài hoa thủy chung gắn bó với người Hà Nội, với dân tộc Việt Nam trong suốt trường kỳ lịch sử.

Trần Hậu Yên Thế

Chú thích

  1. Trong cuốn Điêu khắc kiến trúc dân gian phương Bắc của Feng Mouhong (Mỹ thuật nhân dân xuất bản xã, 2008-TQ) cũng có cách kiến giải tương tự.

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Có thể bạn quan tâm

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

CÂU CHUYỆN CHÉP TRANH NHÁI PHONG CÁCH

  Thực trạng Nhiều năm gần đây chuyện chép tranh, nhái phong cách xảy ra hơi nhiều vì thị trường tranh nhái cũng có cửa đi. Tranh nhái thường bán rẻ vì người vẽ chỉ nhằm kiếm tiền cho nhanh....

NHỮNG THẢM HỌA PHÁ HOẠI TRANH Ở BẢO TÀNG

  1. Ngày 14 tháng 1 năm 1911, kiệt tác “Đi tuần đêm” của danh họa Rembrandt tại Bảo tàng Amsterdam đã bị một thợ đóng giày thất nghiệp đồng thời là cựu đầu bếp của Hải quân rạch bằng...

NỀN MỸ THUẬT CHÍNH TRỊ

  Người ta thường thấy những hình tượng dành cho mục đích chính trị được sử dụng trên khắp thế giới. Điển hình những bức tranh khảm thời kỳ Byzantine thuộc thế kỷ thứ 6 mô tả các...

NHỮNG LÁT CẮT, NHỮNG CÂU HỎI VÀ NHỮNG GẠCH NỐI

  Triễn lãm cá nhân Chân dung nệm của Hoàng Thanh Vĩnh Phong khai mạc lúc 17h ngày 2/12, kéo dài đến hết ngày 17/12/2020 tại Vicas Art Studio (32 Hào Nam, Hà Nội). Xem Chân dung nệm ta thấy đây đó là sự...